backup og meta

Đường huyết cao phải làm sao để kiểm soát?

Đường huyết cao phải làm sao để kiểm soát?

Đường huyết cao là dấu hiệu điển hình của bệnh tiểu đường. Việc sống chung với căn bệnh này thường không dễ dàng. Người bệnh có thể lo lắng về những biến chứng như tim mạch, mù lòa, đoạn chi hoặc suy thận…

Phát hiện đường máu cao đến 10,8 mmol/l, ông Hồng uống một vài loại thuốc sắc được cho là kiểm soát đường huyết hiệu quả nhưng đường máu vẫn không giảm. Giống với trường hợp của ông Hồng, nhiều người khi cầm tờ xét nghiệm có kết quả đường huyết cao hoang mang vô cùng vì lo sợ không biết phải làm sao để ổn định đường huyết và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.

Nếu bạn hoặc người thân của bạn mắc phải bệnh tiểu đường thì việc trang bị kiến thức về bệnh, chăm sóc sức khỏe và kiểm soát đường huyết là vô cùng quan trọng và cần thiết. Ngoài việc được điều trị bởi bác sĩ chuyên môn, bạn có thể tham khảo thêm thông tin hữu ích từ Hello Bacsi để góp phần cải thiện tình trạng bệnh hiệu quả hơn.

Đường huyết cao ở mức bao nhiêu?

Đường huyết cao là tình trạng đường glucose trong máu tăng vượt quá so với mức bình thường. Các tế bào sử dụng glucose như một nguồn cung cấp năng lượng chính cho các hoạt động của cơ thể. Nhưng để cơ thể sử dụng được đường, cần phải có mặt insulin. Ở người bệnh tiểu đường tuýp 2, thiếu hụt insulin hoặc cơ thể kháng insulin đều dẫn tới đường máu tăng cao.

Bảng chỉ số đường huyết cao:

đường huyết cao

Nguyên nhân khiến đường huyết cao

1. Ăn uống bất hợp lý: Nếu bạn ăn uống vô độ thì đây cũng là những lý do làm đường huyết tăng cao bất thường.

2. Không dùng thuốc hạ đường huyết: Nhiều người bỏ qua thuốc hạ đường huyết vì lo sợ tác dụng phụ hoặc chủ quan không theo chỉ định bác sĩ. Chính điều này đã khiến cho đường huyết tăng cao, dẫn đến tăng tốc độ tổn thương tuyến tụy.

3. Hiếm khi vận động: Lối sống ít vận động và thường xuyên ngồi quá lâu sẽ làm gia tăng tình trạng kháng insulin.

4. Thường xuyên bị stress: Tình trạng lo lắng, bồn chồn, cáu gắt… có thể dẫn đến bị stress nặng khiến cho đường máu tăng cao.

5. Mất ngủ liên tục: Khi bạn ngủ không đủ giấc, không ngon giấc, mất ngủ thường xuyên… sẽ dễ khiến cơ thể bị căng thẳng, dẫn tới làm tăng lượng đường trong máu.

6. Nhiễm khuẩn, viêm nhiễm: Nếu người bệnh bị nhiễm trùng (đường tiểu, răng miệng…) hoặc nhiễm khuẩn đường hô hấp, vết thương, vết loét trên da, đường huyết cũng dễ bị tăng cao.

7. Tác dụng phụ của thuốc điều trị: Thuốc điều trị cảm cúm, thuốc ngừa thai, thuốc chống viêm corticoid… có thể làm tăng đường huyết nếu dùng dài ngày.

đường huyết cao
Tình trạng lo lắng có thể dẫn đến stress khiến đường huyết tăng cao

Triệu chứng khi đường huyết cao

Cơ thể sẽ báo động cho bạn biết khi mức đường trong máu tăng cao vượt ngưỡng cho phép thông qua các triệu chứng sau:

  • Mắt nhìn kém hơn
  • Các vết thương, vết loét chậm lành
  • Tê bì tay chân, bứt rứt trong bắp thịt
  • Thường xuyên đi tiểu, nhất là tiểu đêm
  • Dễ bị nhiễm trùng, viêm nhiễm, nấm ngứa
  • Da dễ bị sậm màu ở vùng nách, cổ, bẹn, khủy tay chân
  • Thường xuyên đau đầu, mệt mỏi không rõ nguyên nhân
  • Có cảm giác đói bụng và khát nước thường xuyên, thèm đồ ngọt

Nếu đường huyết tăng cao đột ngột trên 10 mmol/l, bạn nên nhanh chóng đến bệnh viện cấp cứu khi thấy các biểu hiện:

  • Đi tiểu liên tục
  • Mệt mỏi và kiệt sức
  • Nhìn mờ đột ngột
  • Khó thở, nhịp tim nhanh
  • Đau bụng, buồn nôn, nôn, sốt
  • Vẫn thấy khát mặc dù uống nước liên tục
  • Da khô, khô miệng, hơi thở có mùi trái cây lên men

Cách hạ đường huyết nhanh

Trong tình huống đường huyết tăng cao đột ngột sau bữa ăn 1 giờ, bạn có thể áp dụng một số cách hạ đường huyết nhanh sau đây:

1. Uống nhiều nước: Đây là cách hạ đường huyết  nhanh chóng nhất, bởi đường sẽ được đào thải ra ngoài qua đường tiểu. Tuy nhiên, bạn không nên uống nhiều nước nếu đang mắc bệnh thận, cao huyết áp hoặc suy tim.

2. Sử dụng trà xanh hoặc quế chi: Một tách trà quế không đường (thêm 1- 2 thìa cà phê quế) hoặc trà xanh có thể giúp bạn ổn định đường huyết một cách tức thời thông qua tác động tăng chuyển hóa đường, cải thiện độ nhạy cảm của insulin.

3. Tiêm insulin: Nếu bạn đang tiêm insulin để điều trị bệnh tiểu đường, bạn có thể tiêm thêm 1 – 2 đơn vị insulin khi thấy đường huyết tăng cao.

4. Tăng cường vận động: Các hoạt động thể chất trong khoảng 15 – 20 phút là cách hạ đường huyết tức thì bởi vận động sẽ giúp bạn tăng sử dụng đường ở cơ bắp, tăng hoạt động của insulin. Tuy nhiên, bạn không nên vận động nếu đang cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, nôn, sốt…

5. Ăn phô mai: Bạn có thể ăn phô mai hoặc thức ăn nhiều đạm, chất béo khi có cảm giác đói bởi chúng sẽ giúp làm chậm hấp thu đường, nhờ đó không tăng đường máu sau ăn.

Bạn nên lưu ý các cách hạ đường huyết cấp tốc chỉ áp dụng trong trường hợp bạn thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt chứ không áp dụng khi người bệnh quên uống thuốc trị tiểu đường.

Vì vậy, bạn có thể áp dụng những cách đường huyết cấp tốc khi cần thiết. Tuy nhiên, việc kiểm soát và ổn định đường huyết lâu dài mới là mục tiêu mà bạn cần hướng đến.

Bạn có thể tìm hiểu thêm: Thở phào vì đường huyết ổn định, HbA1c cao trở về bình thường sau 4 tháng

Cách kiểm soát đường huyết khi sống chung với bệnh

đường huyết cao
Bạn nên tăng cường chất xơ có trong rau củ

Kiểm tra đường huyết thường xuyên

Triệu chứng tăng đường huyết thường diễn ra âm thầm, ít bộc phát. Do đó, để biết khi nào đường huyết không được ổn định thì bạn nên theo dõi thường xuyên.

Có 3 thời điểm bạn cần đo đường huyết và ghi lại mỗi ngày hoặc mỗi tuần gồm: đường huyết buổi sáng chưa ăn, đường huyết sau ăn 2h và đường huyết buổi tối trước khi đi ngủ.

Đường huyết cao nên ăn gì? Bạn nên lựa chọn thực phẩm kiểm soát đường huyết tốt

Khi bị đường huyết cao, bạn nên ăn nhiều các loại chất xơ hòa tan như các loại rau có nhiều chất nhớt (rau đay, mồng tơi, đậu bắp,…)

Bạn cần lưu ý các điều sau đây:

  • Cắt giảm đường và tinh bột: Khi bị đường huyết cao bạn cần kiêng ăn bánh mì trắng, bánh kẹo, nước ngọt,…
  • Chia nhỏ bữa ăn: Điều này sẽ cho phép lượng đường trong máu của bạn không bị hạ xuống quá thấp giữa các bữa ăn hoặc tăng lên quá nhiều sau ăn.

Tập thể dục thường xuyên

Các bài tập thể dục sẽ thúc đẩy cơ thể của bạn sử dụng đường hiệu quả hơn. Bạn có thể chọn các dạng bài tập lý tưởng là nâng tạ, chạy bộ, đạp xe, nhảy, leo núi, bơi lội…

Thói quen tập thể dục cũng sẽ giúp bạn duy trì cân nặng hợp lý, từ đó kiểm soát đường trong máu tốt hơn và giảm nguy cơ tình trạng tiểu đường chuyển biến xấu.

Kiểm soát stress

Stress là một trong những yếu tố nguy cơ khiến đường huyết tăng cao. Bạn có thể thực hiện các bài tập như yoga hoặc ngồi thiền. Đây là những bộ môn đã được chứng minh là có khả năng làm ổn định đường huyết ở người bệnh tiểu đường thường xuyên bị căng thẳng.

Ngủ đủ giấc

Tình trạng thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng đến đường huyết và độ nhạy cảm của insulin. Chưa kể, cảm giác thiếu ngủ sẽ khiến bạn bị kích thích cảm giác thèm ăn, khả năng cao sẽ dẫn tới sự tiêu thụ quá thừa năng lượng và tăng cân không kiểm soát.

Kết quả chẩn đoán đường huyết cao tuy hơi đáng lo ngại, song nếu bạn biết cách kết hợp đúng các phương pháp điều trị thì hoàn toàn có thể kiểm soát được. Đồng thời, đừng quên duy trì lối sống lành mạnh vì đây chính là chìa khóa vàng giúp bạn luôn ổn định đường huyết và duy trì sự khỏe mạnh!

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

How to Recognize and Manage a Blood Sugar 

diabetes.org/healthy-living/medication-treatments/blood-glucose-testing-and-control/checking-your-blood-sugar

mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetes/in-depth/diabetes-management/art-20047963

heart.org/en/healthy-living/healthy-lifestyle/my-life-check–lifes-simple-7/ls7-blood-sugar-infographic

niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/managing-diabetes/know-blood-sugar-numbers

uofmhealth.org/health-library/tm7018

Ngày truy cập: 27.10/2021

Phiên bản hiện tại

27/10/2021

Tác giả: An Yên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Người bị hạ đường huyết nên ăn gì?

4 sự thật về insulin trong điều trị đái tháo đường không phải ai cũng biết


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: An Yên · Ngày cập nhật: 27/10/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo