Điều trị u não là việc nên tiến hành càng sớm càng tốt bởi dù khối u lành tính hay ác tính thì khi phát triển nhanh chóng đều có thể làm tăng áp lực bên trong hộp sọ. Hậu quả là gây tổn thương não vĩnh viễn, dẫn đến những khuyết tật và thậm là nguy hiểm đến tính mạng.
Việc chẩn đoán và điều trị u não phải được diễn ra sớm nhằm ngăn ngừa biến chứng, kéo dài sự sống cho bệnh nhân càng lâu càng tốt. Cùng Hello Bacsi tìm hiểu nhé!
Làm thế nào để chẩn đoán bệnh u não?
Bác sĩ sẽ tiến hành khám thần kinh để kiểm tra thị lực, thính giác, khả năng giữ thăng bằng, khả năng phản xạ và vận động của bệnh nhân. Sau đó, bác sĩ cũng có thể yêu cầu bệnh nhân tiến hành một số các xét nghiệm y khoa để chẩn đoán chính xác khối u não, bao gồm:
- Chụp CT đầu: Đây là phương pháp giúp bác sĩ quan sát được cấu trúc sọ não và mạch máu một cách rõ ràng hơn, nhằm phát hiện ra những khối u bất thường.
- MRI đầu: Chụp MRI đầu sẽ cung cấp hình ảnh chi tiết hơn về cấu trúc của não bộ, giúp bác sĩ nhanh chóng phát hiện ra khối u.
- Chụp mạch: Phương pháp chẩn đoán này giúp quan sát dòng máu lưu thông lên não có đang hoạt động tốt không, đặc biệt là rất có ích trong suốt quá trình phẫu thuật điều trị u não.
- Chụp X-quang hộp sọ: Các khối u não có thể làm vỡ hoặc gãy xương hộp sọ, chụp X-quang sẽ giúp bác sĩ thấy được vấn đề này có xảy ra hay không.
- Sinh thiết: Mẫu sinh thiết sẽ giúp bác sĩ xác định tế bào khối u là lành tính hay ác tính, cũng như là khối u nguyên phát (xảy ra tại não) hay thứ phát (di căn từ cơ quan khác)
4 phương pháp điều trị u não bạn cần biết
Cách điều trị bệnh u não sẽ được lựa chọn dựa vào nhiều yếu tố, như: loại khối u, kích thước, vị trí khối u, mức độ di căn của khối u, những tác dụng phụ có thể xảy ra và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Sau đây là 4 phương pháp điều trị u não mà bạn cần biết:
Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp điều trị u não phổ biến nhất, đặc biệt là đối với những khối u não ác tính. Bác sĩ sẽ cố gắng loại bỏ càng nhiều khối u trong não càng tốt mà vẫn đảm bảo không gây tổn thương cho các mô não khỏe mạnh xung quanh.
Trong một số trường hợp, khối u nhỏ và dễ tách khỏi mô não xung quanh, không làm tổn thương đến các mô não quan trọng thì bác sĩ có thể phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn. Còn nếu khối u có kích thước lớn, nằm ở các vị trí nguy hiểm, khó loại bỏ hoàn toàn thì bác sĩ sẽ cố gắng loại bỏ càng nhiều khối u càng tốt.
Rủi ro trong quá trình phẫu thuật u não bao gồm nhiễm trùng và chảy máu. Ngoài ra, còn có một số rủi ro có thể xảy ra sau phẫu thuật tùy vào vị trí và phần não có khối u xuất hiện. Ví dụ, nếu phẫu thuật khối u gần các dây thần kinh kết nối với đôi mắt thì sẽ làm tăng nguy cơ khiến bệnh nhân bị mất thị lực.
Xạ trị
Xạ trị là phương pháp điều trị u não sử dụng liệu pháp bức xạ tiêu chuẩn với các chùm tia có năng lượng mạnh để tiêu diệt các khối u không thể loại bỏ bằng phẫu thuật.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể áp dụng phương pháp bức xạ trị liệu bên trong hay còn được gọi là trị liệu cấy ghép. Tùy thuộc vào vật liệu được sử dụng, thiết bị cấy ghép có thể lưu lại tại não trong thời gian ngắn hoặc vĩnh viễn. Lịch trình xạ trị dài hay ngắn sẽ phụ thuộc vào loại, vị trí, kích thước khối u cũng như sức khỏe của bệnh nhân.
Tác dụng phụ xảy ra phụ thuộc vào loại và liều lượng bức xạ mà bệnh nhân nhận được. Một số tình trạng thường gặp trong và sau khi xạ trị bao gồm: bệnh nhân mệt mỏi, nhức đầu, giảm trí nhớ, kích ứng da dầu và rụng tóc.
Hóa trị
Hóa trị là phương pháp điều trị u não bằng thuốc để tiêu diệt các khối u còn sót lại sau phẫu thuật, làm chậm sự phát triển của khối u, giảm các triệu chứng và kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân. Thuốc hóa trị có thể được dùng bằng đường uống dưới dạng thuốc viên hoặc tiêm vào tĩnh mạch của bệnh nhân.
Thuốc hóa trị được sử dụng phổ biến để điều trị khối u não là temozolomide, thường dùng dưới dạng viên. Ngoài ra, còn rất nhiều loại thuốc điều trị u não khác cũng có thể được sử dụng kết hợp tùy thuộc vào loại u não và nhu cầu điều trị của bệnh nhân.
Lịch trình tiến hành hóa trị cho bệnh nhân u não thường được bác sĩ đưa ra trong một khoảng thời gian nhất định từ 6 tháng đến 1 năm. Bệnh nhân có thể nhận được 1 loại thuốc hoặc kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau để sử dụng điều trị cùng một lúc.
Các tác dụng phụ của hóa trị xảy ra phụ thuộc vào loại và liều lượng thuốc bệnh nhân nhận được. Trong quá trình làm hóa trị, bệnh nhân có thể buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, chán ăn và rụng tóc. Thông qua việc chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ xác định được liệu phương pháp hóa trị có hiệu quả hay không, để quyết định có nên lựa chọn phương pháp điều trị này cho bệnh nhân.
Phục hồi chức năng sau điều trị u não
Vì khối u phát triển ở phần não nên có thể làm ảnh hưởng vĩnh viễn đến các kỹ năng vận động, nói năng, thị lực, thính lực, khả năng tư duy và tính cách. Vì vậy, việc phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau điều trị u não là vô cùng cần thiết để giúp người bệnh có thể trở lại cuộc sống bình thường. Các phương pháp phục hồi chức năng phổ biến cho bệnh nhân u não bao gồm:
- Vật lý trị liệu: Bao gồm các bài tập giúp phục hồi những kỹ năng vận động đã bị mất
- Liệu pháp ngôn ngữ: Phục hồi khả năng nói, viết và giao tiếp cho các bệnh nhân gặp vấn đề trong nói năng.
- Trị liệu nghề nghiệp: Phục hồi các chức năng nhận biết cơ bản của não bộ, giúp bệnh nhân trở lại cuộc sống sinh hoạt thường ngày.
[embed-health-tool-bmi]