backup og meta

Người cô đơn: Đừng mãi thu mình vào vỏ ốc!

Người cô đơn: Đừng mãi thu mình vào vỏ ốc!

Người cô đơn thường có xu hướng thu mình lại như con ốc rụt vào vỏ, tách biệt với cộng đồng và có nguy cơ gặp nhiều vấn đề sức khỏe. Liệu có cách nào giúp bạn vượt qua cảm giác trống trải này?

Cô đơn là một cảm giác không dễ dàng vượt qua nhưng hầu như ai cũng trải nghiệm sự trống trải này ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời. Điều đáng buồn là cùng với sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội thì chúng ta lại càng cảm thấy cô đơn nhiều hơn. 

Ai là người cô đơn?

Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy cứ trong 3 người lớn thì lại có 1 người cô đơn. Khảo sát với sự tham gia của khoảng 2.000 người trưởng thành trong độ tuổi từ 50 đến 80 tuổi cho thấy cứ trong 4 người được khảo sát thì có một người nói rằng họ thấy có cảm giác bị tách biệt với thế giới xung quanh.

Dưới đây là một số kết quả tổng kết đáng suy ngẫm:

• Nữ giới thường cô đơn nhiều hơn: 36% phụ nữ nói rằng họ có cảm giác cô đơn, so với 31% ở nam giới.

• Sự kết nối bạn bè giảm dần: Cứ trong 3 người lớn thì lại có 1 người thấy thiếu sự kết nối với bạn bè, 8% trong số đó cho biết phải trải qua cảm giác này thường xuyên.

• Nỗi cô đơn kéo dài: Cứ trong 4 người thì lại có 1 người cảm thấy bị tách biệt khỏi những người khác, 5% trong số đó cho biết cảm xúc này thậm chí đã bắt nguồn từ rất lâu trong quá khứ.

• Sống một mình dễ cô đơn hơn: Việc chọn cách sống một mình cũng có mối quan hệ mật thiết với cảm giác cô đơn. 60% những người ở một mình nói rằng họ cảm thấy thiếu sự kết nối với mọi người xung quanh, còn 41% cảm thấy bị cô lập.

• Cô đơn do ảnh hưởng từ sức khỏe: Các vấn đề về sức khỏe cũng có thể là nguồn cơn của sự cô đơn. 26% số người được khảo sát cho biết rằng họ thấy cô đơn khi ở trong tình trạng sức khỏe không được tốt. Những người lớn tuổi gặp các vấn đề về thính lực và sức khỏe tâm thần cũng gặp phải cảm giác tách biệt và cảm thấy cô đơn nhiều hơn.

• Các cuộc gặp gỡ ngày càng ít đi: Hơn 1/4 số người được khảo sát cũng cho thấy họ chỉ có các tương tác giao thiệp xã hội (gặp gỡ bạn mới, bạn thân, gia đình, người quen…) một lần mỗi tuần hoặc còn ít hơn.

Tác hại của sự cô đơn

Khi bạn thu mình lại trong thế giới của riêng mình, cảm giác cô đơn không chỉ khiến bạn buồn lo nhiều hơn mà còn kéo theo nhiều vấn đề sức khỏe đáng quan ngại khác.

người cô đơn

1. Người cô đơn tăng nguy cơ tử vong sớm

Một nghiên cứu với sự tham gia của hơn 300.000 người đã cho thấy những người có sự tương tác xã hội thấp thường có khuynh hướng hút nhiều thuốc lá hơn mỗi ngày. Điều này lẽ dĩ nhiên là sẽ gây tác hại khủng khiếp đến cơ thể và ảnh hưởng đến tuổi thọ.

Một nghiên cứu khác trên diện rộng hơn với 3,4 triệu người tham gia đưa đến kết luận rằng những người cô đơn cũng thường tăng nguy cơ tử vong sớm lên đến 30%. Các nhà khoa học còn chỉ ra nguy cơ tử vong sớm do cô đơn còn cao hơn cả béo phì, ít vận động và ô nhiễm không khí.

2. Người cô đơn dễ bị tình trạng viêm

Các nhà khoa học đã phát hiện thấy có một nhóm gene (gien) di truyền liên quan đến tình trạng viêm có khuynh hướng hoạt động mạnh hơn ở những người đang trải qua cảm giác cô đơn.

Phản ứng di truyền này đã xuất hiện từ thời tổ tiên xa xưa của chúng ta. Khi ở một mình và tách biệt, một người sẽ dễ bị tấn công bởi thú vật hay các nhóm bộ tộc khác. Viêm chính là một cơ chế bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng và vết thương. Tuy nhiên, nếu tình trạng viêm quá nhiều có thể dẫn đến những căn bệnh nghiêm trọng như ung thư.

3. Người cô đơn tăng nguy cơ mắc bệnh tim

Sự cô đơn cũng nhiều khả năng làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề liên quan đến tim mạch. Một nghiên cứu năm 2016 với sự tham gia của 181.000 người trưởng thành phát hiện thấy: Sự cô đơn và tách biệt xã hội có thể làm gia tăng 32% nguy cơ đột quỵ và 29% nguy cơ mắc bệnh mạch vành.

4. Người cô đơn thấy khó đối diện với áp lực hơn

người cô đơn

Theo tạp chí Psychology Today, những người cô đơn thường có khả năng gặp căng thẳng cao hơn mặc dù cùng được đặt vào cùng một tình huống áp lực, so với những người có nhiều mối quan hệ xã hội khác.  

Tự một mình đối mặt với các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày có thể gây tác hại xấu đến sức khỏe của bạn hơn so với khi có ai đó cùng bạn vượt qua khó khăn. Sự hỗ trợ tinh thần từ một người khác có thể giúp tối ưu các phản ứng thần kinh chống lại căng thẳng. Các tương tác xã hội cũng sẽ giúp cân bằng các yếu tố từ môi trường và xã hội dễ gây căng thẳng.

5. Người cô đơn dễ bị rối loạn ăn uống

Một nghiên cứu năm 2012 cho thấy sự cô đơn có thể dẫn đến nhiều vấn đề rối loạn ăn uống khác nhau như ăn không ngon miệng hoặc chán ăn. Ngược lại, sự cô đơn cũng có thể dẫn đến tình trạng ăn quá nhiều. Đối với những trường hợp người tăng cân, nguyên nhân thường là do bạn sẽ sử dụng thực phẩm như một cách để làm khỏa lấp cảm giác cô đơn mà mình đang trải qua.

6. Người cô đơn dễ mắc bệnh Alzheimer

Một nghiên cứu đã cho thấy những người có hàm lượng một loại protein gọi là amyloid cao hơn cũng thường cảm thấy cô đơn và bị cô lập hơn.

Nhiều nhà khoa học tin rằng sự tích tụ amyloid trong não là nguyên nhân căn bản của bệnh Alzheimer. Nguyên nhân được đưa ra là bởi hợp chất amyloid sẽ làm rối loạn sự giao tiếp giữa các tế bào não và cuối cùng là tiêu diệt luôn các tế bào đó, dẫn đến sự suy giảm nhận thức của bệnh Alzheimer.

7. Người cô đơn dễ có thói quen không lành mạnh

Nếu có một mối quan hệ tốt đẹp, bạn sẽ dễ hình thành những thói quen lành mạnh như ăn uống đúng giờ, ngủ đủ giấc, tập thể dục đều đặn hơn…  

Ngược lại, khi cô đơn, bạn sẽ có khuynh hướng ít quan tâm đến bản thân và dễ hình thành những thói quen gây hại cho chính mình. Nghiên cứu cho thấy những người kết hôn có tỷ lệ giảm các thói quen gây hại như hút thuốc, uống rượu, sử dụng chất kích thích… Những người có bạn cùng phòng cũng ít lạm dụng chất kích thích hơn những người chỉ ở một mình.

Bí quyết thoát khỏi vỏ ốc cô đơn

Bạn hoàn toàn có thể mở rộng vòng kết nối, đưa bản thân thoát khỏi vỏ ốc cô đơn bằng một vài sự điều chỉnh nho nhỏ.

1. Suy nghĩ cởi mở hơn

Sự cô đơn có thể dễ phát triển thành sự tự ghét bỏ bản thân. Khi cô đơn, bạn sẽ đặt thêm nhiều câu hỏi tự trách mình: “Liệu mình có làm gì bị bạn bè ghét bỏ không?”, “Tại sao chẳng ai quan tâm đến mình hết?”…

Trong cuộc sống hẳn không thể tránh khỏi những phút vô tình khiến ai đó có thể vô tình ngó lơ bạn, nhưng bạn đừng vội suy nghĩ tiêu cực. Bạn đừng cho rằng mình đã làm sai điều gì hay mọi người đã quên mất sự có mặt của mình. Hãy suy nghĩ cởi mở hơn vì có thể chỉ là do công việc bận rộn quá và lần sau, bạn vẫn nên chủ động tạo điều kiện để mọi người cùng gặp mặt.

Để tránh những câu hỏi dằn vặt bản thân, hãy dành thời gian tương tác với mọi người nhiều hơn để họ hiểu hơn về bạn và biết được tâm trạng của bạn.

2. Lắng nghe mọi người

người cô đơn

Nhiều khi đã ở quá lâu trong thế giới của riêng mình, bạn có thể quên mất mọi người xung quanh và sự giao tiếp với họ. Cảm giác tách biệt và căng thẳng không chỉ có thể gây nguy hiểm cho chính bạn mà còn cho mối quan hệ xung quanh bạn.

Bạn hãy bắt đầu bằng việc lắng nghe câu chuyện từ những người xung quanh, từ đó, bạn sẽ có thêm cơ hội bước vào thế giới của họ và biết đâu lại nhận ra rằng họ cũng đang cô đơn như bạn. Chính những câu chuyện lắng nghe và chia sẻ sẽ là sợi dây kết nối những tâm hồn cô đơn xích lại gần nhau hơn. 

Lắng nghe là một cách đơn giản nhưng chân thành thể hiện sự quan tâm của bạn và để bạn cũng được lắng nghe.

3. Tham gia vào hoạt động nhóm

Bạn biết cách thoát khỏi vỏ ốc cô đơn cũng có nghĩa là tránh xa khỏi những cảm xúc tiêu cực. Nếu bạn đã thấy quá khó khăn để tiếp tục duy trì những mối quan hệ căng thẳng hiện tại, hãy tìm kiếm năng lượng và nguồn cảm hứng từ một nhóm mà mình yêu thích khác.

Thay vì mãi loay hoay chật vật cố gắng hàn gắn hay đổi thay, bạn hãy thử tham gia vào một nhóm nào đó có những người cũng có cùng sở thích như bạn.

Câu lạc bộ tiếng Anh, yoga hay hội những người yêu mèo sẽ là lựa chọn tốt để bạn vừa thỏa mãn thú vui riêng, vừa có thể kết giao thêm nhiều bạn bè mới.

4. Tìm nguồn cảm hứng sáng tạo

người cô đơn

Bạn không cần phải đưa ra ý tưởng nào đó quá lớn lao nhưng điều cần thiết là cần làm mới bản thân bằng những suy nghĩ sáng tạo mới mẻ. Mọi thứ có thể đơn giản bắt đầu bằng việc viết nhật ký hay thử nghiệm một vài công thức nấu ăn mới nào đó. Đây cũng là một cách hữu hiệu để bạn thử trải nghiệm bản thân mình và nạp lại năng lượng cho mình.

Những công việc sáng tạo đơn giản có thể khiến tâm trí bạn không còn bị bó hẹp trong thế giới của sự cô đơn nữa.

5. Luyện tập thể thao

Thói quen tập thể dục không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe thể chất mà còn là liều thuốc tinh thần giúp bạn vượt qua sự cô đơn. Các hoạt động thể chất chính là liều thuốc chống trầm cảm hữu hiệu bởi nhiều nguyên do. Quan trọng nhất đó là các bài thể dục sẽ khởi đầu cho nhiều sự thay đổi trong não bộ, nuôi dưỡng hoạt động thần kinh, kháng viêm và trấn an tinh thần.

Các bài tập thể dục cũng sẽ giúp giải phóng hormone endorphin, liều thuốc cung cấp năng lượng cho tinh thần sảng khoái.

Nếu bạn là người cô đơn thì sẽ luôn cảm thấy trống trải, không được ai quan tâm, thấy cả thế giới đều hạnh phúc chỉ trừ mình. Thay vì trốn tránh trong cái vỏ ốc do chính mình tạo ra, hãy mở rộng lòng và đón nhận thêm nhiều cảm xúc mới mẻ, bồi dưỡng cả sức khỏe thể chất và tâm thần trở nên tốt lên hơn nhé.

Tuyết Trinh HELLO BACSI

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Survey: 1 in 3 Older Adults Feel Lonely
https://www.webmd.com/healthy-aging/news/20190304/survey-1-in-3-adults-feel-lonely
Ngày truy cập: 14/03/2019

“I’m lonely” – 17 things to do if you think this is you
https://hackspirit.com/feeling-lonely-here-are-10-things-you-can-try-to-ease-the-pain/
Ngày truy cập: 14/03/2019

10 ways loneliness can affect your health — physically and mentally
https://www.thisisinsider.com/effects-loneliness-health-2018-6
Ngày truy cập: 14/03/2019

Phiên bản hiện tại

28/07/2020

Tác giả: Tuyết Trinh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Hoàng Diệu Thu


Bài viết liên quan

Cách nói lời chia tay qua tin nhắn: Văn minh, êm đẹp và nhẹ nhàng nhất

Nên làm gì khi có ý định tự sát? Bác sĩ tâm thần hướng dẫn cách đối diện và ứng phó tình huống


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tuyết Trinh · Ngày cập nhật: 28/07/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo