backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Tầm soát ung thư cổ tử cung: Liệu có cần thiết khi đã tiêm phòng HPV?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Giang Tran · Ngày cập nhật: 4 tuần trước

    Tầm soát ung thư cổ tử cung: Liệu có cần thiết khi đã tiêm phòng HPV?

    Thực hiện định kỳ xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung là một trong những cách tốt nhất bảo vệ bạn khỏi ung thư cổ tử cung. Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), có đến 93% trường hợp ung thư cổ tử cung có thể được ngăn ngừa thông qua việc sàng lọc và tiêm phòng HPV [1], [2].

    Thế nhưng, nhiều người thắc mắc khi đã tiêm phòng vaccine HPV thì liệu có nên tiếp tục bỏ ra một khoản tiền để làm các xét nghiệm định kỳ? Liệu 3 mũi vaccine ngừa virus HPV đã đủ để “bảo hiểm” cho bệnh ung thư cổ tử cung?

    Có cần tầm soát ung thư cổ tử cung sau khi tiêm phòng HPV?

    Các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ từ 21 tuổi trở lên nên tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ dù đã hoàn thành hết tất cả các mũi vaccine HPV được khuyến nghị bởi [3], [4], [5], [6]:

    • Vaccine HPV chỉ bảo vệ chống lại một số chủng virus HPV gây ra ung thư cổ tử cung chứ không phải tất cả. Hiện có 14 chủng virus HPV có nguy cơ cao gây ra hơn 99% số ca ung thư cổ tử cung là 16, 18, 31, 45, 33, 35, 39, 51, 52, 56, 58, 66, 68, 70. Thế nhưng, vaccine HPV chỉ ngừa được tối đa 7 chủng có nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung là 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58. Vì vậy, bạn vẫn có nguy cơ nhiễm những chủng virus HPV nguy cơ cao không có trong vaccine và tiến triển thành tiền ung thư và ung thư cổ tử cung.
    • Kể cả khi tiêm phòng HPV trước khi tiếp xúc với virus, hiệu quả của vaccine trong việc ngăn ngừa ung thư cổ tử cung cũng không đạt được 100%. Do đó, vẫn có một tỉ lệ nhất định trường hợp nhiễm HPV chủng nguy cơ cao có nguy cơ tiến triển thành ung thư cổ tử cung.
    • Tiêm vaccine sau 26 tuổi hoặc khi đã quan hệ tình dục có thể làm giảm tác dụng của vaccine vì một số lý do, trong đó bao gồm việc có thể đã tiếp xúc với virus HPV trước khi tiêm. 

    Do đó, chúng ta cũng không nên chủ quan vì đã tiêm vaccine mà bỏ qua việc sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ mỗi 3 năm. Đó là chưa kể đến diễn tiến bệnh rất chậm, kéo dài trong nhiều năm không có triệu chứng hoặc một số ít có triệu chứng không rõ ràng. Việc thường xuyên tầm soát sẽ giúp phát hiện nếu bạn có nguy cơ để theo dõi và ngăn ngừa hoặc chẩn đoán bệnh ở những giai đoạn đầu để kịp thời điều trị trước khi tiến triển thành ung thư [7]. 

    Phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung

    xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung

    Hai xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung thường được thực hiện là xét nghiệm PAP và xét nghiệm HPV. Xét nghiệm PAP hay xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung là phương pháp phát hiện những biến đổi bất thường ở tế bào là dấu hiệu của tiền ung thư hoặc ung thư. [8]

    Xét nghiệm PAP ra đời từ những thập niên 50-60 của thế kỷ trước. Đây là một phương pháp lâu đời và kinh điển để tầm soát và phát hiện ung thư cổ tử cung. Tới những năm 1990 và 2000, xét nghiệm HPV ra đời là một bước tiến vượt bậc khi đi tìm nguyên nhân gây bệnh trước khi hình thành ung thư. 

    Với xét nghiệm PAP, bác sĩ sẽ thu thập mẫu tế bào cổ tử cung của bạn trong quá trình thăm khám phụ khoa, sau đó sẽ phết những tế bào này lên 1 phiến kính và soi trên kính hiển vi để tìm ra những bất thường của tế bào. Do vậy, kết quả của xét nghiệm phụ thuộc rất nhiều vào tay nghề của bác sĩ. Ngay tại Mỹ, nghiên cứu cũng chỉ ra việc đọc kết quả cũng khác nhau giữa các bác sĩ trên cùng 1 mẫu bệnh phẩm, đồng thuận trên các kết quả giữa những lần đọc là rất thấp.

    Còn xét nghiệm HPV là xét nghiệm giúp phát hiện sự hiện diện của virus HPV chủng nguy cơ cao, là nguyên nhân gây ra hơn 99% số ca ung thư cổ tử cung. Theo kết quả của 6 nghiên cứu với sự tham gia của hơn 235.000 phụ nữ tại Mỹ, xét nghiệm HPV sẽ có hiệu quả hơn so với nghiệm PAP trong việc phát hiện các tế bào bất thường có khả năng trở thành ung thư [9]. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng nhận thấy xét nghiệm PAP sẽ kém hiệu quả ở phụ nữ lớn tuổi do những thay đổi sinh lý sau mãn kinh khiến việc thu thập mẫu thử ở cổ tử cung trở nên khó khăn [10].

    Do đó, hiện nhiều quốc gia đã dần chuyển sang sử dụng xét nghiệm HPV như một phương pháp chính, sàng lọc đầu tay cho ung thư cổ tử cung trong chương trình quốc gia. Nếu xét nghiệm HPV DNA có kết quả dương tính, người mắc sẽ được chỉ định các bước xét nghiệm tiếp theo, gồm cả xét nghiệm PAP, soi cổ tử cung hoặc sinh thiết để xem mức độ bất thường của tế bào [10]. Nếu xét nghiệm HPV DNA âm tính, đồng nghĩa với việc người phụ nữ có nguy cơ ung thư cổ tử cung rất thấp trong thời gian 3-5 năm tới.

    Tầm soát ung thư cổ tử cung khi nào và ở đâu? [8], [11]

    xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung

    Tất cả phụ nữ nên bắt đầu tầm soát ung thư cổ tử cung bắt đầu từ 21 tuổi. Trong độ tuổi từ 21 đến 25, cho dù có nhiễm HPV, thời gian cũng chưa đủ để tiến triển thành ung thư nên bạn được khuyên làm xét nghiệm PAP để phát hiện những bất thường của tế bào ở tử cung. Nếu kết quả xét nghiệm của bạn bình thường, bác sĩ có thể sẽ hẹn lại lịch xét nghiệm lần nữa vào 2 năm sau. 

    Xét nghiệm HPV được tập trung thực hiện cho phụ nữ từ 25 đến 65 tuổi với chu kỳ 3 năm. Tuy nhiên, để chủ động bảo vệ sức khỏe cá nhân, bạn nên thực hiện mỗi năm 1 lần.

    Để thực hiện xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung, bạn có thể đăng ký tại các cơ sở y tế uy tín hoặc các bệnh viện lớn. Trước khi thực hiện, bạn có thể tham vấn ý kiến bác sĩ để hiểu hơn về các xét nghiệm sẽ thực hiện cũng như tần suất thực hiện phù hợp. Để tham vấn nhanh ý kiến bác sĩ, bạn có thể liên hệ tại đây để được hỗ trợ nhanh nhất.

    Với xét nghiệm HPV, bạn có thể cân nhắc lựa chọn các gói tầm soát HPV hoặc phương pháp tự lấy mẫu xét nghiệm HPV tại nhà. Các phương pháp này đặc biệt tiện lợi, nhanh chóng đối với những người không có thời gian hoặc ngại đến các cơ sở y tế. Bên cạnh đó, trên thực tế, các phương pháp tự lấy mẫu xét nghiệm HPV tại nhà cũng có độ nhạy và độ chính xác cao lên đến 99% nếu bạn đảm bảo đúng quy trình thực hiện và sử dụng các sản phẩm uy tín, được cấp phép bởi các cơ quan ban ngành ở Việt Nam hoặc FDA Hoa Kỳ.

    Điều quan trọng nữa là hãy cố gắng thực hiện định kỳ, đúng lịch được bác sĩ chỉ định, không nên chủ quan hoặc vì không có thời gian, công việc bận rộn mà tin vào kết quả xét nghiệm lần cuối cùng. Như đã đề cập ở trên, ung thư cổ tử cung là một căn bệnh diễn tiến âm thầm, bạn có thể mắc bệnh thậm chí là khi đã tiêm ngừa vaccine. Do đó, cho đến hiện tại việc xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung vẫn là phương pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cho bản thân.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Giang Tran · Ngày cập nhật: 4 tuần trước

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo