Tên kĩ thuật y tế: Xét nghiệm cholesterol và tryglycerid
Bộ phận cơ thể/mẫu thử: Máu
Tìm hiểu chung
Xét nghiệm cholesterol và triglycerid là gì?
Xét nghiệm cholesterol và triglycerid là xét nghiệm được dùng để đo lượng chất béo (chỉ số cholesterol và triglyceride) có trong máu.
Cholesterol lưu thông trong máu bằng cách liên kết với protein. Hợp chất kết hợp giữa cholesterol và protein được gọi là lipoprotein, có hai loại lipoprotein thường được đo là LDL và HDL. Nên khi phân tích nồng độ cholesterol trong máu, người ta sẽ đo luôn nồng độ của các loại lipoprotein. Tóm lại, xét nghiệm sẽ đo những chất sau: cholesterol toàn phần, LDL cholesterol, HDL cholesterol và triglyceride. Vậy, cholesterol và triglycerid khác nhau như thế nào?
- Cholesterol: cơ thể dùng cholesterol giúp tổng hợp tế bào và sản sinh hormone. Lượng cholesterol trong máu ca có thể tích tụ trong động mạch, tạo nên một mảng lớn. Mảng bám càng lớn sẽ càng làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim hay đột quỵ.
- HDL (lipoprotein mật độ cao): giúp gỡ bỏ lớp chất béo tích tụ ra khỏi cơ thể bằng cách đưa chúng tới gan để tiêu huỷ. Hợp chất này gọi là cholesterol “tốt”. Nồng độ HDL cao đồng nghĩa với việc nguy cơ mắc bệnh tim thấp.
- LDL (lipoprotein mật độ thấp): chứa hầu hết là chất béo và một lượng nhỏ protein giúp chuyển chúng từ gan đến các bộ phận khác của cơ thể. Lượng LDL nhất định trong máu là bình thường vì LDL đưa cholesterol đến các phần khác của cơ thể. Hợp chất này gọi là cholesterol “xấu” vì nồng độ cao có thể dẫn tới nguy cơ mắc bệnh tim.
- VLDL (lipoprotein mật độ rất thấp): chứa rất ít lượng protein. Nhiệm vụ chính của VLDL là chia nhỏ lượng lipid được sản sinh bởi gan. Nồng độ cholesterol VLDL càng cao càng thì cholesterol tích tụ càng nhiều trong động mạch và tăng nguy cơ bệnh tim và đột quỵ.
- Triglycerid: là 1 loại chất béo cơ thể sử dụng để tích trữ năng lượng và truyền tải năng lượng đến cơ bắp. Chỉ một lượng nhỏ chất béo này được tìm thấy trong máu. Nồng độ tryglycerid và cholesterol càng cao thì nguy cơ bị bệnh tim càng cao, thậm chí là khi chỉ có nồng độ cholesterol LDL cao.
Khi nào bạn nên thực hiện xét nghiệm cholesterol và triglycerid?
Xét nghiệm cholesterol và triglycerid được thực hiện nhằm mục đích:
- Là một phần trong quá trình khám sức khỏe định kỳ để tầm soát chứng rối loạn lipid máu
- Để kiểm tra hiệu quả của các loại thuốc điều trị rối loạn lipid máu
- Để giúp xác định khả năng bạn mắc bệnh tim, đặc biệt nếu bạn có các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim hoặc các triệu chứng cho thấy mắc bệnh tim.
- Nếu bạn có các triệu chứng bất thường, chẳng hạn như lắng đọng chất béo màu vàng trong da (xanthomas), có thể do một bệnh di truyền hiếm gặp gây ra mức cholesterol rất cao.
- Nếu bạn bị tiểu đường, cần theo dõi lượng tryglycerid thường xuyên vì tryglycerid có thể tăng khi đường trong máu không được duy trì tốt.
Một số tổ chức y tế khuyến cáo rằng tất cả mọi người trên 20 tuổi nên kiểm tra cholesterol và triglycerid 5 năm một lần khi khám sức khỏe tổng quát định kỳ. Nói chuyện với bác sĩ của bạn về thời điểm bạn nên làm xét nghiệm.
Trẻ em cũng được khuyên xét nghiệm nếu có nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch. Những trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch, bao gồm: trẻ có những thành viên trong gia đình mắc bệnh tim, tiểu đường, cao huyết áp hay tăng cân. Trẻ em có nguy cơ cao mắc bệnh nên xét nghiệm từ 2 – 10 tuổi. Trẻ em dưới 2 tuổi thì còn quá nhỏ để thực hiện xét nghiệm.
Thận trọng
Bạn nên biết những gì trước khi thực hiện xét nghiệm cholesterol và triglycerid?
Nếu bạn mắc tiểu đường và lượng đường trong máu nằm ngoài tầm kiểm soát, lượng triglycerid sẽ rất cao.
Lipid máu sẽ thay đổi rất mạnh sau bữa ăn, tăng từ 5- 10 lần nhanh hơn so với khi nhịn ăn. Nồng độ lipid khi nhịn ăn thường sẽ thay đổi ngày này qua ngày khác. Do đó, kết quả xét nghiệm mỡ máu khi đói khác nhau giữa những lần đo là bình thường.
Một số loại thuốc nhất định như corticosteroid, chất ức chế protease dành cho bệnh HIV, các thuốc chẹn beta và estrogen có thể tăng nồng độ lipid trong máu.
Hiện tại vẫn chưa có sự khác biệt trong việc giải thích kết quả xét nghiệm cholesterol lúc đói và lúc no, nên cho tới nay vẫn chưa có các khuyến cáo nên nhịn ăn trước khi thực hiện xét nghiệm.
Trước khi tiến hành xét nghiệm, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.
Những rủi ro có thể gặp phải
Có rất ít khả năng xảy ra sự cố khi lấy mẫu máu từ tĩnh mạch.
- Bạn có thể có một vết bầm nhỏ tại chỗ lấy máu. Bạn có thể giảm nguy cơ bị bầm tím bằng cách giữ áp lực lên vết thương trong vài phút.
- Trong một số trường hợp hiếm hoi, tĩnh mạch có thể sưng lên sau khi lấy mẫu máu. Vấn đề này được gọi là viêm tĩnh mạch. Có thể dùng một miếng gạc ấm nhiều lần trong ngày để điều trị chứng này.
- Chảy máu liên tục có thể là một vấn đề đối với những người bị rối loạn chảy máu. Aspirin, warfarin và các loại thuốc làm loãng máu khác có thể khiến khả năng chảy máu nhiều hơn. Nếu bạn có vấn đề về chảy máu hoặc đông máu, hoặc nếu bạn dùng thuốc làm loãng máu, hãy nói với chuyên gia y tế của bạn trước khi lấy mẫu máu.
Quy trình
Bạn nên làm gì trước khi thực hiện xét nghiệm cholesterol và triglycerid?
Việc chuẩn bị phụ thuộc vào loại xét nghiệm bạn thực hiện. Bạn có thể không cần nhịn ăn.
- Nếu bác sĩ yêu cầu bạn nhịn ăn trước khi xét nghiệm, bạn không được ăn hay uống bất cứ thứ gì từ 9 – 12 giờ trước khi xét nghiệm lấy máu. Thường thì bạn được phép uống nước lọc vào buổi sáng xét nghiệm. Nhịn ăn đôi khi là không cần thiết, nhưng bác sĩ vẫn khuyên thực hiện.
- Không ăn thức ăn nhiều chất béo vào đêm trước khi xét nghiệm.
- Không uống thức uống có cồn hay vận động nhiều trước khi xét nghiệm.
Nhiều loại thuốc ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm. Nên hãy báo với bác sĩ về những liều thuốc kê toa hay không kê toa và những loại thảo dược hay hợp chất tự nhiên bạn đang dùng.
Báo với bác sĩ nếu bạn đã từng xét nghiệm như chụp tuyến giáp trạng hay xương sử dụng chất phóng xạ trong vòng 7 ngày.
Báo với bác sĩ về những lo lắng của bạn về nhu cầu, nguy cơ, cách thức và kết quả của xét nghiệm có ý nghĩa gì.
Quy trình thực hiện xét nghiệm cholesterol và triglycerid diễn ra như thế nào?
Chuyên viên y tế lấy máu sẽ:
- Quấn một dải băng (garô) quanh tay để ngưng máu lưu thông.
- Sát trùng chỗ tiêm bằng cồn.
- Đưa kim vào tĩnh mạch. Có thể đâm nhiều hơn 1 lần nếu cần thiết.
- Kéo nòng để lấy máu.
- Tháo dải băng quanh tay sau khi lấy đủ máu.
- Ép bông hoặc gạc lên chỗ vừa lấy máu.
- Dán băng cá nhân lên chỗ vừa lấy máu.
Bạn nên làm gì sau khi thực hiện xét nghiệm cholesterol và triglycerid?
Bác sĩ, điều dưỡng hoặc y tá sẽ thực hiện lấy máu nhằm xét nghiệm cholesterol và triglyceride. Mức độ đau của bạn phụ thuộc vào kỹ năng lấy máu của điều dưỡng, tình trạng tĩnh mạch của bạn và mức độ nhạy cảm của bạn với cơn đau.
Sau khi lấy máu, bạn cần băng và ép nhẹ lên vùng chọc tĩnh mạch lấy máu để giúp cầm máu. Bạn có thể trở lại hoạt động bình thường sau xét nghiệm.
Bạn có thể gỡ bỏ băng hay bông trong vòng 20 – 30 phút. Bác sĩ sẽ hẹn bạn đến lấy kết quả và giải thích kết quả có ý nghĩa gì. Nên bạn hãy tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.
Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.
Hướng dẫn đọc kết quả
Kết quả của bạn có ý nghĩa gì?
Kết quả xét nghiệm cholesterol và triglycerid thường có trong vòng 24 giờ.
Dưới đây là những loại kết quả khác nhau cho từng thành phần:
Tổng lượng chất béo
- Bình thường: Dưới 200 mg/dL (5,18 mmol/L)
- Cao trên mức bình thường: 200-239 mg/dL (5,18-6,18 mmol/L)
- Cao: 240 mg/dL trở lên (Trên 6,18 mmol/L)
Cholesterol LDL
- Tối ưu: Dưới 100 mg/dL (2,6 mmol/L) đối với những người có nguy cơ cao bị đau tim)
- Gần tối ưu: 100-129 mg/dL (2,6–3,3 mmol/L)
- Cao trên mức bình thường: 130-159 mg/dL (3,4–4,1 mmol/L)
- Cao: 160-189 mg/dL (4,1-4,9 mmol/L)
- Rất cao: 190 mg/dL trở lên (Cao trên 4,9 mmol/L)
HDL cholesterol
- Thấp: Dưới 40 mg/dL (1 mmol/L) đối với nam giới và dưới 50 mg/dL (1,3 mmol/L) đối với phụ nữ
- Tốt: 40-59 mg/dL (1-1,5 mmol/L), nam giới và 50-59 mg/dL (1,3-1,5 mmol / L), phụ nữ
- Tốt nhất: 60 mg/dL trở lên (Trên 1,5 mmol/L).
Triglycerid
- Bình thường: Dưới 150 mg/dL (1,7 mmol/L)
- Cao trên mức bình thường: 150-199 mg/dL (1,7-2,2 mmol/L)
- Cao: 200-499 mg/dL (2,3-5,6 mmol/L)
- Rất cao: 500 mg/dL trở lên (Trên 5,6 mmol/L)
Kết quả xét nghiệm khi nhịn ăn có thể khác nhau ngày này qua ngày khác. Nên lượng lipid có thể sẽ thay đổi khi bạn ăn và có thể tăng lên gấp 10 lần so với mức độ nhịn ăn.
Mục tiêu và kết quả xét nghiệm có thể thay đổi tùy thuộc vào cơ sở thực hiện xét nghiệm và tình trạng sức khỏe của bạn. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào về kết quả xét nghiệm.
Nhiều tình trạng có thể ảnh hưởng đến mức cholesterol và triglycerid, bao gồm:
- Thuốc, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu , corticosteroid , hormone sinh dục nam (androgen ), thuốc an thần, estrogen, thuốc tránh thai, thuốc kháng sinh và niacin (vitamin B3).
- Căng thẳng về thể chất, chẳng hạn như nhiễm trùng, đau tim, phẫu thuật.
- Các tình trạng khác, chẳng hạn như suy giáp , tiểu đường hoặc bệnh thận hoặc gan.
- Rối loạn sử dụng rượu.
- Bệnh gan (chẳng hạn như xơ gan hoặc viêm gan ), suy dinh dưỡng hoặc cường giáp .
- Thai kỳ. Giá trị này cao nhất trong tam cá nguyệt thứ ba và thường trở lại mức trước khi mang thai sau khi sinh em bé.
Bác sĩ sẽ nói chuyện với bạn về bất kỳ kết quả bất thường nào có thể liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác của bạn.
Kết quả xét nghiệm bất thường có thể khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh tim. Để giảm nguy cơ mắc bệnh, bác sĩ có thể đề nghị bạn thay đổi lối sống hoặc kê đơn thuốc. Cụ thể như sau:
- Giảm cân
- Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, ít chất béo
- Tập thể dục nhiều hơn
- Giảm uống rượu
- Uống thuốc giảm cholesterol và triglycerid.
[embed-health-tool-bmi]