Đối với một số người, uống một vài ly rượu ở nhà hoặc ở quán là một phần của cuộc sống hàng ngày. Nhưng khi, bạn mắc bệnh tiểu đường thì mọi chuyện phức tạp hơn. Bạn có thể muốn biết liệu tiểu đường uống rượu được không, có an toàn hay không và uống bao nhiêu là vừa đủ? Nếu cũng đang có nỗi lo lắng này thì bài viết sau đây là dành cho bạn! Cùng Hello Bacsi đi tìm lời giải đáp nhé!
Người bệnh tiểu đường uống rượu được không?
Không có một câu trả lời chính xác cho vấn đề này. Bởi việc uống rượu mang tính cá nhân hóa và không có quy tắc chung nào về cách uống rượu an toàn khi bạn mắc bệnh tiểu đường. Hãy nói chuyện với bác sĩ về thói quen uống rượu của bản thân để họ có thể cung cấp cho bạn những lời khuyên về liều lượng và cách uống sao cho an toàn.
Người bệnh tiểu đường uống rượu được không và những rủi ro có thể gặp phải?
Người bệnh tiểu đường có được uống rượu không? Câu trả lời là NÊN HẠN CHẾ VÌ TIỀM ẨN NHIỀU RỦI RO.
Hạ đường huyết
Thông thường, gan giữ nhiệm vụ giải phóng glucose để duy trì lượng đường trong máu. Gan cũng là cơ quan giúp giải độc, phá vỡ các chất độc như rượu để thận có thể dễ dàng đào thải chúng ra ngoài.
Nhưng khi bạn uống rượu, gan phải ưu tiên phân hủy rượu, do đó, chức năng giải phóng glucose để duy trì lượng đường trong máu trở nên kém đi. Điều này có thể dẫn đến hạ đường huyết, đặc biệt là nếu bạn uống rượu khi bụng đói.
Ngoài ra, khi uống rượu kết hợp với các loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường, đặc biệt là insulin và sulfonylurea, có thể dẫn đến hạ đường huyết nghiêm trọng. Vì rượu cản trở tác dụng của thuốc, đồng thời làm giảm khả năng phục hồi của cơ thể khi lượng đường trong máu giảm.
Bên cạnh đó, tác dụng của rượu có thể khiến bạn khó phát hiện các triệu chứng của lượng đường trong máu thấp. Một số triệu chứng của hạ đường huyết như nhìn mờ, nói ngọng, buồn ngủ, chóng mặt, lú lẫn hoặc đi lại khó khăn cũng tương tự với triệu chứng của say rượu nên khó có thể phân biệt được. Và nếu bạn thường xuyên bị hạ đường huyết mà không có triệu chứng rõ ràng, thì việc uống rượu sẽ trở nên đặc biệt nguy hiểm.
Nguy cơ bị hạ đường huyết sẽ không biến mất sau khi bạn ngừng uống rượu mà thậm chí còn tăng lên và có thể kéo dài đến 24 giờ sau đó. Càng tiêu thụ nhiều rượu, nguy cơ bị lượng đường trong máu thấp nghiêm trọng càng lớn.
Dư thừa calo
Có một nguy cơ khác khiến việc tiểu đường uống rượu được không trở thành một mối quan tâm lớn. Đó là vì rượu có thể ảnh hưởng đến cân nặng vì rượu nói riêng và đồ uống có cồn nói chung có thể chứa rất nhiều calo và carbohydrate, sẽ dẫn đến tăng cân.
Bệnh tiểu đường có uống rượu bia được không? Rượu bia có lượng calo cao và ít chất dinh dưỡng. Đó là lý do tại sao rượu bia thường được cho là chứa “calo rỗng”. Khi gan phân hủy rượu, nó sẽ biến rượu thành chất béo và lưu trữ. Điều đó có nghĩa là uống rượu sẽ khiến bạn tăng cân. Trung bình, mỗi gam cồn trong rượu sẽ chứa 7 calo, hàm lượng calo này gần như bằng chất béo (9 calo mỗi gam).
Lượng calo cho một số đồ uống có cồn tiêu biểu:
- Bia thường: 137 calo/12 gam carbohydrate/ 1 lon – 330 ml
- Rượu vang ngọt: 105 calo/5 gam carbohydrate/ 1/2 ly – 118 ml
- Rượu sâm banh: 100 calo/4 gam carbohydrate/ 1/2 ly – 118 ml
- Rượu mạnh 80 độ: 100 calo/1 cốc – 45 ml.
Lưu ý thêm là các đồ uống ngọt có cồn ví dụ như cocktail thường có đường trong công thức, sẽ khiến lượng đường trong máu tăng đột biến.
Bên cạnh đó, việc uống nhiều rượu cũng có thể dẫn đến tăng mỡ trong gan, tăng mỡ máu, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Mỡ trong gan cũng làm cho tế bào gan kháng insulin nhiều hơn và khiến lượng đường trong máu cao hơn theo thời gian. Điều này làm cho việc kiểm soát bệnh tiểu đường trở nên khó khăn hơn.
Những rủi ro khác
Tiểu đường uống rượu được không? Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường và quyết định chọn uống rượu, hãy lưu ý đến những nguy cơ sau đây:
- Uống nhiều rượu (hơn 3 đơn vị mỗi ngày) có thể dẫn đến lượng đường trong máu và A1C cao hơn.
- Uống quá nhiều rượu dẫn đến tăng huyết áp, cholesterol cao, tăng nhịp tim.
- Rượu có thể làm cho bệnh thần kinh (tổn thương thần kinh) do bệnh tiểu đường, bệnh về mắt do tiểu đường trở nên trầm trọng hơn.
- Rượu khiến cơ thể mất nước và làm giảm chất lượng giấc ngủ.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh tim và một số bệnh ung thư.
Nếu bạn có các biến chứng tiểu đường, chẳng hạn như tổn thương thần kinh, mắt hoặc thận, bác sĩ có thể khuyên bạn không nên uống bất kỳ loại rượu nào. Vì uống rượu có thể làm trầm trọng thêm những biến chứng này.
Uống rượu với người bệnh tiểu đường có lợi ích gì không?
Có lẽ, bạn đã từng nghe nói rằng rượu tốt cho tim. Vậy, người bệnh tiểu đường uống rượu được không? Câu trả lời là TRONG MỘT VÀI TRƯỜNG HỢP CÓ THỂ ĐƯỢC NHƯNG NÊN UỐNG VỪA PHẢI. Hãy lưu ý rằng chỉ những người uống rượu vừa phải mới ít có nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Nhưng, chính xác thì uống rượu vừa phải là bao nhiêu? Đó là một đơn vị mỗi ngày đối với phụ nữ và tối đa 2 đơn vị mỗi ngày đối với nam giới. Một đơn vị tương ứng với:
- 135ml rượu vang (nồng độ cồn 12%)
- 3/4 lon bia 330ml (nồng độ cồn 5%)
- 30ml rượu mạnh (nồng độ cồn 40%).
Tiểu đường có uống được rượu vang không? Một hoặc 2 ly cocktail hàng ngày có thể cải thiện việc quản lý lượng đường trong máu và độ nhạy insulin.
Những lưu ý khác cho người tiểu đường khi uống rượu
Nếu bạn thắc mắc tiểu đường uống rượu được không thì bạn nên hiểu rằng KHÔNG CÓ một loại đồ uống có cồn nào là tốt cho người mắc bệnh tiểu đường cả. Nếu bạn định uống rượu, hãy lưu ý rằng:
- Trao đổi với bác sĩ để đảm bảo rượu không ảnh hưởng đến thuốc trị tiểu đường đang dùng hoặc làm nghiêm trọng bất kỳ tình trạng bệnh lý nào mà bạn đang mắc phải.
- Không bao giờ uống rượu khi bụng đói, không bỏ bữa hoặc thay thế bữa ăn bằng rượu. Ăn trước khi uống rượu sẽ làm chậm tốc độ hấp thụ rượu vào máu, giúp giữ lượng đường trong máu không bị giảm mạnh.
- Uống rượu từ từ và trước khi uống rượu nên uống nước lọc, nước trái cây hoặc nước súp/súp hoặc nước canh và đồ ăn, đặc biệt là rau xanh nhằm pha loãng nồng độ cồn của rượu.
- Mang theo vài viên kẹo ngọt để dự phòng trong trường hợp hạ đường huyết.
- Không tập thể dục nếu bạn đã uống rượu, vì nó làm tăng nguy cơ hạ đường huyết.
- Hãy ưu tiên việc chọn đồ uống không có đường như bia nhẹ và rượu vang khô.
- Tránh đồ uống chứa nhiều đường, chẳng hạn như rượu anh đào ngọt, rượu ngọt và rượu mùi.
- Nếu cần giảm cân, hãy hạn chế uống rượu để loại bỏ lượng calo rỗng trong chế độ ăn uống.
- Không bao giờ uống rượu khi đang lái xe.
Hi vọng bài viết này đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc tiểu đường uống rượu được không. Theo dõi lượng đường trong máu trước và sau khi uống rượu có thể giúp bạn tránh được tình trạng hạ đường huyết quá mức. Mặc dù nhiều người mắc bệnh tiểu đường có thể uống rượu mỗi ngày nhưng điều quan trọng là phải hiểu những rủi ro có thể xảy ra khi uống và những lưu ý để giảm nguy cơ gặp phải. Bạn cũng nên nói chuyện với bác sĩ để xem liệu bạn có thể uống rượu này an toàn hay không. Hãy tham gia ngay cộng đồng của Hello Bacsi để biết thêm những thông tin sức khỏe hữu ích nhé!