Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, môi trường sống của chúng ta cũng ngày một ô nhiễm với vô vàn các tác nhân gây hại và vi khuẩn gây bệnh thường gặp. Nếu không có biện pháp phòng ngừa và tiêu diệt vi khuẩn, sức khỏe của bạn và những người thân yêu sẽ trở thành “miếng mồi ngon” cho chúng “xâu xé”.
Bạn có biết mỗi ngày, cơ thể chúng ta phải “chiến đấu” với hàng triệu vi khuẩn gây bệnh khác nhau đến từ bụi bẩn, môi trường sống bị ô nhiễm? Làm thế nào để tiêu diệt các loại vi khuẩn này nhằm giảm bớt “gánh nặng” cho cơ thể là điều mà phần lớn chúng ta đều quan tâm. Nếu bạn cũng có chung nỗi băn khoăn này, Hello Bacsi sẽ mách bạn một số bí quyết đơn giản thông qua những chia sẻ dưới đây.
Trước đây, phần lớn chúng ta đều chưa ý thức được rằng nguyên nhân chủ yếu gây ra một số bệnh nhiễm khuẩn thường gặp chính là do các loại vi khuẩn siêu nhỏ. Các loại vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể thông qua các kẽ hở như mũi, miệng, tai, vết thương hở, hậu môn và bộ phận sinh dục. Ngoài ra, chúng cũng có thể “đi vào” cơ thể thông qua thực phẩm, vết đốt của côn trùng hoặc động vật cắn. Chính vì vậy, cách tốt nhất để bảo vệ cơ thể là tìm cách tiêu diệt các loại vi khuẩn này và ngăn không cho chúng “tấn công”.
Đừng nghĩ rằng tiêu diệt vi khuẩn là việc gì đó nằm ngoài tầm tay bởi thực tế, bạn có thể làm được điều này từ chính những thói quen tưởng chừng như rất nhỏ:
Tiêm vắc xin phòng ngừa các vi khuẩn gây bệnh thường gặp
Tiêm vắc xin đúng lịch có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của bạn và những người thân yêu trước sự tấn công của các loại vi khuẩn gây hại. Trên thế giới, mỗi năm, ước tính có khoảng hơn 2,5 triệu trẻ em tránh được nguy cơ tử vong do các bệnh truyền nhiễm vì đã được tiêm vắc xin phòng bệnh.
Khi vắc xin được đưa vào cơ thể, cơ thể sẽ nhận diện vắc xin như là “vật lạ”, kích thích hệ miễn dịch sản sinh ra kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh. Từ đó giúp củng cố sức mạnh của hệ miễn dịch, nâng cao khả năng phòng bệnh của cơ thể.
Rửa tay thật kỹ bằng xà phòng diệt khuẩn
Các nghiên cứu đã chứng minh có đến 40.000 vi khuẩn trên 1cm² da của người bình thường mà chúng ta không nhìn thấy được. Bề mặt da tiếp xúc nhiều nhất với đủ mọi vật trong cuộc sống hàng ngày chính là bàn tay. Các vi khuẩn có thể sống ở bàn tay ít nhất là 3 giờ liền, sau đó từ tay vi khuẩn sẽ xâm nhập vào cơ thể và gây ra các căn bệnh nguy hiểm như tiêu chảy, tả, kiết lỵ, tay chân miệng…
Việc rửa tay với nước sạch chỉ làm sạch vết bẩn, chứ không diệt được các vi khuẩn gây bệnh mà mắt thường không nhìn thấy. Do đó, khi rửa tay, bạn cần lưu ý nhắc nhở cả gia đình rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn chuyên dụng để triệt tiêu vi khuẩn bám trên da.
Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, đúng cách
Theo nghiên cứu, sàn nhà, bồn cầu chứa rất nhiều vi khuẩn mà mắt thường không thể nhận biết được. Một chiếc bồn cầu chứa tới 189 loại vi khuẩn gây bệnh và cứ 1cm² thì có khoảng 500.000 vi khuẩn gây bệnh trú ngụ. Bởi vậy, việc vệ sinh nhà cửa định kỳ là điều hết sức cần thiết để tiêu diệt các loại vi khuẩn gây hại:
- Khi vệ sinh nhà cửa, bạn chú ý đừng “bỏ quên” các khu vực khuất như mặt sau cửa ra vào, góc sau bồn cầu, góc tủ, gầm giường… bởi đây đều là những vị trí thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi và phát triển.
- Môi trường ẩm thấp tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây hại cho sức khỏe cả gia đình. Vào những ngày nắng, hãy mở tung các cửa sổ, cửa ra vào để không khí được lưu thông, không khí tù đọng ẩm ướt được tống ra ngoài, giúp căn nhà khô ráo, thoáng khí, từ đó ngăn ngừa nấm mốc, vi khuẩn hiệu quả.
- Sau khi tẩy rửa nhà cửa, đừng quên vệ sinh thân thể sạch sẽ bằng sữa tắm diệt khuẩn để tiêu diệt hết các loại vi khuẩn bám trên da nhé.
Giữ vệ sinh cá nhân giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể
Bạn có biết làn da của chúng ta là cơ quan lớn nhất của cơ thể với diện tích khoảng 1,8m². Do có bề mặt rộng lớn và là nơi tiếp xúc đầu tiên với môi trường bên ngoài nên da trở thành “căn cứ” lý tưởng để các loại vi khuẩn gây hại tấn công và cư ngụ. Theo nghiên cứu, trên mỗi centimet vuông da có đến khoảng 1 triệu vi khuẩn cư ngụ và tìm cách thâm nhập vào cơ thể từng ngày. Các loại vi khuẩn thường được tìm thấy trên da có thể gây ra những căn bệnh từ phổ biến cho đến nghiêm trọng như nhiễm trùng đường tiêu hóa, viêm da, chốc lở, tay viêm khớp, thấp tim…
Để chống lại các tác nhân gây bệnh xâm nhập qua da như ánh nắng, môi trường ô nhiễm, khói bụi, hóa chất, vi khuẩn gây hại… làn da của chúng ta đã được trang bị khả năng tự bảo vệ, tự phục hồi. Khả năng tuyệt vời này của làn da được gọi là đề kháng da.
Đề kháng của da là một thành phần của hệ miễn dịch sẵn có trên cơ thể mỗi người và là một “vũ khí” vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể. Để tăng cường chức năng đề kháng da, việc đầu tiên và quan trọng mà bạn cần làm là chú ý giữ vệ sinh cá nhân, thân thể đúng cách bằng sản phẩm chăm sóc da phù hợp để làm sạch bụi bẩn và hạn chế sự phát triển quá mức của các vi sinh vật gây bệnh trên da.
Ngân Phạm / HELLO BACSI
[embed-health-tool-bmi]