Việc hiểu rõ “giá trị bảo hiểm” là gì là điều cần thiết để hiểu được các điều khoản của hợp đồng bảo hiểm tài sản. Cũng từ khái niệm này mà có các loại “hợp đồng bảo hiểm dưới giá trị” và “hợp đồng bảo hiểm trên giá trị”. Ngoài ra, nhiều người cũng thường hiểu nhầm về “giá trị hợp đồng bảo hiểm” và “giá trị bảo hiểm giảm” là gì.
Hãy cùng làm quen với những thuật ngữ này một cách đơn giản, dễ hiểu qua những thông tin tổng hợp được trong bài viết dưới đây cùng Hello Bacsi bạn nhé.
Tìm hiểu khái niệm giá trị bảo hiểm trong bảo hiểm tài sản
Giá trị bảo hiểm là gì?
Trong bảo hiểm tài sản, giá trị bảo hiểm (total insurable value) là giá trị thị trường của tài sản, tức đối tượng bảo hiểm của hợp đồng, tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Thông thường giá trị thị trường của tài sản bao gồm giá mua hoặc bán tài sản đó. Ngoài ra, các chi phí khác liên quan đến tài sản (ví dụ vận chuyển, lắp đặt…) cũng có thể được tính vào giá trị thị trường và coi như là giá trị bảo hiểm.
Giá trị thị trường của tài sản thường không cố định qua thời gian (do hao mòn, do biến động vật giá…) nên giá trị bảo hiểm sẽ được người mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm thống nhất ở một mức cố định và ghi vào hợp đồng bảo hiểm.
Giá trị bảo hiểm là căn cứ để xác định số tiền bảo hiểm, giới hạn cho các trách nhiệm bảo hiểm, cũng như xác định phí bảo hiểm.
Giá trị bảo hiểm được tính toán, xác định như thế nào?
Tài sản có thể còn nguyên mới hoặc đã qua sử dụng:
- Với tài sản mới: là giá trị mua mới, chi phí tạo ra, làm mới, xây dựng tài sản… (có thể cộng thêm các chi phí vận chuyển, lắp đặt…).
- Với tài sản đã qua sử dụng: là giá trị còn lại của tài sản = giá trị lúc mới – giá trị khấu hao. Giá trị bảo hiểm cũng có thể là giá trị đánh giá lại (theo kết luận của hội đồng thẩm định giá, chuyên gia giám định độc lập…).
Phân biệt giá trị bảo hiểm và số tiền bảo hiểm
Điều 41 Luật Kinh doanh Bảo hiểm định nghĩa: số tiền bảo hiểm là số tiền bên mua bảo hiểm yêu cầu bảo hiểm cho tài sản đó.
Nói cách khác, số tiền bảo hiểm là phần giá trị bảo hiểm (tức giá trị của tài sản tại thời điểm giao kết hợp đồng) được đồng ý bảo hiểm theo sự đồng thuận của hai bên, ghi rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Khi xảy ra tổn thất, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm khôi phục phần giá trị đã nhận bảo hiểm về trạng thái trước tổn thất.
Ví dụ: Một chiếc xe gắn máy được mua mới với giá 20 triệu, kèm hợp đồng bảo hiểm vật chất xe. Số tiền bảo hiểm của hợp đồng là 15 triệu. Như vậy hợp đồng này chỉ bảo hiểm cho ¾ giá trị của chiếc xe. Nếu xảy ra tổn thất được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ bồi thường để khôi phục ¾ giá trị ở thời điểm tổn thất của xe.
Thông tin thêm: Giá trị hợp đồng bảo hiểm là gì?
Trong bảo hiểm nhân thọ, một lĩnh vực không liên quan với bảo hiểm tài sản, bạn sẽ thường gặp cụm từ “mệnh giá hợp đồng bảo hiểm”, gọi tắt “mệnh giá bảo hiểm”, thay cho “số tiền bảo hiểm”. Mệnh giá bảo hiểm nhân thọ thường được gọi một cách nôm na là giá trị hợp đồng bảo hiểm. Cách gọi này không được sử dụng trong các văn bản bảo hiểm chính thức.
Tóm lại: Số tiền bảo hiểm không phải là giá trị bảo hiểm và nó có thể bằng hoặc nhỏ hơn giá trị bảo hiểm. Giá trị bảo hiểm sẽ ảnh hưởng đến việc giao kết số tiền bảo hiểm và phí bảo hiểm.
Tương quan giữa số tiền bảo hiểm và giá trị bảo hiểm của 3 loại hợp đồng bảo hiểm tài sản
1. Hợp đồng bảo hiểm trên giá trị: giá trị bảo hiểm được định giá sai
Hợp đồng bảo hiểm trên giá trị là gì?
Theo Điều 42 Luật Kinh doanh Bảo hiểm: Hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị là hợp đồng trong đó số tiền bảo hiểm cao hơn giá trị thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng.
Có được giao kết hợp đồng bảo hiểm trên giá trị?
Cũng theo Điều 42, “Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm không được giao kết hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị.”
Điều đó phù hợp với nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm, theo đó người được bảo hiểm không được phép nhận số tiền bồi thường lớn hơn tổn thất thực tế đã xảy ra cho họ.
Nguyên nhân dẫn đến hợp đồng bảo hiểm trên giá trị
Giá trị bảo hiểm đã được định giá cao hơn giá trị thị trường thật của tài sản tại thời điểm giao kết.
Làm gì nếu đã giao kết hợp đồng bảo hiểm trên giá trị
Nếu do lỗi vô ý của bên mua bảo hiểm mà giao kết hợp đồng bảo hiểm trên giá trị, doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn trả lại cho bên mua bảo hiểm phần phí đã đóng tương ứng với số tiền bảo hiểm dôi ra so với giá trị bảo hiểm, sau khi trừ đi các chi phí hợp lý liên quan.
Nếu xảy ra tổn thất, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ có trách nhiệm bồi thường phần thiệt hại không vượt quá giá thị trường của tài sản.
2. Hợp đồng bảo hiểm dưới giá trị: số tiền bảo hiểm < giá trị bảo hiểm
Hợp đồng bảo hiểm dưới giá trị là gì?
Theo Điều 43 Luật Kinh doanh bảo hiểm: Hợp đồng bảo hiểm dưới giá trị là hợp đồng trong đó số tiền bảo hiểm thấp hơn giá trị thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng.
Có được phép giao kết hợp đồng bảo hiểm dưới giá trị không?
Pháp luật cho phép giao kết hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị.
Nguyên nhân dẫn đến hợp đồng bảo hiểm dưới giá trị
Giao kết hợp đồng này là sự tự nguyện của người mua bảo hiểm. Số tiền bảo hiểm nhỏ hơn giá trị bảo hiểm.
Bồi thường như thế nào nếu giao kết hợp đồng dưới giá trị
Doanh nghiệp chỉ chịu trách nhiệm bồi thường theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm và giá trị bảo hiểm.
Trong ví dụ ở đầu bài viết: Giả sử tại thời điểm trước tổn thất, chiếc xe đã bị hao mòn do sử dụng nên giá thị trường lúc đó chỉ được 15 triệu đồng. Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ có trách nhiệm bồi thường chi phí sửa xe đủ để khôi phục ¾ của 15 triệu đồng, tức là đưa chiếc xe về giá 11.25 triệu đồng. Muốn khôi phục giá trị về mức 15 triệu đồng như khi chưa xảy ra tổn thất, người mua bảo hiểm phải tự bỏ thêm 3.75 triệu đồng.
Có nên giao kết hợp đồng bảo hiểm dưới giá trị?
Người mua bảo hiểm có thể chọn số tiền bảo hiểm thấp hơn giá trị bảo hiểm vì một số nguyên nhân:
- Giảm bớt phí bảo hiểm
- Cảm thấy khả năng xảy ra tổn thất không lớn.
Tuy nhiên, có thể thấy số tiền bảo hiểm giảm theo là rất lớn so với phí bảo hiểm tiết kiệm được. Nên việc giao kết như vậy không thực sự bảo vệ tốt tài chính cho người mua bảo hiểm nếu đã quyết định mua bảo hiểm.
3. Hợp đồng bảo hiểm ngang giá trị: số tiền bảo hiểm = giá trị bảo hiểm
Đây là loại hợp đồng bảo hiểm tài sản thường gặp nhất. Số tiền bảo hiểm bằng với giá trị thị trường của tài sản tại thời điểm giao kết. Như vậy: Số tiền bảo hiểm = Giá trị bảo hiểm = Giá trị thị trường được định giá đúng.
Khi đó nếu xảy ra tổn thất, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bồi thường để khôi phục 100% giá trị của tài sản tại thời điểm trước tổn thất và theo các điều khoản mà 2 bên đã thỏa thuận trong hợp đồng.
Giá trị bảo hiểm giảm là gì? Có liên quan đến giá trị bảo hiểm trong bảo hiểm tài sản không?
“Giá trị bảo hiểm giảm” là cách gọi phổ thông và không chính xác của số tiền bảo hiểm giảm. Đây là một khái niệm không thuộc về bảo hiểm tài sản, mà là bảo hiểm nhân thọ, còn được gọi là bảo hiểm nhân thọ có mệnh giá giảm.
Tùy vào điều khoản hợp đồng, khách hàng có thể chọn giảm số tiền bảo hiểm trong thời gian hợp đồng có hiệu lực hoặc khi tái tục. Điều đó sẽ kéo theo giảm phí bảo hiểm, giúp người tham gia được tự chủ và linh hoạt, đáp ứng những nguyện vọng như:
- Giảm gánh nặng tài chính trong trường hợp rủi ro đã giảm (nợ đã trả bớt, có tài sản để dành…)
- Chuyển một phần vốn từ quỹ bảo hiểm qua những mục tiêu khác (đầu tư, kinh doanh…)
- Sự thay đổi trong ngân sách cá nhân hoặc gia đình không cho phép đóng mức phí như cũ.
Tóm lại “giá trị bảo hiểm giảm” là gì không liên quan đến giá trị bảo hiểm trong bảo hiểm tài sản –là nội dung chính của bài viết này.
Hy vọng qua bài viết trên đây, những thuật ngữ của bảo hiểm tài sản là “giá trị bảo hiểm” là gì, “số tiền bảo hiểm”, “bảo hiểm trên giá trị” là gì và “bảo hiểm dưới giá trị” là gì không còn xa lạ và khó hiểu với bạn nữa.
[embed-health-tool-bmi]