backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Bảo hiểm tài sản là gì? Đặc điểm, nguyên tắc và quy trình bồi thường

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phó Ngọc Trinh · Ngày cập nhật: 30/11/2021

    Bảo hiểm tài sản là gì? Đặc điểm, nguyên tắc và quy trình bồi thường

    Bảo hiểm tài sản là một lĩnh vực bảo hiểm có phạm vi rộng lớn và lịch sử lâu đời. Bài viết sau sẽ cung cấp những thông tin ở mức tổng quan về loại bảo hiểm này, giúp bạn trả lời những câu hỏi cơ bản như bảo hiểm tài sản là gì, đối tượng của bảo hiểm tài sản là gì và nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm tài sản.

    Mời bạn cùng tìm hiểu tìm hiểu qua những thông tin được tổng hợp trong bài viết sau của Hello Bacsi!

    Bảo hiểm tài sản là gì?

    Cũng như các loại bảo hiểm khác, bảo hiểm tài sản giúp khách hàng khắc phục những thiệt hại khi xảy ra rủi ro. Vì không phải lúc nào cũng có thể khôi phục được tài sản về trạng thái ban đầu, thứ mà bảo hiểm tài sản quan tâm, chính là giá trị của tài sản.

    Như vậy, bảo hiểm tài sản là bảo hiểm cho giá trị của tài sản trong trường hợp xảy ra các rủi ro gây hư hỏng, mất mát…, làm giảm hoặc mất giá trị của tài sản, gây ra thiệt hại cho người được bảo hiểm.

    Bảo hiểm tài sản có thể kèm theo sản phẩm bổ trợ là bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho chủ tài sản trong trường hợp người thứ ba sử dụng tài sản đó gặp thiệt hại.

    Đối tượng của bảo hiểm tài sản là gì?

    Tất cả những gì sở hữu được đều có thể là đối tượng của bảo hiểm tài sản. Tùy vào loại bảo hiểm cụ thể, đối tượng của bảo hiểm tài sản có thể là:

    • Những vật hữu hình: nhà cửa, kho, xưởng, máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển, các loại hàng hóa, đồ vật, súc vật, mùa màng…
    • Tiền và các loại giấy tờ có trị giá quy đổi được thành tiền
    • Quyền tài sản: quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất…

    Bảo hiểm mọi rủi ro tài sản là gì?

    Tùy vào loại hình và điều khoản của bảo hiểm, sẽ có những rủi ro được bảo hiểm và những rủi ro không được bảo hiểm. Cần lưu ý rằng bảo hiểm tài sản không bảo hiểm cho trường hợp giá trị tài sản bị giảm hoặc mất do hao mòn tự nhiên hoặc do bản chất vốn có của tài sản, trừ khi được thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng.

    Ví dụ về những rủi ro làm ảnh hưởng đến giá trị tài sản gồm:

    • Thiên tai: lũ lụt, động đất, sét đánh
    • Sự cố: hỏa hoạn, tràn nước, khói
    • Lỗi con người: gây rối, đình công, rơi vỡ
    • Tai nạn: va chạm với phương tiện vận chuyển, súc vật, máy bay rơi

    Trong thực tế, đặc điểm của nhiều loại tài sản khiến việc liệt kê đầy đủ những tình huống có thể gây hư hỏng và cần được bảo hiểm trở nên không hợp lý, đôi khi bất khả thi.

    Xuất phát từ nhu cầu đó mà bảo hiểm mọi rủi ro tài sản ra đời. Bảo hiểm mọi rủi ro tài sản là loại bảo hiểm chỉ loại trừ những rủi ro được nêu cụ thể trong hợp đồng. Điều đó có nghĩa là những rủi ro nào không được loại trừ đều sẽ được bảo hiểm.

    Đây là loại bảo hiểm toàn diện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhiều khách hàng. Bảo hiểm mọi rủi ro tài sản do đó có phí tương đối cao, với xác suất xảy ra của mỗi loại rủi ro được xem xét kỹ.

    Đặc điểm của hợp đồng bảo hiểm tài sản

    bảo hiểm tài sản là gì

    1. Hợp đồng bảo hiểm tài sản là một loại hợp đồng bồi thường

    Với mục đích bồi thường, mệnh giá bảo hiểm không được vượt quá giá trị thị trường của tài sản tại thời điểm ký kết hợp đồng.

    Để đảm bảo mục tiêu này, Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định về 3 trường hợp định giá hợp đồng bảo hiểm như sau: 

    * Hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị

    Là khi mệnh giá bảo hiểm cao hơn giá trị thị trường của tài sản tại thời điểm giao kết. Loại hợp đồng này không được luật pháp cho phép. Trường hợp đã lỡ ký vì một lý do nào đó, công ty bảo hiểm cần định lại mệnh giá đúng với giá trị tài sản, tính lại mức phí bảo hiểm và trả phần phí đã đóng dôi ra cho bên mua. Khi xảy ra rủi ro, chỉ bồi thường dựa trên giá trị đúng của tài sản lúc giao kết.

    * Hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị

    Là khi mệnh giá bảo hiểm thấp hơn giá trị thị trường của tài sản tại thời điểm giao kết. Như vậy, cách tính số tiền bồi thường khi xảy ra rủi ro sẽ dựa trên (giá trị thiệt hại thực tế) x (mệnh giá bảo hiểm) / (giá trị thị trường của tài sản lúc giao kết).

    * Hợp đồng bảo hiểm trùng

    Là khi xảy ra rủi ro, cùng một tài sản được bồi thường bởi từ hai hợp đồng bảo hiểm trở lên. Khi đó, cách tính số tiền bồi thường mà mỗi hợp đồng chi trả sẽ là: (tổng số tiền bồi thường từ tất cả các hợp đồng) x (mệnh giá của hợp đồng đang nói đến) / (tổng mệnh giá tất cả các hợp đồng). Điều này giúp đảm bảo số tiền bồi thường người được bảo hiểm nhận không vượt quá thiệt hại thực tế mà người đó đã chịu.

    2. Nguyên tắc quyền lợi có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm tài sản

    Quyền lợi có thể được bảo hiểm (insurable interest) là một thuật ngữ bảo hiểm chỉ ra rằng người hưởng lợi từ bảo hiểm phải có lợi ích liên quan, phụ thuộc hoặc gắn liền với sự an toàn của đối tượng được bảo hiểm, được pháp luật công nhận. Như vậy, người thụ hưởng có lý do chính đáng để được bồi thường khi có thiệt hại xảy ra cho đối tượng được bảo hiểm.

    Đối với đối tượng bảo hiểm là tài sản, thì quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc sử dụng tài sản chính là quyền lợi có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm tài sản.

    Mối liên hệ đầu tiên được pháp luật công nhận là chủ sở hữu. Tiếp đến là người có quyền lợi và trách nhiệm trước tài sản đó như người mượn, thuê, được giao quản lý tài sản… Đây là những người có quyền lợi có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm tài sản. Họ được tham gia giao kết và hưởng lợi từ bảo hiểm của tài sản đang nói đến, dựa trên thỏa thuận chung và tuân theo quy định của pháp luật.

    3. Thời hạn bảo hiểm và phí bảo hiểm

    Bảo hiểm tài sản có thời hạn ngắn, thông thường chỉ một năm. Các công ty bảo hiểm cũng thường tạo điều kiện thuận lợi, lược đi những bước không cần thiết khi khách hàng muốn tái tục vào năm tiếp theo.

    Phí bảo hiểm tùy thuộc vào mệnh giá bảo hiểm, xác suất xảy ra rủi ro và các chế độ khác người mua được hưởng. Phí bảo hiểm có thể được đóng một lần hoặc định kỳ theo thỏa thuận của hợp đồng bảo hiểm.

    Nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm tài sản được thực hiện như thế nào?

    bảo hiểm tài sản là gì

    Giá trị thiệt hại là căn cứ bồi thường của bảo hiểm tài sản

    Để đảm bảo mục đích bồi thường của bảo hiểm tài sản, Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định số tiền bồi thường không được vượt quá giá trị thiệt hại của tài sản tại thời điểm xảy ra rủi ro.

    Giá trị thiệt hại của tài sản phải được xác định một cách trung thực, dựa trên giá trị thị trường của tài sản tại thời điểm xảy ra rủi ro và mức độ thiệt hại thực tế. Chi phí xác định do doanh nghiệp bảo hiểm chịu.

    Ngoài số tiền bồi thường, các chi phí cần thiết, hợp lý người mua bảo hiểm đã bỏ ra để đề phòng, hạn chế tổn thất… phát sinh theo chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm cũng sẽ do doanh nghiệp bảo hiểm chi trả.

    Phương thức bồi thường bảo hiểm tài sản

    Phương thức bồi thường sẽ do doanh nghiệp bảo hiểm và người mua bảo hiểm tự thỏa thuận, bao gồm:

    • Sửa chữa tài sản bị thiệt hại
    • Thay thế tài sản bị thiệt hại bằng tài sản khác
    • Trả tiền bồi thường

    Nếu hai bên không thống nhất được thì sẽ chọn cách trả tiền bồi thường.

    Trách nhiệm chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn

    Nguyên tắc này áp dụng cho trường hợp bên thứ ba có lỗi gây thiệt hại cho tài sản. Nếu đã được bảo hiểm bồi thường, người được bảo hiểm có trách nhiệm chuyển quyền yêu cầu bên thứ ba bồi hoàn khoản tiền mình đã nhận bồi thường cho doanh nghiệp bảo hiểm.

    Nếu người được bảo hiểm từ chối chuyển quyền, không bảo lưu hoặc từ bỏ quyền yêu cầu bên thứ ba bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền khấu trừ số tiền bồi thường tùy theo mức độ lỗi của người được bảo hiểm.

    Doanh nghiệp bảo hiểm không được yêu cầu bồi hoàn nếu bên thứ ba là cha, mẹ, vợ, chồng, con hoặc anh, chị, em ruột của người được bảo hiểm, trừ trường hợp những người này cố ý gây ra tổn thất.

    Giám định tổn thất, thiệt hại của tài sản được bảo hiểm

    Việc giám định tổn thất của tài sản do doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện và chịu phí.

    Nếu không đồng thuận với kết quả này, các bên có thể trưng cầu giám định viên độc lập. Nếu không đồng thuận được về giám định viên độc lập, một trong các bên có quyền yêu cầu tòa án nơi xảy ra tổn thất hoặc nơi người được bảo hiểm cư trú chỉ định giám định viên độc lập. Kết luận của giám định viên độc lập có giá trị bắt buộc đối với các bên.

    Trách nhiệm thực hiện các quy định về an toàn của người được bảo hiểm

    Để giảm thiểu rủi ro thiệt hại cho tài sản được bảo hiểm, người được bảo hiểm có trách nhiệm tuân thủ các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy, an toàn và vệ sinh lao động, và các quy định khác có liên quan.

    Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền kiểm tra, khuyến nghị, yêu cầu và ra thời hạn cho người được bảo hiểm thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho tài sản. Nếu quá thời hạn mà người được bảo hiểm vẫn không thực hiện, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền tăng phí bảo hiểm hoặc đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm tài sản.

    Doanh nghiệp bảo hiểm có thể thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho tài sản nếu bên mua bảo hiểm hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền đồng ý.

    Quy trình bồi thường trong bảo hiểm tài sản

    bảo hiểm tài sản là gì

    Việc bồi thường được thực hiện theo thỏa thuận của hợp đồng bảo hiểm tài sản.

    Hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm tài sản

    Thông thường, người được bảo hiểm cần chuẩn bị các loại giấy tờ sau:

    • Giấy yêu cầu bồi thường bảo hiểm tài sản
    • Hợp đồng bảo hiểm tài sản đã ký kết
    • Giấy chứng nhận hoặc biên bản xác nhận đủ điều kiện an toàn (về phòng cháy chữa cháy, vệ sinh lao động…)
    • Biên bản giám định thiệt hại của doanh nghiệp bảo hiểm hoặc giám định viên độc lập
    • Biên bản giám định nguyên nhân tổn thất (của đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hoặc cơ quan có thẩm quyền khác)
    • Bản kê khai tổn thất và giấy tờ chứng minh tổn thất.

    Thời hạn yêu cầu bồi thường và thực hiện việc bồi thường bảo hiểm tài sản

    Điều 28 và 29 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định:

    • Thời hạn yêu cầu bồi thường bảo hiểm tài sản là 1 năm kể từ ngày xảy ra sự kiện bảo hiểm, trừ trường hợp có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng, theo đúng quy định của pháp luật.
    • Công ty bảo hiểm phải bồi thường trong thời hạn đã thỏa thuận của hợp đồng. Nếu không có thỏa thuận thì thời hạn là 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ yêu cầu bồi thường.
    • Thời hạn khởi kiện là 3 năm kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp (nếu có).

    Trên đây là những thông tin cơ bản, giúp bạn có hiểu biết tổng quát về lĩnh vực bảo hiểm tài sản nói chung. Mỗi loại tài sản sẽ có loại bảo hiểm riêng tương ứng, được cung cấp bởi nhiều doanh nghiệp với các lợi ích, chế độ bảo hiểm khác nhau. Nếu muốn tham gia hợp đồng bảo hiểm cho tài sản của mình, bạn cần tìm hiểu cụ thể và kỹ càng để đảm bảo lợi ích. 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Phó Ngọc Trinh · Ngày cập nhật: 30/11/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo