backup og meta

Tri mẫu

Tri mẫu

Tên thường gọi: Tri mẫu

Tên khoa học: Anemarrhena asphodeloides Bunge

Họ: Hành (Liliaceae)

Tên nước ngoài: Zhi Mu

Tổng quan về dược liệu tri mẫu

Tìm hiểu chung về tri mẫu

Tri mẫu là một cây thảo, sống lâu năm. Thân rễ dày, dẹt, mọc ngang, được bao bọc bởi những phần còn lại của gốc lá, có màu đỏ hay vàng đỏ. Lá mọc tụ tập ở gốc thành cụm dày, hình dải dài, gốc có bẹ to mọc ốp vào nhau, đầu thuôn nhọn và hai mặt nhẵn. Cụm hoa mọc giữa túm lá hình bông, hơi cong; hoa nhỏ, có mùi thơm và thường nở vào buổi chiều. Bao hoa màu trắng hoặc tía nhạt. Quả nang, hình trứng, đầu nhọn, có cánh, bên trong chứa 1–2 hạt hình tam giác, màu đen. Mùa hoa vào tháng 7–8.

Bộ phận dùng của cây tri mẫu

Thường sử dụng thân rễ, loại bỏ hết rễ con rồi đem phơi hay sấy khô.

Thành phần hóa học có trong tri mẫu

Thân rễ tri mẫu chứa nhiều saponin và sapogenin steroid, chủ yếu là sarsasapogenin cùng với các sarsasapogenin glycosid. Ngoài ra, tri mẫu còn chứa nhiều chất thuộc các nhóm hóa học khác như: nhóm norlignan (hinokiresinol, oxyhinokiresinol), nhóm glycan (anemaran A, B, C và D), nhóm xanthon C-glucosid (mangiferin, isomangiferin)…

Tác dụng, công dụng của tri mẫu

Tri mẫu có những công dụng gì?

Tri mẫu có tác dụng kháng khuẩn, hạ sốt, ức chế ngưng kết tiểu cầu, ức chế ung thư biểu mô và hạn chế thương tổn do tia xạ.

Trong y học cổ truyền, tri mẫu có vị đắng, tính mát, không độc, quy vào ba kinh: phế, thận, vị; có tác dụng làm mát phổi, mát thận, hạ nhiệt, trừ phiền, chỉ khát, tăng tân dịch, ích khí, nhuận táo, hoạt trường.

Tri mẫu được dùng trị sốt, đái tháo đường, ho, ho đờm thở dốc, ngực nóng khó chịu, ho lao sốt âm ỉ về chiều và đêm, đại tiện táo bón, phụ nữ động thai. Có thể dùng tri mẫu mài với giấm để bôi ngoài da trị hắc lào.

Trong y học cổ truyền Trung Quốc, tri mẫu được dùng làm thuốc hạ sốt, an thần và lợi tiểu, trị các bệnh sốt, nhiễm khuẩn, bệnh lang ben. Sử dụng phối hợp với các dược liệu khác.

Liều dùng của tri mẫu

Liều dùng của tri mẫu có thể khác nhau đối với từng người bệnh khác nhau. Liều lượng dựa trên tuổi, tình trạng sức khỏe và một số vấn đề cần quan tâm khác. Bạn hãy thảo luận với thầy thuốc và bác sĩ để tìm ra liều dùng thích hợp.

Liều dùng thông thường của tri mẫu là bao nhiêu?

Thông thường, tri mẫu được dùng với liều lượng 6–12g/ngày ở dạng thuốc sắc và thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác.

Một số bài thuốc có tri mẫu

Tri mẫu có mặt trong những bài thuốc dân gian nào?

1. Chữa sốt cao, ra nhiều mồ hôi:

Tri mẫu, mạch môn, lá tre mỗi vị 20g. Sắc nước uống với bột thạch cao nung 12g, chia làm 3 lần.

2. Điều trị các triệu chứng sốt cao, co giật, hôn mê trong viêm não Nhật Bản:

Tri mẫu 16g; thạch cao 40g, kim ngân, huyền sâm, sinh địa, mỗi vị 16g; hoàng liên, liên kiều mỗi vị 12g; cam thảo 4g. Sắc nước uống.

3. Chữa ho lao sốt nhiều hoặc ho đờm thở dốc:

Tri mẫu 20g; hoàng cầm, sa sâm, bách bộ, địa cốt bì, huyền sâm mỗi vị 12g; cam thảo 8g. Sắc uống mỗi ngày một thang.

4. Chữa viêm phổi trẻ em thể phong nhiệt, sốt cao:

Tri mẫu 6g, thạch cao 20g; kim ngân hoa 16g; tang bạch bì 8g; hoàng liên, liên kiều, hoàng cầm mỗi vị 6g, cam thảo 4g. Sắc nước uống, 1 thang/ngày.

5. Chữa tiểu ra máu do viêm nhiễm mạn tính đường tiết niệu:

Tri mẫu 8g, cỏ nhọ nồi 16g, hoàng bá, thục địa, quy bản, rễ cỏ tranh mỗi vị 12g, chi tử sao đen 8g. Sắc uống ngày một thang.

6. Chữa di tinh, mộng tinh:

Tri mẫu 12g, thục địa 16g, hoàng bá, quy bản, kim anh, khiếm thực, liên nhục, tủy lợn mỗi vị 12g. Làm thành viên, mỗi ngày dùng 25g.

7. Chữa âm hư gầy yếu, mệt mỏi (Tri bá bát vị hoàn gia giảm):

Tri mẫu, thục địa, sinh địa mỗi vị 20g; mẫu đơn bì, hoàng bá, hoài sơn, mỗi vị 121g; trạch tả, bạch phục linh, sơn thù, mỗi vị 8g. Sắc uống mỗi ngày một thang hoặc vo thành viên rồi uống 25g/ngày.

8. Chữa huyết áp cao, nhức đầu, hoa mắt, khó ngủ:

Dùng bài Tri bá bát vị hoàn gia giảm nêu trên và thêm thảo quyết minh sao 20g, chi tử 12g.

9. Chữa viêm khớp dạng thấp:

Tri mẫu 12g; thạch cao 30g; kim ngân, tang chi mỗi vị 20g; nganh mề 16g; tần giao 12g; cam thảo, quế chi mỗi vị 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

10. Chữa viêm loét lợi:

Tri mẫu 8g, thạch cao sống 40g; sinh địa, huyền sâm mỗi vị 16g; hoàng cầm, liên kiều, ngưu bàng tử, bạc hà, ngọc trúc, thăng ma, mỗi vị 12g; hoàng liên 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Lưu ý, thận trọng khi sử dụng tri mẫu

Khi dùng tri mẫu, bạn nên lưu ý những gì?

Dùng tri mẫu lâu có thể gây tiêu chảy. Bạn cần cân nhắc giữa lợi ích của việc sử dụng tri mẫu với nguy cơ có thể xảy ra trước khi dùng. Tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng vị thuốc này.

Mức độ an toàn của tri mẫu

Chưa có đủ thông tin về việc sử dụng tri mẫu trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng thảo dược này.

Tương tác có thể xảy ra với tri mẫu

Tri mẫu có thể xảy ra tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn nên hỏi ý kiến từ bác sĩ và thầy thuốc trước khi dùng dược liệu này.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Đỗ Huy Bích và cộng sự, “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, Tập II, trang 1015-1017.

Đỗ Tất Lợi, “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, trang 768.

Zhi Mu. https://www.drugs.com/npp/zhi-mu.html. Ngày truy cập 12/6/2019.

Phiên bản hiện tại

14/06/2019

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Lá thường xuân có tác dụng gì? Lưu ý khi sử dụng

Long nhãn: Không chỉ là món ăn mà còn là vị thuốc quý


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 14/06/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo