backup og meta

Remdesivir

Remdesivir

Remdesivir là một thuốc kháng virus phổ rộng được nghiên cứu và phát triển cách đây hơn một thập kỷ để điều trị bệnh viêm gan C và virus hợp bào hô hấp (RSV). Tuy nhiên, nó không phải là phương pháp điều trị hiệu quả cho hai căn bệnh trên. Dù vậy, các nhà nghiên cứu nhận thấy nó có tiềm năng để chống lại những loại virus khác.

Vào tháng 2/2020, thuốc kháng virus này bắt đầu được đưa vào thử nghiệm để xem có khả năng điều trị SARS-CoV-2, loại virus gây ra đại dịch COVID-19 toàn cầu hay không.

Đến ngày 22/10/2020, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA đã chính thức phê duyệt remdesivir được sử dụng cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi, nặng ít nhất trên 40kg trong điều trị bệnh COVID-19 cần phải nhập viện. Quyết định này căn cứ trên phân tích dữ liệu nghiên cứu từ 3 thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng, bao gồm các bệnh nhân COVID-19 có chỉ định nhập viện ở mức độ từ nhẹ đến nặng.

Tìm hiểu chung

Remdesivir là thuốc gì và có tác dụng, công dụng gì?

Remdesivir thuộc nhóm thuốc kháng virus hoạt động bằng cách ức chế sự nhân lên của virus, khiến chúng không thể sinh sôi trong cơ thể. Thuốc được dùng dưới dạng tiêm truyền tĩnh mạch dùng để điều trị COVID-19 ở người lớn, trẻ em trên 12 tuổi và nặng ít nhất 40 kg cần phải nhập viện.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới WHO không khuyến khích sử dụng remdesivir trong điều trị virus SARS-CoV-2 và cần thực hiện nhiều nghiên cứu hơn nữa để có thêm bằng chứng chắc chắn trên các nhóm bệnh nhân cụ thể. Ở Việt Nam, kể từ tháng 08/2021, Bộ Y tế đã bắt đầu sử dụng remdesivir trong điều trị Covid-19. Theo đó, thuốc này được ưu tiên sử dụng cho nhóm nguy cơ cao gồm người trên 65 tuổi, người có bệnh nền, béo phì (BMI >25)

Một số tác dụng khác của thuốc có thể được bác sĩ chỉ định sử dụng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này khi có chỉ định của bác sĩ.

Thông tin được cung cấp trong bài viết này chỉ có tính chất tham khảo dựa trên dữ liệu hiện có từ các nghiên cứu lâm sàng, có thể không áp dụng cho tất cả các quốc gia.

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều dùng thuốc remdesivir ở người lớn là bao nhiêu?

Liều dùng thuốc remdesivir

Liều dùng remdesivir đường tiêm truyền tĩnh mạch trong điều trị bệnh coronavirus 2019 (COVID-19) ở người lớn theo khuyến cáo là:

  • Trường hợp bệnh nặng: dùng liều 200mg duy nhất vào ngày 1, tiếp theo dùng 100mg/ lần/ ngày bắt đầu từ ngày 2.
  • Thời gian điều trị cho bệnh nhân không cần thở máy/ oxy hóa màng ngoài cơ thể (ECMO) là 5 ngày, có thể kéo dài thêm 5 ngày nữa ở những người không có cải thiện về mặt lâm sàng.
  • Ở bệnh nhân cần thở máy xâm nhập/ ECMO, thời gian điều trị là 10 ngày.
  • Các liều dùng mỗi lần được truyền qua đường truyền tĩnh mạch trong khoảng 30–120 phút.

Liều dùng thuốc remdesivir cho trẻ em là bao nhiêu?

Liều dùng khuyến cáo theo cân nặng ở trẻ em là:

  • Từ 3,5 – 40kg: FDA đã phê duyệt Giấy phép sử dụng khẩn cấp cho trẻ em ở mức cân nặng này được dùng remdesivir khi mắc COVID-19 ở mức độ nghiêm trọng. Liều dùng khuyến cáo là 5mg/kg vào ngày 1, sau đó dùng 2,5mg/ kg/ ngày từ ngày 2 trở đi.
  • Trẻ từ 40kg trở lên dùng liều như ở người lớn.
  • Thời gian điều trị cũng tương tự, từ 5 – 10 ngày tùy theo mức độ bệnh và khả năng đáp ứng. Liều dùng mỗi lần được truyền qua đường truyền tĩnh mạch trong khoảng 30–120 phút.

Cách dùng

Thuốc remdesivir được sử dụng như thế nào?

Thuốc có dạng bột đông khô để pha thành dịch tiêm truyền hoặc dạng dung dịch đậm đặc rồi pha loãng trong túi truyền dịch. Việc sử dụng thuốc này chỉ được nhân viên y tế thực hiện.

Trong quá trình truyền thuốc, nhân viên y tế sẽ theo dõi bạn thường xuyên để kịp thời xử lý các vấn đề, phản ứng xảy ra. Nếu bạn cảm thấy có triệu chứng bất thường nào, hãy gọi điều dưỡng hay bác sĩ ngay lập tức.

Tác dụng phụ

Bạn có thể gặp phải tác dụng phụ nào khi sử dụng thuốc remdesivir?

Tác dụng phụ thuốc remdesivir

Một số tác dụng phụ được ghi nhận liên quan đến thuốc này là:

  • Phản ứng xảy ra đáng kể: tăng nồng độ transaminase, các phản ứng phản vệ và phản ứng liên quan đến truyền dịch bao gồm phù mạch, đồ mồ hôi nhiều, khó thở, nhịp tim chậm hoặc nhanh, hạ huyết áp, buồn nôn, phát ban, rùng mình, nôn, thở khò khè.
  • Rối loạn máu và hệ bạch huyết: thiếu máu, xuất huyết
  • Rối loạn chuyển hóa: tăng đường huyết
  • Rối loạn hệ thần kinh: nhức đầu
  • Rối loạn thận và tiết niệu: tăng creatinin huyết thanh, giảm độ lọc cầu thận, chấn thương thận cấp tính

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn gặp phải bất kỳ tác dụng không mong muốn nào, hãy ngưng dùng thuốc và thông báo ngay cho bác sĩ.

Thận trọng/ Cảnh báo

Bạn nên lưu ý những gì khi dùng thuốc remdesivir?

Bộ Y tế lưu ý không sử dụng thuốc này cho:

  • Bệnh nhân mắc Covid-19 cần thở máy xâm nhập, ECMO. Riêng đối với các trường hợp được điều trị bằng remdesivir trước khi thở máy xâm nhập hoặc ECMO thì cần tiếp tục dùng remdesivir cho đủ liệu trình.
  • Phản ứng quá mẫn với bất kỳ thành phần của thuốc
  • Người suy thận có eGFR < 30mL/phút
  • Tăng enzyme gan ALT > 5 lần giá trị giới hạn trên
  • Suy chức năng đa cơ quan nặng

Không khuyến cáo tự ý sử dụng thuốc để điều trị COVID-19 mức độ nhẹ hoặc trung bình. Thận trọng khi dùng cho người bị suy thận và gan.

Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật,…)

Các nghiên cứu về việc dùng thuốc này trên phụ nữ có thai và đang cho con bú vẫn còn hạn chế. Các đối tượng này không nên sử dụng thuốc remdesivir nếu không được bác sĩ đánh giá, cân nhắc.

Tương tác thuốc

Thuốc remdesivir có thể tương tác với những thuốc nào?

Tương tác thuốc remdesivir

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) cho bác sĩ.

Hiện nay chưa có đủ dữ liệu về các tương tác thuốc cụ thể có khả năng xảy ra khi dùng chung với remdesivir. Bác sĩ nên giảm thiểu các loại thuốc dùng chung không cần nếu có thể vì thiếu thông tin về nguy cơ tương tác.

Không dùng đồng thời thuốc này với bất kỳ loại thuốc tiêm truyền tĩnh mạch nào khác. Thuốc có thể giảm hiệu quả điều trị nếu dùng chung với chloroquine hay hydroxychloroquine.

Thuốc này có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Thức ăn, rượu và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc này?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.

Bảo quản thuốc

Bạn nên bảo quản thuốc remdesivir như thế nào?

Dạng bột đông khô, bảo quản ở dưới 30ºC. Khi pha thành dung dịch hoàn nguyên, bảo quản trong khoảng nhiệt độ 20–25ºC (ổn định trong 4 giờ) hoặc từ 2–8ºC (ổn định trong 24 giờ).

Dạng dung dịch thuốc remdesivir đậm đặc, bảo quản từ 2–8ºC. Trước khi pha loãng, để cân bằng nhiệt độ đến 20–25ºC (ổn định trong 12 giờ). Dung dịch pha loãng để tiêm truyền được bảo quản trong khoảng 20–25ºC (ổn định 4 giờ) hoặc từ 2–8ºC (ổn định đến 24 giờ).

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Final report confirms remdesivir benefits for COVID-19. https://www.nih.gov/news-events/nih-research-matters/final-report-confirms-remdesivir-benefits-covid-19. Ngày truy cập 19/7/2021.

FDA Approves First Treatment for COVID-19. https://www.fda.gov/news-events/press-announcements/fda-approves-first-treatment-covid-19. Ngày truy cập 19/7/2021.

WHO recommends against the use of remdesivir in COVID-19 patients. https://www.who.int/news-room/feature-stories/detail/who-recommends-against-the-use-of-remdesivir-in-covid-19-patients. Ngày truy cập 19/7/2021.

Quyết định số 3416/QĐ-BYT, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do chủng vi rút Corona mới (SARS-CoV-2). https://kcb.vn/wp-content/uploads/2021/07/QD-3416-Huong-dan-COVID-version-5-ngay-11.7_trinh-ky_Duong_final.signed.pdf. Ngày truy cập 19/7/2021.

Remdesivir Injection. https://medlineplus.gov/druginfo/meds/a620033.html. Ngày truy cập 19/7/2021.

Remdesivir. https://www.mims.com/vietnam/drug/info/remdesivir?mtype=generic#disclaimer. Ngày truy cập 19/7/2021.

Phiên bản hiện tại

19/08/2021

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Phương Quỳnh


Bài viết liên quan

HỎI ĐỂ KHỎE HƠN - Lưu ý khi sử dụng thuốc | Hello Bacsi x SANOFI

HỎI ĐỂ KHỎE HƠN - Tác dụng phụ và biến chứng khi dùng thuốc | Hello Bacsi x SANOFI


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 19/08/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo