backup og meta

Chứng ăn vô độ

Tìm hiểu chung

Chứng ăn vô độ là bệnh gì?

Chứng  ăn vô độ là bệnh rối loạn ăn uống đặc trưng bởi tình trạng thường xuyên ăn uống vô độ và sau đó tìm cách để tránh tăng cân. Những người mắc chứng này sẽ tiêu thụ một lượng lớn thức ăn trong khoảng thời gian ngắn. Sau đó, để ngăn tăng cân, họ sẽ tìm cách để loại bỏ lượng thức ăn đó bằng cách nôn mửa, tập thể dục nhiều lên hoặc sử dụng các loại thuốc như thuốc nhuận tràng.

Chứng ăn vô độ gồm có 2 loại:

  • Ăn vô độ có tẩy xổ: người bệnh thường xuyên tự gây nôn hoặc lạm dụng thuốc nhuận tràng, thuốc lợi tiểu hoặc thụt tháo sau khi ăn vô độ;
  • Ăn vô độ không có tẩy xổ: người bệnh sử dụng các phương pháp khác để giảm calo và ngăn ngừa tăng cân, chẳng hạn như ăn chay, ăn kiêng nghiêm ngặt hoặc tập thể dục quá mức.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh chứng ăn vô độ?

Các triệu chứng thường gặp của chứng ăn vô độ bao gồm:

  • Ám ảnh với hình dáng cơ thể và cân nặng;
  • Sống trong lo sợ sẽ tăng cân;
  • Cảm thấy mình không thể kiểm soát hành vi ăn uống của bản thân;
  • Ăn vô độ cho đến khi bị khó chịu hoặc đau đớn;
  • Ăn nhiều thức ăn trong một lần ăn so với bình thường;
  • Ép mình phải nôn hoặc tập thể dục quá mức để tránh tăng cân sau khi ăn quá độ;
  • Lạm dụng thuốc nhuận tràng, thuốc lợi tiểu hoặc dịch thụt tháo sau khi ăn;
  • Hạn chế calo hoặc tránh một số loại thực phẩm giữa những lần ăn vô độ;
  • Sử dụng quá mức chế độ ăn uống bổ sung hoặc các sản phẩm thảo dược để giảm cân.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra bệnh chứng ăn vô độ?

Nguyên nhân chính xác gây ra chứng ăn vô độ vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, có rất nhiều yếu tố góp phần gây ra rối loạn ăn uống, bao gồm yếu tố sinh học, sức khỏe tâm lý, kì vọng của xã hội và các vấn đề khác.

Ngoài ra, những người mắc chứng ăn vô độ thường quá chú tâm vào hình dạng cơ thể hoặc cân nặng theo sự nhận định riêng của họ của mình, điều này có thể làm hưởng đến tự trong, tự tôn theo cách của họ.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc bệnh chứng ăn vô độ?

Chứng ăn vô độ là tình trạng rất phổ biến và có thể cảnh hưởng đến mọi lứa tuổi.

Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh chứng ăn vô độ?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải chứng ăn vô độ, chẳng hạn như:

  • Nữ giới: phụ nữ có nhiều khả năng dễ mắc bệnh hơn nam giới;
  • Tuổi tác: chứng ăn vô độ thường bắt đầu ở tuổi thiếu niên hoặc đầu tuổi trưởng thành;
  • Sinh học: nếu anh chị em, bố mẹ hay con bạn mắc rối loạn ăn uống, bạn sẽ có nhiều khả năng phát triển mắc bệnh này, đây là do liên kết về mặt di truyền. Tình trạng thiếu hụt serotonin trong não cũng có thể gây ra bệnh. Trẻ bị thừa cân lúc dậy thì có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng này;
  • Các vấn đề tâm lý và tình cảm: chẳng hạn như rối loạn lo âu hay lòng tự trọng thấp, có thể góp phần gây ra rối loạn ăn uống. Các yếu tố thúc đẩy tình trạng ăn vộ độ có thể bao gồm căng thẳng, ám ảnh về hình dáng cơ thể xấu xí, thức ăn, chế độ ăn kiêng nghiêm ngặc hoặc chán chường. Trong một số trường hợp, các chấn thương tâm lý và áp lực từ môi trường xung quanh có thể là những yếu tố góp phần gây ra bệnh;
  • Truyền thông và áp lực xã hội: các phương tiện truyền thông, như truyền hình và tạp chí thời trang, thường xuyên có những show thời trang với sự tham gia của những diễn viên, người mẫu có thân hình mảnh mai. Những hình ảnh này làm mọi người đánh đồng quan niệm thanh hình mảnh mai đi đôi với sự thành công và nổi tiếng. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa xác định rõ liệu các phương tiện truyền thông chỉ phản ánh giá trị xã hội hay thực sự góp phần gây ra bệnh này;
  • Áp lực trong thể thao, công việc hay nghệ thuật: vận động viên, diễn viên, vũ công và người mẫu có nguy cơ cao hơn mắc rối loạn ăn uống này. Huấn luyện viên và các bậc cha mẹ có thể vô tình làm tăng nguy cơ qua việc khuyến khích trẻ giảm cân, duy trì cân nặng thấp và hạn chế ăn uống để có hiệu quả tốt hơn.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy  tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh chứng ăn vô độ?

Nếu nghi ngờ bạn mắc chứng ăn vô độ, bác sĩ thường thực hiện các xét nghiệm sau:

  • Khám sức khỏe tổng quát;
  • Xét nghiệm máu và nước tiểu;
  • Đánh giá tâm lý, trong đó bác sĩ sẽ thảo luận về thói quen ăn uống và thái độ của bạn đối với thức ăn.

Bác sĩ cũng có thể yêu cầu xét nghiệm bổ sung để giúp xác định chẩn đoán và loại trừ các nguyên nhân khác gây thay đổi trọng lượng và kiểm tra xem có biến chứng liên quan nào không.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh chứng ăn vô độ?

Việc kết hợp trị liệu tâm lý với thuốc chống trầm cảm sẽ có hiệu quả nhất để khắc phục rối loạn, nhưng bạn vẫn cần thực hiện một số phương pháp điều trị chứng ăn vô độ.

Bạn bè, gia đình, bác sĩ hoặc nhân viên chăm sóc sức khỏe, chuyên gia sức khỏe tâm thần và chuyên gia dinh dưỡng giàu kinh nghiệm trong chữa trị rối loạn ăn uống sẽ giúp bạn điều trị bệnh. Bạn có thể cần đến người chăm sóc trong thời gian chữa bệnh.

Tâm lý trị liệu, còn có tên gọi là liệu pháp trò chuyện hay tư vấn tâm lý, liên quan đến việc thảo luận với bác sĩ tâm thần về tình trạng ăn uống vô độ và các vấn đề liên quan đến bệnh. Bằng chứng cho thấy, những liệu pháp tâm lý giúp cải thiện các triệu chứng ăn vô độ, bao gồm:

  • Liệu pháp nhận thức hành vi: giúp bạn nhận ra những niềm tin và hành vi không lành mạnh, tiêu cực và thay đổi bằng hành vi, niềm tin tốt đẹp và tích cực cho sức khỏe;
  • Liệu pháp dựa trên gia đình: giúp bố mẹ can thiệp và ngăn chặn hành vi ăn uống không lành mạnh ở con nhỏ, hỗ trợ trẻ tự kiểm soát việc ăn uống của riêng mình. Phương pháp này cũng giúp bố mẹ nhận ra những vấn đề có thể xảy trong gia đình với chứng ăn vô độ;
  • Liệu pháp tâm lý cá thể: đề cập đến những khó khăn trong mối quan hệ gần gũi của người bệnh, giúp cải thiện khả năng giao tiếp và các kỹ năng giải quyết vấn đề.

Bạn hãy hỏi bác sĩ sức khỏe tâm thần về liệu pháp tâm lý sẽ được sử dụng và tìm ra bằng chứng cho thấy phương pháp này có thể mang lại lợi ích trong quá trình điều trị chứng ăn uống vô độ.

Thuốc chống trầm cảm có thể giúp giảm các triệu chứng bệnh khi kết hợp cùng với tâm lý trị liệu. Các thuốc chống trầm cảm đặc biệt dùng để điều trị chứng ăn vô độ như fluoxetine (Prozac®), chất ức chế chọn lọc serotonin (SSRI®), có thể giúp bạn điều trị bệnh ngay cả khi không bị trầm cảm.

Bên cạnh đó, chuyên viên dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe có thể giúp bạn xây dựng chế độ ăn uống để có được cân nặng khỏe mạnh, thói quen ăn uống bình thường và dinh dưỡng tốt. Nếu ăn vô độ, bạn có thể nhận được chương trình giảm cân có nhân viên y tế giám sát.

Chứng ăn vô độ thường có thể được điều trị ngoại trú, nhưng nếu có rối loạn nghiêm trọng và các biến chứng sức khỏe nặng nề, bạn cần phải nhập viện. Một số quy trình chữa trị rối loạn ăn uống có thể giúp người bệnh được điều trị vào ban ngày thay vì phải nằm viện.

Những người bị rối loạn ăn uống thường lạm dụng dược phẩm bổ sung trong chế độ ăn uống và các sản phẩm thảo dược nhằm ngăn chặn tình trạng thèm ăn, hỗ trợ giảm cân. Dược phẩm giúp giảm cân hoặc thảo dược có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng và tương tác nguy hiểm với các thuốc khác. Nếu bạn sử dụng chế độ ăn uống bổ sung dược phẩm hoặc thảo dược, hãy thảo luận về những rủi ro tiềm ẩn với bác sĩ.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh chứng ăn vô độ?

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:

  • Tập luyện tự chăm sóc cảm xúc. Đừng tự đổ lỗi về tình trạng của mình. Bạn hãy đối diện với bản thân và cố gắng dành nhiều thời gian với những người quan tâm đến mình;
  • Luôn ghi nhớ mục tiêu của bản thân là cần phải cảm thấy tốt hơn mỗi ngày.

Các thành viên trong gia đình cũng cần hỗ trợ người bệnh để đạt được mục tiêu bằng cách tìm hiểu về chứng ăn vô độ. Ngoài ra, bạn cần cho thấy mọi người luôn yêu thương, lắng nghe cảm xúc, hỗ trợ khi người bệnh cảm thấy chán nản vì thời gian điều trị.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

  1. Bulimia nervosa. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/bulimia/home/ovc-20179821. Ngày truy cập 10/10/2016
  2. Bulimia Nervosa Health Center. http://www.webmd.com/mental-health/eating-disorders/bulimia-nervosa/default.htm. Ngày truy cập 10/10/2016
  3. Bulimia Nervosa. https://www.nationaleatingdisorders.org/bulimia-nervosa. Ngày truy cập 10/10/2016
  4. Bulimia. https://medlineplus.gov/ency/article/000341.htm. Ngày truy cập 10/10/2016

Phiên bản hiện tại

11/05/2020

Tác giả: Tố Quyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Sức khỏe tâm thần là gì? Tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần

Cách nói lời chia tay qua tin nhắn: Văn minh, êm đẹp và nhẹ nhàng nhất


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 11/05/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo