Thoái hóa khớp gối là một bệnh xương khớp phổ biến có khả năng dẫn đến tàn tật nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời [1, 2]. Tuy không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng bạn có thể áp dụng các phương pháp để kiểm soát ảnh hưởng của bệnh và một số cách điều trị thoái hóa khớp gối khác để giúp giảm đau đáng kể [3].
Thoái hóa khớp gối có thể gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến thể chất và tinh thần của người bệnh [3]. Hiểu được các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối sẽ giúp bạn kiểm soát tốt hơn tình trạng của mình.
I. Thoái hóa khớp gối và những ảnh hưởng của tình trạng này
Thoái hóa khớp, còn được gọi là viêm khớp do hao mòn, là tình trạng xảy ra khi lớp sụn tự nhiên giữa các khớp bị mài mòn [4]. Lão hóa được xem là một trong những nguyên nhân có thể gây thoái hóa khớp gối [1, 4]. Tỷ lệ mắc bệnh lý này sẽ tăng dần theo độ tuổi [5, 6]. Theo đó, tính đến năm 2020, cả thế giới có hơn 654,1 triệu người từ 40 tuổi trở lên bị thoái hóa khớp gối [6]. Ở Việt Nam, khả năng mắc thoái hóa khớp gối cũng tăng dần theo độ tuổi, từ 8% ở những người 40-49 tuổi, 30% ở những người 50-59 tuổi đến 61,1% ở những người già trên 60 [7].
Thoái hóa khớp gối là một tình trạng mạn tính, tiến triển từ từ và gây ra nhiều hệ lụy nếu không được điều trị kịp thời [3, 8]. Tình trạng này có thể dẫn đến:
- Đau và cứng khớp: Tình trạng đau và cứng khớp sẽ khiến bạn khó di chuyển khớp gối và gây ảnh hưởng đến các hoạt động hằng ngày như đi bộ hoặc leo cầu thang [3, 4, 9].
- Nghiêm trọng hơn, việc mất sụn, mòn xương và hình thành gai xương do thoái hóa làm thay đổi hình dạng của khớp gối và có thể dẫn đến tàn tật ở đa số các trường hợp nặng [3, 10].
II. Cách điều trị thoái hóa khớp gối an toàn, hiệu quả
Việc điều trị thoái hóa khớp gối thường là sự kết hợp của phương pháp dùng thuốc và các phương pháp không dùng thuốc khác để giảm đau và cải thiện khả năng vận động của khớp gối [4]. Dưới đây là một số cách bạn có thể áp dụng để điều trị thoái hóa khớp gối.
Phương pháp sử dụng thuốc
Nhiều loại thuốc khác nhau có thể được sử dụng để giảm tình trạng đau và cứng khớp do thoái hóa khớp gối như paracetamol, thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs) hoặc các thuốc steroid dạng tiêm [3, 4].
Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ nhất định [4]. Ví dụ như các thuốc nhóm NSAIDs thường ảnh hưởng lên đường tiêu hóa và dẫn đến một số tình trạng như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón, loét và chảy máu đường tiêu hóa… [11]. Vì vậy, nếu thuộc nhóm đối tượng có nhiều nguy cơ như người lớn tuổi, bệnh nhân có nhiều bệnh nền hoặc sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau, bạn hãy trao đổi ngay với bác sĩ để được chỉ định sử dụng thuốc phù hợp [11]. Đối với những bệnh nhân gặp vấn đề về tiêu hóa, bác sĩ có thể chỉ định các NSAIDs chọn lọc COX-2 vì chúng được chứng minh ít gây tác dụng phụ trên đường tiêu hóa hơn các NSAIDs không chọn lọc [12].
Cách điều trị thoái hóa khớp gối không dùng thuốc
Ngoài dùng thuốc, một số phương pháp không dùng thuốc dưới đây cũng giúp bạn kiểm soát tình trạng thoái hóa khớp gối một cách hiệu quả [4, 13, 14]:
- Nghỉ ngơi
- Tập thể dục
- Giảm cân
- Điều chỉnh lại chế độ ăn
- Chườm nóng, chườm đá
- Bôi capsaicin
- Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ
Những phương pháp trên thường giúp giảm đau và cải thiện đáng kể các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, nếu các phương pháp này không mang lại hiệu quả, bạn có thể cần phẫu thuật thay khớp gối [3. 4].
Tình trạng thoái hóa khớp gối có thể nghiêm trọng và khó kiểm soát hơn bạn nghĩ. Hãy cùng xem video dưới đây để hiểu rõ hơn về những ảnh hưởng của thoái hóa khớp gối cũng như lắng nghe câu chuyện của bà A, một người bị thoái hóa khớp gối lâu năm, trong hành trình chung sống cùng căn bệnh này nhé.
Viatris đồng hành nâng cao kiến thức bệnh học cộng đồng.
HelloBacsi.com cung cấp đường dẫn trong mục các chủ đề liên quan, bài cùng chuyên mục và bài có nhiều người đọc vì mục đích thuận tiện tra cứu. Viatris không kiểm duyệt các đường dẫn trong trang này và cũng không chịu trách nhiệm về nội dung hay hoạt động của các trang liên kết này.
[embed-health-tool-bmi]