Bệnh bạch cầu cấp dòng lympho là bệnh ung thư ảnh hưởng đến các tế bào bạch cầu mà cơ thể bạn cần để chống nhiễm trùng. Đây là loại ung thư phổ biến nhất ở trẻ em, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến người lớn. Cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn nhé!
Tìm hiểu chung
Bệnh bạch cầu cấp dòng lympho là bệnh gì?
Bệnh bạch cầu cấp dòng lympho là một loại ung thư máu và tủy xương – mô mềm xốp bên trong xương nơi tạo ra các tế bào máu. Bệnh bạch cầu cấp dòng lympho phát triển rất nhanh chóng và đột ngột, tạo ra các tế bào máu chưa trưởng thành, thay vì trưởng thành.
Trong đó, tế bào bị ảnh hưởng do bệnh bạch cầu cấp dòng lympho là tế bào lympho B hoặc lympho T. Tế bào B tạo kháng thể và giúp chúng ta chống lại nhiễm trùng. Tế bào T tiêu diệt vi trùng và hỗ trợ các tế bào khác trong hệ thống miễn dịch.
Bệnh thường lây lan nhanh chóng đến các vùng khác của cơ thể, chẳng hạn như lá lách, gan, hạch bạch huyết, tinh hoàn, não và tủy sống.
Bệnh bạch cầu cấp dòng lympho là loại ung thư phổ biến nhất ở trẻ em và các phương pháp điều trị mang lại cơ hội chữa khỏi cao. Loại bệnh này cũng có thể xảy ra ở người lớn, mặc dù cơ hội chữa khỏi giảm đi rất nhiều.
Bạn có thể quan tâm: Bệnh bạch cầu (bệnh máu trắng)
Triệu chứng
Những triệu chứng và dấu hiệu của bệnh bạch cầu cấp dòng lympho là gì?
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bạch cầu cấp dòng lympho có thể bao gồm:
- Chảy máu từ nướu
- Chảy máu cam thường xuyên hoặc nghiêm trọng
- Đau xương khớp
- Sốt
- Nhiễm trùng thường xuyên
- Sưng hạch bạch huyết ở cổ, nách, bụng hoặc háng
- Thiếu máu
- Da nhợt nhạt
- Bầm tím
- Hụt hơi
- Ăn mất ngon
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Yếu đuối, mệt mỏi hoặc giảm năng lượng nói chung.
Bạn có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Hẹn gặp bác sĩ nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng dai dẳng nào khiến bạn lo lắng.
Nhiều dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bạch cầu cấp dòng lympho khá giống với bệnh cúm. Tuy nhiên, các dấu hiệu và triệu chứng cúm cuối cùng sẽ cải thiện. Nếu các dấu hiệu và triệu chứng không cải thiện như mong đợi, hãy hẹn gặp bác sĩ.
Nguyên nhân
Nguyên nhân nào gây ra bệnh bạch cầu cấp dòng lympho?
Bệnh bạch cầu cấp dòng lympho xảy ra khi một tế bào tủy xương phát triển những thay đổi (đột biến) trong vật liệu di truyền hoặc ADN của nó. Thông thường, ADN sẽ hướng dẫn cho tế bào phát triển với tốc độ nhất định và chết vào một thời điểm xác định. Trong bệnh bạch cầu cấp dòng lympho, các đột biến báo cho tế bào tủy xương tiếp tục phát triển và phân chia.
Khi điều này xảy ra, quá trình sản xuất tế bào máu trở nên mất kiểm soát. Tủy xương tạo ra các tế bào chưa trưởng thành phát triển thành các tế bào bạch cầu bạch cầu được gọi là nguyên bào lympho. Những tế bào bất thường này không thể hoạt động bình thường và chúng có thể tích tụ và lấn át các tế bào khỏe mạnh.
Hiện nay, vẫn chưa rõ tại sao các đột biến ADN này lại dẫn đến bệnh bạch cầu cấp dòng lympho. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ đã nghiên cứu và nhận thấy rằng hầu hết các trường hợp mắc bệnh bạch cầu cấp lòng lympho đều không do di truyền gây ra.
Những ai thường mắc phải bệnh bạch cầu cấp dòng lympho?
Bệnh bạch cầu cấp dòng lympho xuất hiện phổ biến ở trẻ em. Bệnh thường ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 50 tuổi. Bệnh này phổ biến hơn ở nam giới hơn nữ giới một chút. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu cấp dòng lympho?
Có nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu cấp dòng lympho, bao gồm:
- Từng điều trị ung thư, đặc biệt khi người bệnh đã từng phải hóa trị hoặc xạ trị
- Nhiễm phóng xạ
- Rối loạn di truyền, như hội chứng Down
- Suy giảm hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như nhiễm HIV
- Có anh hoặc chị bị bệnh bạch cầu cấp dòng lympho.
Biến chứng
Bệnh bạch cầu cấp dòng lympho có nguy hiểm không?
Nếu bệnh lây lan sang các cơ quan khác, chẳng hạn như não và cột sống, nó có thể dẫn đến:
- Mất thăng bằng
- Mờ mắt
- Cơ mặt yếu hoặc tê
- Nhức đầu
- Buồn nôn và nôn
- Co giật.
Một loại tế bào lympho T có thể ảnh hưởng đến tuyến ức, một tuyến nhỏ ở phía trước ngực, gần cổ. Nó có thể khiến tuyến ức sưng lên, do đó bạn có thể thấy một chỗ phình ra dưới da ngực. Nếu tuyến quá to, nó có thể đè lên khí quản, khiến bạn ho hoặc khó thở. Tuyến ức cũng có thể đè lên một tĩnh mạch lớn gọi là tĩnh mạch chủ trên (SVC). Điều này có thể gây ra hội chứng SVC khi máu không thể đi qua tĩnh mạch về phía tim và chảy ngược lại. Điều này gây sưng mặt và các chi trên.
Hội chứng SVC là một trường hợp cần được cấp cứu khẩn cấp. Hãy gọi cấp cứ ngay lập tức nếu bạn gặp các triệu chứng sau đây:
- Da có màu đỏ xanh ở vùng đầu và cổ
- Thay đổi trạng thái tinh thần hoặc nhầm lẫn
- Chóng mặt
- Sưng ở mặt, cổ, cánh tay và ngực trên
- Nhức đầu
- Mờ mắt
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh bạch cầu cấp dòng lympho?
Để chẩn đoán bệnh bạch cầu cấp dòng lympho, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm máu và kiểm tra tuỷ xương. Mô tủy xương được soi dưới kính hiển vi để tìm ra sự bất thường của các tế trong tủy. Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu việc chụp X-quang ngực, chụp CT (chụp cắt lớp), siêu âm hoặc chọc dò tủy sống để chẩn đoán chính xác hơn.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh bạch cầu cấp dòng lympho?
Hóa trị
Tin vui cho những bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu cấp dòng lympho rằng bệnh này có thể được chữa được. Hóa trị liệu dài hạn là biện pháp chính trong việc điều trị bệnh này. Tùy thuộc vào tình trạng, các giai đoạn điều trị bệnh bạch cầu cấp dòng lympho có thể kéo dài từ 2 đến 3 năm.
Hóa trị điều trị căn bệnh này thường được thực hiện theo ba giai đoạn:
- Cảm ứng: Trong giai đoạn này, hóa trị cường độ cao sẽ kéo dài từ 4 đến 6 tuần nhằm mục đích tiêu diệt hầu hết các tế bào ung thư bạch cầu trong máu và tủy xương, đồng thời khôi phục quá trình sản xuất tế bào máu bình thường.
- Củng cố: Nếu thuyên giảm, bạn sẽ nhận được thêm vài tháng hóa trị (nhiều lần điều trị mỗi tuần) nhằm mục đích tiêu diệt bất kỳ bệnh bạch cầu nào còn sót lại trong cơ thể.
- Duy trì: Bạn được hóa trị với liều thấp hơn trong khoảng hai năm để ngăn ngừa ung thư quay trở lại.
Trong mỗi giai đoạn điều trị, những người mắc bệnh bạch cầu lymphocytic cấp tính có thể được điều trị bổ sung để tiêu diệt các tế bào ung thư bạch cầu nằm trong hệ thống thần kinh trung ương. Trong loại điều trị này, thuốc hóa trị thường được tiêm trực tiếp vào chất lỏng bao phủ tủy sống.
Các phương pháp điều trị khác
- Liệu pháp nhắm mục tiêu. Các phương pháp điều trị bằng thuốc nhắm mục tiêu tập trung vào những bất thường cụ thể có trong các tế bào ung thư. Bằng cách ngăn chặn những bất thường này, các phương pháp điều trị bằng thuốc nhắm mục tiêu có thể khiến các tế bào ung thư chết đi. Các tế bào ung thư bạch cầu sẽ được kiểm tra để xem liệu pháp nhắm mục tiêu có thể hiệu quả hay không. Liệu pháp nhắm mục tiêu có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với hóa trị để điều trị cảm ứng, điều trị củng cố hoặc điều trị duy trì.
- Xạ trị. Xạ trị sử dụng các chùm năng lượng cao, chẳng hạn như tia X hoặc proton, để tiêu diệt tế bào ung thư. Nếu các tế bào ung thư đã lan đến hệ thống thần kinh trung ương, bác sĩ có thể đề nghị xạ trị.
- Cấy ghép tủy xương. Ghép tủy xương, còn được gọi là ghép tế bào gốc, có thể được sử dụng như liệu pháp củng cố hoặc điều trị tái phát nếu xảy ra. Hóa trị liệu liều cao có thể làm tổn thương nghiêm trọng tủy xương. Vì vậy, bệnh nhân cần ghép tủy xương để khôi phục tủy xương khỏe mạnh. Bạn có thể nhận các tế bào gốc tủy xương từ một người hiến tặng có ADN phù hợp.
- Liệu pháp miễn dịch. Một phương pháp điều trị chuyên biệt được gọi là liệu pháp tế bào thụ thể kháng nguyên chimeric (CAR)-T lấy các tế bào T chống vi trùng của cơ thể, thiết kế chúng để chống lại ung thư và truyền chúng trở lại cơ thể bạn. Liệu pháp tế bào CAR -T có thể là một lựa chọn cho trẻ em và thanh niên. Nó có thể được sử dụng để điều trị củng cố hoặc điều trị tái phát.
Tiên lượng
Bệnh bạch cầu cấp dòng lympho sống được bao lâu?
Những người trẻ tuổi sẽ có tiên lượng sống tốt hơn. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm của những người dưới 20 tuổi là 89%. Điều này có nghĩa là hầu hết mọi người sống thêm 5 năm sau khi được chẩn đoán mắc bệnh và nhiều người trong số họ đã được chữa khỏi bệnh. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm giảm xuống còn 37% ở những người trên 20 tuổi.
Bạn có thể quan tâm: Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy sống được bao lâu?
Bạn có thể phòng ngừa mắc căn bệnh nguy hiểm này bằng cách:
- Tránh tiếp xúc với bức xạ và hóa chất độc hại
- Bỏ thuốc lá.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp điều trị tốt nhất.
[embed-health-tool-bmi]