Chiến tranh lạnh dường như là một trong những xung đột đáng sợ nhất bởi bạn đã trở thành… “người vô hình” trong mắt đối phương. Vậy khi người yêu im lặng, mình phải làm gì để cả hai nhanh chóng làm hòa đây?
Sự im lặng có thể được xem như một hình phạt có thể khiến bạn cảm thấy cô đơn, mệt mỏi và thậm chí là bực bội bởi thái độ lạnh lùng của người mình yêu. Bạn có bao giờ tự hỏi khi người yêu im lặng mình phải làm gì để kết thúc chiến tranh lạnh?
Thay vì đáp trả lại bằng một thái độ y hệt, bạn có thể tìm cách giải quyết vấn đề trước khi mối quan hệ ngày càng rạn nứt theo các lời khuyên sau đây nhé.
1. Tìm hiểu lý do tại sao người yêu im lặng
Đừng vội kết luận người yêu không tôn trọng bạn nên mới “không thèm nói chuyện”. Thực tế, sự im lặng có thể là một cách mà đối phương lựa chọn để bảo vệ cảm xúc của chính mình:
♥ Người ấy quá tức giận hoặc đau buồn đến mức không nói được.
♥ Người ấy không biết làm sao để chia sẻ điều mình muốn nói.
♥ Người ấy đã nói nhiều lần nhưng bạn không thấu hiểu.
Bạn sẽ rất khó xác định được lý do chính xác vì sao người ấy im lặng, song có thể dự đoán dựa trên tình huống xảy ra trước khi chiến tranh lạnh bùng nổ: Người ấy trở nên lạnh lùng như vậy sau khi bạn đã nói hay làm điều gì?
2. Tự xem xét lại mối quan hệ của cả hai
Sau khi tìm hiểu về nguyên nhân bùng nổ chiến tranh lạnh, bạn cần có thời gian trấn tĩnh để xem xét lại mối quan hệ của cả hai: Mình có muốn tiếp tục cố gắng không?
Nếu bạn đã quá mệt mỏi với những cuộc chiến lặng lẽ hoặc bản thân bạn cũng đã có ý định chia tay từ trước, đây sẽ là thời điểm kết thúc mối quan hệ. Còn nếu bạn vẫn muốn tiếp tục, hãy cố gắng tìm ra cách tha thứ khi cả hai đang xung đột và chấm dứt thời gian im lặng càng sớm càng tốt.
Khi tình cảm đủ chín chắn, bạn sẽ có thể thấu hiểu nỗi lòng của người yêu ngay cả khi không nói ra. Chiến tranh lạnh thật ra lại chính là một thử thách giúp bạn khẳng định tình yêu của mình đấy!
3. Bày tỏ sự quan tâm với người yêu
Ngay cả khi biết sự im lặng là một sự trừng phạt, bạn cũng đừng nên thờ ơ hay né tránh người ấy. Bằng tấm lòng chân thành của mình, bạn nên duy trì những thói quen chăm sóc người ấy hệt như trước đây: hỏi thăm, nấu ăn, giúp đỡ việc vặt…
Sau đây là một số tin nhắn có thể khiến người yêu xúc động mà bạn nên thử:
♥ Em ăn gì chưa? Em nhớ giữ gìn sức khỏe để còn có sức mà giận anh nhé!
♥ Anh bị cảm thì chịu khó uống nước cam sẽ chóng khỏi…
♥ Anh rất nhớ em!
…
Bạn có thể giận người yêu hay không đồng tình với sự im lặng, song nhất định đừng che giấu sự quan tâm của mình. Chỉ cần một tin nhắn đơn giản thể hiện tình cảm thương nhớ, trái tim của người ấy sẽ rất dễ rung động.
4. Điều chỉnh bản thân trở nên tích cực hơn
Hãy thử nhớ lại xem, người ấy từng than phiền điều gì về bạn? Bạn nên vượt qua cảm giác bất an khi yêu và thử điều chỉnh bản thân theo hướng tích cực hơn để thể hiện sự cố gắng của mình.
Nếu người ấy ghét bạn chơi game, hãy giảm bớt thời gian chơi game và thay thế bằng thú vui khác như xem phim, chơi thể thao… Nếu người ấy không thích bạn đem việc về nhà, hãy tập giải quyết mọi việc trên công ty và thư giãn vào cuối tuần.
Hai con người dù hòa hợp nhau thế nào vẫn có những sự khác biệt và thậm chí là đối lập. Bạn không cần phải thay đổi con người thật sự của mình, song rất cần điều chỉnh một chút để tránh làm người yêu buồn lòng.
5. Thể hiện mong muốn được làm lành
Khi người yêu vẫn im lặng sau những tin nhắn hay sự quan tâm của bạn, đã đến lúc bạn cần đề cập trực tiếp ý muốn được làm lành. Bạn không nên chần chừ xin lỗi người yêu nếu nhận ra sai lầm của mình.
Bạn cũng không thể lảng tránh vấn đề khi đối phương thậm chí chẳng cảm nhận được sự cố gắng của bạn. Hãy hỏi người ấy cách giải quyết thỏa đáng nhất cho cả hai. Sau một khoảng thời gian cố gắng tự điều chỉnh, đây là lúc bạn cần thể hiện sự quyết đoán rõ ràng.
Nếu người ấy đồng ý cùng nhau bàn cách giải quyết, mối quan hệ của cả hai sẽ bước vào giai đoạn “sau cơn mưa trời lại sáng”. Còn nếu không, có lẽ bạn cần suy nghĩ đến quyết định buông bỏ tình cảm của mình.
Kipling Williams, giáo sư tâm lý học tại Đại học Purdue (Hoa Kỳ) đã nghiên cứu về sự tẩy chay trong 20 năm, giải thích: “Việc tỏ ra lạnh lùng hoặc im lặng thường được dùng để trừng phạt hoặc thao túng người khác. Và mọi người có thể không nhận ra những tác hại về thể chất như một hậu quả kèm theo’.
Cuộc chiến tranh lạnh khi tác động đến sức khỏe tinh thần thì một phần của bộ não cũng phát hiện cảm giác đau đớn về thể chất. Cơn đau ban đầu là như nhau, bất kể là người lạ, bạn thân hay kẻ thù. Đây cũng là lý do tại sao bạn thường cảm thấy dường như trái tim mình như thắt lại hay cơ thể mệt mỏi khi người yêu im lặng suốt một thời gian dài.
Bạn không thể lúc nào cũng là người nhường nhịn hay cố gắng làm lành để rồi phải chịu đựng những ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc giải quyết một xung đột luôn cần có sự cố gắng của cả hai. Vì vậy, hãy luôn kiên nhẫn và chân thành nhưng cũng sẵn sàng từ bỏ mối quan hệ nếu sự cố gắng chỉ đến từ một phía bạn nhé!
Thảo Viên HELLO BACSI
[embed-health-tool-bmi]