backup og meta

3 bước nhận diện rối loạn nhân cách ranh giới

3 bước nhận diện rối loạn nhân cách ranh giới

Bạn có người thân hay bạn bè bị chứng rối loạn nhân cách ranh giới? Phương pháp WEB bao gồm 3 bước có thể giúp ích trong việc nhận diện người mắc chứng bệnh này.

WEB là viết tắt của 3 từ trong tiếng Anh: Words, Emotions, Behavior.

Rối loạn nhân cách ranh giới là gì?

Đây là một dạng rối loạn nhân cách mà người bệnh bị rối loạn, bất ổn về mặt cảm xúc dẫn đến căng thẳng và một loạt vấn đề tâm lý khác. Người bệnh thường cảm thấy cảm xúc của mình bị méo mó. Điều này khiến họ nghĩ rằng bản thân vô giá trị trong mắt người xung quanh.

Khi nhận ra ai đó trong số những người quen biết bị rối loạn nhân cách ranh giới, bạn có thể điều chỉnh cách tương tác với người đó để giao tiếp hiệu quả hơn, cũng như đưa ra quyết định về việc nên duy trì hay buông bỏ mối quan hệ đó. Bởi lẽ, bạn không thể thay đổi tính cách của người khác nhưng có thể kiểm soát mối quan hệ với họ.

Một khi quan tâm đến chứng rối loạn nhân cách ranh giới, bạn sẽ nhận diện được đối tượng mắc chứng này, đồng thời hiểu rằng có những phương pháp điều trị bệnh mang lại hiệu quả. Các biện pháp điều trị chính là động lực để người bệnh thoát khỏi những hành vi hỗn loạn, tự biến mình thành kẻ thảm hại, tự làm khổ mình (hoặc làm khổ những người xung quanh). Nhờ các phương pháp trị liệu hành vi nhận thức, một số người đã vượt qua chứng rối loạn nhân cách ranh giới bằng cách học các kỹ năng tự quản lý bản thân, chịu đựng nỗi đau và hướng tới một mối quan hệ hạnh phúc.

Bạn có thể tham khảo thêm: 3 thay đổi để có cuộc sống hạnh phúc

Nỗi sợ bị bỏ rơi chính là nguyên nhân đằng sau hành vi phức tạp của người bị rối loạn nhân cách ranh giới. Các hành vi này bao gồm từ loạt hành vi đeo bám (gọi điện thoại, gửi tin nhắn dồn dập, bất ngờ xuất hiện…), thao túng (nói dối, nói rằng ai đó đang giận bạn, giả vờ có thai, đe dọa tự tử…) để giữ mối quan hệ, cho đến những cơn giận dữ toàn tập (chỉ trích bằng lời nói, lan truyền tin đồn trên Internet, đôi khi là lạm dụng thể chất).

Người bị rối loạn nhân cách ranh giới gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc của bản thân. Họ hay nhìn nhận người khác theo xu hướng cực đoan, ai tốt thì tốt hết mọi đường, ai xấu thì xấu đều cả thảy.

nhận diện rối loạn nhân cách ranh giới 2

Dưới đây là 3 bước để nhận diện người bị rối loạn nhân cách ranh giới:

Ngôn ngữ mà họ sử dụng (WORD)

Giai đoạn thứ nhất: Sử dụng những từ ngữ cực kỳ tích cực

Dù là lần đầu gặp gỡ, họ cũng nhanh chóng kết thân với bạn bằng những lời lẽ ngọt ngào. Họ làm mọi cách để an tâm rằng bạn sẽ không bao giờ rời xa họ. Họ sẽ thổ lộ những điều như: lúc nào cũng nghĩ về bạn, rằng hai người là bạn tâm giao, là tri kỷ trong đời…

nhận diện rối loạn nhân cách ranh giới 4

Không nhất thiết rằng ai nói ra những điều này đều mắc bệnh rối loạn nhân cách ranh giới, nhưng nếu họ bày tỏ nguyện vọng kết thân với bạn chỉ sau vài ngày gặp gỡ và lặp đi lặp lại điều tương tự với tần suất cao thì bạn nên thận trọng.

Những người mắc bệnh có xu hướng thiếu hụt nhận thức về các mối quan hệ. Vậy nên, bạn khó mà tìm thấy ở họ sự dè dặt, thận trọng, từng bước tìm hiểu đối phương khi bước vào một mối quan hệ mới. Chỉ đơn giản là họ có xu hướng lý tưởng hóa những người đối tốt với họ.

Giai đoạn thứ hai: Sử dụng từ ngữ cực đoan

Ngay sau khi đã thân với bạn hơn, người mắc chứng rối loạn nhân cách ranh giới sẽ chuyển sang dùng những lời chỉ trích với thái độ cực kỳ gay gắt và giận dữ với bạn. Nguyên nhân xuất phát từ những điều nhỏ nhặt, thậm chí không có thực.

Ví dụ, khi bạn tỏ ra thân thiện với một ai khác, họ sẽ nổi giận đùng đùng, trách móc bạn đối xử tệ với họ, hành xử vô tâm, rằng bạn là người tồi tệ, là kẻ phản bội… Thậm chí, họ còn đe dọa sẽ cho những người xung quanh biết rằng bạn thật tệ!

Giai đoạn thứ ba: Cực kỳ tích cực trở lại

Người mắc chứng rối loạn nhân cách ranh giới có biên độ thay đổi tâm trạng rất lớn: lúc hết mực yêu thương thân thiện, khi thì hận thù tột độ, căm ghét đến cùng cực.

Thái độ tích cực của họ sẽ trở đi trở lại, mỗi đợt kéo dài từ vài phút cho đến nhiều ngày, nhiều tuần. Bạn sẽ được chứng kiến họ nỗ lực một cách đáng ngạc nhiên để giành lại bạn. Họ xin lỗi bằng những lời hết sức chân thành, mềm mỏng, bày tỏ nguyện vọng được giải thích và đền bù cho bạn, thề non hẹn biển rằng sẽ không bao giờ làm điều gì tồi tệ nữa. Họ cầu xin sự thấu hiểu và tha thứ từ bạn.

Cảm xúc của bạn (your EMOTION)

Nhìn vào cảm xúc của chính bạn là cách hiệu quả để nhận biết một người bị rối loạn nhân cách ranh giới.

Cảm giác như đứng trên vỏ trứng

Nếu bạn thấy mình như đang đi trên vỏ trứng, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ sẽ khiến ai đó nổi cơn thịnh nộ thì đó chính là dấu hiệu cảnh báo: người đó đang chơi trò đánh đu cùng bạn. Có thể hôm nay họ đưa bạn lên tận thiên đường với tình cảm dạt dào, nhưng ngày mai đã biến bạn thành nơi để trút cơn giận dữ. Và bạn thấy sợ hãi khi thấy bản thân trở thành mục tiêu để họ xả cơn thịnh nộ.

Chính bạn dường như cũng đang phát điên vì rõ ràng người ấy hành động thực sự tồi tệ với bạn, nhưng lại nói rằng bạn mới là kẻ tồi tệ.

Khó cưỡng lại sự say mê

Người bị rối loạn nhân cách ranh giới rất có sức hút. Bạn dễ dàng đem lòng thương mến họ vì họ rất quyến rũ, thú vị và giàu tình cảm. Nhưng đồng xu nào cũng có hai mặt. Đừng vội vàng thực hiện cam kết (mua nhà, kết hôn, sinh con…) chỉ vì say mê họ.

Bạn cần phải nghĩ đến mặt trái là những cơn giận dữ cực độ, những đòn thù vô cớ. Hãy kiên nhẫn chờ đợi chừng một năm, để dò sóng ngầm dưới đáy sông.

Hành vi của họ (BEHAVIOR)

Sự thay đổi tâm trạng cực đoan là biểu hiện đặc trưng của người mắc chứng rối loạn nhân cách ranh giới. Trong đó, rối loạn cảm xúc là một dấu hiệu. Từ trạng thái gần gũi, thân thiết trong chớp mắt chuyển thành cơn thịnh nộ và chỉ trích gay gắt.

Nhiều người ban đầu rất ngạc nhiên về điều này, nhưng họ nhanh chóng bỏ qua vì nghĩ là ai cũng có những phút giây bất chợt xoay như chong chóng. Sự thực là tâm trạng của người bị rối loạn nhân cách ranh giới luôn đảo chiều chóng vánh hết lần này đến lần khác.

Người rối loạn nhân cách ranh giới thực hiện các hành vi cực đoan mà 90% mọi người sẽ không bao giờ làm, chẳng hạn như la mắng bạn bè ở nơi công cộng, đang họp thì đột nhiên chạy ra ngoài, vô cớ tấn công bạn, phá hỏng một vật dụng ưa thích, kiểm soát bạn tại nơi làm việc, thậm chí lan truyền tin đồn sai lệch về bạn để khiến bạn gặp rắc rối với người xung quanh… Những hành vi quá khích này khiến bạn nhiều phen bàng hoàng, khó xử.

nhận diện rối loạn nhân cách ranh giới 3

Ngoài ra, khi đối mặt với hầu hết các vấn đề, người bị rối loạn nhân cách ranh giới thường đổ lỗi cho một người nào đó, thường là người thân cận với họ. Khi có ai không hưởng ứng, thì người không hưởng ứng đó nhiều khả năng sẽ trở thành mục tiêu đổ lỗi tiếp theo.

Phương pháp trị liệu

Liệu pháp nhận thức hành vi

Đây là phương pháp phổ biến nhất, giúp người bệnh tự kiểm soát và điều chỉnh cảm xúc của chính mình. “Nhận thức” tức là tập trung giúp họ thay đổi những suy nghĩ tiêu cực, còn “hành vi” hướng họ đến các hành vi phù hợp và tốt đẹp hơn.

Trị liệu hành vi biện chứng

Bác sĩ tâm lý sẽ giúp người bệnh nhìn nhận mọi việc một cách cân bằng và khách quan hơn, thay vì suy nghĩ theo lối phiến diện (tốt hết hoặc xấu hết).

Bạn có thể tham khảo thêm: Liệu pháp tâm lý giúp cải thiện sức khỏe tinh thần

Nếu bạn cho rằng ai đó trong số những người thân của mình mắc chứng rối loạn nhân cách ranh giới, hãy dùng WEB – phương pháp nhận diện rối loạn nhân cách ranh giới để xem xét ngôn ngữ, cảm xúc và hành vi của họ.

Tuy nhiên, đừng cố trở thành nhà trị liệu mà chỉ đơn giản là gợi mở cho họ về tương lai cũng như những điều cần làm trong hiện tại. Khi người bệnh có những hành động hoặc phản ứng tiêu cực với bạn, đừng dễ dãi cho qua.

Hãy kiên nhẫn giải thích cho họ là bạn không hài lòng và mong lần sau họ sẽ không tái diễn. Đồng thời, cần đặt mình vào vị trí người bệnh để thông cảm và thấu hiểu họ hơn. Chỉ khi hiểu rõ về những chuyển biến phức tạp về hành vi của người bệnh, bạn mới tránh được những cuộc đối đầu gay gắt không cần thiết.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Three Steps to Identifying a Borderline Personality

https://www.psychologytoday.com/us/blog/5-types-people-who-can-ruin-your-life/201907/three-steps-identifying-borderline-personality

Truy cập ngày 04/07/2019

Borderline Personality Disorder (BPD)

https://www.helpguide.org/articles/mental-disorders/borderline-personality-disorder.htm

Truy cập ngày 04/07/2019

Signs and Symptoms of Borderline Personality Disorder

https://www.verywellmind.com/borderline-personality-disorder-symptoms-425175

Truy cập ngày 04/07/2019

Phiên bản hiện tại

06/12/2019

Tác giả: Thảo Lê

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Nên làm gì khi có ý định tự sát? Bác sĩ tâm thần hướng dẫn cách đối diện và ứng phó tình huống

Rối loạn nhân cách hoang tưởng


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Thảo Lê · Ngày cập nhật: 06/12/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo