Tên biệt dược: Hemopoly Solution
Tên hoạt chất: Sắt 50mg (dưới dạng Ferric hydroxid polymaltose complex)
Tác dụng
Tác dụng của thuốc Hemopoly là gì?
Sắt là nguyên liệu vô cùng cần thiết để cơ thể tạo ra huyết sắc tố (hemoglobin), một protein nằm trong tế bào hồng cầu với chức năng vận chuyển oxy từ phổi đến các mô. Ngoài ra, sắt còn là hợp phần của một số enzyme tham gia vào quá trình tạo năng lượng, có vai trò quan trọng với chức năng của hệ thần kinh trung ương và hệ miễn dịch trong cơ thể.
Không đủ sắt khiến cho quá trình sản sinh hồng cầu suy giảm hoặc hồng cầu tạo ra có kích thước nhỏ hơn bình thường. Dẫn đến hậu quả là cơ thể bị thiếu máu và các mô tế bào sẽ không nhận đủ oxy để hoạt động.
Thuốc sắt nước Hemopoly 5ml có tác dụng bổ sung một lượng sắt nhất định cho cơ thể, thường được chỉ định trong ngăn ngừa và điều trị bệnh thiếu máu do thiếu sắt.
Một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này để điều trị một số bệnh lý chỉ khi có chỉ định của bác sĩ.
Liều dùng
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.
Thuốc Hemopoly có những dạng và hàm lượng nào?
Thuốc sắt Hemopoly được bào chế dưới dạng dung dịch uống, hàm lượng 50mg Fe(III) / 5ml.
Liều dùng thuốc Hemopoly cho người lớn như thế nào?
Người lớn trên 18 tuổi: 2 ống Hemopoly 5ml/ ngày.
Liều dùng thuốc Hemopoly cho trẻ em như thế nào?
Có thể sử dụng thuốc Hemopoly 5ml cho trẻ em với liều đề nghị như sau:
- Từ 1 – 11 tuổi: 1 hoặc 2 ống/ ngày, mỗi lần 1 ống.
- Từ 12 – 18 tuổi: 2 ống/ ngày, mỗi lần 1 ống.
Cách dùng
Bạn nên dùng thuốc Hemopoly như thế nào?
Để tối ưu việc bổ sung sắt vào cơ thể, bạn nên dùng thuốc Hemopoly cách ngày và đồng thời hãy lưu ý những điều sau:
- Thuốc chỉ được dùng bằng đường uống.
- Không nên uống thuốc sắt cùng với thức ăn.
- Sắt thường được hấp thụ tốt nhất trong môi trường axit, vì vậy bạn có thể sử dụng sắt cùng với vitamin C (axit ascorbic), chẳng hạn như một ly nước cam hoặc một viên vitamin C 250mg để tăng khả năng hấp thu sắt.
Bạn cần dùng thuốc bổ sung sắt trong thời gian bao lâu còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của cá nhân, có thể là vài tuần hoặc vài tháng. Thông thường, sau khi nồng độ hemoglobin và sắt trở lại bình thường, bạn nên tiếp tục bổ sung sắt trong 6 tháng nữa. Bác sĩ điều trị sẽ theo dõi và đưa ra lời khuyên phù hợp nhất cho bạn.
Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?
Những trường hợp quá liều muối sắt đã được ghi nhận sau khi uống một lượng lớn thuốc sắt Hemopoly, độc tính đặc biệt nguy hiểm ở trẻ em dưới 2 tuổi. Các triệu chứng quá liều sắt bao gồm: kích ứng và hoại tử dạ dày – ruột, đa số thường có kèm theo biểu hiện nôn mửa và sốc.
Tình trạng quá liều cần được điều trị càng sớm càng tốt. Do đó, trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều hãy gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.
Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.
Bạn nên làm gì nếu quên một liều?
Nếu bạn quên uống một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.
Tác dụng phụ
Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc Hemopoly?
Một số tác dụng không mong muốn có thể xảy ra trong quá trình sử dụng thuốc Hemopoly. Bạn nên ngừng việc dùng thuốc và tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ khi xuất hiện các triệu chứng sau:
- Nổi mề đay, ngứa
- Buồn nôn, ói mửa
- Rối loạn tiêu hóa, táo bón, tiêu chảy
- Đau bụng, xuất huyết trực tràng, đi ngoài phân đen
- Răng bị xỉn màu
- Biếng ăn, suy nhược
- Da nhạy cảm ánh sáng
- Do giật, sốt, hôn mê
- Rối loạn tuần hoàn, phù, suy tim sung huyết, nhiễm sắc tố, tăng natri máu, tăng đường huyết, nhiễm toan chuyển hóa
Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Thận trọng/Cảnh báo
Trước khi dùng thuốc Hemopoly, bạn nên lưu ý những gì?
Chống chỉ định sử dụng thuốc Hemopoly cho bệnh nhân quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc, trẻ em dưới 12 tháng tuổi hoặc những đối tượng sau đây:
- Người bị nhiễm sắc tố sắt mô, nhiễm hemosiderin
- Thiếu máu do nhiễm độc chì, do không hòa tan sắt hoặc do rối loạn chuyển hóa porphyrin biểu hiện trên da
- Thiếu máu không do thiếu sắt.
- Thiếu máu do suy tủy.
- Thiếu máu tán huyết mạn tính.
- Bệnh nhân bị thừa sắt.
- Thiếu máu do thiếu sắt sau nhiễm trùng hoặc khối u.
- Viêm tụy mạn tính.
- Bệnh nhân xơ gan.
Khi cho trẻ em uống thuốc sắt nước Hemopoly cần phải có sự giám sát của người lớn. Bởi vì quá thừa sắt trong cơ thể sẽ rất nguy hiểm cho trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ dưới 6 tuổi có thể dẫn đến tử vong do ngộ độc sắt.
Bệnh nhân chỉ dùng thuốc bổ sung sắt khi thật cần thiết, đúng chỉ định của bác sĩ về liều dùng và nên thông báo với bác sĩ nếu có các tình trạng sau:
- Đang được điều trị bệnh khác.
- Mắc các bệnh lý đường tiêu hóa như: loét dạ dày – tá tràng, viêm ruột kết mạn loét, viêm ruột kết khu trú.
- Bệnh tim/ rối loạn tuần hoàn.
- Huyết cầu tố niệu kịch phát.
- Bệnh nhân suy thận.
- Giảm protein huyết.
- Đang dùng đồng thời các chế phẩm có chứa sắt hoặc các thuốc như: quinolon, penicillamine, cholestyramine, vitamin E, disphosphonate, thyroxine và cefdinir.
- Phải truyền máu thường xuyên.
Nếu tình trạng không cải thiện sau một tháng dùng thuốc, bạn hãy liên hệ để hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị hoặc dược sĩ.
Bên cạnh đó, cần xét nghiệm kiểm tra công thức máu trong suốt quá trình điều trị, mục đích nhằm hạn chế xảy ra tình trạng quá liều.
Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc Hemopoly trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật,…)
Dựa trên kết quả của các nghiên cứu có kiểm soát ở phụ nữ cho thấy, dùng thuốc trong 3 tháng đầu thai kỳ không làm xuất hiện nguy cơ nào đối với bào thai. Ngoài ra, không có dấu hiệu gì cho thấy thuốc có khả năng gây nguy hiểm trong các tháng tiếp theo của thai kỳ và hầu như không có ảnh hưởng xấu đến bào thai.
Phụ nữ mang thai và cho con bú nên sử dụng thuốc Hemopoly theo đúng liều lượng đã khuyến cáo hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Mặc dù lượng sắt bổ sung vào cơ thể có bài tiết qua sữa mẹ, tuy nhiên nồng độ này không gây ra bất kỳ tác dụng nào ở trẻ sơ sinh.
Tương tác thuốc
Thuốc Hemopoly có thể tương tác với những thuốc nào?
Thuốc sắt nước Hemopoly có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất bạn nên viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm cả thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi sử dụng thuốc, bạn không nên tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không được sự cho phép của bác sĩ.
Không nên dùng sắt nước Hemopoly khi đang dùng các thuốc bao gồm:
- Phosphat
- Thuốc bổ sung canxi
- Kháng sinh tetracyclin đường uống
- Các thuốc kháng acid.
- Nồng độ kali huyết có thể tăng khi dùng đồng thời sắt với các thuốc kháng aldosteron, triamteren.
Thuốc Hemopoly có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?
Sữa, caffeine, trà xanh hoặc trà đỏ chứa tanin có thể làm giảm lượng sắt được hấp thu. Bạn cần lưu ý tránh sử dụng các loại thực phẩm này trước, trong hoặc sau khi dùng thuốc sắt Hemopoly.
Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc Hemopoly?
Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào trong mục Thận trọng/Cảnh báo.
Bảo quản thuốc
Bạn nên bảo quản thuốc Hemopoly như thế nào?
Giữ thuốc trong hộp kín, tránh ẩm, tránh ánh sáng trực tiếp. Bảo quản ở nhiệt độ dưới 30°C. Tránh xa tầm tay trẻ em. Không chứa thuốc trong các chai lọ khác để đảm bảo chất lượng thuốc.