backup og meta

Thuốc Metronidazol 500mg/100ml là thuốc gì? Tác dụng và liều dùng

Thuốc Metronidazol 500mg/100ml là thuốc gì? Tác dụng và liều dùng

Metronidazol là một hoạt chất kháng sinh phổ biến được bào chế dưới nhiều dạng và hàm lượng khác nhau, trong đó có loại thuốc tiêm Metronidazol 500mg/100ml, thường được chỉ định trong các trường hợp nhiễm khuẩn nặng. Trong bài viết này, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn về cách sử dụng cũng như những lưu ý cần biết trước khi dùng thuốc nhé!

Hoạt chất: Mỗi chai 100ml chứa metronidazol 500mg

Tá dược khác: Natri clorid, nước cất pha tiêm.

Dạng bào chế: Dung dịch tiêm truyền.

Tác dụng

Tác dụng của thuốc Metronidazol 500mg/100ml là gì?

Metronidazol 500mg là thuốc gì? Thuốc Metronidazol 500mg/100ml (hay Metronidazol truyền) là dung dịch tiêm truyền được chỉ định trong các trường hợp:

  • Điều trị nhiễm khuẩn nặng do vi khuẩn kỵ khí nhạy cảm như nhiễm khuẩn ổ bụng, nhiễm khuẩn phụ khoa, nhiễm khuẩn da và các cấu trúc da, nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương, nhiễm khuẩn huyết và viêm màng trong tim.
  • Dự phòng nhiễm trùng hậu phẫu do vi khuẩn kỵ khí nhạy cảm trong phẫu thuật bụng, phụ khoa hoặc đại trực tràng phối hợp với uống neomycin hoặc kanamycin.
  • Điều trị các trường hợp nhiễm Trichomonas vaginalis, Entamoeba histolytica thể cấp tính ở ruột và thể áp xe gan), Dientamoeba fragilis ở trẻ em, Giardia lambliaDracunculus medinensis.
  • Viêm lợi hoại tử loét cấp, viêm lợi quanh thân răng và các nhiễm khuẩn răng khác do vi khuẩn kỵ khí. Bệnh Crohn thể hoạt động ở kết tràng, trực tràng. Viêm loét dạ dày – tá tràng do Helicobacter pylori (phối hợp với một số thuốc khác).
Thuốc chỉ được dùng khi có sự kê đơn của bác sĩ.

Một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này để điều trị một số bệnh lý chỉ khi có chỉ định của bác sĩ.

thuốc Metronidazol 500mg tác dụng

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều dùng thuốc Metronidazol 500mg cho người lớn như thế nào?

Người lớn: Truyền tĩnh mạch 1,0 – 1,5g Metronidazol (tương ứng với 2-3 chai dung dịch tiêm truyền Metronidazol 500mg)/ngày chia làm 2 – 3 lần.

Phòng nhiễm khuẩn kỵ khí sau phẫu thuật: Truyền 20-30mg/kg/ngày chia làm 3 lần. 10-15 mg/kg, tiêm truyền trong 30-60 phút, hoàn thành trước 1 giờ trước khi phẫu thuật, tiếp theo là 2 liều tiêm truyền tĩnh mạch 5-7,5 mg/kg vào lúc 6 và 12 giờ sau liều đầu tiên.

Liều dùng thuốc Metronidazol 500mg cho trẻ em như thế nào?

Trẻ em: Truyền tĩnh mạch 20 – 30 mg Metronidazol/kg/ngày chia làm 2 – 3 lần.

Cách dùng

Bạn nên dùng thuốc metronidazol 500mg như thế nào?

Thuốc dùng qua đường tiêm truyền (dung dịch 5 mg/ml), tốc độ truyền 5ml/phút.

Chỉ dùng dung dịch truyền khi người bệnh không sử dụng được thuốc uống.

Mỗi chai dùng 1 lần, phần không dùng nữa phải hủy bỏ.

Không được sử dụng nếu thấy dung dịch không trong suốt hoặc chai hay nắp chai có dấu hiệu bị hư hại.

thuốc Metronidazol 500mg cách dùng

Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?

Triệu chứng quá liều thuốc có thể bao gồm buồn nôn, nôn và mất điều hòa. Tác dụng độc thần kinh gồm có co giật, viêm dây thần kinh ngoại biên đã được báo cáo sau 5 tới 7 ngày dùng liều 6 – 10,4 g cách 2 ngày/lần.

Không có thuốc giải độc đặc hiệu. Điều trị triệu chứng và hỗ trợ.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Vì bác sĩ, dược sĩ hoặc chuyên viên y tế sẽ chỉ định và theo dõi quá trình bạn sử dụng thuốc, trường hợp quên liều khó có thể xảy ra.

Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc Metronidazol 500mg?

Tác dụng không mong muốn thường phụ thuộc vào liều dùng, khi dùng liều cao và lâu dài sẽ làm tăng tác dụng có hại. 

Tác dụng không mong muốn thường gặp nhất là buồn nôn, nhức đầu, chán ăn, khô miệng, có vị kim loại rất khó chịu. 

Các phản ứng không mong muốn khác ở đường tiêu hóa của metronidazol là nôn, tiêu chảy, đau thượng vị, đau bụng, táo bón. Các tác dụng không mong muốn trên đường tiêu hóa xảy ra khoảng 5 – 25%. 

Thường gặp, ADR > 1/100

  • Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, chán ăn, đau bụng, tiêu chảy, miệng có vị kim loại khó chịu. 

Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100

  • Máu: Giảm bạch cầu.

Hiếm gặp, ADR < 1/1000

  • Máu: Mất bạch cầu hạt.
  • Thần kinh trung ương: Cơn động kinh, bệnh đa dây thần kinh ngoại vi, nhức đầu.
  • Da: Phồng rộp da, ban da, ngứa. 
  • Tiết niệu: Nước tiểu sẫm màu. 

Hướng dẫn cách xử trí tác dụng phụ:

  • Ngừng điều trị khi bị chóng mặt, lú lẫn, mất điều hòa. 
  • Kiểm tra công thức bạch cầu ở người bị rối loạn tạng máu hoặc điều trị liều cao và kéo dài. 
  • Giảm liều ở người suy gan nặng. 
  • Do có độc tính với thần kinh và làm giảm bạch cầu, cần chú ý khi dùng cho người bị bệnh ở hệ thần kinh trung ương, và người có tiền sử loạn tạng máu.
  • Bác sĩ cần báo trước cho người bệnh về phản ứng kiểu disulfiram, nếu dùng thuốc với rượu.
  • Cần thận trọng khi phối hợp với warfarin.

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Thận trọng/Cảnh báo

Trước khi dùng thuốc Metronidazol 500mg, bạn nên lưu ý những gì?

thuốc Metronidazol 500mg lưu ý khi dùng

  • Chống chỉ định dùng thuốc cho những người có tiền sử quá mẫn với metronidazol hoặc các dẫn chất nitro-imidazol khác.
  • Metronidazol có tác dụng ức chế alcol dehydrogenase và các enzym oxy hóa alcol khác, thuốc có phản ứng nhẹ kiểu disulfiram như nóng bừng mặt, nhức đầu, buồn nôn, nôn, co cứng bụng và ra mồ hôi khi dùng cùng với rượu.
  • Metronidazol có thể gây bất động xoắn khuẩn giang mai Treponema pallidum tạo nên phản ứng dương tính giả của nghiệm pháp Nelson.
  • Dùng liều cao điều trị các nhiễm khuẩn kỵ khí và điều trị bệnh do amip và do Giardia có thể gây rối loạn tạng máu và các bệnh thần kinh thể hoạt động.

Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc Metronidazol 500mg trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật,…)

Sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai và cho con bú

Thời kỳ mang thai 

Metronidazol qua hàng rào nhau thai khá nhanh, đạt được một tỷ lệ nồng độ giữa cuống nhau thai và huyết tương mẹ là xấp xỉ 1.

Chưa thấy có thông báo về việc dùng thuốc gây quái thai. Tuy nhiên, cũng có một số nghiên cứu đã thông báo nguy cơ sinh quái thai. Tuy nhiên cũng có một số nghiên cứu đã thông báo nguy cơ sinh quái thai tăng khi dùng thuốc vào 3 tháng đầu của thai kỳ. Do đó, không nên dùng trong thời gian đầu khi mang thai, trừ khi bắt buộc phải dùng. 

Thời kỳ cho con bú

Metronidazol bài tiết vào sữa mẹ khá nhanh, trẻ bú có thể có nồng độ thuốc trong huyết tương bằng khoảng 15% nồng độ ở mẹ. 

Nên ngừng cho bú khi điều trị bằng metronidazol.

Ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc

Một số tác dụng phụ của thuốc có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc. Do đó, cần thận trọng đối với các đối tượng này.

Tương tác thuốc

Thuốc Metronidazol 500mg có thể tương tác với những thuốc nào?

  • Metronidazol tăng tác dụng thuốc chống đông máu, đặc biệt warfarin, vì vậy tránh dùng cùng lúc.
  • Metronidazol có tác dụng kiểu disulfiram. Vì vậy, không dùng đồng thời 2 thuốc này để tránh tác dụng độc trên thần kinh như loạn thần, lú lẫn.
  • Cimetidin có thể làm kéo dài thời gian bán thải của metronidazol và làm giảm độ thanh thải của thuốc này khi dùng đồng thời metronidazol với cimetidin, do đó cần cân nhắc khi sử dụng 2 thuốc này đồng thời với nhau.
  • Dùng đồng thời metronidazol và phenobarbital làm tăng chuyển hóa metronidazol nên metronidazol thải trừ nhanh hơn.
  • Dùng metronidazol cho người bệnh đang có nồng độ lithi trong máu cao (do dang dùng lithi) sẽ làm nồng độ lithi huyết thanh tăng lên, gây độc.
  • Khi dùng đồng thời metronidazol và phenytoin có thể làm giảm nồng độ trong huyết thanh và làm tăng độ thải trừ của metronidazol, đồng thời làm giảm độ thanh thải của phenytoin.
  • Metronidazol tăng tác dụng của vecuronium là một thuốc giãn cơ không khử cực.

Thuốc Metronidazol 500mg có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Các tác dụng kiểu disulfiram nhẹ như đỏ bừng mặt, nhức đầu, buồn nôn, nôn, đau bụng, đồ mồ hôi… có thể xảy ra khi sử dụng rượu trong khi đang dùng metronidazol. Do đó, hạn chế dùng rượu ít nhất là 1 ngày sau khi hoàn thành điều trị với metronidazol.

Thức ăn, rượu và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc Metronidazol 500mg?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.

Bảo quản thuốc

Bạn nên bảo quản Metronidazol 500mg như thế nào?

Bảo quản trong bao bì kín, tránh ánh sáng, tránh ẩm, ở nhiệt độ dưới 30°C.

Hi vọng bài viết đã cung cấp đến bạn những thông tin hữu ích về thuốc Metronidazol 500mg/100ml. Khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, hãy thăm khám và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Cùng tham gia cộng đồng của Hello Bacsi để tìm hiểu và chia sẻ với nhau những thông tin hữu ích nhé!

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Metronidazole. https://www.mayoclinic.org/drugs-supplements/metronidazole-oral-route/side-effects/drg-20064745. Ngày truy cập: 22/06/2024

Metronidazole. https://www.healthnavigator.org.nz/medicines/m/metronidazole/. Ngày truy cập: 22/06/2024

Metronidazole. https://www.nhs.uk/medicines/metronidazole/. Ngày truy cập: 22/06/2024

Metronidazole. https://medlineplus.gov/druginfo/meds/a689011.html. Ngày truy cập: 22/06/2024

Metronidazole. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK539728/. Ngày truy cập: 10/06/2024

Thông tin về thuốc Metronidazol 500mg/100ml. https://nhidongcantho.org.vn/?tabid=566&ndid=304&key=Thong_tin_ve_thuoc_Metronidazol_500mg_100ml. Ngày truy cập: 10/06/2024

METRONIDAZOLE METRONIDAZOLE. https://cdn.drugbank.vn/1555568099824_Nha%CC%83n%2094-538-543.pdf. Ngày truy cập: 10/06/2024

Phiên bản hiện tại

05/07/2024

Tác giả: Vi Quỳnh

Tham vấn chuyên môn: Thạc sĩ Dược học Nguyễn Thị Hương

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Sốc nhiễm trùng, hay sốc nhiễm khuẩn là gì mà đe dọa tính mạng?

Nhiễm trùng máu sống được bao lâu? Ai dễ tử vong?


Tham vấn chuyên môn:

Thạc sĩ Dược học Nguyễn Thị Hương

Dược · Công ty cổ phần dược phẩm Gia Nguyễn


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 05/07/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo