Định nghĩa
Nhược cơ (yếu cơ) là bệnh gì?
Bệnh nhược cơ, hay bệnh yếu cơ, là một bệnh tự miễn gây rối loạn thần kinh cơ. Điều này làm cho cơ mắt, mặt, cổ họng, cánh tay… yếu và mệt mỏi. Khi bị nhược cơ, tình trạng yếu cơ sẽ xảy ra nhiều nhất trong 3 năm đầu, sau đó bệnh sẽ tiến triển chậm dần.
Triệu chứng và dấu hiệu
Những dấu hiệu và triệu chứng của nhược cơ (yếu cơ) là gì?
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nhược cơ mà bạn thường gặp bao gồm:
- Khó thở: do cơ thành ngực bị suy yếu;
- Nhai hoặc nuốt khó khăn;
- Chảy nước dãi;
- Gặp khó khăn trong di chuyển, cử động hoặc khi nói;
- Mệt mỏi;
- Khàn tiếng hoặc giọng nói bị thay đổi;
- Bị chứng song thị (nhìn thấy 2 ảnh của cùng 1 vật);
- Sụp mí mắt
Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nên gọi bác sĩ hoặc đến bệnh viện nếu bạn bị khó thở hoặc các triệu chứng nặng hơn. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra nhược cơ (yếu cơ) là gì?
Hiện nay vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra yếu cơ. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng bệnh tự miễn và phì đại tuyến ức có liên quan đến việc hình thành bệnh này. Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng có khả năng gây nên bệnh yếu cơ.
Nguy cơ mắc bệnh
Những ai thường mắc phải nhược cơ (yếu cơ)?
Tất cả mọi người đều có khả năng mắc bệnh. Tuy nhiên, nhược cơ phổ biến ở những phụ nữ dưới 40 tuổi và nam giới trên 50 tuổi. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc nhược cơ (yếu cơ)?
Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc nhược cơ bao gồm:
- Có u tuyến ức;
- Bị bệnh truyền nhiễm;
- Đang điều trị bệnh tim mạch và huyết áp cao;
- Có ba hoặc mẹ bị nhược cơ.
Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Những phương pháp nào dùng để điều trị nhược cơ (yếu cơ)?
Không có thuốc đặc biệt để điều trị bệnh nhược cơ. Các loại thuốc được sử dụng chỉ làm cho triệu chứng bạn đang gặp phải thuyên giảm. Một số loại thuốc có thể được sử dụng bao gồm:
- Neostigmine;
- Pyridostigmine;
- Prednisone;
- Azathioprine;
- Cyclosporine hoặc Mycophenolate Mofetil.
Nếu nhược cơ khiến bạn gặp khó khăn trong việc hô hấp, bạn sẽ được dùng các thiết bị hỗ trợ.
Các phương pháp khác dùng để điều trị nhược cơ đó là tách kháng thể khỏi huyết tương và dùng immunoglobulin liều cao để điều trị.
- Ở liệu pháp tách kháng thể khỏi huyết tương,các tế bào hồng cầu và bạch cầu sẽ được tách ra khỏi huyết tương. Sau đó, các tế bào máu không có huyết tương sẽ được đưa trở lại vào trong cơ thể.
- Ở liệu pháp dùng immunoglobulin liều cao, bác sĩ tiêm protein (chất hệ miễn dịch thường sử dụng để tấn công các loài sinh vật) vào tĩnh mạch với số lượng nhỏ.
Trong trường hợp phát hiện khối u (mà khối u này do nhược cơ gây ra), bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u này. Phẫu thuật mắt cũng có thể được sử dụng nếu bạn gặp phải những vấn đề về tầm nhìn. Ngoài ra, tập vật lý trị liệu cũng là phương pháp hữu ích trong việc điều trị nhược cơ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán nhược cơ (yếu cơ)?
Bác sĩ có thể chẩn đoán dựa trên khám thực thể toàn diện và các xét nghiệm như xét nghiệm về phổi, phản xạ và sự yếu cơ. Ngoài ra, còn có các phương pháp khác như điện tâm đồ (ECG), xét nghiệm Tensilon, xét nghiệm máu và chụp cắt lớp vi tính (CT).
Phong cách sống và thói quen sinh hoạt
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của nhược cơ (yếu cơ)?
Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến bệnh yếu cơ:
- Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn;
- Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn;
- Cố gắng cân bằng giữa thời gian nghỉ và các hoạt động để ngăn ngừa yếu cơ;
- Tập vật lí trị liệu để giữ cơ bắp khỏe mạnh;
- Đối với tình trạng song thị hoặc mờ mắt, bạn hãy khám bác sĩ nhãn khoa, và không lái xe hoặc vận hành máy móc nặng;
- Nếu bạn gặp khó khăn khi nuốt, hãy thử các thức ăn có độ đặc khác nhau và tìm ra loại thích hợp nhất với bạn;
- Tránh bị áp lực hoặc căng thẳng (stress);
- Tránh hút thuốc và khói bụi.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
[embed-health-tool-bmi]