backup og meta

Cenflu

Cenflu

Tên biệt dược: Ceteco Cenflu.

Tên hoạt chất:Paracetamol 500 mg, cafein 25 mg, phenylephrin 5 mg trong mỗi viên nén.

Tác dụng

Thuốc Cenflu có tác dụng gì?

Thành phần chính là các hoạt chất bao gồm: paracetamol có tác dụng giảm đau hạ sốt, cafein tác dụng rõ trên thần kinh trung ương và phenylephrin làm co mạch máu và tăng huyết áp. Thuốc Cenflu được chỉ định sử dụng cho người từ 16 tuổi để làm giảm cơn đau do viêm xoang và giảm các triệu chứng của cảm lạnh, bệnh cúm, kèm theo mệt mỏi và buồn ngủ. 

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Thuốc Cenflu có những dạng và hàm lượng nào?

Viên nén bao phim Cenflu.

Liều dùng thuốc Cenflu cho người lớn như thế nào?

  • Liều khuyến cáo thông thường ở người lớn và trẻ em ≥ 16 tuổi: 2 viên x 4 lần/ ngày, mỗi lần cách nhau từ 4 – 6 giờ.
  • Liều tối đa: không quá 8 viên trong vòng 24 giờ.

Liều dùng thuốc Cenflu cho trẻ em như thế nào?

Thuốc này không thích hợp để sử dụng cho trẻ em dưới 16 tuổi.

Cách dùng

Bạn nên dùng thuốc Cenflu như thế nào?

Thuốc Cenflu được sử dụng qua đường uống bằng cách nuốt nguyên vẹn viên nén cùng với một ít nước. Bạn không nên nhai, nghiền hoặc bẻ nhỏ viên nén để tránh làm giảm tác dụng của thuốc.

Lưu ý: đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng, không được tự ý uống thuốc Cenflu liên tục trên 3 ngày mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ.

Cách dùng thuốc cenflu

Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều thuốc Cenflu?

Quá liều thuốc Cenflu có thể xuất hiện các triệu chứng điển hình của quá liều paracetamol, phenylephrin, cafein hoặc bao gồm cả ba. 

  • Paracetamol: tái nhợt, buồn nôn, nôn và đau bụng; xanh tím da, niêm mạc và móng tay. Ngộ độc nặng có thể gây kích thích thần kinh trung ương với biểu hiện kích động và mê sảng; sau đó ức chế thần kinh trung ương với biểu hiện sững sờ, hạ thân nhiệt, mệt lả, thở nhanh, nông, mạch nhanh/yếu/không đều, huyết áp thấp và suy tuần hoàn. Sốc có thể xảy ra nếu giãn mạch nhiều. Cơn co giật nghẹt thở gây tử vong cũng có thể xảy ra. Tổn thương gan có thể biểu hiện rõ sau 12 – 48 giờ từ khi uống thuốc. Một số người có suy thận cấp.
  • Phenylephrin: tăng huyết áp, đau đầu, cơn co giật, xuất huyết não, đánh trống ngực, ngoại tâm thu, dị cảm, nhịp tim chậm thường xảy ra sớm.
  • Cafein: căng thẳng thần kinh, hưng phấn, tăng huyết áp, giãn nở phế quản, lợi tiểu (liều cao từ 300 mg/ ngày trở lên), kích thích nhu động ruột, mất ngủ.

Để đảm bảo an toàn trong trường hợp khẩn cấp hoặc nghi ngờ quá liều, bạn cần gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến cơ sở Y tế địa phương gần nhất để được xử trí kịp thời. Ngoài ra, bạn cũng cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều thuốc Cenflu?

Nếu bạn quên một liều thuốc Cenflu, hãy sử dụng càng sớm càng tốt ngay khi nhớ ra. Sau đó, bạn nên đợi từ 4 – 6 tiếng rồi mới dùng liều tiếp theo nếu cần thiết. Không dùng gấp đôi liều đã quy định, đồng thời không được dùng nhiều hơn liều tối đa cho phép hằng ngày.

Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc Cenflu?

Thường gặp (ADR > 1/100):

  • Kích ứng, ban đỏ, mày đay.
  • Kích động thần kinh, bồn chồn, lo âu.
  • Khó ngủ, người yếu mệt.
  • Choáng váng.
  • Đau trước ngực.
  • Run rẩy, dị cảm đầu chi.
  • Tăng huyết áp.
  • Da nhợt nhạt, trắng bệch, cảm giác lạnh da, dựng lông tóc.

Ít gặp (1/1000 < ADR < 1/100):

  • Buồn nôn, nôn.
  • Loạn tạo máu (giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu, giảm toàn thể huyết cầu).
  • Thiếu máu.
  • Bệnh thận, độc tính thận khi lạm dụng dài ngày.
  • Tăng huyết áp kèm phù phổi.
  • Loạn nhịp tim, nhịp tim chậm.
  • Co mạch ngoại vi và nội tạng.
  • Suy hô hấp.
  • Hưng phấn, ảo giác, hoang tưởng.
  • Mờ giác mạc.

Tác dụng phụ thuốc cenflu 650

Hiếm gặp (ADR < 1/1000):

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ của thuốc Cenflu và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Thận trọng/Cảnh báo

Trước khi dùng thuốc Cenflu, bạn nên lưu ý những gì?

Chống chỉ định sử dụng thuốc Cenflu trong các trường hợp:

  • Mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Trẻ em dưới 16 tuổi.
  • Sử dụng đồng thời với các thuốc thông mũi kích thích thần kinh giao cảm khác.
  • Bệnh nhân bị glôcôm góc hẹp.
  • Suy gan hoặc suy thận nặng.
  • Tăng huyết áp, cường giáp, đái tháo đường, bệnh tim.
  • Bệnh nhân đang dùng thuốc chống trầm cảm 3 vòng, thuốc ức chế beta trong điều trị bệnh tim mạch.
  • Bệnh nhân đang dùng hoặc đã ngừng sử dụng các thuốc ức chế monoaminoxidase (MAO) trong vòng 14 ngày. 

Cần thận trọng và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc Cenflu cho bệnh nhân phì đại tuyến tiền liệt, tắc nghẽn mạch máu, bệnh tim mạch, nghiện rượu, suy dinh dưỡng mạn tính hoặc mất nước, thiếu máu từ trước.

Cần xác định và điều chỉnh các tình trạng sốc, hạ oxy máu, nhiễm acid.

Không nên tham gia lái xe hoặc vận hành máy móc nếu gặp phải biểu hiện chóng mặt trong thời gian sử dụng thuốc. 

Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc Cenflu trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật,…)

Chống chỉ định. 

Tương tác thuốc

tương tác thuốc cenflu là thuốc gì

Thuốc có thể tương tác với Cenflu là thuốc gì? 

Thuốc Cenflu có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của các thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Những thuốc có thể tương tác với thuốc Cenflu bao gồm: 

  • Thuốc chống đông coumarin (warfarin) và dẫn chất indandion.
  • Phenothiazin.
  • Thuốc an thần, chống co giật: phenytoin, barbiturat, carbamazepin.
  • Thuốc điều trị lao: isoniazid.
  • Thuốc điều trị bệnh gout: probenecid.
  • Thuốc chẹn alpha adrenergic: phentolamin.
  • Thuốc chẹn beta adrenergic: propranolol.
  • Epinephrine hoặc các thuốc cường giao cảm khác.
  • Thuốc mê hydrocarbon halogen hóa, ví dụ như cyclopropan.
  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: imipramin, guanethidin.
  • Thuốc ức chế MAO.
  • Atropin sulfat.
  • Alcaloid nấm cựa gà dạng tiêm.
  • Digitalis.
  • Guanethidin.
  • Bromocriptin.
  • Levodopa.
  • Kháng sinh ciprofloxacin, norfloxacin.
  • Theophylin.
  • Thảo dược ephedra.
  • Echinace.

Thuốc Cenflu có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Tránh sử dụng quá nhiều rượu bia trong suốt thời gian dùng thuốc Cenflu, bởi vì có thể làm tăng nguy cơ gây độc tính trên gan của paracetamol. Ngoài ra, để tránh dung nạp quá nhiều cafein bạn cũng nên hạn chế các loại thức uống có chứa cafein.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc Cenflu?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc Cenflu. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt đã được đề cập trong mục Thận trọng/Cảnh báo.

Bảo quản thuốc

Bạn nên bảo quản thuốc Cenflu như thế nào?

Bảo quản nơi khô mát, nhiệt độ không quá 30°C.

Tránh ẩm và ánh sáng trực tiếp.

Để xa tầm tay trẻ em.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Cetecocenflu. https://drugbank.vn/thuoc/Cetecocenflu&VD-33665-19. Ngày truy cập 20/03/2022

Cenflu – F. https://drugbank.vn/thuoc/Cenflu—F&VD-20619-14. Ngày truy cập 20/03/2022

Panadol cảm cúm. https://dav.gov.vn/file/2016/Nam%202016%20theo%20TT%2009-2015/0319-2016/img338.pdf. Ngày truy cập 25/03/2022

Panadol Cold & Flu. https://www.mims.com/hongkong/drug/info/panadol%20cold%20and%20flu?type=full. Ngày truy cập 25/03/2022

Acetaminophen, diphenhydramine, and phenylephrine. https://www.drugs.com/mtm/acetaminophen-diphenhydramine-and-phenylephrine.html. Ngày truy cập 25/03/2022

Phiên bản hiện tại

24/06/2022

Tác giả: Ngân Châu

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Cảm Xuyên Hương

Panadol Cảm cúm


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai

Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


Tác giả: Ngân Châu · Ngày cập nhật: 24/06/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo