backup og meta

Xăm có đau không?

Xăm có đau không?

Nhiều người yêu thích các hình xăm nghệ thuật hoặc có nhu cầu phun xăm thẩm mỹ để làm đẹp nhưng lại lo lắng không biết xăm có đau không? Nếu bạn đang băn khoăn lo sợ xăm môi có đau không hay xăm hình có đau không thì bài viết này là dành cho bạn đấy! Cùng tìm hiểu ngay nhé!

Xăm là gì?

Để biết xăm có đau không thì trước tiên, chúng ta cần tìm hiểu xăm là gì? Đây là một hình thức dùng kim đâm vào da để tiêm màu mực vào lớp sâu (hạ bì) của da. Hình xăm thường tồn tại vĩnh viễn. Việc xóa hình xăm rất khó khăn, tốn kém và khó lòng xóa hoàn toàn hình xăm. Bạn có thể xăm ở bất kỳ đâu trên cơ thể nhưng phổ biến nhất là: 

  • Xăm hình nghệ thuật trên lưng, cổ, cổ tay, xương quai xanh
  • Xăm thẩm mỹ như xăm môi, xăm chân mày.

Vậy, xăm nghệ thuật có đau không?

Xăm có đau không?

Xăm hình có đau không- câu trả lời là . Da của bạn sẽ bị kim đâm nhiều lần trong quá trình thực hiện và do đó bạn sẽ cảm thấy đau. Tính chất cơn đau và mức độ đau cũng khác nhau ở từng trường hợp, phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhiều người mô tả cảm giác đau khi xăm sẽ như cảm giác da bị trầy do gãi, nóng rát, châm chích hoặc ngứa ran. Một số người thấy đau nhói nhưng cũng có người lại đau âm ỉ.

Sau khi xăm, vùng da sẽ bị tổn thương và sưng lên. Đây là cơ chế tự nhiên của cơ thể giúp bảo vệ da khỏi tổn thương và thúc đẩy quá trình làm lành. Tình trạng sưng tấy này có thể kèm theo cơn đau nhức, khó chịu và thường kéo dài khoảng 1 tuần.

Tùy vào cơ địa và tuổi tác

Xăm có đau không? Mức độ đau có thể khác nhau ở mỗi người. Bởi điều này còn phụ thuộc vào cơ địa và ngưỡng chịu đau của từng người. Quá trình xăm sẽ gây đau nhói nghiêm trọng đối với một số người, trong khi, những người khác có thể cảm thấy ít đau hơn hay chỉ đau âm ỉ và vẫn có thể chịu được.

Xăm có đau không tùy vào vị trí xăm trên cơ thể

xăm có đau không tùy vào vị trí xăm

Xăm mình có đau không? Theo kinh nghiệm của nhiều người, vị trí xăm trên cơ thể sẽ quyết định xem việc xăm có đau không. Không có một nghiên cứu nào chỉ ra xăm ở đâu sẽ đau nhất hay xăm ở đâu sẽ ít đau hơn. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm cá nhân của những người đã từng xăm, một số vùng trên cơ thể chứa ít mỡ, da mỏng, sát xương và nhiều dây thần kinh thì khi tác động vào sẽ đau nhiều hơn.

  • Xăm môi có đau không? Da trên và xung quanh môi thường rất mỏng và bên dưới còn có chứa nhiều đầu dây thần kinh. Vì vậy, xăm môi gần như chắc chắn sẽ gây đau dữ dội, thậm chí dẫn đến chảy máu và sưng tấy.
  • Xăm ở cổ có đau không? Hình xăm ở cổ được đánh giá là một trong những vị trí xăm gây đau đớn nhất vì cổ là khu vực rất nhạy cảm, da mỏng, gần sát xương và chứa nhiều đầu dây thần kinh.
  • Phần trên và mặt trong của bàn tay, bàn chân cũng như ngón tay và ngón chân là những vị trí được xăm khá phổ biến. Vậy, xăm ngón tay có đau không hay xăm ở cổ tay có đau không? Việc xăm hình ở bất kỳ vị trí nào trên tay và chân đều có thể gây đau đớn dữ dội. Bởi da tứ chi đều rất mỏng và chứa nhiều đầu dây thần kinh nên dễ bị kích thích khi kim đâm vào.

Ngược lại, một số vùng da trên cơ thể nhờ chứa nhiều cơ và mỡ, không chứa nhiều dây thần kinh nên dường như ít đau hơn như bắp đùi ngoài phía trên, bắp tay ngoài, cơ bắp chân, lưng,…

Xăm lưng có đau không? Xăm hình ở lưng trên hoặc lưng dưới thường gây ra cảm giác đau ở mức độ chỉ từ nhẹ đến trung bình vì da lưng khá dày và có ít đầu dây thần kinh. Đó là lý do mà lưng được xem là vị trí xăm được lựa chọn phổ biến với những hình xăm có kích thước lớn. Bạn càng xăm xa vùng da gần xương và các đầu dây thần kinh ở cột sống và hông, bạn sẽ càng ít cảm thấy đau.

Giới tính

Nghiên cứu cho thấy rằng phụ nữ nhạy cảm với cơn đau hơn nam giới. Điều này có thể là do sự khác biệt về thể chất và sinh lý giữa hai phái. Tuy nhiên, cụ thể khi xăm phái nào đau hơn thì không có nghiên cứu cụ thể.

Ngoài ra, vấn đề xăm có đau không còn tùy thuộc vào các yếu tố khác như:

  • Kích thước hình xăm là lớn hay nhỏ
  • Số lượng kim được sử dụng nhiều hay ít
  • Phong cách và tay nghề của người thực hiện (một số thợ xăm thực hiện nhanh và nhẹ nhàng hơn thì sẽ ít gây đau hơn).

Làm thế nào để giảm thiểu cơn đau trước khi xăm?

Hiểu rõ xăm có đau không thì bạn nên áp dụng một số mẹo sau đây để giảm thiểu cảm giác đau trong quá trình xăm:

  • Chọn nơi xăm hình uy tín, sạch sẽ và thợ xăm đã được cấp phép, có kinh nghiệm.
  • Chọn một vị trí xăm phù hợp để giúp hạn chế cơn đau.
  • Hình xăm nhỏ hơn thường thực hiện nhanh hơn và ít gây đau đớn hơn.
  • Dùng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như acetaminophen và ibuprofen, có thể giúp giảm đau sau khi xăm hình. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu acetaminophen có thể ngăn ngừa cơn đau do xăm mình một cách hiệu quả hay không.
  • Yêu cầu thợ xăm ngừng thực hiện nếu cảm thấy quá đau, không thể chịu đựng được.
  • Đừng ăn trước khi xăm nếu bạn có dự định xăm vào vùng bụng.
  • Không uống rượu và ngủ đủ giấc trước khi xăm hình.
  • Uống đủ nước và cấp ẩm cho làn da cả trước và sau khi xăm.

Xăm ủ tê có đau không? Thợ xăm hình không được khuyến khích sử dụng thuốc gây tê bề mặt để làm tê vùng cần xăm hình vì thuốc tê tại chỗ có thể tác động xấu đến da và gây dị ứng.

Chăm sóc da sau khi xăm

chăm sóc da sau khi xăm

Vùng da xăm hình thường mất khoảng 2 tuần để lành lại. Để đảm bảo vết thương lành đúng cách và hạn chế cơn đau sau khi xăm, bạn nên:

  • Giữ băng trên khu vực xăm trong vòng 24 giờ đầu hoặc theo chỉ dẫn.
  • Tháo băng và dùng ngón tay nhẹ nhàng làm sạch vùng da bằng xà phòng, nước ấm. Sau đó, lau khô, vỗ nhẹ nhưng tuyệt đối tránh chà xát khu vực này.
  • Trong khi tắm, tránh để nước chảy trực tiếp lên vùng da mới xăm.
  • Rửa hình xăm thường xuyên nhưng không ngâm trong nước. 
  • Có thể tắm vòi sen; tránh hồ bơi, bồn tắm, sông, hồ và các vùng nước khác trong thời gian hình xăm đang lành.
  • Mặc quần áo rộng thoáng để tránh cọ xát vào hình xăm đang lành.
  • Tránh chạm vào vùng xăm và không cạy vảy để tránh nguy cơ nhiễm trùng, làm hỏng hình xăm và gây sẹo.
  • Thoa kem dưỡng ẩm lên hình xăm 2 đến 3 lần một ngày trong một tuần đầu tiên.
  • Che chắn hình xăm khỏi ánh nắng mặt trời trong ít nhất vài tuần đầu hoặc cho đến khi lành hoàn toàn.
  • Ngay cả sau khi vết xăm đã lành hoàn toàn, bạn vẫn nên bôi kem chống nắng hàng ngày để bảo vệ làn da và giúp hình xăm không bị mờ.

Xóa xăm có đau không?

Xoá xăm có đau không? Câu trả lời là . Thủ thuật này thường gây đau đớn, kèm theo đỏ, sưng, bầm tím, đóng vảy và không phải lúc nào cũng thành công. Bạn sẽ mất một thời gian để da lành lại sau khi xóa hình xăm. Hầu hết các tác dụng phụ này sẽ hết sau 1 tuần.

xáo xăm có đau không?

Việc xóa hình xăm có thể để lại sẹo và gây ra sự khác biệt về màu da giữa vùng da bình thường và vùng da đã xóa hình xăm, gây mất thẩm mỹ.

Điều trị bằng laser là lựa chọn tốt nhất để xóa hình xăm. Vậy, xóa hình xăm bằng laser có đau không? Câu trả lời vẫn là . Nhiều người đã trải qua mô tả cơn đau giống như bị một sợi dây cao su nặng va vào da liên tục. Trước khi điều trị, bạn có thể cần được bôi thuốc gây tê da tại chỗ để giảm đau.

Việc dùng tia laser xóa hình xăm có thành công hay không còn tùy thuộc vào loại da, độ lớn và độ phức tạp của hình xăm cũng như loại và màu mực được sử dụng.

Những cách khác ít phổ biến hơn để xóa hình xăm nhưng sẽ gây đau hơn bao gồm: mài mòn da, lột bằng hóa chất và phẫu thuật cắt bỏ.

Xăm là vĩnh viễn và việc hiểu rõ xăm có đau không sẽ góp phần giúp bạn cân nhắc thật cẩn thận trước khi đưa ra quyết định thực hiện. Bất cứ ai bị đau kéo dài hoặc trầm trọng hơn sau khi xăm thì nên đến thăm khám với bác sĩ càng sớm càng tốt.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tattoos. https://kidshealth.org/en/teens/tattoos.html. Ngày truy cập: 06/11/2023

Does getting a tattoo hurt? https://www.wiltshire.gov.uk/article/5383/Does-getting-a-tattoo-hurt. Ngày truy cập: 06/11/2023

Tattoos: Understand risks and precautions. https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/adult-health/in-depth/tattoos-and-piercings/art-20045067. Ngày truy cập: 06/11/2023

Tattoo Removal. https://www.plasticsurgery.org/cosmetic-procedures/tattoo-removal. Ngày truy cập: 06/11/2023

Tattoo Removal: Options and Results. https://www.fda.gov/consumers/consumer-updates/tattoo-removal-options-and-results. Ngày truy cập: 06/11/2023

Tattoo. https://www.sciencedirect.com/topics/medicine-and-dentistry/tattoo. Ngày truy cập: 06/11/2023

TATTOOS. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5868782/. Ngày truy cập: 06/11/2023

Sex differences in pain: a brief review of clinical and experimental findings. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3690315/. Ngày truy cập: 06/11/2023

Women report feeling pain more intensely than men, says study of electronic records. https://med.stanford.edu/news/all-news/2012/01/women-report-feeling-pain-more-intensely-than-men-says-study-of-electronic-records.html. Ngày truy cập: 06/11/2023

Phiên bản hiện tại

16/11/2023

Tác giả: Trúc Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Xóa xăm: Phương pháp nào hiệu quả cho bạn?

Xóa xăm laser có để lại sẹo không?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 16/11/2023

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo