backup og meta

U tuyến thượng thận

U tuyến thượng thận

U tuyến thượng thận là bệnh ít gặp và thường lành tính. Tuy nhiên, khi không điều trị và kiểm soát khối u, nó có thể gây tăng huyết áp và nhiều triệu chứng khó chịu khác. Lâu dài hơn, bệnh sẽ gây tổn thương nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng.

Tìm hiểu chung

Bệnh u tuyến thượng thận là gì?

U tuyến thượng thận là một khối u hiếm, thường không phải ung thư (u lành tính) phát triển trong tuyến thượng thận. Thông thường, loại khối u này ảnh hưởng đến một trong hai tuyến thượng thận, nhưng bệnh có thể ảnh hưởng đến cả hai tuyến.

Nếu bạn bị u tuyến thượng thận, khối u giải phóng các hormone gây ra huyết áp cao liên tục hoặc nhiều lần. Nếu không được điều trị, bệnh có thể đe dọa tính mạng hoặc dẫn đến tổn thương nghiêm trọng các cơ quan khác, đặc biệt là hệ thống tim mạch.

Hầu hết những người bị u tuyến thượng thận ở độ tuổi từ 20 đến 50, nhưng khối u có thể phát triển ở mọi lứa tuổi. Phẫu thuật để loại bỏ một khối u thường giúp huyết áp trở lại bình thường.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng u tuyến thượng thận là gì?

Các triệu chứng u tuyến thượng thận thường gặp gồm: Huyết áp cao, đổ mồ hôi nhiều, đau đầu, nhịp tim nhanh, run, da mặt xanh xao, khó thở, các triệu chứng kiểu tấn công hoảng sợ.

Ít gặp hơn là: Lo lắng, táo bón, giảm cân.

Những dấu hiệu này có thể không đổi hoặc đôi khi trở nên trầm trọng hơn vì một số yếu tố như:

  • Tình trạng cơ thể: gắng sức, lo âu hoặc căng thẳng, thay đổi vị trí cơ thể, phụ nữ chuyển dạ và sinh con, gây mê, phẫu thuật.
  • Thực phẩm giàu tyramine (chất ảnh hưởng đến huyết áp) có trong một số loại phô mai, bia, rượu vang, socola, thịt khô hoặc thịt hun khói, thực phẩm lên men (dưa cải chua, cà pháo, thịt chua)… hoặc quá chín.
  • Một số loại thuốc: Chất ức chế monoamine oxidase (MAOIs), chất kích thích (amphetamine hoặc cocaine).

Đi khám ngay nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu khó kiểm soát huyết áp cao dù đã uống thuốc và ăn kiêng đầy đủ, gia đình từng có người bị u tuyến thượng thận hay rối loạn di truyền liên quan như đa u tuyến nội tiết loại II, bệnh von Hippel-Lindau, bệnh u cận hạch di truyền hoặc u sợi thần kinh loại 1. Các rối loạn di truyền này làm tăng nguy cơ mắc u tuyến thượng thận.

Nguyên nhân gây u tuyến thượng thận

Nguyên nhân gây u tuyến thượng thận là gì?

Hiện vẫn chưa biết rõ nguyên nhân gây ra bệnh này.

Về cơ chế, khối u phát triển trong các tế bào chuyên biệt được gọi là tế bào sáng chromaffin, nằm ở trung tâm của tuyến thượng thận. Những tế bào này giải phóng các hormone nhất định, chủ yếu là adrenaline (epinephrine) và noradrenaline (norepinephrine), giúp kiểm soát nhiều chức năng của cơ thể, chẳng hạn như nhịp tim, huyết áp và lượng đường trong máu.

Vì vậy mà khi có khối u, việc điều tiết hormone tăng lên khiến cho huyết áp tăng và bệnh nhân gặp rất nhiều triệu chứng bất thường kể trên.

Mặc dù hầu hết các tế bào chromaffin ở trong tuyến thượng thận, nhưng các cụm nhỏ của tế bào này cũng nằm ở tim, đầu, cổ, bàng quang, thành sau của bụng và dọc theo cột sống. Các khối u trong các tế bào chromaffin này, được gọi chung là u cận hạch, có thể gây ra các triệu chứng tương tự nhau dù khởi phát ở vị trí nào trên cơ thể.

Biến chứng

U tuyến thượng thận có nguy hiểm không?

Huyết áp cao có thể làm tổn thương nhiều cơ quan, đặc biệt là các mô của hệ tim mạch, não và thận. Nếu không được điều trị, huyết áp cao kết hợp với u tuyến thượng thận có thể dẫn đến một số tình trạng quan trọng, bao gồm: Bệnh tim, đột quỵ, suy thận, suy hô hấp cấp tính, tổn thương các dây thần kinh mắt.

Trong các trường hợp hiếm, u tuyến thượng thận là ung thư (u ác tính) và các tế bào ung thư lây lan đến các bộ phận khác của cơ thể (di căn). Các tế bào ung thư từ u tuyến thượng thận hoặc u cận hạch thường di căn đến hệ thống bạch huyết, xương, gan hoặc phổi.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán u tuyến thượng thận?

Bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện một số xét nghiệm sau:

Xét nghiệm trong phòng thí nghiệm

Bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm sau đây để đo mức adrenaline, noradrenaline hoặc các chất khác trong cơ thể của bạn:

  • Xét nghiệm nước tiểu 24 giờ. Bạn sẽ được yêu cầu lấy mẫu nước tiểu mỗi khi đi tiểu trong khoảng thời gian 24 giờ. Nhân viên y tế sẽ hướng dẫn bạn cách cất giữ, dán nhãn và trả lại mẫu.
  • Xét nghiệm máu. Bạn sẽ được rút máu để làm xét nghiệm. Nói chuyện với bác sĩ về các lưu ý đặc biệt, chẳng hạn như nhịn ăn hoặc ngừng một loại thuốc. Đừng bỏ liều thuốc mà không có chỉ dẫn từ bác sĩ.

Xét nghiệm hình ảnh

Nếu kết quả của các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy bạn có khả năng bị u tuyến thượng thận hoặc u cận hạch, bác sĩ sẽ yêu cầu một hoặc nhiều xét nghiệm hình ảnh để định vị khối u. Các xét nghiệm này có thể bao gồm:

  • CT scan
  • MRI
  • Chụp M-iodobenzylguanidine (MIBG)
  • Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET)

Xét nghiệm di truyền

Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm di truyền để xác định xem u tuyến thượng thận có liên quan đến rối loạn di truyền hay không. Thông tin về các yếu tố di truyền có thể quan trọng vì một số lý do sau:

  • Một số rối loạn di truyền có thể gây ra nhiều tình trạng sức khỏe, do đó kết quả xét nghiệm có thể cho thấy cần phải sàng lọc các vấn đề y tế khác.
  • Một số rối loạn có nhiều khả năng tái phát hoặc gây ung thư (u ác tính), kết quả xét nghiệm của bạn có thể ảnh hưởng đến quyết định điều trị hoặc kế hoạch dài hạn để theo dõi sức khỏe.
  • Kết quả từ các xét nghiệm của bạn có thể chỉ ra rằng các thành viên khác trong gia đình nên được sàng lọc cho u tuyến thượng thận hoặc các tình trạng liên quan.

Hãy hỏi bác sĩ về các dịch vụ tư vấn di truyền có thể giúp bạn hiểu lợi ích và tác động của xét nghiệm di truyền.

Nếu vô tình phát hiện khối u trong tuyến thượng thận khi khám bệnh khác, bác sĩ sẽ yêu cầu các xét nghiệm bổ sung để xác định bản chất của khối u.

Những phương pháp nào dùng để điều trị u tuyến thượng thận?

Phương pháp điều trị chính cho u tuyến thượng thận là phẫu thuật để loại bỏ khối u. Trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ kê toa các loại thuốc huyết áp cụ thể ngăn chặn hoạt động của các hormone adrenaline để giảm nguy cơ phát triển huyết áp cao nguy hiểm trong quá trình phẫu thuật.

Thuốc dùng trước phẫu thuật

Bạn có thể sẽ dùng hai loại thuốc trong vòng 7–10 ngày giúp hạ huyết áp trước khi phẫu thuật. Những loại thuốc này sẽ thay thế hoặc được bổ sung vào các loại thuốc huyết áp khác mà bạn dùng.

  • Thuốc chẹn alpha giữ cho động mạch và tĩnh mạch nhỏ mở và thư giãn, cải thiện lưu lượng máu và giảm huyết áp. Thuốc chẹn alpha bao gồm phenoxybenzamine (Dibenzyline), doxazosin (Cardura) và prazosin (Minipress). Các tác dụng phụ có thể bao gồm nhịp tim không đều, chóng mặt, mệt mỏi, các vấn đề về thị lực, rối loạn chức năng tình dục ở nam giới và sưng ở tay chân.
  • Thuốc chẹn beta làm tim đập chậm hơn và ít lực hơn. Thuốc cũng giúp giữ cho các mạch máu mở và thư giãn. Trong quá trình chuẩn bị phẫu thuật, bác sĩ sẽ bổ sung thuốc chẹn beta vài ngày sau khi bạn bắt đầu dùng thuốc chẹn alpha. Thuốc chẹn beta bao gồm atenolol (Tenormin), metoprolol (Lopressor, Toprol-XL) và propranolol (Inderal, Innopran XL). Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm mệt mỏi, đau bụng, đau đầu, chóng mặt, táo bón, tiêu chảy, nhịp tim không đều, khó thở và sưng tay chân.
  • Chế độ ăn nhiều muối. Chất chẹn alpha và beta mở rộng (giãn nở) các mạch máu, làm cho lượng nước trong mạch máu thấp. Điều này có thể gây hạ huyết áp tư thế đứng. Chế độ ăn nhiều muối sẽ tích nhiều nước bên trong các mạch máu, ngăn ngừa sự phát triển của huyết áp thấp trong và sau khi phẫu thuật.

Phẫu thuật

Trong hầu hết các trường hợp, toàn bộ tuyến thượng thận và khối u sẽ được loại bỏ bằng phẫu thuật nội soi. Bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một vài lỗ nhỏ và chèn các thiết bị được trang bị vào máy quay video và các công cụ nhỏ qua các lỗ đó.

Tuyến thượng thận khỏe mạnh còn lại sẽ vẫn thực hiện các chức năng bình thường và huyết áp thường trở lại bình thường.

Trong một số tình huống bất thường, chẳng hạn như một tuyến thượng thận đã được loại bỏ, phẫu thuật có thể chỉ loại bỏ khối u và giữ lại các mô khỏe mạnh.

Nếu khối u là ung thư (u ác tính), hiệu quả của phẫu thuật có thể dựa vào việc loại bỏ khối u và tất cả các mô ung thư. Tuy nhiên, ngay cả khi tất cả các mô ung thư không được loại bỏ, phẫu thuật có thể hạn chế sản xuất hormone và kiểm soát huyết áp.

Điều trị ung thư

Vì ung thư là tình trạng hiếm của các trường hợp u tuyến thượng thận, nên các phương pháp điều trị còn hạn chế. Điều trị các khối u ác tính và ung thư di căn liên quan đến u tuyến thượng thận có thể bao gồm:

  • Xạ hình
  • Hóa trị
  • Liệu pháp nhắm trúng đích.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Pheochromocytoma https://medlineplus.gov/ency/article/000340.htm Ngày truy cập 05/10/2018

Pheochromocytoma https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pheochromocytoma/symptoms-causes/syc-20355367 Ngày truy cập 05/10/2018

Adrenal Tumors https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17769-adrenal-tumors Ngày truy cập 09/07/2021

Pheochromocytoma: An Adrenal Gland Tumor https://www.cedars-sinai.org/health-library/diseases-and-conditions/p/pheochromocytoma-an-adrenal-gland-tumor.html Ngày truy cập 09/07/2021

Adrenal Tumors https://www.mdanderson.org/cancer-types/adrenal-tumors.html Ngày truy cập 09/07/2021

Phiên bản hiện tại

09/07/2021

Tác giả: Tố Quyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Chóng mặt do rối loạn tiền đình khi nào cần đi khám và dùng thuốc ra sao?

U sợi thần kinh loại 1 (NF1)


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 09/07/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo