Viêm bao gân có thể gây ra những ảnh hưởng đến chức năng vận động của khớp. Người bệnh nếu không điều trị tốt có thể bị tổn thương gân hay khớp vĩnh viễn. Để tìm hiểu rõ hơn về tình trạng này, mời bạn cùng đọc tiếp bài viết sau đây.
Viêm bao gân là gì?
Gân là một loại mô liên kết, nối cơ bắp với xương dính lại với nhau. Chúng giúp kiểm soát các hành động như chạy, nhảy, cầm nắm và nâng đỡ. Nếu không có gân, bạn sẽ không có khả năng thực hiện các cử động bình thường.
Bên ngoài gân có một lớp bảo vệ được gọi là bao hoạt dịch gân. Vai trò của lớp bao đó là tiết ra hoạt dịch để giữ cho gân hoạt động trơn tru.
Các tổn thương ở gân có thể khiến cho lớp bao hoạt dịch gân gặp vấn đề. Khi đó, hoạt dịch không được tạo ra hoặc tạo ra không đủ lượng cần thiết, gây ra viêm và sưng màng bao này. Tình trạng đó được gọi là viêm bao gân. Tùy theo vị trí bị viêm mà tình trạng này được gọi tên tương ứng, như viêm bao gân cổ tay, viêm bao gân ngón tay…
Các dấu hiệu và triệu chứng viêm bao gân
Gân ở bàn tay, bàn chân và cổ tay thường dễ bị chấn thương hơn những bộ phận khác. Do đó, viêm cũng xảy ra phổ biến hơn ở những khu vực đó. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn có khả năng xảy ra ở bất kỳ gân nào, bao gồm vai, khuỷu tay hay đầu gối.
Nếu bị viêm bao gân, bạn có thể gặp phải những triệu chứng sau:
- Cứng khớp, khó di chuyển hay cử động khớp
- Sưng khớp, đau khớp
- Vùng khớp bị thương trở nên nhạy cảm, ấn vào thấy đau
- Đỏ vùng da bên ngoài vị trí gân tổn thương
Một số người còn bị sốt nhẹ. Đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng và bạn cần được điều trị y khoa ngay lập tức.
Nguyên nhân gây viêm bao gân
Tình trạng viêm này thường là kết quả của một chấn thương ở gân hoặc cơ/ xương xung quanh đó. Tình trạng này thường gặp ở những người thường xuyên thực hiện những hoạt động có cử động lặp đi lặp lại, như công việc lắp ráp, cắt cỏ hay đánh máy, người chơi thể thao…
Nguyên nhân gây ra viêm có thể không được tìm thấy. Một số trường hợp, viêm xảy ra do:
- Mắc phải một số bệnh lý làm tăng khả năng bị viêm, như viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì, gout, đái tháo đường…
- Nhiễm trùng
- Chấn thương
- Hoạt động quá mức
- Bong gân hay kéo căng gân, cơ đột ngột
Chẩn đoán viêm bao gân
Bác sĩ sẽ kiểm tra khu vực mà bạn cảm thấy đau đớn, khó chịu, nghi ngờ bị viêm. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn đi chụp MRI hoặc siêu âm để xác nhận chẩn đoán hoặc loại trừ các nguyên nhân khác như viêm khớp.
Điều trị viêm bao gân
Mục tiêu trong điều trị viêm bao gân là giảm đau và viêm. Bạn cần có thời gian nghỉ ngơi hoặc giữ cho các gân bị tổn thương ổn định để chúng phục hồi.
Các lựa chọn trong quá trình điều trị tình trạng này bao gồm:
- Sử dụng nẹp hoặc bó bột khu vực bị thương để giữ cho gân ổn định và phục hồi
- Chườm mát hoặc chườm ấm lên khu vực bị viêm để giảm đau và sưng viêm
- Sử dụng một số thuốc như thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) hoặc tiêm corticosteroid theo chỉ định từ bác sĩ
- Phẫu thuật viêm bao gân để điều trị nhiễm trùng xung quanh gân (hiếm gặp)
Viêm bao gân có liên quan đến nhiễm trùng cần phải được can thiệp điều trị ngay lập tức. Bác sĩ sẽ kê thêm thuốc kháng sinh trong toa thuốc. Trường hợp nghiêm trọng, người bệnh cần được phẫu thuật để loại bỏ mủ tích tụ quanh gân.
Nếu tình trạng viêm này xảy ra do một bệnh lý khác, như viêm khớp dạng thấp hay gout thì cần phải điều trị các vấn đề đó cùng lúc.
Khi gân đã lành lại, bác sĩ thường khuyến khích tập luyện một số bài tập để tăng cường sức mạnh cho các cơ xung quanh. Cơ khỏe mạnh sẽ giúp bảo vệ gân khỏi các tổn thương trong tương lai. Trường hợp viêm cứ tái diễn nhiều lần, bác sĩ có thể đề nghị làm phẫu thuật để điều trị triệt để vấn đề này.
Viêm bao gân có nguy hiểm không?
Nếu không được điều trị tốt, tình trạng viêm này có thể khiến gân bị hạn chế cử động vĩnh viễn hoặc bị đứt, rách. Các khớp liên quan cũng trở nên cứng và khó chuyển động.
Trường hợp có nhiễm trùng, chúng có thể lan rộng và gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Phòng ngừa viêm bao gân
Viêm bao gân sẽ ít có khả năng xảy ra nếu bạn để ý tránh thực hiện các hoạt động mạnh, quá mức hay các cử động lặp đi lặp lại. Ngoài ra, việc tập luyện để tăng cường sức mạnh cơ bắp xung quanh các khớp cũng giúp ngăn ngừa loại viêm này. Các bài tập giãn cơ và mở rộng phạm vi chuyển động cũng hữu ích trong việc phòng ngừa viêm bao gân.
Nếu bạn có vết thương hở ở gần vị trí các gân ở cổ tay, bàn tay hay bàn chân, hãy cố gắng giữ vệ sinh tốt. Ngăn ngừa nhiễm trùng xảy ra sẽ hạn chế sự hình thành và phát triển viêm.
[embed-health-tool-bmi]