backup og meta

Bệnh ung thư gan có lây không? Hiểu rõ để không xa lánh bệnh nhân

Bệnh ung thư gan có lây không? Hiểu rõ để không xa lánh bệnh nhân

Ung thư gan là một căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng và là một trong những loại ung thư phát triển nhanh nhất. Trong quá trình điều trị, cả bệnh nhân và người thân đều lo lắng không biết ung thư gan có lây không và làm sao để phòng ngừa bệnh? Mời bạn cùng Hello Bacsi đi tìm lời giải đáp trong bài viết ngay sau đây nhé!

Nguyên nhân gây ung thư gan

Trước khi đi tìm lời giải đáp cho vấn đề ung thư gan có lây không thì chúng ta cần hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh. Ung thư gan là tình trạng có khối u ác tính bắt đầu phát triển trong các tế bào của gan. 

Ung thư gan xảy ra khi các tế bào gan bình thường bị đột biến trong ADN của chúng. ADN mang các gen quy định sự phát triển, nhân lên và chết đi của tế bào. Khi ADN bị thay đổi, các tế bào có thể phát triển và nhân lên ngoài tầm kiểm soát, hoặc sống lâu hơn vòng đời của nó. Cuối cùng, khối u ác tính hình thành, được gọi là ung thư gan nguyên phát.

Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy tình trạng xơ gan và viêm gan mãn tính, chẳng hạn như virus viêm gan B (HBV) và virus viêm gan C (HCV) có thể dẫn đến ung thư gan. Các tình trạng này làm tổn thương tế bào gan và biến tế bào gan khỏe mạnh thành tế bào ung thư. Sử dụng đồ uống có cồn cũng làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư gan.

Vậy, ung thư gan có lây không?

Bệnh ung thư gan có lây không?

Ung thư gan có lây không thì câu trả lời là KHÔNG, dù giai đoạn cuối hay bất cứ giai đoạn nào. Bạn sẽ không thể bị lây bệnh ung thư gan nói riêng và tất cả bệnh ung thư khác nói chung. 

Nhiều người lo sợ không biết ung thư gan có lây qua đường ăn uống không hay ung thư gan có lây qua đường hô hấp không? Việc tiếp xúc gần gũi, quan hệ tình dục, hôn, chạm tay, dùng chung bữa ăn, hoặc hít thở cùng một bầu không khí không thể lây lan ung thư gan. Tế bào ung thư từ một người bị bệnh không thể lây lan sang một người khỏe mạnh khác.

Tế bào ung thư khác xa với các tác nhân lây nhiễm như vi khuẩn và virus. Tế bào ung thư về cơ bản là một tế bào bình thường nhưng lại phát triển bất thường. Nếu tế bào ung thư từ người này xâm nhập vào người khác, hệ thống miễn dịch của người đó sẽ nhận ra tế bào lạ và ngay lập tức tiêu diệt chúng. Ngược lại, tế bào vi khuẩn và virus đã tiến hóa đặc biệt để có thể tồn tại, phát triển, ít nhất là trong một khoảng thời gian, ở những người mà chúng mới xâm nhập.

ung thư gan có lây không và nguyên nhân gây bệnh

Tại sao nhiều người dễ lầm tưởng bệnh ung thư gan có thể lây lan?

Lý do mà nhiều người hoang mang liệu ung thư gan có lây không là bởi có một số tình huống gây ra hiểu lầm như sau:

Nhiễm trùng làm tăng nguy cơ ung thư gan có thể lây lan

Mặc dù bản thân ung thư gan không lây nhưng nhiễm virus gây viêm gan – làm tăng nguy cơ gây ung thư – thì có thể lây lan. Nhiễm virus viêm gan B, C nếu không được điều trị có thể dẫn đến ung thư gan, đặc biệt là khi đồng nhiễm cả 2 tác nhân. 

Viêm gan B, C là loại virus có thể lây truyền qua đường máu và là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan trên toàn thế giới. Virus này lây lan khi tiếp xúc với kim tiêm bị nhiễm bệnh. Nếu không được điều trị, nhiễm viêm gan B, C có thể dẫn đến tổn thương gan nghiêm trọng, bao gồm xơ gan và ung thư gan nguyên phát. May mắn thay, một xét nghiệm máu đơn giản có thể giúp phát hiện ra bệnh viêm gan B, C và các phương pháp điều trị hiện nay đều an toàn, hiệu quả.

Ung thư gan trong gia đình

Trên thực tế, ung thư gan có thể xảy ra với nhiều thành viên trong cùng một gia đình. Bệnh ung thư gan nói riêng và ung thư nói chung chỉ có thể di truyền khi các thành viên trong gia đình có chung gen và có những đột biến gen giống nhau dẫn đến ung thư. 

Bên cạnh đó, các thành viên trong gia đình thường có cùng một lối sống không lành mạnh, chẳng hạn như ăn uống thiếu khoa học, hút thuốc, uống rượu hay cùng tiếp xúc với tác nhân gây ung thư gan. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mọi người đã lây bệnh ung thư gan cho nhau. Vì vậy, lời giải đáp cho vấn đề ung thư gan có lây không chính là KHÔNG, ngay cả với những người cùng chung huyết thống hay sống chung một nhà.

Cấy ghép nội tạng

Trong một số trường hợp hiếm gặp, một cá nhân nhận nội tạng từ người hiến tặng đã từng bị ung thư trong quá khứ có nguy cơ phát triển ung thư sau này. Mặc dù hệ thống miễn dịch sẽ tìm kiếm và tiêu diệt những tế bào lạ được đưa vào, nhưng những người nhận tạng cần sử dụng thuốc chống thải ghép, ức chế làm hệ miễn dịch yếu đi. Vì vậy mà tế bào ung thư có thể phát triển được.

Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra là cực kỳ thấp. Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, chỉ có khoảng 2 trường hợp ung thư trên 10.000 ca cấy ghép nội tạng. Ngày nay, việc sàng lọc trước khi cấy ghép được tiến hành rất kỹ nên nguy cơ gần như là không có.

Ngày nay, có nghiên cứu đã chỉ ra rằng ung thư phổ biến hơn ở người được cấy ghép nội tạng nhưng là bởi thuốc chống thải ghép khiến hệ miễn dịch suy yếu, ngăn cản chúng tìm ra tế bào bị tổn thương và virus từ ngoài xâm nhập vào, làm tăng nguy cơ ung thư.

Ung thư gan có lây không và những lầm tưởng

Hiểu rõ ung thư gan có lây không để phòng ngừa

Bên cạnh việc hiểu rõ ung thư gan có lây không, bạn cũng nên biết cách bảo vệ mình khỏi căn bệnh này. Vì ung thư gan không lây nên cách phòng ngừa chủ yếu là thay đổi lối sống lành mạnh để giúp ngăn ngừa những tác nhân có thể gây tổn thương các tế bào gan. Cụ thể như sau:

  • Cố gắng giảm cân nếu bạn thừa cân bằng chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.
  • Hạn chế uống rượu quá nhiều bởi rượu có thể làm tổn thương gan, tăng nguy cơ dẫn đến ung thư.
  • Mặc quần áo bảo hộ và đeo khẩu trang nếu bạn làm công việc tiếp xúc với hóa chất độc hại có thể gây ung thư.
  • Bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt.
  • Tiêm phòng viêm gan B và thực hiện các biện pháp phòng ngừa viêm gan C.

Việc hiểu lầm vấn đề ung thư gan có lây không sẽ khiến gia đình, bạn bè và đồng nghiệp tránh xa người thân mắc bệnh. Điều này có thể khiến họ cảm thấy bị cô lập, đơn độc, tinh thần suy sụp và không đủ nghị lực để tiếp tục điều trị. Bạn cần hiểu rõ rằng ung thư gan không thể lây lan nên đừng ngại tiếp xúc, ở bên cạnh và đồng hành cùng người bệnh trong suốt hành trình sau này nhé!

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Causes-Liver cancer. https://www.nhs.uk/conditions/liver-cancer/causes/. Ngày truy cập: 03/11/2022

Liver cancer. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/liver-cancer/symptoms-causes/syc-20353659#:~:text=The%20most%20common%20form%20of,diaphragm%20and%20above%20your%20stomach. Ngày truy cập: 03/11/2022

Liver Cancer. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9418-liver-cancer. Ngày truy cập: 03/11/2022

Is Cancer Contagious? https://www.cancer.org/healthy/cancer-causes/general-info/is-cancer-contagious.html. Ngày truy cập: 03/11/2022

Is Cancer Contagious? https://blog.dana-farber.org/insight/2016/11/is-cancer-contagious/. Ngày truy cập: 03/11/2022

Is Cancer Contagious? https://www.roswellpark.org/cancertalk/201808/cancer-contagious. Ngày truy cập: 03/11/2022

Common Cancer Myths and Misconceptions. https://www.cancer.gov/about-cancer/causes-prevention/risk/myths. Ngày truy cập: 03/11/2022

Phiên bản hiện tại

15/11/2022

Tác giả: Trúc Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Kiến Bình

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

HỎI ĐỂ KHỎE HƠN - Các lựa chọn phẫu thuật điều trị ung thư vú | Hello Bacsi x SANOFI

Ung thư phổi có lây không? Hãy khám phá sự thật!


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Trần Kiến Bình

Ung thư - Ung bướu · BV Ung Bướu TP. Cần Thơ


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 15/11/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo