backup og meta

Thuốc tê và những điều bạn chưa biết

Thuốc tê và những điều bạn chưa biết

Trong các ca phẫu thuật nhỏ về da liễu, nha khoa, thẩm mỹ… thuốc tê là thứ gần như không thể thiếu vì khả năng kiểm soát cơn đau hiệu quả mà không làm mất đi nhận thức. Bạn đã biết gì cách giảm đau trong phẫu thuật này?

Thực tế cho thấy thuốc tê đã giúp cơ thể chúng ta giảm được những cơn đau rất nhiều. Cơn đau khi phẫu thuật mà không có thuốc gây tê thật kinh khủng ngoài sức tưởng tượng. Vì thế, bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu những thông tin về thuốc tê và lưu ý khi sử dụng nhé!

Thuốc tê là gì?

Thuốc tê có tác dụng phong bế dẫn truyền thần kinh ngoại vi, làm mất cảm giác trên một vùng nhất định của cơ thể. Thuốc gây tê không ảnh hưởng đến ý thức và vận động nhưng trường hợp dùng liều cao có thể ức chế cả chức năng hoạt động của cơ thể.

Phân biệt thuốc tê và thuốc mê

Thuốc tê và thuốc mê là hai nhóm thuốc được sử dụng nhiều trong các ca phẫu thuật.

• Thuốc mê:

Thuốc mê là thuốc ức chế hồi phục thần kinh. Sử dụng thuốc mê gây nên tình trạng mất toàn bộ nhận thức, mất cảm giác đau, ức chế phản xạ nội tạng và giãn cơ trong toàn bộ cơ thể.

Thuốc mê được sử dụng trong trường hợp các ca phẫu thuật lớn, thời gian dài… Tùy theo tình trạng phẫu thuật mà thuốc gây mê được phân loại theo hai đường dùng: thuốc mê đường hô hấp và thuốc mê đường tĩnh mạch.

• Thuốc tê:

Thuốc gây tê là thuốc có tác dụng gây tê bộ phận nhỏ cụ thể trên cơ thể nhờ ức chế dẫn truyền thần kinh ngoại biên đến não. Thuốc tê làm mất cảm giác đau nhưng không làm mất ý thức, thời gian tác dụng của thuốc thường ngắn khoảng vài giờ.

Thuốc tê được sử dụng trong những ca phẫu thuật nhỏ như nha khoa, thẩm mỹ… Thuốc gây tê được phân loại theo hai cách là phân loại theo cấu trúc và phân loại theo đường dùng.

Để lựa chọn một phương pháp thuốc nào trước khi thực hiện thủ thuật, bác sĩ sẽ kiểm tra ở bạn loại hình phẫu thuật nặng hay nhẹ, tình trạng sức khỏe, tiền sử dị ứng, các chỉ số cận lâm sàng… Điều này giúp bác sĩ lựa chọn cho bạn thuốc tê hay thuốc mê hợp lý.

Phân loại thuốc tê theo đường dùng

thuốc tê

Tùy theo cách thức thực hiện thủ thuật mà thuốc tê được phân loại theo hai đường dùng.

• Thuốc gây tê bề mặt:

Phần lớn các thuốc gây tê bề mặt là thân dầu, không tan trong nước để thấm qua da và màng niêm mạc. Thuốc gây cảm giác tê không sâu nhưng có tác dụng kéo dài. Thuốc thường được sử dụng dưới dạng bào chế như thuốc xịt hoặc thuốc bôi trên da, niêm mạc như thuốc mỡ, gel, kem. Một số loại thuốc tê bề mặt là benzocaine, ethyl chloride…

• Thuốc gây tê đường tiêm:

Thuốc tê được tiêm vào mô bên dưới của vùng cần gây tê, thuốc sẽ khuếch tán sâu, ngăn chặn dẫn truyền thần kinh tại các nhánh thần kinh tận cùng của vùng được tiêm. Thuốc gây tê đường tiêm được sử dụng trong các trường hợp như gây tê ngoài màng cứng, gây tê tủy sống… Một số loại thuốc tê đường tiêm là procain, lidocain…

Việc sử dụng thuốc tê theo đường nào phụ thuộc vào tình trạng lâm sàng khu vực bị ảnh hưởng của bạn. Bạn hãy đến gặp bác sĩ để được trao đổi rõ hơn về việc sử dụng đường dùng thuốc tê hợp lý.

Lưu ý khi sử dụng thuốc tê

Khi sử dụng thuốc tê, bạn cần biết tiêu chuẩn lựa chọn thuốc gây tê tốt, các tác dụng phụ đi kèm cũng như khuyến cáo cho người sắp được sử dụng thuốc tê.

Tiêu chuẩn thuốc tê tốt

Để đạt được mục tiêu tác dụng và tránh tác dụng phụ, biến chứng có thể xảy ra, thuốc tê cần hướng đến những tiêu chuẩn sau:

  • Thời gian khởi tê ngắn, thời gian tác dụng đủ dài.
  • Không độc, không gây kích thích và dị ứng.
  • Vẫn còn hoạt tính sau khi khử khuẩn.
  • Ngăn cản hoàn toàn và đặc hiệu sự dẫn truyền cảm giác.
  • Tan trong nước, ổn định dưới dạng dung dịch.
  • Sau khi thuốc gây tê tác dụng hết, chức năng thần kinh được hồi phục hoàn toàn.

Tác dụng phụ của thuốc tê

Thuốc gây tê tương đối an toàn và thường không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào. Tuy nhiên, nếu bạn dùng quá liều hoặc sử dụng thuốc tê đường tiêm thay vì bôi bề mặt, bạn có thể có nguy cơ cao tác dụng phụ hơn, ví dụ như:

  • Ù tai
  • Tê liệt
  • Co giật
  • Chóng mặt
  • Miệng có vị kim loại

Trong những trường hợp cực kỳ hiếm gặp liên quan đến việc sử dụng liều cao, thuốc gây tê có thể gây ra:

  • Co giật
  • Khó thở
  • Huyết áp thấp
  • Nhịp tim chậm

Ngoài ra, phản ứng dị ứng với thuốc gây mê cũng có thể xảy ra, nhưng trường hợp này rất hiếm. Một nghiên cứu năm 2011 ước tính chỉ có khoảng 1% người bị dị ứng với thuốc tê. Ngoài ra, hầu hết các phản ứng dị ứng với thuốc gây tê là do chất bảo quản của thuốc.

Khuyến cáo khi sử dụng thuốc tê

thuốc tê

Trước khi được sử dụng thuốc tê, bạn cần chắc chắn nói với bác sĩ nếu bạn:

  • Bị rối loạn chảy máu
  • vết thương hở gần khu vực bị ảnh hưởng
  • Uống bất kỳ loại thuốc nào, đặc biệt là những loại thuốc làm tăng nguy cơ chảy máu, chẳng hạn như aspirin.

Bạn sẽ được gây tê ngay trước khi thực hiện thủ thuật để có thời gian thuốc bắt đầu có tác dụng. Điều này thường chỉ mất một vài phút. Bạn hãy báo bác sĩ ngay lập tức nếu bạn bắt đầu cảm thấy bất kỳ đau đớn nào trong quá trình thực hiện thủ thuật, họ có thể cân nhắc cung cấp cho bạn một liều cao hơn.

Thuốc gây tê thường hết trong vòng một giờ, nhưng bạn có thể cảm thấy hơi tê kéo dài trong vài giờ. Khi cảm giác tê biến mất, bạn có thể thấy cảm giác ngứa ran hoặc nhận thấy một số tình trạng co giật. Ngoài ra, bạn hãy chú ý cẩn thận đến khu vực làm thủ thuật sau khi sử dụng thuốc tê, tránh nguy cơ tổn thương.

Sử dụng thuốc gây tê là một cách tương đối an toàn để làm tê một khu vực, bộ phận nhỏ trên cơ thể trước khi làm thủ thuật. Thuốc tê có thể giúp bạn kiểm soát cơn đau hiệu quả. Mặc dù đôi khi nó có thể gây ra tác dụng phụ, nhưng điều này thường chỉ xảy ra trong các trường hợp liên quan đến liều cao hơn liều khuyến cáo. Vì thế, bạn hãy gặp bác sĩ để được trao đổi kỹ hơn về việc sử dụng thuốc tê nhé!

Hoàng Trí HELLO BACSI

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Your Guide to Local Anesthesia
https://www.healthline.com/health/local-anesthesia
Ngày truy cập 17.12.2018

Uses, types, and risks of local anesthesia
https://www.medicalnewstoday.com/articles/265689.php
Ngày truy cập 17.12.2018

Local anaesthesia
https://www.nhs.uk/conditions/local-anaesthesia/
Ngày truy cập 17.12.2018

Phiên bản hiện tại

15/11/2019

Tác giả: Hoàng Trí

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Tác dụng phụ của thuốc gây mê: Cẩn thận kẻo rối loạn nhận thức!

Thuốc mê: Liệu pháp kiểm soát cơn đau khi phẫu thuật


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 15/11/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo