Đeo khuyên tai từ lâu đã là một xu hướng làm đẹp được ưa chuộng của chị em phụ nữ. Ngày nay, cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp thẩm mỹ, dịch vụ bấm lỗ tai cũng trở nên phổ biến hơn. Không chỉ phụ nữ, mà ngay cả nhiều đấng mày râu cũng đang tìm đến với hình thức làm đẹp với phụ kiện này.
Bấm lỗ tai có đau không?
Bấm lỗ tai đau hay không phụ thuộc khá nhiều vào vị trí bấm để đeo khuyên. Theo lời khuyên của các chuyên gia, thùy/dái tai là vị trí bấm khuyên tai không đau và an toàn nhất. Đối với các khu vực tập trung nhiều mạch máu và dây thần kinh như sụn hay vành tai, hình thức xỏ khuyên tai sẽ tương đối gây đau đớn. Càng bấm sâu vào sụn, mức độ đau đớn sẽ càng tăng lên.
Hiện nay, có hai phương pháp đeo khuyên chủ yếu là bắn và xỏ lỗ tai. Kỹ thuật bắn lỗ tai bằng súng cần sử dụng lực mạnh hơn, nên cũng gây đau nhiều hơn so với xỏ bằng kim.
Trong trường hợp bấm lỗ tai cho bé, bạn nên cho trẻ uống thuốc giảm đau (Paracetamol) với liều lượng 15mg/kg cân nặng. Sau khi đeo khuyên xong, bạn hãy lưu ý săn sóc vết bấm cho bé cẩn thận.
Các vị trí bấm lỗ tai
Kỹ thuật bấm khuyên tai thường được thực hiện ở khu vực dái tai hoặc sụn tai. Đối với vùng dái tai, chị em có thể lựa chọn bấm đơn hoặc từ 2-3 lỗ. Nếu thuộc týp người cá tính, bạn có thể sử dụng phụ kiện để mở rộng lỗ bấm (bấm nong tai). Tuy nhiên, kỹ thuật này tương đối tốn thời gian và yêu cầu bạn phải thường xuyên đổi nong.
Trong thời gian gần đây, bấm lỗ tai ở sụn đang dần trở thành trào lưu của giới trẻ, với khả năng đeo được nhiều kiểu hoa tai rất đa dạng. Đổi lại, như đã đề cập phía trên, quy trình thực hiện sẽ gây đau đớn hơn so với bấm dái tai truyền thống.
Thực hiện bao lâu thì lành?
Một số người sau khi xỏ khuyên thường thắc mắc tại sao xỏ lỗ tai lâu lành. Thực tế, thời gian phục hồi chính xác sẽ thay đổi tùy thuộc vào độ tuổi, cơ địa từng người và vị trí bấm cụ thể. Thông thường, nếu bấm ở thùy tai, bạn sẽ cần từ 6-8 tuần để lành thương. Đối với vết bấm ở những vị trí khác, thời gian cần thiết để hồi phục sẽ lâu hơn, dao động từ 3-9 tháng.
Bấm lỗ tai kiêng ăn gì?
Bấm lỗ tai bị sưng là một tình trạng thường gặp khi bạn không lưu ý điều chỉnh chế độ ăn uống. Dưới đây là danh sách các loại thực phẩm bạn nên kiêng cữ để tránh nguy cơ sẹo thâm/dị ứng:
- Thịt bò
- Thịt gà
- Hải sản
- Rau muống
- Gạo nếp (xôi, bánh).
Sau khi bấm nên làm gì?
Khâu giữ vệ sinh tai sau khi bấm cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc rút ngắn thời gian lành thương. Dưới đây là lời khuyên dành cho bạn sau khi bấm khuyên tai:
- Không sát khuẩn vết bấm bằng cồn, vì có thể làm khô da và gây chảy máu.
- Sử dụng bông vệ sinh thấm nước ấm hay một trong các dung dịch sát khuẩn như: nước muối pha loãng, nước khử trùng, oxy già để làm sạch khu vực xung quanh vết bấm.
- Rửa tay sạch trước khi làm sạch vết bấm để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
- Trong khi chờ vết thương lành hẳn, bạn nên xoay khuyên khoảng 1-2 lần/ngày để ngăn vết bấm không bị khô cứng.
- Tránh để vết bấm tiếp xúc trực tiếp với tóc, bụi bẩn và các tác nhân môi trường khác.
- Đi khám ngay nếu vị trí bấm lỗ tai sưng to, chảy mủ hay có những biến chứng bất thường.
Bấm lỗ tai bao nhiêu tiền?
Chi phí bấm khuyên tai cụ thể sẽ tùy thuộc vào cơ sở bấm và tay nghề kỹ thuật viên. Nhìn chung, mức giá trung bình chỉ nằm trong khoảng vài trăm nghìn đồng. Nếu muốn, bạn cũng có thể tự mua dụng cụ xỏ lỗ tai tại nhà. Tuy nhiên, rủi ro biến chứng sẽ cực kỳ cao nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm và không tiệt trùng dụng cụ đúng cách.
[embed-health-tool-bmi]