backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Thuốc chống dị ứng cho trẻ em: Bạn cần biết gì trước khi cho trẻ dùng?

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai · Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 10/03/2022

    Thuốc chống dị ứng cho trẻ em: Bạn cần biết gì trước khi cho trẻ dùng?

    Thuốc chống dị ứng còn gọi là thuốc kháng histamin được sử dụng rộng rãi để điều trị viêm mũi dị ứng, dị ứng theo mùa, dị ứng thực phẩm… Không chỉ người lớn, trẻ em cũng có thể gặp phải những loại dị ứng khác nhau. Thế nhưng, hệ miễn dịch của trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi có sự khác biệt so với người lớn. Vì vậy, nhiều ba mẹ thắc mắc có nên cho con dùng thuốc chống dị ứng cho trẻ em không?

    Đối với trẻ em, khi dùng thuốc chống dị ứng cho trẻ em tốt nhất là được sự kê đơn của bác sĩ. Hơn nữa, trẻ dùng thuốc quá liều hoặc không phù hợp cũng dễ gặp phải tác dụng phụ hơn so với người lớn. Do đó, bạn nên tìm hiểu thông tin cẩn thận về vấn đề này và lưu ý là nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho con dùng thuốc chống dị ứng nhé!

    Cơ chế hoạt động của thuốc chống dị ứng

    Trước khi tìm hiểu về cách mà thuốc chống dị ứng (thuốc kháng hitsamin) hoạt động, bạn cần hiểu được vai trò của histamin trong việc chống lại các tác nhân gây dị ứng. Khi cơ thể tiếp xúc với vi khuẩn hoặc virus, các histamine sẽ được giải phóng gây kích thích dây thần kinh cảm giác. Điều này sẽ gây ra các triệu chứng ở mũi, đường thở và da được gọi phản ứng dị ứng. Trong đó thường bao gồm các triệu chứng như hắt hơi, ngứa mũi, chảy nước mũi, giãn rộng mạch máu khiến da bị đỏ và sưng tấy. Không những vậy, histamin còn “chiêu mộ” các loại tế bào bạch cầu để chống lại các tác nhân gây dị ứng.

    Trong một số trường hợp khác, cơ thể chúng ta nhầm lẫn những tác nhân vô hại như bụi, phấn hoa, thực phẩm… là có hại thì cũng sẽ tiết histamin và gây phản ứng tương tự như trên. Chính vì điều này mà bạn cần phải uống thuốc kháng histamine để ngăn chặn hoặc làm giảm histamine để xử lý các triệu chứng dị ứng.

    Thuốc chống dị ứng cho trẻ em – Bạn nên cho trẻ dùng loại nào?

    thuốc chống dị ứng cho trẻ em

    Tính đến thời điểm hiện tại, thuốc chống dị ứng (thuốc kháng histamine) được phân loại thành 2 nhóm chính:

    • Thuốc kháng histamin thế hệ đầu tiên thường gây buồn ngủ, bao gồm: chlorpheniramine, promethazine, hydroxyzine, triprolidine và diphenhydramine.
    • Thuốc kháng histamine thế hệ thứ hai ít gây buồn ngủ và thường được thường được sử dụng rộng rãi hơn, bao gồm cetirizine, loratadine, desloratadine và fexofenadine.

    Trong một thời gian dài, thuốc chống dị ứng cho trẻ em thế hệ đầu tiên, đặc biệt là diphenhydramine (Benadryl) được sử dụng rất phổ biến để điều trị ngứa da, dị ứng, viêm mũi dị ứng, ho, mất ngủ… Hiện, có khá nhiều kháng histamin thế hệ 1 đang được dùng cho trẻ em, ví dụ: chlorpheniramine, promethazine, diphenhydramine…

     Kháng histamin thế hệ 2 được sử dụng rộng rãi hơn vì ít tác dụng phụ hơn, đặc biệt là ít gây buồn ngủ. Vì vậy, nhóm thuốc này được khuyên dùng nhiều hơn ở trẻ bị dị ứng.

    Thuốc chống dị ứng cho trẻ em có gây rủi ro? Trẻ có thể gặp những tác dụng phụ nào khi dùng thuốc?

    Giống như nhiều loại thuốc khác, thuốc chống dị ứng cho trẻ em cần được định lượng dựa trên cân nặng và độ tuổi của trẻ. Nếu bạn cho trẻ dùng thuốc kháng histamin quá liều lượng có thể gây nguy hiểm, đặc biệt là khi trẻ dùng thuốc thế hệ đầu tiên như diphenhydramine. Trong đó, một số tác dụng phụ của thuốc chống dị ứng ở trẻ em mà bạn cần lưu ý, bao gồm:

    • Buồn ngủ
    • Chóng mặt
    • Khô miệng
    • Buồn nôn và ói mửa
    • Bồn chồn hoặc ủ rũ
    • Thiếu tập trung
    • Thay đổi cảm giác thèm ăn
    • Táo bón
    • Tầm nhìn mờ.

    thuốc chống dị ứng cho trẻ em

    Ngoài ra, việc dùng thuốc chống dị ứng cho trẻ em còn có thể khiến bé gặp một số tác dụng phụ khác hiếm xảy ra hơn như:

    • Mất ngủ
    • Ảo giác (nhìn hoặc nghe thấy những thứ không có thật)
    • Ác mộng
    • Ngứa da
    • Co giật
    • Tăng động
    • Tức ngực
    • Rối loạn nhịp tim.

    Trẻ em đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi thường dễ gặp phải tác dụng phụ của thuốc chống dị ứng hơn so với người lớn. Trong một số trường hợp hiếm hoi, trẻ có thể gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng sau khi dùng thuốc như ảo giác, run rẩy hoặc hôn mê. Vì vậy, cách tốt nhất là bạn nên đưa bé đi khám và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ dùng thuốc kháng histamin.

    Lời khuyên về việc dùng thuốc chống dị ứng cho trẻ em

    Nhìn chung, bạn vẫn có thể cho trẻ dùng thuốc kháng histamine để điều trị dị ứng với điều kiện là hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi cho con dùng. Bên cạnh đó, bạn nên tham khảo những lời khuyên sau đây để hạn chế rủi ro khi trẻ dùng thuốc chống dị ứng:

    • Có khá nhiều loại thuốc chống dị ứng cho trẻ em khác nhau nhưng con bạn có thể chỉ phù hợp với một loại nhất định. Vì vậy, bạn không nên tùy tiện cho trẻ dùng thuốc mà nên tham vấn ý kiến bác sĩ để được kê đơn loại nào phù hợp và an toàn.
    • Ba mẹ nên đọc kỹ nhãn trước khi cho trẻ dùng bất kỳ loại thuốc nào. Điều này sẽ giúp ích cho việc đưa con đến gặp bác sĩ khác nếu dị ứng không khỏi sau khi đi khám với bác sĩ đầu tiên.
    • Không tùy tiện kết hợp các loại thuốc kháng histamine khác nhau để cho trẻ uống. Điều này có thể khiến trẻ dùng thuốc quá liều và gặp nguy hiểm.
    • Tuyệt đối không cho trẻ dùng thuốc chống dị ứng mà người lớn hay anh chị của bé đang dùng. Thay vào đó, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước.
    • Điều quan trọng cuối cùng là ba mẹ nên theo dõi con chặt chẽ sau khi cho trẻ uống thuốc kháng histamine. Nếu phát hiện con gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng nào hãy đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Đồng thời, bạn hãy mang theo tất cả loại thuốc chống dị ứng mà trẻ đã sử dụng để bác sĩ xem xét và quyết định xem nên xử lý tình trạng của trẻ như thế nào là phù hợp và hiệu quả.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai

    Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 10/03/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo