backup og meta

Chấn thương mắt

Chấn thương mắt

Chấn thương mắt là một tai nạn phổ biến, có thể xảy ra trong nhiều tình huống thường ngày, chẳng hạn như bị đấm vào mắt. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách xử lý an toàn và phù hợp.

Vậy chấn thương mắt là gì và nguyên nhân nào gây nên tình trạng này? Mời bạn cùng tìm hiểu trong bài viết sau nhé.

Tìm hiểu chung

Chấn thương mắt là gì?

Chấn thương mắt là những tai nạn tương đối phổ biến có thể xảy ra trong nhiều tình huống thường ngày, chẳng hạn như bị đấm vào mắt. Nếu không được xử lý đúng cách và kịp thời, mắt bị thương tổn có nguy cơ cao để lại hệ quả nghiêm trọng, bao gồm cả mất thị lực vĩnh viễn.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng chấn thương mắt là gì?

Nhìn chung, các triệu chứng phổ biến của chấn thương ở mắt có thể bao gồm:

  • Cảm thấy đau nhức, bỏng rát hoặc cộm trong mắt
  • Tụ máu bầm trong mắt hoặc chảy máu trong mắt
  • Chảy nhiều nước mắt
  • Giảm tầm nhìn, mờ mắt
  • Đỏ mắt
  • Nhạy cảm với ánh sáng

chấn thương mắt khiến bạn nhạy cảm với ánh sáng

Bên cạnh đó, đôi khi mắt bị tổn thương cũng có thể kéo theo một số biểu hiện khác như:

  • Sưng mí mắt
  • Sưng tấy và bầm tím quanh mắt

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Trong hầu hết các trường hợp, nếu bạn có các triệu chứng diễn ra liên tục như đau, rối loạn thị giác, máu bầm trong mắt, biểu hiện bất thường của mắt hoặc tụ máu mắt sau chấn thương cụ thể, nên đến ngay khoa cấp cứu hoặc gặp bác sĩ nhãn khoa để được xử lý đúng cách và kịp thời.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây chấn thương mắt?

Có rất nhiều nguyên nhân gây chấn thương ở mắt, chẳng hạn như:

  • Tiếp xúc hay bị bỏng do các hóa chất
  • Xuất huyết dưới kết mạc (có thể tự phát hoặc liên quan đến chấn thương cụ thể)
  • Trầy xước giác mạc (thường do bị móng tay chọc vào mắt hoặc đeo kính áp tròng quá lâu)
  • Viêm mống mắt do chấn thương (có thể do bị vật cứng đâm vào mắt)
  • Chấn thương nhãn cầu và hốc mắt (do bị đấm hoặc bị vật cứng đập vào mắt và cấu trúc xung quanh)
  • Rách mí mắt,  kết mạc, giác mạc hoặc củ mạc (chủ yếu do bị vật nhọn chọc vào mắt)
  • Dị vật trong mắt
  • Viêm giác mạc do tia cực tím (bỏng giác mạc do đèn chiếu sáng)
  • Bệnh võng mạc do mặt trời

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Sơ cứu chấn thương mắt

Trong một số trường hợp, bạn cần được sơ cứu vết thương trước khi đưa đến bệnh viện. Với những loại chấn thương cụ thể, bạn có những cách sơ cứu khác nhau. Dưới đây là cách sơ cứu những chấn thương mắt thường gặp.

Sơ cứu khi bị hóa chất bắn vào mắt

Nếu bạn đeo kính áp tròng và bị hóa chất bắn vào mắt, hãy tháo kính ngay lập tức. Đeo kính áp tròng có thể giữ hóa chất lâu hơn trong giác mạc, gây đau và có thể dẫn đến tổn thương mắt vĩnh viễn.

Sử dụng kính áp tròng sai cách có thể làm chấn thương mắt

Ngay khi bị hóa chất bắn vào mắt, bạn hãy rửa mắt ngay dưới vòi nước hoặc dùng nước rửa mắt trong ít nhất 15 phút.

Sau đó, bạn nên đến bệnh viện ngay để được chăm sóc. Nếu có thể, hãy mang theo hộp đựng hóa chất để giúp bác sĩ xác định được loại hóa chất mà bạn đã tiếp xúc và có hướng xử lý phù hơp

Sơ cứu khi có dị vật trong mắt

Nếu cảm thấy có dị vật trong mắt, bạn không được dụi mắt. Dụi mắt có thể khiến dị vật cọ xát nhiều hơn vào mắt, và càng gây chấn thương ở mắt. Bạn có thể thực hiện các bước sơ cứu sau khi bị dị vật rơi vào mắt:

  • Đầu tiên, bạn hãy rửa tay thật sạch bằng xà phòng hoặc nước ấm để ngăn ngừa nhiễm trùng.
  • Tiếp theo, bạn hãy thử rửa mắt bằng nước. Dùng các ngón tay kéo nhẹ nhàng trên vùng mi mắt. Việc này sẽ kích thích mắt tiết nước mắt và giúp tống dị vật ra ngoài.
  • Nếu nhìn thấy dị vật trong mắt, bạn có thể lấy nó ra bằng một chiếc khăn sạch. Nhẹ nhàng kéo mí mắt trên hoặc dưới lên rồi dùng khăn sạch nhẹ nhàng lấy dị vật khỏi mắt.
  • Nếu dị vật quá khó lấy, bạn nên dừng lại và đến bệnh viện ngay.

Sơ cứu vết cắt hoặc xước trên mắt hoặc mí mắt

Nếu các chấn thương ở mắt có kèm theo các vết xước hoặc cắt, bạn nên đến bệnh viện ngay lập tức. Tuy nhiên, bạn cần tuân thủ một số yêu cầu sau để đảm bảo an toàn:

  • Không rửa mắt hoặc mí mắt
  • Nếu có dị vật rơi vào mắt, không lấy nó ra vì có thể gây tổn thương thêm.
  • Che mắt bằng một miếng gạc hoặc một miếng vải sạch.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán chấn thương mắt?

Để kiểm tra các tổn thương ở giác mạc, các bác sĩ thường nhỏ một giọt thuốc nhuộm đặc biệt hoặc phẩm màu vào khu vực tạo nước mắt làm ẩm mắt. Thuốc nhuộm phát huỳnh quang, làm đổi màu khu vực giác mạc bị tổn thương. Khi ánh sáng xanh trời chiếu vào mắt, vết trầy xước giác mạc chuyển sang màu xanh lục.

Đèn khe là một dụng cụ khám mắt hay được dùng. Đèn khe về cơ bản là một kính lúp đặc biệt và kính hiển vi chiếu sáng để khám xét mắt chi tiết hơn.

X-quang hiếm khi được sử dụng trong trường hợp này, trừ khi có nghi ngờ gãy xương ổ mắt, dị vật trong mắt hay trong nhãn cầu. Dị vật giác mạc không cần X-quang.

Chấn thương mắt và cách điều trị

Bác sĩ nhãn khoa

Chấn thương mắt nhẹ có thể được xử trí ngay tại phòng cấp cứu. Đối với chấn thương nghiêm trọng hơn hoặc nếu có bất kỳ thắc mắc nào ngay cả với những chấn thương dường như không đáng kể, bạn nên được tư vấn bởi bác sĩ nhãn khoa.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của chấn thương mắt?

Hầu hết các chấn thương mắt nhẹ có thể được điều trị tại nhà.

  • Nếu bạn có một vết cắt trên mí mắt, dùng băng vô trùng hoặc vải sạch để bảo vệ khu vực này, không sử dụng băng bông mịn băng quanh mắt. Những loại băng bông mịn có thể bị bung ra và sợi bông mắc kẹt trong mắt. Bạn nên giữ cho băng sạch và khô.
  • Để làm giảm sưng quanh mắt, bạn chườm đá hoặc túi lạnh trong 15 phút, 3 hoặc 4 lần mỗi ngày trong vòng 48 giờ đầu tiên sau khi  bị chấn thương. Bạn chườm lạnh càng sớm thì sưng nề mắt càng giảm nhanh. Bạn nên đặt một miếng vải giữa túi đá và da của bạn. Khi đã bớt sưng đắp  gạc ấm có thể giúp giảm đau.
  • Không sử dụng gói hoá chất đắp cho vùng mắt. Nếu gói bị rò rỉ, các hóa chất có thể gây tổn thương mắt nặng hơn.
  • Giữ đầu cao giúp giảm sưng.
  • Uống thuốc giảm đau không cần toa như acetaminophen, ibuprofen hoặc aspirin để giảm đau. Đừng uống aspirin nếu bạn dưới 20 tuổi trừ khi do bác sĩ kê toa.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Eye injury. https://www.webmd.com/eye-health/tc/eye-injuries-home-treatment#1. Ngày truy cập 26/10/2017

Eye injury. https://www.emedicinehealth.com/eye_injuries/page4_em.htm#how_do_health-care_professionals_diagnose_eye_injuries. Ngày truy cập 26/10/2017

First Aid for Eye Injuries https://www.webmd.com/first-aid/first-aid-eye-injuries# Ngày truy cập 03/03/2021

Phiên bản hiện tại

07/04/2021

Tác giả: Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

NHỮNG HIỂU LẦM VỀ BỆNH GLÔCÔM

Đau mắt


Tác giả:

Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

Đa khoa · Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội


Ngày cập nhật: 07/04/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo