backup og meta

Các loại thuốc chống trầm cảm đang được kê đơn phổ biến

Các loại thuốc chống trầm cảm đang được kê đơn phổ biến

Thuốc chống trầm cảm được kê đơn khi một người mắc rối loạn trầm cảm từ mức độ trung bình trở lên. Cách sử dụng thuốc điều trị trầm cảm, các tác dụng phụ hoặc liều lượng sử dụng là mối quan tâm của người bệnh và thân nhân.

Qua bài viết này, Hello Bacsi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các loại thuốc chống trầm cảm và những lưu ý khi sử dụng.

1. Thuốc chống trầm cảm là gì?

Thuốc chống trầm cảm là loại thuốc kê đơn được bác sĩ dùng để điều trị trầm cảm. Bác sĩ có thể chỉ định loại thuốc này cho tình trạng khác như rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), rối loạn lo âu, rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Đôi khi chúng cũng được sử dụng trong việc điều trị một số bệnh mạn tính.

Cơ chế hoạt động của thuốc trị trầm cảm là tăng mức độ chất dẫn truyền thần kinh trong não, cụ thể là serotonin. Ngoài ra, dopamine và norepinephrine cũng là chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến trầm cảm.

Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy thuốc chống trầm cảm có lợi cho những người bị trầm cảm trung bình hoặc nặng. Chúng thường không được khuyên dùng cho trường hợp trầm cảm nhẹ, trừ khi các phương pháp điều trị khác như liệu pháp tâm lý không có tác dụng.

Có khoảng hơn 30 loại thuốc chống trầm cảm thường được các bác sĩ chỉ định. Dựa trên cơ chế hoạt động, thuốc điều trị trầm cảm được chia làm các loại chính như sau:

2. Các loại thuốc chống trầm cảm phổ biến

2.1. Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin có chọn lọc (SSRI)

Nồng độ serotonin của người bị trầm cảm thấp hơn bình thường nên họ có biểu hiện u uất, mệt mỏi, buồn bã. Thuốc ngăn ngừa tái hấp thu serotonin, từ đó tăng nồng độ chất dẫn truyền thần kinh này.

SSRI bao gồm citalopram, escitalopram, fluoxetin, fluvoxamin, paroxetin, sertralin, và vilazodon. Trong một vài trường hợp, thuốc có thể khiến bệnh nhân kích động, chán nản hoặc lo lắng nhiều hơn trong tuần đầu tiên uống thuốc.

2.2. Thuốc điều hòa serotonin (thuốc chẹn 5-HT2)

Thuốc điều hòa serotonin hoạt động bằng cách thay đổi hoạt động của các thụ thể serotonin khác nhau sau synap (5-HT). Các chất điều hòa serotonin bao gồm trazodone và mirtazapine. Nhóm này có tác dụng chống trầm cảm và giải lo âu mà không gây rối loạn chức năng tình dục.

thuốc điều hòa serotonin

2.3. Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (SNRI)

SNRI và SSRI đều là nhóm thuốc chống trầm cảm nhưng chúng hoạt động theo những cách khác nhau. SSRI chữa trầm cảm bằng cách ngăn chặn sự tái hấp thu serotonin, làm tăng mức serotonin trong não của bạn. Còn SNRI làm tăng cả mức serotonin và norepinephrine.

Tuy nhiên, trên thực tế, các nghiên cứu chưa xác nhận SNRI hiệu quả hơn.

2.4. Thuốc ức chế tái hấp thu norepinephrin-dopamin (NDRIs)

Thuốc ức chế tái hấp thu norepinephrine và dopamine (NDRI) là thuốc chống trầm cảm ngăn chặn hoạt động của các protein vận chuyển, làm tăng lượng chất dẫn truyền thần kinh norepinephrine và dopamine trong não. Theo thời gian, nó có thể dẫn đến những thay đổi giúp làm giảm các triệu chứng trầm cảm.

Bupropion là đại diện của NDRIs thường được sử dụng để điều trị trầm cảm nặng, đặc biệt ở những người không đáp ứng tốt hoặc không chịu được tác dụng phụ của thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI).

2.5. Thuốc chống trầm cảm dị vòng

Thuốc chống trầm cảm dị vòng từng là phương pháp điều trị trầm cảm chính. Nó bao gồm thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc ba vòng cải tiến và thuốc bốn vòng.

Những loại thuốc này làm tăng tính sẵn có của noradrenalin và serotonin bằng cách ngăn chặn sự tái hấp thu của chúng trong khe hở tiếp hợp.

Thuốc điều trị trầm cảm ba vòng như imipramine (Tofranil), nortriptyline (Pamelor), amitriptyline, doxepin và desipramine (Norpramin) thường gây ra nhiều tác dụng phụ hơn so với những loại thuốc chống trầm cảm thế hệ mới.

Vì vậy, thuốc chống trầm cảm ba vòng thường không được kê đơn, trừ khi bạn đã sử dụng các loại thuốc chống trầm cảm khác mà không thấy bệnh được cải thiện.

Thuốc điều trị trầm cảm ba vòng có cơ chế hoạt động giống thuốc ức chế tái hấp thu serotonin. Vì loại thuốc này tác động mạnh đến chất dẫn truyền thần kinh nên thuốc dễ gây ra các tác dụng không mong muốn.

2.6. Chất ức chế monoamin oxidase (MAOIs)

MAOIs bao gồm các loại thuốc như tranylcypromine, phenelzine và isocarboxazid chỉ được kê đơn khi các loại thuốc khác không có tác dụng, vì chúng có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng.

Sử dụng MAOIs yêu cầu một chế độ ăn nghiêm ngặt vì các tương tác nguy hiểm (thậm chí gây chết người) với thực phẩm có chứa tyramin, ví dụ như: một số loại pho mát, dưa chua và rượu vang; một số loại thuốc gồm thuốc giảm đau, thuốc thông mũi, một số loại thảo dược bổ sung cũng có nguy cơ gây ra tương tác với MAOIs.

Chất ức chế monoamin oxidase (MAOI)

2.7. Thuốc chống trầm cảm melatonergic

Agomelatin là một chất chủ vận melatonin (MT1/MT2) và đối vận thụ thể 5-HT2C để điều hòa serotonin. Nó được sử dụng cho các giai đoạn trầm cảm nặng.

Thuốc này ít có tác dụng phụ hơn hầu hết thuốc trầm cảm khác. Tác dụng phụ có thể gặp là đau đầu, buồn nôn, tăng men gan nên không dùng cho bệnh nhân suy gan.

2.8. Thuốc giống ketamine

Thuốc giống ketamine có tác dụng điều trị trầm cảm có tên là Esketamine. Cơ chế hoạt động của loại thuốc này có sự khác biệt với các thuốc điều trị trầm cảm truyền thống.

Cụ thể là, các thuốc điều trị trầm cảm thường sẽ gia tăng chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, norepinephrine và dopamine. Theo lý thuyết, việc có nhiều chất dẫn truyền thần kinh này cho phép giao tiếp tốt hơn giữa các tế bào não, ảnh hưởng tích cực đến tâm trạng.

Esketamine hoạt động theo cách tương tự, nhưng không giống như các thuốc chống trầm cảm khác. Nó làm tăng mức độ glutamate – một chất dẫn truyền thần kinh dạng kích thích khác trong não bộ.

2.9. Thuốc chống trầm cảm không điển hình

Các loại thuốc chống trầm cảm không điển hình được kê toa phổ biến hơn bao gồm trazodone, mirtazapine, vortioxetine, vilazodone và bupropion. Những thuốc này được gọi là thuốc chống trầm cảm không điển hình vì cơ chế tác dụng của chúng không giống các nhóm thuốc chống trầm cảm khác.

Nếu lạm dụng loại thuốc này trong một thời gian dài, người bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn hưng cảm và mắc chứng rối loạn hưng – trầm cảm. Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như an thần, hạ huyết áp, chóng mặt, khô miệng, táo bón.

3. Liều lượng và thời gian điều trị

Thuốc chống trầm cảm thường được dùng ở dạng viên. Bác sĩ sẽ kê đơn tùy thuộc vào tình trạng, mức độ của bệnh trầm cảm.

Thuốc điều trị trầm cảm thường phải dùng liên tục trong 1 hoặc 2 tuần để đạt hiệu quả. Bạn cần lưu ý không nên ngừng dùng thuốc nếu bạn chỉ gặp tác dụng phụ nhẹ, vì chúng thường biến mất sau khoảng 4-6 tuần.

Một đợt điều trị uống thuốc chống trầm cảm tốt nhất thường kéo dài ít nhất 6 tháng. Một số người bị trầm cảm tái phát có thể phải uống thuốc trầm cảm suốt đời.

4. Tác dụng phụ của thuốc điều trị trầm cảm

Trong một số trường hợp, trẻ em, thanh thiếu niên và thanh niên dưới 25 tuổi có thể sẽ gia tăng suy nghĩ hoặc hành vi tự sát khi dùng thuốc chống trầm cảm, nhất là trong vài tuần đầu hoặc thay đổi liều lượng. Do đó, bất kỳ ai dùng thuốc điều trị trầm cảm đều phải được bác sĩ kê đơn đồng thời theo dõi chặt chẽ để quan sát tiến trình bệnh và ngăn ngừa những hành vi bất thường.

Ngoài ra, mỗi thuốc chống trầm cảm đều có nguy cơ gây ra những tác dụng phụ riêng.

Tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm

5. Cách sử dụng thuốc chống trầm cảm để đạt hiệu quả tốt

5.1. Kiên nhẫn

Sau khi dùng thuốc chống trầm cảm dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, có thể bạn sẽ thấy sự cải thiện trong vài tuần, nhưng cũng có trường hợp phải mất nhiều tuần để thuốc có hiệu quả hoàn toàn.

Người bệnh cần kiên nhẫn uống thuốc chống trầm cảm đúng liều lượng và theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu thuốc của bạn không hiệu quả hoặc gây ra các tác dụng phụ khó chịu, hãy liên hệ với bác sĩ.

5.2. Theo dõi xem tác dụng phụ có giảm không

Đa số các tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc chống trầm cảm sẽ biến mất sau một thời gian ngắn, khi cơ thể thích nghi với thuốc điều trị trầm cảm. Nếu bạn gặp các tác dụng phụ khó chịu hoặc không cải thiện sau vài tuần, hãy liên hệ bác sĩ để được cân nhắc thay đổi toa thuốc trầm cảm.

5.3. Thử liệu pháp tâm lý

Trong nhiều trường hợp, việc kết hợp thuốc điều trị trầm cảm với liệu pháp tâm lý sẽ cho kết quả tốt hơn và giảm tỷ lệ tái phát.

5.4. Không uống rượu và sử dụng các chất kích thích

Rượu và các chất kích thích có thể sẽ giảm triệu chứng bệnh trầm cảm một cách ngắn hạn. Tuy nhiên, về lâu dài, chúng sẽ khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng và khó điều trị hơn. Hãy điều trị trầm cảm một cách khoa học và lâu dài.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Overview – Antidepressants
https://www.nhs.uk/mental-health/talking-therapies-medicine-treatments/medicines-and-psychiatry/antidepressants/overview/
Ngày truy cập: 19.06.2023

2. Antidepressants: Selecting one that’s right for you
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/depression/in-depth/antidepressants/art-20046273
Ngày truy cập: 19.06.2023

3. Depression Medicines
https://www.fda.gov/consumers/free-publications-women/depression-medicines
Ngày truy cập: 19.06.2023

4. Antidepressants
https://my.clevelandclinic.org/health/treatments/9301-antidepressants-depression-medication
Ngày truy cập: 19.06.2023

5. Antidepressants
https://www.healthdirect.gov.au/antidepressants
Ngày truy cập: 19.06.2023

Phiên bản hiện tại

14/12/2023

Tác giả: Đài Trương

Tham vấn chuyên môn: Thạc sĩ Dược học Nguyễn Thị Hương

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Người trầm cảm có tự khỏi được không?

Liệu pháp tâm lý giúp cải thiện sức khỏe tinh thần


Tham vấn chuyên môn:

Thạc sĩ Dược học Nguyễn Thị Hương

Dược · Công ty cổ phần dược phẩm Gia Nguyễn


Tác giả: Đài Trương · Ngày cập nhật: 14/12/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo