Tên biệt dược: Nasonex
Tên hoạt chất: Mometasone furoate
Phân nhóm: Thuốc xịt mũi
Tìm hiểu chung
Tác dụng của thuốc Nasonex là gì?
Bạn có thể sử dụng thuốc Nasonex để điều trị:
- Những triệu chứng của viêm mũi dị ứng theo mùa hoặc viêm mũi dị ứng quanh năm như nghẹt mũi, hắt hơi, chảy nước mũi.
- Polyp mũi và các triệu chứng liên quan như sung huyết và mất mũi.
- Các triệu chứng liên quan đến viêm mũi xoang cấp mà không có dấu hiệu hoặc triệu chứng nhiễm khuẩn nặng.
- Hỗ trợ với kháng sinh trong đợt viêm xoang cấp
Liều dùng
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.
Thuốc Nasonex có những hàm lượng nào?
Thuốc Nasonex có dạng thuốc xịt mũi chứa 50 mcg mometasone furoate trong mỗi 100 microlit hỗn dịch.
Liều dùng thuốc Nasonex cho người lớn như thế nào?
Liều dự phòng và điều trị thông thường cho người lớn (kể cả người cao tuổi) và thanh thiếu niên bị viêm mũi dị ứng: Bạn xịt 2 nhát cho mỗi bên mũi, một lần mỗi ngày. Liều duy trì là 1 nhát xịt mỗi bên mũi, một lần mỗi ngày. Liều tối đa có thể sử dụng là 4 nhát xịt/một bên mũi, một lần mỗi ngày. Nên giảm liều sau khi đã kiểm soát được các triệu chứng.
Tác dụng đáng kể trên lâm sàng xuất hiện sớm sau 12 giờ dùng liều đầu tiên.
Liều thông thường cho người lớn trên 18 tuổi bị polyp mũi: Bạn xịt 2 nhát cho mỗi bên mũi, 2 lần mỗi ngày. Khi đã kiểm soát tốt triệu chứng, nên giảm liều xuống 2 nhát cho mỗi bên mũi, một lần mỗi ngày.
Liều thông thường cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi để điều trị viêm mũi xoang cấp: Bạn xịt 2 nhát vào mỗi bên mũi, 2 lần/ngày.
Liều thông thường cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi để điều trị hỗ trợ các đợt viêm xoang cấp: Bạn xịt 2 nhát vào mỗi bên mũi, 2 lần/ngày. Nếu không kiểm soát triệu chứng tốt, có thể tăng đến 4 nhát xịt cho mỗi bên mũi, 2 lần/ngày.
Liều dùng thuốc Nasonex cho trẻ em như thế nào?
Thuốc Nasonex không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ dưới 2 tuổi.
Liều thông thường cho trẻ bị viêm mũi dị ứng:
- Đối với trẻ từ 2 – 11 tuổi, bạn xịt cho trẻ 1 nhát ở mỗi bên mũi, một lần mỗi ngày.
- Đối với trẻ từ 12 tuổi trở lên, dùng liều tương tự người lớn.
Khi sử dụng thuốc để ngừa viêm mũi dị ứng, bạn nên cho trẻ bắt đầu dùng thuốc khoảng 2 đến 4 tuần trước khi tới mùa phấn hoa.
Cách dùng
Hướng dẫn cách sử dụng bình xịt mũi Nasonex
Để sử dụng thuốc xịt mũi Nasonex, bạn thực hiện theo các bước sau:
- Xì mũi nhẹ nhàng để làm sạch mũi, lắc nhẹ chai thuốc và tháo nắp chống bụi ra.
- Đặt ngón trỏ và ngón giữa vào hai bên vòi xịt, ngón cái vào thân chai thuốc. Hướng vòi xịt ra xa và ấn ngón tay xuống để xịt thuốc.
- Bịt một bên lỗ mũi và đưa vòi xịt vào lỗ mũi bên kia. Hơi nghiêng đầu về phía trước, giữ chai thuốc thẳng đứng. Bắt đầu hít vào nhẹ nhàng hoặc chậm rãi qua mũi. Trong khi hít vào thì xịt thuốc bằng cách dùng các ngón tay ấn dứt khoát MỘT xịt.
- Thở ra qua miệng. Lặp lại bước 3 để hít liều xịt thứ hai cho cùng một bên lỗ mũi. Rút vòi xịt ra khỏi lỗ mũi và thở ra qua miệng.
- Lặp lại bước 3 và 4 cho lỗ mũi bên kia
- Sau khi xịt thuốc, lau vòi xịt cẩn thận bằng khăn tay hoặc khăn giấy sạch.
- Đậy nắp chống bụi lại.
Nếu không sử dụng bình xịt trong vòng 14 ngày hoặc lâu hơn, trước lần sử dụng tiếp theo cần mồi bơm lại (xịt 2 nhát xịt cho đến khi thấy phun sương đồng nhất). Lắc kỹ bình xịt trước mỗi lần dùng.
Bạn nên làm gì trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều?
Do sinh khả dụng toàn thân của Nasonex thường nhỏ hơn 1% trong huyết tương, tình trạnh quá liều thường không yêu cầu điều trị mà cần theo dõi, sử dụng tiếp liều kê toa thích hợp.
Trong trường hợp khẩn cấp, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.
Bạn nên làm gì nếu quên một liều?
Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.
Tác dụng phụ
Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc Nasonex?
Như các loại thuốc khác, thuốc mometasone furoate có thể gây ra một số tác dụng phụ, bao gồm:
- Đau đầu
- Chảy máu cam như chảy máu thật sự, nhầy mũi lẫn máu và đốm chảy máu
- Viêm hầu họng
- Nóng rát mũi
- Kích thích mũi và loét mũi
- Hắt hơi
Ngoài ra, các phản ứng quá mẫn tức thì như co thắt phế quản, khó thở cũng có thể xảy ra với tần suất hiếm gặp hơn. Rất hiếm có báo cáo thay đổi vị giác và khướu giác cũng như các phản ứng phản vệ và phù mạch.
Không phải ai cũng gặp các tác dụng phụ như trên. Có thể có các tác dụng phụ khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Thận trọng trước khi dùng
Trước khi dùng thuốc Nasonex bạn nên biết những gì?
Trước khi dùng thuốc Nasonex bạn nên báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ nếu:
- Bạn bị dị ứng với thuốc, tá dược của thuốc;
- Bạn bị dị ứng với bất kì thuốc nào, thức ăn, thuốc nhuộm, chất bảo quản hoặc loài động vật nào;
- Bạn đang mắc bất kì vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt là nhiễm lao thể hoạt động hoặc thể câm đường hô hấp, nhiễm vi khuẩn, nhiễm virus toàn thân chưa được điều trị, herpes simplex ở mắt.
- Bạn có tiền sử phẫu thuật mũi gần đây hoặc bị thương ở mũi
- Bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào khác.
Những điều cần lưu ý nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú
Vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú.
Cũng như các chế phẩm corticosteroid dùng đường mũi khác, chỉ nên dùng Nasonex cho phụ nữ có thai, cho con bú hoặc ở độ tuổi sinh sản khi lợi ích điều trị vượt trội hơn nguy cơ cho mẹ, thai và nhũ nhi. Nếu mẹ sử dụng corticosteroid trong thai kỳ thì con cần được theo dõi cẩn thận về suy tuyến thượng thận.
Trước khi dùng thuốc, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.
Tương tác thuốc
Thuốc Nasonex có thể tương tác với thuốc nào?
Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Tài liệu này không bao gồm đầy đủ các tương tác thuốc có thể xảy ra. Tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Bạn không được tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.
Thức ăn và rượu bia có ảnh hưởng đến thuốc Nasonex không?
Hãy tham khảo ý kiến chuyên gia sức khỏe của bạn về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.
Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc Nasonex?
Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt là:
- Bị nhiễm trùng hoặc mới bị nhiễm trùng gần đây;
- Tăng nhãn áp hoặc đục thủy tinh thể;
- Nhiễm virus Herpes ở mắt;
- Lao phổi hoặc bất kì nhiễm trùng khác;
- Đau hoặc loét bên trong mũi, tiền sử phẫu thuật mũi gần đây hoặc bị thương ở mũi.
Bảo quản
Bạn nên bảo quản thuốc Nasonex như thế nào?
Bạn nên bảo quản thuốc này ở nhiệt độ dưới 30 độ C, tránh ẩm và ánh sáng. Bạn không nên bảo quản thuốc trong phòng tắm. Bạn không nên bảo quản thuốc trong ngăn đá. Mỗi loại thuốc có thể có các phương pháp bảo quản khác nhau. Bạn hãy đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì, hoặc hỏi dược sĩ. Bạn hãy giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.
Bạn không vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi có yêu cầu. Bạn hãy vứt thuốc đúng cách khi thuốc quá hạn hoặc không thể sử dụng. Tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc công ty xử lý rác thải địa phương về cách tiêu hủy thuốc an toàn.