backup og meta

Giải đáp: Tiểu đường có ăn được đậu phụ không?

Giải đáp: Tiểu đường có ăn được đậu phụ không?

Khi được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, bác sĩ thường khuyến cáo bạn nên có chế độ ăn uống kiêng khem hơn. Nhiều người rất chán nản vì phải từ bỏ quá nhiều món ăn họ yêu thích. Từ đó mà xuất hiện nhiều câu hỏi như người tiểu đường ăn cơm, bún hay cháo,… được không. Trong số đó nhiều người cũng quan tâm thắc mắc liệu bị tiểu đường có ăn được đậu phụ không, nhất là những người theo chế độ ăn thuần chay. 

Đậu phụ là một sản phẩm từ đậu nành, được sử dụng phổ biến trong bữa ăn của người Việt. Đây được xem là một nguồn cung cấp protein lành mạnh. Vậy thì người tiểu đường có ăn được đậu phụ không? Trong bài viết này, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu nhé! 

Người bị tiểu đường có ăn được đậu phụ không? 

Lợi ích sức khỏe từ đậu phụ 

Đậu phụ chủ yếu được làm từ đậu nành và nước, có thể có chất đông gọi là canxi sunfat, để ép đậu lại thành một khối. Đậu phụ có kết cấu từ cứng đến mềm phụ thuộc vào hàm lượng nước. Trong đó, nửa cốc đậu phụ loại cứng cung cấp 21,8 gam protein với 181 calo và 11 gam chất béo. Hầu hết chất béo đó thuộc loại không bão hòa, lành mạnh cho sức khỏe. 

Nhờ vào hàm lượng cao protein mà đậu phụ được xem là một loại thực phẩm thay thế đạm động vật trong các chế độ ăn thuần chay

Trong đậu phụ cũng chứa tất cả các axit amin thiết yếu mà cơ thể bạn cần cùng với các loại khoáng chất và vitamin, bao gồm canxi, mangan, sắt và vitamin A. Ngoài ra, đậu phụ cũng như các sản phẩm từ đậu nành khác có chứa một chất hoá thực vật tiềm năng là isoflavone. 

Nhờ vào thành phần dinh dưỡng này mà đậu phụ mang lại những lợi ích cho sức khoẻ như: 

  • Kiểm soát mức cholesterol và cải thiện sức khỏe tim mạch. 
  • Duy trì cân nặng khoẻ mạnh, hỗ trợ giảm cân. 
  • Cung cấp chất chống oxy hoá giúp tăng cường hệ miễn dịch chống lại bệnh tật. 

Ngoài ra, thành phần isoflavone đậu nành trong đậu phụ cũng được một số nghiên cứu chứng minh có tiềm năng trong việc cải thiện mức đường huyết và insulin trong máu. Nghiên cứu thực hiện trên 17 nghiên cứu đối chứng ngẫu nhiên đã cho thấy rằng isoflavone đậu nành có thể giúp giảm nhẹ lượng đường trong máu và lượng insulin ở phụ nữ mãn kinh.

Tuy nhiên, cần thêm nhiều nghiên cứu để kết luận về lợi ích này của đậu nành và sản phẩm từ đậu nành với sức khỏe của bệnh nhân tiểu đường. 

bệnh tiểu đường có ăn được đậu phụ không

Vậy tiểu đường có ăn được đậu phụ được không? 

Đối với người theo đuổi chế độ ăn uống thuần chay, đậu phụ là một nguồn thực phẩm rất quan trọng. Vì thế mà họ thường thắc mắc liệu khi bị tiểu đường có ăn được đậu phụ không và câu trả lời là có.

Dù không chứa nhiều chất xơ như đậu nành nhưng đậu phụ cũng được xếp vào nhóm cung cấp đạm lành mạnh cho chế độ ăn uống của người tiểu đường. 

Tuy nhiên, cũng như bất kỳ các loại thực phẩm nào khác người bệnh tiểu đường cũng nên ăn đậu phụ ở một lượng vừa phải. Đặc biệt trong khoảng 2,3g carb đậu phụ có thể cung cấp đến 9 gam protein, nên bạn cũng có thể cân nhắc thêm loại thực phẩm này vào chế độ ăn cho bệnh nhân tiểu đường nhé! 

Gợi ý những món ăn từ đậu phụ cho bệnh nhân tiểu đường 

Tiểu đường có ăn được đậu phụ không là được nhưng có công thức nấu ăn nào mới mẻ mà an toàn cho người tiểu đường từ nguyên liệu này không? Hãy tham khảo 2 công thức sau đây nhé!

Kebab đậu phụ hun khói 

Nguyên liệu cần chuẩn bị gồm:

  • 200g bìa đậu hũ cứng, để ráo nước. 
  • 300g bí xanh vừa, thái mỏng thành lát.

Nước sốt gồm: 

  • 1 muỗng canh cà chua xay nhuyễn
  • 3 muỗng canh giấm rượu trắng
  • 3 muỗng canh dầu ô liu 
  • 2 muỗng canh nước
  • 2 muỗng canh hạt rau mùi nướng
  • 1 muỗng canh hạt thì là nướng
  • 4 tép tỏi, bóc vỏ
  • Gừng, ớt băm nhỏ
  • Một ít tiêu xay 

Cách làm như sau: 

  • Cắt đậu hũ ra thành 12 miếng nhỏ, để ráo nước. 
  • Chuẩn bị nước sốt; cho gừng, tỏi, ớt và tiêu vào để giã nhuyễn rồi cho thêm các nguyên liệu làm sốt ướp còn lại vào trộn đều, thêm 2 muỗng canh nước lọc. 
  • Cho đậu hũ vào sốt ướp ít nhất 3 giờ, cẩn thận tránh để làm vỡ đậu phụ. 
  • Tiếp đến bạn cho bí xanh vào lò vi sóng trong khoảng 60-80 giây để miếng bí mềm mà không nhũn, dùng quấn quanh đậu phụ khi nướng. 
  • Lấy bí xanh quấn quanh từng miếng đậu phụ, dùng xiên que cố định lại rồi quét sốt ướp lên, nướng trong khoảng 10-15 phút. 

Đậu phụ chiên giòn

tiểu đường có ăn được đậu phụ không và cách chế biến

Nguyên liệu cần có: 

  • 1 muỗng cà phê dầu hướng dương
  • 50ml nước cốt dừa
  • 1 muỗng canh bột mì
  • 1 muỗng cà phê bột ngũ vị hương
  • 50g vụn bánh mì nguyên cám không chứa gluten
  • 200g đậu phụ cứng, cắt thành từng lát vừa ăn. 

Cách làm: 

  • Đầu tiên bạn làm nóng lò nướng ở nhiệt độ 190 độ và phết một lớp dầu mỏng lên khay nướng. 
  • Trộn bột mì và bột ngũ vị hương vào một bát. Cho vụn bánh mì và nước cốt dừa vào từng bát riêng khác. 
  • Lần lượt lăn các lát đậu phụ qua bát bột mì, phủi sạch rồi lăn qua nước cốt dừa và vụn bánh mì. Bạn chú ý không để cho các lát đậu phụ dính vào nhau. 
  • Tiếp đến xếp từng lát đậu phụ đã lăn qua bột vào khay nướng và nướng trong khoảng 15 phút đến khi bên ngoài đậu giòn và có màu nâu nhạt là được. 

Vậy là bài viết trên đây Hello Bacsi đã tổng hợp những thông tin giải đáp cho câu hỏi tiểu đường có ăn được đậu phụ không. Hy vọng đây sẽ là những thông tin hữu ích để bạn xây dựng thực đơn cho bệnh nhân tiểu đường nhé!

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Veganism and diabetes

https://www.diabetes.org.uk/guide-to-diabetes/enjoy-food/eating-with-diabetes/veganism-and-diabetes

Ngày truy cập 14/3/2023

Smoky tofu kebabs | Diabetes UK

https://www.diabetes.org.uk/guide-to-diabetes/recipes/smoky-tofu-kebabs

Ngày truy cập 14/3/2023

Tofu goujons | Diabetes UK

https://www.diabetes.org.uk/guide-to-diabetes/recipes/tofu-goujons

Ngày truy cập 14/3/2023

Effects of Soy Isoflavones on Glycemic Control and Lipid Profile in Patients with Type 2 Diabetes: A Systematic Review and Meta-Analysis of Randomized Controlled Trials – PMC

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8229139/

Ngày truy cập 14/3/2023

Soy isoflavones and glucose metabolism in menopausal women: A systematic review and meta-analysis of randomized controlled trials

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/27004555/

Ngày truy cập 14/3/2023

Clearing up questions on whether tofu is healthy | American Heart Association

https://www.heart.org/en/news/2022/10/10/clearing-up-questions-on-whether-tofu-is-healthy

Ngày truy cập 14/3/2023

Vegan Meal Planning Tips | ADA

https://diabetes.org/healthy-living/recipes-nutrition/meal-planning/vegan-meal-planning-tips

Ngày truy cập 14/3/2023

Phiên bản hiện tại

23/03/2023

Tác giả: Vi Quỳnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Tiểu đường ăn đậu phộng (lạc) được không? Ăn sao cho đúng?

Người bị tiểu đường ăn bí đỏ được không?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 23/03/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo