backup og meta

Trị liệu nghệ thuật (Art therapy) là gì? Định nghĩa, kỹ thuật và tính hiệu quả

Trị liệu nghệ thuật (Art therapy) là gì? Định nghĩa, kỹ thuật và tính hiệu quả

Theo Hiệp hội trị liệu nghệ thuật Hoa Kỳ – American Arttherapy Association, chúng ta có thể hiểu trị liệu nghệ thuật theo nghĩa rộng nhất là một phương pháp, kỹ thuật can thiệp tâm lý mà công cụ sử dụng chủ yếu là các loại hình nghệ thuật.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết về khái niệm art therapy là gì? Các hình thức art therapy, lợi ích của nó và giải đáp những câu hỏi thường gặp xoay quanh chủ đề art therapy.

Art therapy là gì?

Trị liệu nghệ thuật (Art therapy) có trọng tâm là xây dựng và đồng hành cùng người tham gia trị liệu (còn gọi là thân chủ) qua những trải nghiệm với các hoạt động nghệ thuật. Liệu pháp hướng đến việc tạo ra một công cụ an toàn và linh hoạt để thân chủ có thể bộc lộ, hiểu được những suy nghĩ, cảm xúc của bản thân, là nền tảng để tiếp tục hướng đến những can thiệp sâu hơn. Đây là một lĩnh vực chuyên môn sâu thuộc nhóm ngành chăm sóc sức khỏe tinh thần, với nền tảng lý thuyết vững chắc cũng như tính ứng dụng cao. Vì vậy cũng sẽ đòi hỏi người hành nghề có những tiêu chuẩn nhất định.

Các nhà trị liệu nghệ thuật cần được thông qua đào tạo, chứng nhận bởi các tổ chức có chuyên môn. Họ cần có nền tảng về lý thuyết tâm lý cũng như kỹ thuật sử dụng các công cụ nghệ thuật như một liệu pháp can thiệp về sức khỏe tinh thần.

Về nguồn gốc của trị liệu nghệ thuật, trên thực tế, việc sử dụng hình ảnh, tranh vẽ nói riêng hay các loại hình nghệ thuật nói chung đã được con người sử dụng để thể hiện cảm xúc, để lồng ghép ý niệm của bản thân thông qua các tác phẩm. Đây được xem là một hình thức giao tiếp phi ngôn từ. Tuy nhiên, đến tận những năm 1940 thì liệu pháp nghệ thuật mới được biết đến và ứng dụng rộng rãi hơn.


Một trong những lý do cốt lõi đưa các hình thức sáng tạo trở thành phương pháp trị liệu nghệ thuật là các bác sĩ tâm thần phát hiện rằng những bệnh nhân tâm thần có xu hướng vẽ hoặc dùng những tác phẩm nghệ thuật để thể hiện bản thân. Chính lý do này mà các chuyên gia bắt đầu tìm hiểu và nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này. Kể từ đó, các loại hình sáng tạo, nghệ thuật bắt đầu được ứng dụng nhiều trong việc hỗ trợ chẩn đoán và giúp phục hồi sức khỏe tinh thần.

Art therapy là gì

Các loại hình trị liệu nghệ thuật khác

Phương pháp trị liệu tâm lý bằng nghệ thuật không chỉ là sử dụng một tờ giấy trắng và các cây bút màu để vẽ, bên cạnh đó còn có một số hình thức nghệ thuật tương tự bao gồm:

Các loại hình trị liệu nghệ thuật

  • Trị liệu bằng khiêu vũ (dance therapy)
  • Trị liệu bằng kịch nói (drama therapy)
  • Trị liệu bằng biểu đạt (expressive therapy)
  • Trị liệu bằng âm nhạc (music therapy)
  • Trị liệu bằng viết chữ (writing therapy).

Các loại hình trị liệu nghệ thuật này được ứng dụng và viết trong một quyển sách có tên là Creative Arts-Based Group Therapy with Adolescents (tạm dịch: Trị liệu nhóm dựa trên nghệ thuật sáng tạo với thanh thiếu niên). Trong đó, các chuyên gia sử dụng mỗi loại hình trị liệu cho mỗi nhóm nghiệm thể khác nhau, với mục đích tìm ra hiệu quả của từng kỹ thuật. Kết quả thu được, mỗi kỹ thuật đều có mang đến những hiệu quả tương ứng nhưng cũng sẽ có đôi chút khác biệt.

Lấy ví dụ về trị liệu bằng viết lách, các chuyên gia nhận thấy rằng, viết lách giúp bộc lộ cảm xúc, sắp xếp và biểu đạt suy nghĩ tốt hơn, từ đó làm giảm các triệu chứng lo lắng, trầm cảm và tăng khả năng nhận thức tốt hơn.

Các công cụ nghệ thuật được sử dụng trong art therapy

Trị liệu nghệ thuật làm việc trực tiếp với nội tâm của con người, với các đặc tính vô cùng phong phú và mang bản sắc riêng. Vậy nên công cụ nghệ thuật được sử dụng cũng cần đa dạng để linh hoạt phù hợp với từng cá nhân.

Các công cụ được sử dụng phổ biến là:

  • Vẽ
  • Chụp ảnh
  • Tô màu
  • Điêu khắc
  • Nặn đất sét (hoặc làm gốm)
  • Viết nhật ký, viết thư, viết thơ…
Người tham gia trị liệu sẽ có cơ hội thể hiện suy nghĩ, cảm xúc, tâm tư của mình thông qua các tác phẩm nghệ thuật. Sau khi hoàn thành, chuyên gia tâm lý sẽ cùng người tham gia trị liệu bắt đầu tìm hiểu và phân tích về những suy nghĩ và cảm xúc đó.
Ngoài vẽ tranh còn có các loại hình khác như chụp ảnh, làm gốm, điêu khắc, viết lách...
Ngoài vẽ tranh còn có các loại hình trị liệu nghệ thuật khác như chụp ảnh, làm gốm, điêu khắc, viết lách…

Khái quát về cách thức hoạt động của liệu pháp trị liệu nghệ thuật

Nhiều nghiên cứu cho thấy khi đối mặt với những thử thách về sức khỏe tinh thần, nhiều người gặp khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ, lời nói để mô tả nội tâm bản thân hay những khó khăn họ đang gặp phải. Vậy đâu cách giúp họ có thể bộc lộ bản thân một cách dễ dàng hơn nhưng vẫn đảm bảo an toàn? Liệu pháp trị liệu nghệ thuật đã thỏa mãn được mục tiêu này khi sử dụng nghệ thuật như một công cụ trung gian hỗ trợ thân chủ trong những khó khăn nói trên.

Thay vì dùng lời nói, dưới sự hướng dẫn và giám sát của tâm lý gia, thân chủ có thể thông qua các công cụ như tranh vẽ, tạc tượng,… để kể câu chuyện của mình. Sau đó, tùy theo từng trường hợp, sẽ có những bàn luận giữa thân chủ và tâm lý gia với mục đích ghi nhận,hiểu rõ, tăng nhận thức bản thân và những can thiệp mang tính chất chuyên môn được thực hiện tùy trường hợp.

Cho dù đó là những can thiệp nào thì hình thức cũng sẽ có điểm chung là được thực hiện thông qua một công cụ trung gian và mục tiêu hướng đến là hồi phục, nâng cao sức khỏe tinh thần của người tham gia trị liệu.

Lợi ích của phương pháp trị liệu tâm lý bằng nghệ thuật

Qua những thông tin trên, có thể dễ dàng nhận thấy những lợi ích của art therapy bao gồm:

  • Khắc phục được những khó khăn của thân chủ trong việc dùng lời nói để mô tả nội tâm của bản thân.
  • Đáp ứng được bản sắc riêng và tính phong phú, đa dạng của nội tâm con người. Từ trẻ em cho đến vị thành niên, người trưởng thành và người già. Liệu pháp này luôn có các công cụ có thể được điều chỉnh để phù hợp với mọi lứa tuổi.

Mặt khác, theo kết quả nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí khoa học của Hiệp hội Trị liệu nghệ thuật Hoa Kỳ cho biết, một phiên trị liệu khoảng 60 phút bằng liệu pháp nghệ thuật art therapy có thể giúp giảm stress, giảm lo âu và nhìn chung là cải thiện sức khỏe tinh thần đáng kể; bất kể người tham gia trị liệu có tài năng nghệ thuật hay không.

Ngoài ra, nếu xét riêng về góc độ những tác động trực tiếp đến người tham gia trị liệu, có thể thấy những lợi ích như sau:

  • Khả năng nhận biết suy nghĩ: Trong lúc thực hiện, bạn sẽ có cơ hội  làm rõ được những suy nghĩ đang có. Qua các công cụ nghệ thuật cùng với sự điều phối của tâm lý gia, bạn sẽ có khả năng kết nối với những  suy tư của mình, chậm lại và lắng nghe chính xác điều bản thân đang tập trung quan tâm, suy nghĩ.
  • Khả năng gọi tên được cảm xúc: Xuyên suốt quá trình thực hành, điều quan trọng mà bạn học được đó chính là nhận diện được tiếng nói bên trong và cảm nhận rõ sự trồi sụt của cảm xúc. Bạn không can thiệp để thay đổi nó, vì chỉ đơn giản là nó sẽ tự diễn ra và rồi lại mất đi. Không chỉ thông qua lời nói mà bằng nhiều các chất liệu trung gian khác, các cảm xúc đang hiện diện sẽ dần được bộc lộ, được biết đến và thấu hiểu.
  • Thuyên giảm các triệu chứng: Có thể dễ dàng nhận thấy đây là một lợi ích trực tiếp đến từ việc hiểu rõ và sắp xếp được thế giới nội tâm. Khi các suy nghĩ, cảm xúc bị dồn nén, trở nên quá tải được giải phóng, những triệu chứng trầm cảm, lo âu cũng qua đó sẽ thuyên giảm. 
  • Xây dựng sự tự tin hay lòng tự trọng (self-esteem): Sau khi bạn đã học được cách nhận diện những dòng suy nghĩ và cảm xúc của mình, bạn sẽ hiểu bản thân mình hơn. Điều này giúp bạn biết được điểm mạnh và những khó khăn bản thân đang đối mặt để có những hành động phù hợp trong trong giao tiếp, tương tác từ đó nắm bắt được các cơ hội phù hợp với bản thân. Và như một vòng lặp, những trải nghiệm tốt này sẽ tiếp tục quay lại củng cố sự tự tin của người này và lâu dần, lòng tự trọng, biết giá trị của bản thân sẽ trở nên vững chãi

Để có cái nhìn cụ thể hơn, có thể xét đến một ví dụ về liệu pháp viết chữ. Thứ nhất, về mặt cảm xúc, kỹ thuật viết chữ giúp thân chủ xác định tốt hơn và gọi tên những gì họ đang trải nghiệm như nỗi buồn, sợ hãi hay tức giận… Từ đó, giúp thân chủ dần bước ra khỏi cảm giác bối rối, không biết vì sao mình thấy tệ hoặc trạng thái quá tải cảm xúc. 

Tương tự, viết chữ cũng khiến những suy nghĩ được sắp xếp, biểu đạt rõ ràng hơn, từ đó tăng khả năng nhận thức bản thân của thân chủ.

Tất cả những tác động trên là nền tảng quan trọng để tiến đến các bước giúp giảm những triệu chứng lo âu, trầm cảm; tăng sự tự tin và lòng tự trọng.

Tính hiệu quả của art therapy

Mặc dù nhiều nghiên cứu chứng minh rằng trị liệu nghệ thuật quả thực mang đến nhiều lợi ích cho người tham gia điều trị cũng như có tính hiệu quả cao đối với việc trị liệu tâm lý. Song các nghiên cứu về lợi ích và tính hiệu quả của phương pháp này vẫn còn một số hạn chế nhất định. 

Các vấn đề hạn chế có thể kể đến là tính bao quát của nghiên cứu, số lượng nghiệm thể tham gia nghiên cứu còn nhỏ, đối tượng nghiên cứu chưa đa dạng ở quy mô cấp quốc gia, các phương pháp và công cụ nghiên cứu cần có độ hiệu lực và độ tin cậy cao hơn.

Nhìn chung, tính đến hiện tại thì phần lớn các nghiên cứu thật sự đã chỉ ra được tính hiệu quả của phương pháp trị liệu tâm lý art therapy. Thậm chí liệu pháp này vẫn được ứng dụng rộng rãi trên toàn thế giới, kể cả ở Việt Nam cũng có rất nhiều chuyên gia tâm lý trị liệu bằng phương pháp art therapy này.
Lợi ích của phương pháp trị liệu này có thể kể đến là rất nhiều, nhưng mục tiêu cuối vẫn là giúp đỡ thân chủ cải thiện sức khỏe tinh thần và điều trị các vấn đề về tâm lý

Các câu hỏi thường gặp

Trị liệu nghệ thuật giống và khác gì so với trị liệu bằng lời nói?

Như các hình thức trị liệu tâm lý khác, art therapy cũng được sử dụng với mục tiêu giúp cải thiện sức khỏe tinh thần và điều trị các vấn đề về tâm lý cho thân chủ, đồng thời giúp thân chủ giải phóng những suy nghĩ và cảm xúc bị dồn nén hay thậm chí là ẩn sâu trong vô thức. Cách thức và đối tượng làm việc cũng tương tự, đều là nội tâm con người bao gồm những suy nghĩ, cảm xúc, hành vi. Tiến trình làm việc sẽ đi sâu vào những điều chưa được nhận biết, được nói đến bên trong nên luôn cần sự sẵn lòng từ thân chủ và khả năng chuyên môn của tâm lý gia.

Điểm khác biệt ở đây là công cụ được sử dụng. Thay vì bằng lời nói, trị liệu sử dụng các công cụ nghệ thuật để thân chủ có thể gọi tên cảm xúc, bộc lộ suy nghĩ và kể câu chuyện của mình. Những can thiệp cũng sẽ được thực hiện chủ yếu cùng với công cụ trung gian này, như đối thoại về sản phẩm của thân chủ, bàn luận và sử dụng kĩ thuật tác động lên sản phẩm mang tính trị liệu. Còn đối với phương pháp trị liệu bằng nói thì chẩn đoán và phân tích dựa trên biểu hiện, câu chuyện và những gì mà thân chủ chia sẻ.

Trị liệu nghệ thuật dành cho đối tượng nào?

Theo Tổ chức phi lợi nhuận về sức khỏe tinh thần – Mind cho rằng, trị liệu nghệ thuật là dành mọi lứa tuổi và mọi đối tượng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý phát triển trên trang thông tin Tâm lý Very Well nhận định thêm rằng, đôi khi liệu pháp này không dành cho tất cả mọi người. Cả hai nhận định này đều chính xác. 

Với sự phong phú về công cụ, phương thức và các kỹ thuật làm việc, trị liệu nghệ thuật có khả năng tiếp cận đến mọi đối tượng ở mọi lứa tuổi với các khó khăn khác nhau. Nhưng cũng như các liệu pháp tâm lý khác, để đạt được hiệu quả tối ưu sẽ cần có sự thống nhất giữa các bên trực tiếp tham gia là nhà trị liệu và người tham gia trị liệu. Nghĩa là thông qua tiếp xúc, nếu tâm lý gia hoặc thân chủ nhận thấy liệu pháp này không phù hợp, gây khó khăn đối với tiến trình, ví dụ như thân chủ cảm thấy thoải mái khi nói bằng lời hơn là làm sản phẩm, thì hai bên hoàn toàn có thể bàn luận và đổi sang một liệu pháp khác. 

Về mặt hiệu quả điều trị thì liệu pháp này có thể được sử dụng cho tất cả những đối tượng mắc các vấn đề về sức khỏe tinh thần như: Trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) và thậm chí là cả những bệnh nhân mắc bệnh ung thư…

Kết luận

Tóm lại, liệu pháp trị liệu nghệ thuật là một phương pháp giúp tạo môi trường an toàn, linh hoạt để thân chủ bộc lộ, tăng nhận thức bản thân, và từ đó hướng tới những mục tiêu can thiệp sâu hơn nhằm hồi phục, nâng cao sức khỏe tinh thần.  

Phương pháp trị liệu tâm lý nghệ thuật art therapy trên thực tế là không mới, tuy nhiên liệu pháp này vẫn đang được biết đến và ứng dụng rộng rãi. Qua bài viết này, HelloBacsi hy vọng đã giúp bạn hiểu rõ hơn về art therapy là gì và một lợi ích cũng như là tính hạn chế của liệu pháp này.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

What is Art Therapy?
https://arttherapy.org/what-is-art-therapy/
Truy cập ngày: 22.04.2024

History of Art Therapy
https://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1002/9781118306543.ch1
Truy cập ngày: 22.04.2024

Creative Arts-Based Group Therapy with Adolescents | Theory and Practi
https://www.taylorfrancis.com/books/edit/10.4324/9780203702000/creative-arts-based-group-therapy-adolescents-craig-haen-nancy-boyd-webb
Truy cập ngày: 22.04.2024

Writing therapy: a new tool for general practice? – PMC
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3505408/
Truy cập ngày: 22.04.2024

Full article: Reduction of Cortisol Levels and Participants’ Responses Following Art Making
https://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/07421656.2016.1166832
Truy cập ngày: 22.04.2024

Effectiveness of Art Therapy With Adult Clients in 2018—What Progress Has Been Made?
https://www.frontiersin.org/journals/psychology/articles/10.3389/fpsyg.2018.01531/full
Truy cập ngày: 22.04.2024

What are arts and creative therapies? – Mind
https://www.mind.org.uk/information-support/drugs-and-treatments/talking-therapy-and-counselling/arts-and-creative-therapies/
Truy cập ngày: 22.04.2024

Art Therapy: Definition, Types, Techniques, and Efficacy
https://www.verywellmind.com/what-is-art-therapy-2795755
Truy cập ngày: 22.04.2024

Phiên bản hiện tại

02/05/2024

Tác giả: Phong Huỳnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Sương

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Nên làm gì khi có ý định tự sát? Bác sĩ tâm thần hướng dẫn cách đối diện và ứng phó tình huống

Hello Bacsi | Tăng động giảm chú ý ở trẻ (ADHD) - nỗi lo của phụ huynh


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Sương

Tâm thần · Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP HCM


Tác giả: Phong Huỳnh · Ngày cập nhật: 02/05/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo