backup og meta

Chứng sợ nước: Làm sao để bạn vượt qua?

Chứng sợ nước: Làm sao để bạn vượt qua?

Chứng sợ nước khiến những việc bình thường như rửa tay, rửa chén, nấu ăn hay đi bơi trở nên vô cùng khó khăn. Vậy có cách nào để bạn kiểm soát tâm lý sợ nước của mình để sinh hoạt bình thường?

Nước có mặt ở khắp mọi nơi và là nguồn sống của rất nhiều sinh vật nên bạn sẽ rất khó sinh hoạt bình thường khi sợ nước. Nếu mắc chứng sợ nước, bạn còn có thể bỏ lỡ rất nhiều trải nghiệm thú vị như đùa nghịch nước mưa, tắm biển… Bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về chứng sợ hãi kỳ lạ này để tìm cách vượt qua nhé.

Chứng sợ nước là gì?

Chắc hẳn ai cũng từng sợ xuống nước khi mới tập bơi và không biết cách thở dưới nước. Thế nhưng, chứng sợ nước nghiêm trọng hơn nhiều vì bạn sẽ cảm thấy lo lắng, sợ hãi tới nỗi không thể tới gần những nơi có nước. Chứng sợ này có thể bắt đầu từ khi bạn còn nhỏ hoặc trong độ tuổi thiếu niên.

Chứng sợ nước sẽ khiến bạn căng thẳng quá mức khi thấy những nơi có nước như bể bơi, hồ, biển hay ngay cả bồn tắm nhà bạn. Chứng sợ này đôi khi bị nhầm lẫn với sự kỵ nước của bệnh nhân dại nhưng hai chứng này hoàn toàn khác nhau.

chứng sợ nước

Dấu hiệu chứng sợ nước

Việc nhìn thấy nước có thể kích hoạt nỗi sợ hãi và lo lắng dữ dội ở bệnh nhân mắc chứng sợ nước dù đó là lượng nước nhỏ trong bồn rửa chén hay một nguồn nước lớn như biển. Lượng nước không phải là nguyên nhân gây ra nỗi ám ảnh mà bản thân nước mới tạo ra nỗi sợ hãi và lo lắng.

Một số triệu chứng phổ biến hơn của chứng sợ nước bao gồm:

  • Tránh nước
  • Buồn nôn khi thấy nước
  • Đổ mồ hôi khi thấy nước
  • Tim đập loạn nhịp khi thấy nước
  • Tức ngực và khó thở khi thấy nước
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu khi thấy nước
  • Nhận thức được rằng nỗi sợ nước là quá mức hoặc vô lý
  • Nỗi sợ hãi dai dẳng, quá mức hoặc vô lý khi tiếp xúc với nước
  • Cảm giác sợ hãi, lo lắng và hoảng loạn ngay lập tức khi nghĩ về nước

Nguyên nhân chứng sợ nước

chứng sợ nước

Nguyên nhân gây chứng sợ nước thường không rõ ràng. Tuy nhiên, có một số bằng chứng cho thấy rằng nguyên nhân chứng này có thể do di truyền. Nếu một thành viên gia đình bạn có một vấn đề tâm lý hay một chứng sợ nào đó, bạn sẽ có nguy cơ bị chứng sợ nước.

Đôi khi chứng sợ nước do một trải nghiệm đáng sợ thời thơ ấu như bạn đã từng suýt bị chết đuối. Ngoài ra, sự thay đổi chức năng não cũng có thể góp phần tạo nên chứng sợ nước.

Cách chẩn đoán chứng sợ nước

Bác sĩ thường sẽ chẩn đoán bạn mắc chứng sợ nước nếu bạn đã có các triệu chứng kể trên trong ít nhất sáu tháng. Bên cạnh đó, quá trình chẩn đoán cũng bao gồm việc loại trừ các bệnh tâm lý khác như:

  • Rối loạn hoảng sợ
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế
  • Chấn thương tâm lý hậu sang chấn

Cách điều trị chứng sợ nước

Hai liệu pháp điều trị phổ biến cho chứng sợ nước là liệu pháp tiếp xúc và liệu pháp hành vi nhận thức. Trong đó, phương pháp điều trị thường được áp dụng nhất là liệu pháp tiếp xúc.

• Liệu pháp tiếp xúc: Với phương pháp điều trị này, bạn sẽ liên tục tiếp xúc tác nhân gây sợ cho mình. Khi bạn tiếp xúc với nước, nhà trị liệu sẽ theo dõi phản ứng, suy nghĩ, cảm xúc của bạn để giúp bạn kiểm soát sự lo lắng.

• Liệu pháp hành vi nhận thức: Với liệu pháp hành vi nhận thức, bạn sẽ học cách thay đổi suy nghĩ của mình về nước và dần đẩy lùi chứng sợ nước.

Ngoài cách điều trị bằng các liệu pháp trên, bạn cũng có thể tập kiểm soát tâm lý của mình tại nhà. Những cách rèn luyện như ngồi thiền, vận động thể chất hàng ngày, tập yoga và tập thở là những cách hữu ích nếu bạn muốn kiểm soát chứng sợ nước. Khi đã kiểm soát được một phần nỗi sợ, bạn có thể tìm kiếm một huấn luyện viên dạy bơi cho người sợ nước để cảm thấy thoải mái hơn với nước.

Trong quá trình cải thiện chứng sợ nước, bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc điều trị một số triệu chứng kèm theo như lo âu và hoảng loạn. Tuy nhiên, bạn cũng không nên quá lạm dụng những loại thuốc này nếu không thật sự cần thiết.

Chứng sợ nước sẽ có thể giảm nhẹ rất nhiều nếu bạn có phương pháp chữa trị phù hợp và được mọi người xung quanh hỗ trợ. Dần dần, bạn sẽ lại thỏa sức tiếp xúc với nước với tâm trạng thoải mái hơn. Suy cho cùng, cách tốt nhất để vượt qua mọi nỗi sợ hãi chính là hãy sẵn sàng đối mặt với nó. Khi ấy, bạn mới thật sự tự do tận hưởng cuộc sống theo cách mình muốn!

Như Vũ HELLO BACSI

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Managing the Fear of Water (Aquaphobia)
https://www.healthline.com/health/aquaphobia#symptoms
Ngày truy cập: 15.02.2019

Coping With the Fear of Water
https://www.verywellmind.com/aquaphobia-causes-symptoms-treatment-2671845
Ngày truy cập: 15.02.2019

How to Overcome Fear of Water
https://www.psychologytoday.com/us/blog/some-nerve/201412/how-overcome-fear-water
Ngày truy cập: 15.02.2019

Phiên bản hiện tại

22/05/2019

Tác giả: Như Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Chứng sợ lỗ

Chứng sợ không gian hẹp: Những cơn hoảng loạn thầm lặng


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 22/05/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo