backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Bách bộ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 11/06/2019

Bách bộ

Tên thường gọi: Bách bộ

Tên khác: Củ ba mươi, dây dẹt ác, củ rận trâu

Tên khoa học: Stemona tuberosa Lour.

Họ: Bách bộ (Stemanaceae)

Tổng quan về dược liệu bách bộ

Tìm hiểu chung về cây bách bộ

Bách bộ là một cây thân leo, dài chừng 6–8m, có khi hơn. Rễ củ nhiều, mập, nạc, có hình trụ, mọc thành khóm dày, dài từ 15–30cm. Thân nhẵn, hình trụ, màu lục nhạt và hơi phình lên ở những mấu. Lá mọc đối hoặc so le, cuống dài, gốc hình tim, đầu thuôn nhọn. Cụm hoa mọc ở kẽ lá, cuống dài từ 2–4cm, gồm 1–2 hoa màu vàng lục, mặt trong màu đỏ tía, có mùi hôi. Quả nang, hình trứng thuôn bên trong chứa 5–8 hạt. Mùa hoa vào tháng 3–5, mùa quả rơi vào tháng 6–8.

Nhiều loài khác cùng họ Bách bộ cũng được sử dụng làm thuốc bao gồm:

  • Bách bộ lá nhỏ (Stemona pierrei Gagnep)
  • Bách bộ nam (Stemona cochinchinensis Gagnep)
  • Bách bộ đứng (Stemona collinsae Craib)

Bách bộ có phạm vi phân bố rộng rãi, bao gồm hầu hết các tỉnh miền núi (trừ vùng cao trên 1.000m), trung du và thậm chí cả vùng ven biển, đồng bằng. Những tỉnh có nhiều bách bộ ở Việt Nam là Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hòa Bình và Thanh Hóa. Cây cũng phân bố ở nhiều nước khác như Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Lào, Cambodia, Trung Quốc.

Bách bộ thuộc loài cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng, thường mọc nơi đất ẩm còn khá màu mỡ ở rừng thứ sinh ven đồi, bờ nương rẫy. Bách bộ mọc nơi đất tơi xốp có rễ củ nhiều và to. Cây bách bộ mọc từ hạt sau hai năm thì có hoa quả. Sau khi bị chặt phá, phần còn sót lại vẫn còn khả năng tái sinh.

Bộ phận dùng của cây bách bộ

Người ta thường dùng rễ đã phơi hay sấy khô của cây bách bộ để làm thuốc. Mọi người thường đào rễ khi trời khô ráo, rửa sạch đất cát, cắt bỏ hai đầu, đem đồ tới vừa chín hoặc nhúng nước sôi. Rễ nhỏ để nguyên, rễ to có thể bổ làm đôi rồi phơi nắng hoặc sấy ở nhiệt độ 50–60ºC.

Rễ bách bộ có hình dạng cong queo, dài từ 5cm trở lên, đầu trên hơi phình to, đầu dưới thuôn nhỏ. Mặt ngoài có màu vàng nâu, nhiều nếp nhăn.

Theo sách Phương pháp bào chế đông dược, rễ bách bộ có hai cách dùng:

  • Dùng sống: rửa sạch, ủ mềm rồi rút bỏ lõi, thái mỏng, phơi khô.
  • Dùng chín: tẩm mật một đêm rồi sao vàng.
  • Thành phần hóa học trong bách bộ

    Rễ bách bộ chứa nhiều alkaloid: stemonin, tuberostemonin, neotuberostemonin, oxotuberostemonin, isotuberostemonin, hypotuberostemonin, stenin, stemotinin, isostemotinin…

    Đáng chú ý nhất là hoạt chất có tên stemonin, sau này được xác định là tuberostemonin L-G.

    Theo Dược điển Việt Nam, hàm lượng alkaloid toàn phần trong rễ bách bộ cần đạt được 0,15% tính theo tuberostemonin L-G.

    Ngoài ra, rễ bách bộ còn chứa 2,3% glucid, 9,25% protid, 0,84% lipid, nhiều axit hữu cơ (axit malic, axit oxalic, axit succinic, axit acetic, axit formic) và 3 dẫn chất bibenzyl.

    Tác dụng, công dụng của bách bộ

    Dược liệu bách bộ đem lại công dụng gì?

    Các nghiên cứu về tác dụng dược lý đã chứng minh được những kinh nghiệm xa xưa dùng bách bộ chữa ho, chữa giun và diệt sâu bọ là đúng:

    • Tác dụng chữa ho: stemonin có tác dụng làm giảm tính hưng phấn của trung khu hô hấp động vật, ức chế phản xạ ho. Ngoài ra, bách bộ còn được thử nghiệm trong chữa bệnh lao hạch và thu được kết quả tốt.
    • Tác dụng sát trùng và chữa giun: stemonin có thể làm cho giun tê liệt. Theo kinh nghiệm chữa bệnh, uống 3 thìa cà phê cao nước bách bộ một lần có tác dụng xổ giun.
    • Tác dụng kháng khuẩn: đã có nghiên cứu nhận thấy bách bộ có tác dụng kháng sinh đối với vi trùng bệnh lỵ, bệnh phó thương hàn.

    Bách bộ có vị ngọt, đắng, tính hơi ấm, có tác dụng nhuận phế, sát trùng.

    Cho đến ngày nay, bách bộ vẫn là một vị thuốc quý được dùng để chữa ho, trị giun, diệt côn trùng. Theo tài liệu nước ngoài, rễ bách bộ còn được dùng điều trị lao phổi và ho.

    Liều dùng của bách bộ

    Liều dùng của bách bộ có thể khác nhau tùy từng đối tượng sử dụng. Liều lượng dựa trên tuổi, tình trạng sức khỏe và một số vấn đề cần quan tâm khác. Bạn hãy thảo luận với thầy thuốc và bác sĩ để tìm ra liều dùng thích hợp.

    Liều dùng thông thường cho bách bộ là gì?

    • Chữa ho: ngày dùng 4–12g, dưới dạng thuốc sắc, cao, viên hoặc bột.
    • Chữa giun: ngày uống 7–10g, dưới dạng thuốc sắc. Uống vào sáng sớm, lúc đói, uống trong 5 ngày liên tiếp sau đó tẩy.
    • Diệt côn trùng: nước sắc bách bộ cho thêm ít đường, ruổi uống phải chết tới 60%. Dung dịch bách bộ 1/20 giết chết bọ gậy 100%.
    • Đốt rễ bách bộ, hơ khói để diệt ruồi, muỗi, bọ chó, rận. Nước sắc rễ bách bộ dùng gội đầu, ngâm quần áo có tác dụng diệt chấy rận.

    Một số bài thuốc có bách bộ

    Bách bộ có mặt trong những bài thuốc dân gian nào?

    1. Trị lao phổi:

    • Bách bộ 20g, hoàng cầm, đơn bì, đào nhân đều 10g. Thêm nước rồi sắc đặc còn 60ml, ngày uống 1 thang. Một liệu trình kéo dài 3 tháng, biện chứng gia giảm.

    2. Trị các loại ho (bao gồm ho do viêm họng, viêm phế quản, ho lao, ho gà…):

    • Bách bộ 12g, kinh giới 10g, bạch tiền, cát cánh 10g. Sắc nước uống, dùng trị ho ngoại cảm.
    • Bách bộ 10–15g, sắc nước uống trị ho gà.
    • Bách bộ, sa sâm lấy đều 2 cân. Cho thêm nước 10 cân sắc cô bỏ xác, gia mật đường 2 cân, lửa nhỏ nấu thành cao. Uống mỗi lần 1 thìa canh ngày 2 lần để trị ho nhiệt và lao.
    • Bách bộ 20g, sắc 2 lần được 60ml, chia 3 lần uống trong ngày, có thể cho đường mật.

    3. Trị giun kim:

    • Bách bộ, binh lang, sử quân tử lượng bằng nhau tán bột mịn, trộn vaselin bôi vào quanh hậu môn. Nếu chế thành viên đạn đặt hậu môn sẽ cho hiệu quả tốt hơn.
    • Bách bộ 30g, thêm nước sắc cô còn 10–20ml, mỗi tối thụt lưu đại tràng. Sử dụng trong 2–3 tối hoặc dùng bách bộ 20g, tử thảo 20g, vaselin 100g, chế thành cao bôi quanh hậu môn mỗi tối.

    4. Trị chấy rận, ngứa do viêm da dị ứng, mề đay:

    • Bách bộ 100g, cồn 500ml, ngâm trong 24giờ, bôi vào chỗ ngứa có chấy rận (đầu, người, âm hộ).
    • Bách bộ cắt lát mỏng xát vào vùng ngứa mỗi ngày nhiều lần để trị ngứa dị ứng, viêm da, mề đay, chàm lở, muỗi cắn.
    • Bách bộ 15g, bằng sa, hùng hoàng đều 6g, khổ sâm 10g, sắc lấy nước rửa trị mề đay.

    Lưu ý, thận trọng khi sử dụng dược liệu bách bộ

    Khi dùng bách bộ, bạn nên lưu ý những gì?

    Người tì vị hư yếu không dùng dược liệu này. Ngoài ra, dùng nhiều bách bộ sẽ gây ngộ độc, giải độc bằng nước ép gừng tươi hoặc thêm một ít giấm ăn.

    Mức độ an toàn của bách bộ

    Không có đủ thông tin về việc sử dụng bách bộ trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng thảo dược này.

    Tương tác có thể xảy ra với bách bộ

    Bách bộ có thể tương tác với một số thuốc hoặc thực phẩm chức năng mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn hãy tham khảo ý kiến từ bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi muốn sử dụng bách bộ.

    Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 11/06/2019

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo