backup og meta

Dạy con tái sử dụng và tái chế rác thải để môi trường mãi xanh

Dạy con tái sử dụng và tái chế rác thải để môi trường mãi xanh

Tái chế rác thải không phải là những gì quá khó khăn hay xa vời mà bố mẹ chỉ cần hướng dẫn con cách phân loại hoặc tận dụng rác thay vì vứt đi.

Tái chế rác thải đóng vai trò rất quan trọng để bảo vệ môi trường nhưng dường như hành động này vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Nếu từ nhỏ, trẻ sớm học được cách phân loại và tái chế rác thải thì khi lớn lên, bé sẽ dần hình thành được thói quen tốt. Bài viết sau, Hello Bacsi sẽ giới thiệu tái chế rác là gì cũng như những cách mà bạn có thể dạy con trong việc tái chế.

Tái chế rác thải là gì?

Tái chế là cách chúng ta sử dụng rác làm nguyên liệu để biến nó thành sản phẩm mới. Có một số loại quy trình tái chế cho phép vật liệu được sử dụng một hoặc nhiều lần. Tái chế rác thải là hành động tốt cho con người lẫn môi trường vì nó làm giảm việc sử dụng nguyên liệu mới để sản xuất sản phẩm mới. Ngoài ra, tái chế tác thải cũng giúp giảm năng lượng sử dụng, từ đó cải thiện chất lượng không khí và nước, chống lại biến đổi khí hậu.

Có khá nhiều loại vật liệu có thể được tái chế, chúng bao gồm:

  • Nhựa
  • Kim loại
  • Thủy tinh
  • Đồ dệt may
  • Thiết bị điện tử
  • Sách, báo, tạp chí…

Lon nước ngọt, chai nhựa đựng nước, hộp sữa bằng nhựa, báo, tạp chí và máy tính cũ chỉ là vô số những vật dụng phổ biến được tái chế hoặc tái sử dụng mỗi ngày. Nếu mọi người tái chế hay tái sử dụng chỉ một vài vật dụng mỗi ngày mà bản thân sẽ vứt đi, bạn cũng đã có thể đi một chặng đường dài để cải thiện môi trường trong tương lai cũng như cho thế hệ mai sau.

Tái sử dụng là gì?

dạy con tái chế rác thải

Giống như tầm quan trọng của việc tái chế, bạn cũng nên giúp trẻ tìm hiểu về việc tái sử dụng. Tái sử dụng có nghĩa là sự kết hợp việc tái sử dụng các vật liệu cũng như sử dụng các vật dụng có thể dùng lại được. Ví dụ: thay vì vứt đi 1 cái chai, bạn hãy gợi ý để trẻ biến nó thành chậu trồng cây, ống cắm bút, ống đựng tiền tiết kiệm… Thực tế là tái sử dụng khác với tái chế nhưng việc này vẫn hỗ trợ mục đích giảm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Giảm sử dụng là gì?

Một điều quan trọng khác mà trẻ nhỏ nên tìm hiểu là ngoài việc tái chế và tái sử dụng thì vấn đề giảm sử dụng cũng không kém phần quan trọng. Cách để hướng dẫn bé giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên khá đa dạng: sử dụng phương tiện công cộng, đạp xe, không tắm quá lâu, tắt các thiết bị điện ngay sau khi dùng xong…

Vì sao nên dạy con tái chế rác thải?

Việc tái chế có vai trò quan trọng nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về nó. Khi bạn và con vừa uống xong 1 chai nước hoặc 1 hộp sữa, hãy tái sử dụng hoặc tái chế rác thải vì những lý do sau:

  • Tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên: Tái chế giúp giảm rác trong các bãi chôn lấp, những thứ mà có thể mất đến hàng trăm năm để phân hủy. Hành động này cũng giúp bảo tồn cây xanh bằng cách giảm nhu cầu sử dụng giấy.
  • Tiết kiệm tiền: Việc bán các đồ ve chai (nguyên liệu để tái chế) có thể đem lại cho bạn và cả bé một khoản nhỏ đấy. Ngoài ra, việc dạy con dùng tập vở cũ còn dư làm giấy nháp cũng giúp bạn tiết kiệm tiền.
  • Giảm ô nhiễm: Nếu bạn sử dụng vật liệu tái chế thay vì lấy nguyên liệu mới sẽ làm giảm tác hại đến môi trường. Ví dụ: Việc dùng giấy trắng tái chế giúp giảm mức độ ô nhiễm không khí hơn 75% và giảm làm ô nhiễm nước hơn 35% so với việc sản xuất ra giấy mới. Do đó, thay vì vứt tạp chí, báo cũ, thùng các-tông… vào sọt rác, bạn có thể tận dụng chúng để gói hoa, gói quà, thậm chí là lau bàn, lau dầu mỡ…
  • Giảm diện tích đất để làm bãi chôn lấp: Thông thường, các xe rác đến khu phố của bạn để gom rác và sau đó sẽ mang đến bãi tập kết. Lâu dần, các bãi chôn lấp nhiều dần lên và có thể gây hại cho môi trường.

Cách dạy con tái sử dụng và tái chế rác thải

tái sử dụng

Để có thể hướng dẫn trẻ tái chế rác thải, bạn có thể làm theo gợi ý sau:

1. Đặt thùng rác xung quanh nhà

Hãy đưa ra các phân loại cơ bản khi bắt đầu với việc tái chế, chẳng hạn như “giấy’, “thùng các-tông’, “nhựa’, “thủy tinh’… Nếu bé chưa biết đọc, bạn có thể vẽ hoặc in ra những hình minh họa về đồ vật mà con sẽ bỏ vào thùng phân loại tái chế. Điều này giúp con có thể bỏ rác đúng chỗ.

2. Hỏi bé về vật liệu làm ra những vật dụng

Ngoài việc dạy trẻ vứt rác đúng chỗ, bạn cũng nên hỏi con về cảm nhận của bé khi chạm vào đồ vật, chẳng hạn như: “Con hãy sờ và đoán xem cái hộp này được làm bằng nhựa hay bìa cứng nhỉ?’. Hành động này cũng giúp củng cố xúc giác của bé kèm theo hỗ trợ con phân loại rác chính xác hơn.

3. Sử dụng cả 2 mặt giấy

Thay vì cho bé sử dụng chỉ một mặt giấy rồi vứt đi, bạn hãy khuyến khích con lật sang mặt còn lại và tiếp tục dùng hoặc gom các tờ giấy trắng còn thừa lại trong vở rồi đóng thành 1 cuốn nháp. Biện pháp này không những thân thiện với môi trường mà còn hết sức tiết kiệm nữa đấy.

4. Sáng tạo để tái sử dụng

tái chế rác thải

  • Vỏ chai có thể biến thành các chậu cây, ống cắm bút, ống tiết kiệm, bình cắm hoa…
  • Gấp các cạnh của hộp các-tông rồi dán chắc chắn lại và biến nó thành thùng để đồ chơi, sách truyện hoặc dụng cụ học tập hay biến nó thành mô hình đồ chơi như ngôi nhà nhỏ, xe hơi, máy bay, phi thuyền…
  • Giữ lại các hộp trứng, tô màu và biến chúng thành những khay đựng các đồ vật nhỏ (thun buộc tóc, kẹp giấy…)
  • Nếu nhà bạn trồng cây, sau khi uống cà phê, bạn có thể hướng dẫn bé để bã cà phê sang 1 chiếc hộp riêng và biến nó thành phân bón tự nhiên. Biện pháp này cũng áp dụng cho vỏ cam, vỏ bưởi, vỏ trứng, phần rau củ già hay bị giập úng…

5. Nhặt rác

Hành động nhặt rác là một thói quen tốt để giúp con bạn học cách tôn trọng môi trường. Ngoài ra, bé cũng nên vứt rác vào đúng thùng rác đã được phân loại cũng như cẩn thận với những đồ vật nguy hiểm như mảnh thủy tinh, các vật có chi tiết sắc nhọn, đầu lọc thuốc lá…

6. Chơi trò chơi

Trò chơi này có thể giúp bé tìm hiểu lý do vì sao tái chế rất quan trọng. Đầu tiên, hãy đưa ra cho con 1 danh sách các đồ vật và gợi ý trẻ sắp xếp các vật theo thứ tự mà bé nghĩ sẽ phân hủy trước đến vật sẽ phân hủy sau cùng cũng như thời gian để phân hủy. Danh sách gợi ý bao gồm:

  • Túi giấy (1 tháng)
  • Đầu lọc thuốc lá (2 – 5 năm)
  • Bình nhôm (200 – 500 năm)
  • Chai lọ nhựa (450 năm)
  • Bình nhựa có vòi (1 triệu năm)…

7. Mẹo nhỏ khi sinh hoạt giúp bảo vệ môi trường

  • Không mở nước khi đang đánh răng
  • Tắt điện sau khi đã sử dụng xong
  • Tháo dây sạc điện thoại, iPad nếu pin đã đầy
  • Hạn chế dùng khăn giấy mà thay vào đó, hãy khuyến khích con yêu dùng khăn làm bằng chất liệu vải…

Phương Uyên/ HELLO BACSI

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

20 Easy Ways to Reduce Your Food Waste https://www.healthline.com/nutrition/reduce-food-waste ngày truy cập 18/02/2019

Kids Guide to Recycling https://www.reusethisbag.com/articles/kids-guide-to-recycling/ ngày truy cập 17/02/2019

How to Teach Kids to Recycle https://www.wikihow.com/Teach-Kids-to-Recycle ngày truy cập 17/02/2019

 

Phiên bản hiện tại

03/04/2020

Tác giả: Trần Lê Phương Uyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Nứt gót chân phải làm sao?

Cách xử lý khi bị ong đốt để tránh bị sưng và hết đau nhức


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 03/04/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo