Kỹ năng tính toán không chỉ ảnh hưởng tới điểm số khi đi học mà còn có thể dẫn đến giảm hiệu suất khi đi làm. Tình trạng học dốt toán này không hẳn do bạn kém thông minh hay thiếu khả năng mà có thể do chứng dyscalculia.
Các bé có thể nhận điểm kém nếu không tính nhẩm nhanh hay không thuộc bảng cửu chương. Khi đi làm, bạn cũng sẽ bỏ mất nhiều cơ hội nếu thiếu khả năng tính toán hay xử lý con số. Vậy bạn phải làm sao nếu học dốt toán do chứng khó học toán dyscalculia?
Chứng khó học toán là gì?
Chứng khó học toán có tên tiếng Anh là dyscalculia là một chứng kéo dài suốt đời khiến người mắc khó thực hiện những công việc liên quan đến toán học. Tuy chứng này không được nghiên cứu nhiều như chứng khó đọc nhưng cũng khá phổ biến. Hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa chắc chắn rằng chứng dyscalculia phổ biến ở nữ hay nam hơn.
Các nhà nghiên cứu không biết chính xác nguyên nhân khiến một số người học dốt toán. Thế nhưng bạn cũng có thể tham khảo một số lý do gây chứng dyscalculia như:
• Di truyền: Chứng khó học toán có xu hướng di truyền trong gia đình.
• Khác biệt trong não bộ: Một số nghiên cứu cho thấy cấu trúc não của những ai mắc chứng khó học toán có một số điểm không giống so với những người khác. Ngoài ra, sự kích hoạt ở vùng não điều khiển việc tính toán, ghi nhớ và lên kế hoạch ở những người này cũng khác biệt.
• Điều kiện phát triển: Chứng dyscalculia có liên quan đến hội chứng rượu bào thai, một hội chứng mà thai nhi bị dị tật do tiếp xúc với rượu quá nhiều. Trẻ sinh non và nhẹ cân cũng có nguy cơ mắc chứng này.
• Chấn thương não: Các nghiên cứu cho thấy chấn thương ở một số bộ phận của não có thể dẫn đến chứng dyscalculia.
Dấu hiệu chứng dyscalculia
Chứng khó học toán có thể xuất hiện ở cả trẻ em và người lớn và dấu hiệu học dốt toán ở từng đối tượng cũng khác nhau.
Dấu hiệu chứng dyscalculia ở trẻ
Chứng khó học toán có thể có những dấu hiệu khác nhau tùy mỗi bé. Các dấu hiệu này xuất hiện sớm nhất là ở độ tuổi mẫu giáo và thường rõ ràng hơn khi trẻ lớn hơn. Bạn có thể nhận biết dấu hiệu chứng dyscalculia ở từng độ tuổi như sau.
1. Trẻ ở độ tuổi mầm non
Những bé trước tuổi đi học tuy chưa học toán một cách bài bản nhưng cũng sẽ có một số dấu hiệu như:
– Gặp khó khăn trong việc học đếm và thường đếm sót số dù các bạn cùng trang lứa đã có thể đếm chính xác.
– Gặp khó khăn trong việc nhận ra thứ tự sắp xếp các vật, ví dụ như trẻ không biết xếp đồ chơi từ nhỏ tới lớn hoặc từ cao tới thấp.
– Gặp khó khăn trong việc đọc số, ví dụ trẻ không nhận ra số “7″ có nghĩa là “bảy”.
– Trẻ có vẻ không hiểu ý nghĩa của việc đếm số. Ví dụ khi bạn yêu cầu trẻ đưa mình năm cái kẹo, trẻ thường không đếm mà sẽ bốc đại.
2. Trẻ học cấp một
Khi mới bắt đầu học toán ở trường, trẻ sẽ có những dấu hiệu được coi là học dốt toán như:
– Gặp khó khăn trong việc học và ghi nhớ những bài toán cơ bản như 2 + 4 = 6.
– Khó xác định những ký hiệu toán học như “+” hay “-‘ cũng như khó dùng những ký hiệu này đúng cách.
– Vẫn sử dụng ngón tay để đếm hay làm toán thay vì dùng những cách tính toán nâng cao hơn như tính nhẩm.
– Khó hiểu các từ liên quan đến toán học như “lớn hơn” và “nhỏ hơn”.
– Gặp khó khăn với các cách biểu diễn số trực quan. Ví dụ như trẻ gặp khó khăn khi biểu diễn số lên trục số.
3. Trẻ học cấp hai
Khi môn toán trở nên phức tạp hơn chứ không còn là các phép cộng trừ nhân chia đơn giản như cấp một, bé mắc hội chứng dyscalculia có thể gặp các dấu hiệu sau đây:
– Gặp khó khăn khi theo dõi điểm số trong các trò chơi thể thao.
– Khó hiểu các khái niệm hàng nghìn, hàng trăm, hàng chục… Trẻ thường dễ nhầm lẫn những giá trị này.
– Gặp khó khăn khi tính toán với phân số và khi đo lường mọi thứ. Ví dụ như trẻ không đo lường được thành phần trong một công thức nấu ăn đơn giản.
4. Trẻ học cấp ba
Chứng khó học toán có thể ảnh hưởng khá nhiều mặt trong cuộc sống của trẻ chứ không còn chỉ là ở môn toán. Một số vấn đề có thể thấy ở trẻ cấp ba học dốt toán là:
– Khó nắm bắt thông tin được hiển thị dưới dạng biểu đồ.
– Gặp khó khăn trong việc tìm các cách tiếp cận khác nhau cho cùng một bài toán.
– Gặp khó khăn trong việc đo lường thành phần trong một công thức nấu ăn đơn giản.
– Gặp khó khăn khi áp dụng toán học vào việc dùng tiền chi tiêu hàng ngày. Ví dụ như trẻ sẽ không thể tính toán số tiền mình cần trả người khác khi mua đồ hay không biết tính tiền người bán hàng cần thối lại cho mình.
Dấu hiệu chứng dyscalculia ở người lớn
Dù đã không còn đi học và phải làm các bài kiểm tra toán, người lớn vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi chứng dyscalculia. Một số dấu hiệu của chứng khó học toán ở người lớn có thể là:
- Khó nhớ tên người khác
- Đọc giờ trên đồng hồ cơ chậm
- Gặp khó khăn khi phải tính nhẩm
- Dễ bị lạc hay thường đặt đồ vật sai chỗ
- Kém trong việc nhớ những thứ liên quan đến số
- Khó học các kỹ năng được chia theo từng bước như học nhảy
- Thường xuyên trễ hẹn, thỉnh thoảng bỏ lỡ các sự kiện quan trọng
- Thường lái xe quá nhanh, quá chậm hoặc ước lượng sai thời gian cần thiết để đi đâu đó
- Gặp khó khăn khi theo dõi điểm số trong các trò chơi hoặc theo dõi lượt chơi của mọi người
Chứng khó học toán cũng có thể ảnh hưởng đến công việc dù công việc của bạn không liên quan đến toán. Một số dấu hiệu của chứng dyscalculia ở nơi làm là:
- Sử dụng ngón tay khi đếm
- Khó sử dụng các công thức Excel
- Gặp khó khăn khi phải đọc biểu đồ
- Có xu hướng bỏ qua các con số khi đọc tài liệu
- Gặp khó khăn khi xử lý vấn đề tiền bạc hoặc theo dõi tài chính
- Thường xuyên không sắp xếp đủ thời gian để hoàn thành một việc nào đó
- Lo lắng khi nghĩ đến việc phải thực hiện những việc liên quan đến toán khi đi làm
Nếu có những triệu chứng kể trên, bạn có thể thăm khám các bác sĩ tâm lý để được chẩn đoán toàn diện. Bạn có thể sẽ cần cho bác sĩ biết lịch sử bệnh lý của gia đình để được chẩn đoán chính xác hơn. Nếu người mắc là trẻ em, bạn có thể sẽ cần nhờ đến sự đánh giá của thầy cô về việc học của bé trong lớp để hỗ trợ chẩn đoán.
Các vấn đề đi kèm chứng dyscalculia
Chứng khó học toán thường đi kèm với một số vấn đề như:
• Chứng khó đọc: Chứng khó đọc rất thường xuất hiện cùng chứng khó học toán. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng 43 – 65% trẻ em khó học toán cũng gặp khó khăn khi đọc.
• ADHD: Chứng khó đọc và ADHD hay còn gọi chứng tăng động giảm chú ý thường đi kèm với nhau. Đôi khi trẻ em có thể khó học toán do ảnh hưởng của chứng ADHD.
• Thiếu kỹ năng quan trọng: Khả năng học toán có thể bị ảnh hưởng nếu bạn có vấn đề trong các kỹ năng quan trọng như ghi nhớ, suy nghĩ, lập kế hoạch, tổ chức…
• Lo lắng toán học: Những bé cảm thấy lo lắng khi học toán thường sẽ tiếp khó thu những kiến thức của môn này và không đạt thành tích cao khi làm kiểm tra.
Khi bạn đến bác sĩ tâm lý để chẩn đoán chứng dyscalculia, bác sĩ cũng sẽ giúp bạn kiểm tra các chứng liên quan kể trên.
Bạn phải làm sao khi con học dốt toán?
Khi con có những dấu hiệu khó khăn khi học toán và không đạt thành tích như mong muốn, bạn hãy ở bên động viên chứ không nên trách mắng con. Ba mẹ có vai trò rất quan trọng trong việc giúp bé vượt qua mặc cảm học dốt toán và dần cải thiện. Một số điều bạn có thể làm khi con gặp khó khăn với việc học toán là:
– Giúp con khám phá những điểm mạnh khác của mình.
– Giúp con xây dựng sự tự tin bằng cách khen ngợi khi bé có tiến bộ.
– Tìm hiểu các trò chơi giúp tăng cường khả năng toán học để chơi với bé.
– Trò chuyện cùng thầy cô của con để cả hai bên cùng tìm cách giúp bớt áp lực khi học toán.
– Tìm hiểu các dụng cụ, phần mềm, ứng dụng có thể giúp con học toán và giải toán tốt hơn.
Những người mắc chứng dyscalculia tuy gặp khó khăn khi xử lý các con số nhưng vẫn có thể cải thiện tình trạng này bằng cách phát triển những kỹ năng khác. Khi đã có có những điểm mạnh của mình, bạn sẽ dễ dàng vượt qua được cái mác học dốt toán!
Như Vũ HELLO BACSI
[embed-health-tool-bmi]