backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Cachexia: Hội chứng suy giảm sức khỏe khiến bạn mệt mỏi

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 22/01/2020

    Cachexia: Hội chứng suy giảm sức khỏe khiến bạn mệt mỏi

    Cachexia là hội chứng của các vấn đề mãn tính như suy thận mãn, HIV, bệnh đa xơ cứng… Đây là biến chứng gây ra 20% ca tử vong do ung thư ở Hoa Kỳ nhưng lại rất ít người biết đến.

    Bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu những thông tin về hội chứng cachexia để có thể phòng ngừa và kịp thời chữa trị nhé!

    Cachexia là gì?

    Cachexia là một hội chứng suy giảm sức khỏe gây rối loạn chuyển hóa. Hội chứng này xảy ra bởi tình trạng y tế hoặc bệnh lý tiềm ẩn đã có sẵn từ trước làm kích hoạt hệ thống miễn dịch của người bệnh và gây ra hiện tượng dị hóa với cơ thể.

    Cachexia là hội chứng đặc trưng bởi các triệu chứng sự sụt cân bất thường, teo cơ và mất cảm giác ngon miệng. Đây là nguyên nhân trực tiếp gây ra 20% ca tử vong do ung thư ở Hoa Kỳ.

    Cachexia khá phổ biến và xuất hiện ở ít nhất 50% những người bị ung thư tiến triển gây suy giảm chất lượng cuộc sống người bệnh.

    Phân loại hội chứng cachexia

    Có ba loại chính của hội chứng cachexia:

    • Pre-cachexia: được định nghĩa là giảm tới 5% trọng lượng cơ thể kèm theo một bệnh lý nào đó, bao gồm các triệu chứng mất cảm giác ngon miệng, viêm và thay đổi quá trình trao đổi chất.

    • Cachexia: Mất hơn 5% trọng lượng cơ thể của bạn trong vòng khoảng 12 tháng, các triệu chứng bao gồm teo, giảm sức mạnh cơ bắp, giảm sự thèm ăn, mệt mỏi và viêm.

    • Refractory cachexia: Thường xảy ra ở những người ung thư, các triệu chứng bao gồm giảm cân, giảm cơ, mất chức năng, cộng với việc không đáp ứng với điều trị ung thư.

    Nguyên nhân gây ra cachexia do có nhiều sự tương tác của nhiều yếu tố khác nhau trong cơ thể bao gồm:

    • Gây viêm
    • Tăng sự phân hủy của cơ bắp
    • Ngăn chặn sự phát triển cơ bắp
    • Tăng sự trao đổi chất và tiêu hao năng lượng

    Thống kê của Hiệp hội Teo cơ cho thấy, cachexia thường ảnh hưởng nhiều đến các bệnh nhân giai đoạn cuối của một số bệnh, bao gồm 5 – 15% người bệnh suy tim mãn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, 60 – 80% người bệnh ung thư giai đoạn tiến triển. Ngoài ra, hội chứng cachexia cũng có thể ảnh hưởng đến các bệnh khác như:

    • HIV
    • Xơ nang
    • Bệnh Crohn
    • Suy thận mãn tính
    • Suy tim sung huyết
    • Viêm khớp dạng thấp
    • Ung thư, đặc biệt là ở phổi, tuyến tụy và dạ dày

    Chẩn đoán hội chứng cachexia

    cachexia

    Hội chứng cachexia thường khó nhận biết, bác sĩ sẽ sử dụng nhiều tiêu chí khác nhau để chẩn đoán bao gồm:

    – Ít hơn 10% mỡ cơ thể

    – Giảm bất thường hơn 5% trọng lượng cơ thể trong 6 – 12 tháng

    – Có chỉ số khối cơ thể (BMI) dưới 20 ở người dưới 65 tuổi hoặc BMI dưới 22 ở người trên 65 tuổi.

    Triệu chứng của cachexia

    Các triệu chứng của chứng cachexia bao gồm:

    • Sụt cân bất thường: Sự sụt cân xảy ra mặc dù bạn có tiêu thụ đủ dinh dưỡng hoặc lượng cao calo.

    • Teo cơ: Đây là triệu chứng đặc trưng của chứng cachexia. Tuy nhiên, mặc dù tình trạng mất cơ xảy ra liên tục, nhưng không phải tất cả những người mắc chứng này đều trở nên ốm yếu, suy dinh dưỡng. Người thừa cân khi bị cachexia cũng có thể trở về kích thước trung bình mặc dù đã giảm lượng cân nặng đáng kể.

    • Mất cảm giác ngon miệng, hoặc chán ăn: Người mắc chứng này sẽ không muốn ăn và cảm thấy các món ăn không có sự hấp dẫn.

    • Suy giảm chức năng: Các triệu chứng phổ biến như khó chịu, mệt mỏi và năng lượng trong cơ thể thấp có thể khiến người bệnh khó có thể hoạt động hàng ngày, thậm chí những việc đơn giản như mặc quần áo và đánh răng.

    • Sưng hoặc phù: Khi có lượng protein trong máu thấp, chất lỏng di chuyển vào các mô, gây sưng, đặc biệt là ở chân.

    Biến chứng của cachexia

    Sự teo cơ bắp và mỡ do hội chứng cachexia có khả năng tăng tốc độ tử vong. Theo một nghiên cứu từ năm 2017, cachexia là một yếu tố chiếm khoảng 20% số ca tử vong do ung thư. Các biến chứng của hội chứng này bao gồm:

    • Giảm tuổi thọ
    • Giảm khả năng miễn dịch
    • Suy giảm chất lượng cuộc sống
    • Giảm khả năng đáp ứng điều trị
    • Mất khả năng sống độc lập (luôn cần người giúp đỡ)
    • Gia tăng triệu chứng của các tình trạng mãn tính tiềm ẩn

    Hướng điều trị hội chứng cachexia

    cachexia

    Không có một loại thuốc hay phác đồ điều trị nào được chứng minh là có hiệu quả trong việc điều trị chứng cachexia. Tuy nhiên, một số cách đơn giản có thể giúp cải thiện chứng này bao gồm:

    • Cải thiện tâm lý ăn uống: Con người thường nhận được niềm vui từ việc ngồi cùng nhau trong bữa ăn ngay cả khi họ không có tâm trạng để ăn. Vì thế, thay vì cố gắng làm cho món ăn thêm hấp dẫn, bạn hãy dùng bữa cùng gia đình để cải thiện tâm lý chán ăn.

    • Chia nhỏ các bữa ăn: Người mắc chứng cachexia thường có xu hướng dung nạp các bữa ăn nhỏ nhiều calo trong suốt cả ngày tốt hơn thay vì ba bữa ăn chính. Bạn có thể dùng thêm đồ uống bổ sung dinh dưỡng để tăng lượng calo giữa các bữa ăn nhỏ. Việc tăng lượng calo hấp thụ không giúp chữa khỏi bệnh cachexia nhưng giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể và giảm mệt mỏi.

    • Dùng chất kích thích thèm ăn: Các loại thuốc như dronabinol, megestrol và glucocorticoids có thể cải thiện cảm giác thèm ăn. Việc ăn nhiều hơn tuy không ngăn được sự tiến triển của các triệu chứng hoặc cải thiện sự teo cơ, nhưng có thể hỗ trợ người bệnh tham gia vào các bữa ăn gia đình và xã hội, cảm thấy ít bị cô lập hơn, có lợi cho sức khỏe tinh thần.

    • Tập thể dục nhẹ: Miễn là người bệnh có thể tập luyện được, việc tập thể dục có thể giúp xây dựng khối cơ và cải thiện sự mệt mỏi. Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng nghiên cứu cụ thể nào về việc tập thể dục có thể chữa được cachexia.

    Cachexia thường được coi là một tác dụng phụ của tình trạng y tế tiềm ẩn, vì vậy trọng tâm của việc phòng ngừa nằm ở việc kiểm soát tình trạng mãn tính tiềm ẩn. Ví dụ như các bệnh COPD hoặc HIV đều có khả năng phòng ngừa được. Tuy nhiên, cũng có một số vấn đề khó tránh khỏi khác, chẳng hạn như ung thư, viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh Crohn.

    Bạn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính dẫn đến hội chứng cachexia bằng lối sống tích cực cùng với chế độ dinh dưỡng cân bằng.

    Hội chứng cachexia khiến không ít người bệnh cảm thấy mệt mỏi trong quá trình điều trị. Bạn nên lưu ý thực hiện các biện pháp phòng ngừa và giảm nguy cơ mắc các bệnh tiềm ẩn dẫn đến hội chứng này. Đặc biệt, bạn hãy luôn duy trì thói quen sống lành mạnh để bảo vệ sức khỏe lâu dài nhé!

    Hoàng Trí HELLO BACSI

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 22/01/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo