Ai cũng biết việc tập thể thao điều độ và thường xuyên rất tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, nhiều người có khả năng mắc phải chứng nghiện luyện tập thể dục. Bài viết hôm nay sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về mặt trái của việc tập luyện thể dục thể thao quá mức.
Những biểu hiện của chứng nghiện luyện tập thể dục
Nếu bạn có những dấu hiệu dưới đây, khả năng cao bạn đang có xu hướng nghiện tập thể thao:
- Đầu óc bạn đầy những suy nghĩ về chuyện tập thể thao và tránh tăng cân;
- Bạn tập các bài tập cường độ cao nhiều lần trong ngày và thường xuyên tập thể dục mọi lúc có thể;
- Bạn mất quan điểm cân bằng cuộc sống: đặt việc tập thể thao trên tất cả những khía cạnh khác của cuộc sống như gia đình, công việc, nghĩa vụ xã hội và những sở thích khác;
- Bạn vẫn cố gắng mải mê luyện tập mỗi ngày dù đang bệnh hay chấn thương.
Nguyên nhân khiến bạn nghiện tập thể dục
Khi một người nghiện và liên tục tập thể dục, họ có nhu cầu tăng thời gian, tần suất hay cường độ bài tập để nhanh chóng đạt được hiệu quả cao hơn bình thường. Các nhà khoa học cho rằng chứng nghiện tập thể dục chủ yếu liên quan đến sự tiết hormone endorphin khi bạn tập luyện quá hăng say. Endorphin là chất dẫn truyền thần kinh, đóng vai trò như thuốc giảm đau và giảm căng thẳng tự nhiên có trong cơ thể. Những chất này được sản xuất ra bởi vùng dưới đồi và tuyến yên trong suốt thời gian tập luyện, khi bị đau, phấn khích hay trong lúc quan hệ tình dục. Khi endorphin được tiết ra, bạn sẽ có cảm giác phấn chấn, chính cảm giác phấn chấn này là nguyên nhân làm cho bạn nghiện tập luyện thể dục.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cần có nhiều nghiên cứu hơn mới có thể tìm ra nguyên nhân chính xác của chứng nghiện này. Hiện nay, các trung tâm điều trị chứng nghiện tập thể dục đã có những hướng dẫn cần thiết để giúp những người mắc chứng nghiện này có thể giảm cường độ tập luyện.
Những tác hại về thể chất khi bạn tập luyện mê mệt
Chứng nghiện tập thể dục làm thay đổi cả về tâm lý và sinh lý của bạn. Một trong số những tác động đó chính là làm tăng nguy cơ chấn thương, đặc biệt là những chấn thương liên quan đến tập luyện. Trái ngược với thói quen luyện tập đều đặn sẽ giúp bạn tăng cường cơ bắp và chắc xương, việc bạn tập luyện quá nhiều làm tăng nguy cơ gãy xương do mệt mỏi. Đối với phụ nữ, việc tập thể dục quá nhiều còn làm tăng nguy cơ loãng xương bởi khi họ tập luyện quá sức, buồng trứng sản xuất ra ít hormone estrogen dẫn đến giảm mật độ xương. Ngoài ra, đối với những người đã có chấn thương từ trước, nghiện luyện tập có thể khiến tình trạng bệnh nặng thêm và kéo dài thời gian lành vết thương đó.
Dưới đây là những chấn thương bạn có thể gặp phải nếu tập luyện quá mức:
Mải tập luyện cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và các mối quan hệ xã hội
Sở dĩ việc tập thể dục quá mức gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ là do nó lấy đi của bạn quá nhiều thời gian. Điều này làm cho bạn bè và người thân nghĩ rằng bạn đang bỏ rơi họ. Ngay cả khi bạn bè và gia đình bạn không có những suy nghĩ tiêu cực như trên thì khi đề cập đến việc tập luyện quá mức cũng có thể gây mâu thuẫn trong các mối quan hệ. Đó là lý do vì sao những trung tâm điều trị chứng nghiện tập thể dục sẽ cung cấp cho bạn những liệu trình điều trị cá nhân hoặc theo nhóm nhằm giúp bạn cải thiện các mối quan hệ hiện có.
Những người nghiện tập luyện cũng thường có những lệch lạc nhận thức về thói quen tập luyện của mình. Những suy nghĩ lệch lạc đó có thể bao gồm việc suy nghĩ một chiều, suy nghĩ trừu tượng chọn lọc, khái quát hóa quá mức, suy nghĩ mê tín, thổi phồng, suy luận độc đoán, cá nhân hóa và những suy nghĩ coi thường. Suy nghĩ một chiều nghĩa là khi một người nghiện tập thể thao không nhìn đa diện những vấn đề trong tập luyện. Một người tập luyện cưỡng chế có thể cho rằng việc tập luyện sẽ vô ích nếu anh ấy không thể tập ít nhất một tiếng.
Còn đối với những người nhận thức lệch lạc dạng trừu tượng chọn lọc, họ gắn chuyện tập luyện với niềm hạnh phúc lâu dài và cho rằng nếu luyện tập đầy đủ, họ sẽ không bao giờ cảm thấy tệ hại cả. Khái quát quá mức là việc có những phát biểu bao quát, chung chung liên quan đến vấn đề tập luyện. Một người nghiện tập luyện có thể cho rằng tất cả những người không tập luyện là những người thừa cân. Suy nghĩ mê tín là một dấu hiệu khác của các rối loạn cưỡng chế.
Những người nghiện thể dục mê tín thường tin rằng những điều không tốt sẽ xảy ra nếu họ không chạy đủ số dặm muc tiêu đặt ra hoặc chạy không đúng những con số trên máy chạy bộ. Suy nghĩ phóng đại lại là việc đánh giá quá cao vai trò của việc tập luyện.
Một người phóng đại sẽ cho rằng nếu họ không luyện tập thì cuộc sống của họ coi như vô nghĩa. Suy luận độc đoán là khi một người tập luyện cưỡng chế đánh đồng sự thành công của ai đó là do sự luyện tập. Người nghiện thể thao có thể cho rằng những ai tập luyện thì đều có những mối quan hệ tốt hơn hay nghề nghiệp tốt hơn.
Một người cá nhân hóa sẽ hướng những quan điểm về cân nặng và luyện tập vào bản thân mình. Họ luôn cho rằng mọi người đều đang nhìn chằm chằm vào mình vì mình quá béo hay mọi người thường sẽ thích những đối tượng siêng năng tập luyện hơn.
Cuối cùng, suy nghĩ coi thường xuất hiện khi một người tập luyện cưỡng chế đưa ra những lý do để không phải nghe lời khuyên của các chuyên gia y khoa hay sự quan tâm của gia đình về chứng nghiện của họ. Họ sẽ không tin và nghe theo lời khuyên của bác sĩ điều trị nếu người bác sĩ đó thừa cân hay có thân hình không chuẩn.
[embed-health-tool-heart-rate]