backup og meta

Vô thức (Unconscious) là gì? Trạng thái vô thức hoạt động như thế nào?

Vô thức (Unconscious) là gì? Trạng thái vô thức hoạt động như thế nào?

Khi tìm hiểu vô thức là gì, bạn có thể hiểu về cách vận hành của tâm trí, hay chính xác hơn là cách vận hành của tâm trí con người.

Đối với những ai từng tiếp cận và có quan tâm đến tâm lý học, ít nhiều đã từng nghe qua thuật ngữ ‘vô thức’ hay ‘unconscious’. Đây là một trong những thuật ngữ mà hầu hết các lý thuyết trong tâm lý học đều có đề cập và ứng dụng để phát triển. Ngoài ra, để có thể hiểu một cách rõ ràng về vô thức là gì, bạn sẽ cần biết về nguồn gốc, cách vận hành, tác động cũng như cách tiếp cận với vô thức là như thế nào. Mời bạn đọc tiếp.

Vô thức là gì?

Theo định nghĩa của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA), vô thức (unconscious) là một phần của tâm trí chứa đựng những suy nghĩ, ký ức và những mong muốn kìm nén nằm ngoài ý thức, nhưng có ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của một người.

Vô thức là một ‘kho tàng’ chứa đựng các ký ức, cảm xúc và những xung năng, ham muốn ít được chấp nhận về mặt xã hội, nằm ngoài sự kiểm soát của ý thức và ít khi được chủ thể chấp nhận, như cảm giác đau đớn, lo âu hoặc xung đột. Chính sự kìm nén này, đôi khi chúng được bộc lộ (trồi lên) ý thức thông qua giấc mơ, hành vi tự động, lời nói lỡ lời và một số hành vi vô thức khác.

Vô thức là những gì nằm ngoài khả năng ý thức hay nhận thức của chúng ta. Những gì mà chúng ta có khả năng nhận biết được thì được gọi là ý thức. Phần lớn còn lại, những gì chúng ta không thể nhận biết thì chính là vô thức.

Nguồn gốc lịch sử của vô thức

Để hiểu được tường tận vô thức là gì, bạn cần biết về bối cảnh tạo ra thuật ngữ vô thức và những nhà tâm lý học phát triển học thuyết dựa trên thuật ngữ này.

Thuật ngữ ‘vô thức’ lần đầu tiên được nhà triết học Friedrich Schelling sử dụng vào cuối thế kỷ 18, sau đó không lâu nhà thơ Samuel Taylor Coleridge sử dụng và dịch sang tiếng Anh.

Trong tâm lý học, các nhà Tâm lý học thời kỳ đầu như William James và Wilhelm Wundt đã bắt đầu đề cập về vô thức, nhưng chính Sigmund Freud mới là người đưa khái niệm vô thức trở nên phổ biến và trở thành nền tảng của phần lớn các học thuyết tâm lý học, trong đó cốt lõi nhất là học thuyết Phân tâm học (Psychoanalysis).

Ngoài ra, nhà tâm thần học Carl Jung cũng tin rằng, vô thức đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của con người. Tuy nhiên, đối với Jung, ông cho rằng vô thức không chỉ bao gồm những ký ức hay xung năng kìm nén mà còn ẩn chứa một thứ thần bí khác, cái mà ông gọi là Vô thức tập thể (collective unconscious).

Vô thức là gì?
Sigmund Freud là người làm cho khái niệm vô thức trở nên phổ biến và trở thành nền tảng của phần lớn các học thuyết tâm lý học, trong đó cốt lõi nhất là học thuyết Phân tâm học của ông (Psychoanalysis).

Trạng thái tâm trí vô thức hoạt động như thế nào?

Một ví dụ điển hình để bạn có thể hiểu cách vận hành của tâm trí vô thức là tảng băng trôiNếu ý thức đại diện cho phần chóp của tảng băng thì vô thức giống như một phần lớn của tảng băng chìm sâu bên dưới và dĩ nhiên là không thể nhìn thấy từ trên mặt nước. Chính những ký ức, suy nghĩ, cảm xúc, nỗi đau, sự xấu hổ, cảm giác tội lỗi hoặc những cảm giác cùng cực của sự khó chịu đối với chúng ta trong ý thức, sẽ được lưu trữ trong một cái “kho khổng lồ”, được gọi là vùng vô thức.

Chính sự bí ẩn này đã thôi thúc nhiều nhà tâm lý học dấn thân để tìm hiểu về nó. Theo Freud, những lời nói lỡ lời chính là những gì chúng ta cần khai thác. Freud tin rằng, những lời nói lỡ lời đang phần nào tiết lộ những suy nghĩ và cảm xúc ẩn chứa trong vô thức của một người.

Tác động của vô thức

Niềm tin, suy nghĩ và cảm xúc trong vô thức không được giải tỏa có thể trở thành nguyên nhân tiềm ẩn gây ra nỗi đau khổ, sự tức giận, phiền lòng, gặp vấn đề trong các mối quan hệ, sự tương tác xã hội hoặc mắc phải hành vi cưỡng chế.

Ngoài ra, những nguyên nhân này còn có thể gây ảnh hưởng đến các thành viên trong gia đình, đặc biệt là hành vi của những đứa trẻ.

3 cấp độ của vô thức

Đọc đến đây, để bạn hình dung rõ hơn về vô thức, bạn cũng sẽ cần biết về các cấp độ của vô thức, dựa trên ví dụ của tảng băng trôi. Theo Freud, ông cho rằng vô thức có 3 cấp độ, đó chính là: ý thức (conscious mind), tiền ý thức (preconscious) và vô thức (unconscious mind).

3 cấp độ của vô thức

  • Ý thức (conscious mind): Ý thức bao gồm tất cả những suy nghĩ, ký ức, cảm giác và mong muốn mà chúng ta nhận thức được một cách rõ ràng, ở bất kỳ thời điểm nào. Chúng ta có thể nghĩ đến và trò chuyện về những thứ kể trên theo lý trí. Ý thức cũng bao gồm cả ký ức, những ký ức mà chúng ta có thể dễ dàng nhớ đến và nói về chúng một cách rõ ràng rành mạch.
  • Tiền ý thức (preconscious): Tiền ý thức bao gồm tất cả những thứ tiềm ẩn có thể được đưa đến vùng ý thức.
  • Vô thức (unconscious mind): Vô thức là một ‘kho tàng’ các cảm xúc, suy nghĩ, ham muốn và ký ức nằm ngoài sự kiểm soát của ý thức. Hầu hết các nội dung trong vùng vô thức đều khó chịu và không được chủ thể chấp nhận, chẳng hạn như cảm giác đau đớn, lo âu hay xung đột. Vô thức có thể bao gồm cả những cảm xúc bị đè nén, những ký ức, thói quen, suy nghĩ, khao khát và phản ứng ngầm ẩn.

Công dụng của vô thức là gì?

Freud tin rằng, việc tìm ra và giải phóng những thông tin chất chứa ra khỏi vô thức sẽ giúp con người sống ít căng thẳng hơn. Bởi vì, chính sự dồn nén những suy nghĩ, cảm xúc và những mong muốn đã khiến chúng ta trở nên căng thẳng và ít có cơ hội được hiểu được mình là ai nên đôi khi không thể sống với chính con người thật của mình.

Do đó, theo quan điểm của Freud, việc tiếp cận vô thức thông qua giấc mơ, lời nói lỡ lời hoặc những hành vi vô thức sẽ là nơi để chúng ta khám phá sự bí ẩn tồn tại trong vùng vô thức.

Các câu hỏi thường gặp

Sự khác biệt giữa vô thức (unconscious) và tiềm thức (subconscious) là gì?

Sự khác biệt lớn nhất giữa vô thức và tiềm thức là cách chúng được tiếp cận thông qua ý thức. 

  • Vô thức nằm bên dưới ý thức, là những gì chúng ta thường khó tiếp cận được, đó là nơi chứa đựng những gì ảnh hưởng đến chúng ta một cách tự động, có thể là từ gia đình, môi trường sống, văn hóa, niềm tin xã hội… Vô thức sẽ đi từ dưới lên để ý thức có thể hiểu được chúng là gì.
  • Trong khi đó, tiềm thức chính là những gì chúng ta đưa từ ý thức xuống, nằm dưới mức nhận thức có ý thức. Ví dụ, bạn tập lái xe, thời gian đầu bạn sẽ cần nhiều sự tập trung để học cách điều khiển, dần quen bạn trở nên thuần thục hơn và đến một lúc bạn sẽ lái xe một cách dễ dàng mà không cần phải tập trung quá nhiều. Tiềm thức còn được hiểu là thói quen, một hành động quen thuộc mà bạn lặp đi lặp lại nhiều lần.

Vô thức tập thể là gì?

Vô thức tập thể là thuật ngữ được nhà Tâm lý học Carl Jung sử dụng. Theo Jung, vô thức tập thể là những thứ được tích cóp từ kinh nghiệm của tổ tiên, cái mà con người đã có kể từ khi sinh ra. Vô thức tập thể được sử dụng để đại diện cho loài, loài nào cũng có vô thức tập thể hay còn gọi là cổ mẫu (archetypes).

Ví dụ về vô thức tập thể của loài gà, khi một con gà thấy một cái bóng lớn bay ngang, chúng sẽ tự động biết chui vào hang để ẩn nấp. Mặc dù con gà con từ khi sinh ra chưa được dạy, nhưng chúng vẫn tự biết cần phải làm gì khi gặp một cái bóng lớn. Cái bóng lớn đó chính là mối nguy của chúng, đó có thể là một con đại bàng lớn đang bay đi săn mồi.

Vô thức tập thể là một khái niệm tương tự như vô thức, nhưng nó có tính thần bí hơn, liên quan đến cả tâm linh và thần thoại

Kết luận

Gần như tất cả mọi người đều có vô thức, nhưng để khám phá vùng vô thức là điều không hề dễ dàng. Chúng ta không thể tiếp cận vô thức bằng ý thức nếu không muốn nói rằng đây là chuyện hoang đường.

Nói vậy để thấy rằng, dù chúng ta có hiểu về vô thức cỡ nào đi chăng nữa thì chúng ta cũng không chắc là có thể hiểu và tìm ra được vô thức của mình. Tuy nhiên, không phải là không thể, chúng ta có thể khám phá vô thức của mình thông qua các phiên trị liệu tham vấn tâm lý phân tâm; phân tích và dự đoán vô thức thông qua diễn giải giấc mơ, vẽ tranh trị liệu nghệ thuật, phóng chiếu, đối thoại liên tưởng tự do…

Hy vọng nội dung bài viết đã cung cấp đủ những thông tin để bạn có thể hiểu về vô thức là gì. Nếu bạn muốn đọc thêm các chủ đề về tâm lý, bạn hãy đến với Chuyên mục Tâm lý Tâm thần trên HelloBacsi đồng thời tham gia Cộng đồng Sức khỏe tinh thần để cùng trao đổi và gửi câu hỏi về cho đội ngũ bác sĩ/chuyên gia của HelloBacsi bạn nhé.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

unconscious (Ucs)
https://dictionary.apa.org/unconscious
Truy cập ngày: 21.06.2024

Carl Jung’s Collective Unconscious Theory: What It Suggests About the Mind
https://www.verywellmind.com/what-is-the-collective-unconscious-2671571
Truy cập ngày: 21.06.2024

Freud’s Unconscious Mind and Conscious Mind
https://www.verywellmind.com/the-conscious-and-unconscious-mind-2795946
Truy cập ngày: 21.06.2024

The Unconscious: Frequently Asked Questions – Freud Museum London
https://www.freud.org.uk/education/resources/what-is-the-unconscious/the-unconscious-frequently-asked-questions/
Truy cập ngày: 21.06.2024

The Conscious, Subconscious, and Superconscious Minds
https://www.ananda.org/ask/levels-of-consciousness-and-what-they-represent/
Truy cập ngày: 21.06.2024

Phiên bản hiện tại

24/06/2024

Tác giả: Phong Huỳnh

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Phong Huỳnh


Bài viết liên quan

Self awareness là gì? Cách để trau dồi kỹ năng tự nhận thức bản thân

Thiên kiến xác nhận là gì? Confirmation bias trong tâm lý học


Tham vấn y khoa:

Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Đa khoa · Hello Bacsi


Tác giả: Phong Huỳnh · Ngày cập nhật: 24/06/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo