Đặt vòng tránh thai là phương pháp tránh thai an toàn với hiệu quả lên tới 99%. Tuy nhiên nhiều chị em đang tìm hiểu về phương pháp này cũng lo lắng liệu đặt vòng tránh thai có đau không và sau khi đặt vòng ảnh hưởng gì đến việc quan hệ tình dục không?
Helllo Bacsi mời bạn đọc tiếp bài viết để tìm hiểu!
Đặt vòng tránh thai là gì?
Vòng tránh thai (IUD) là dụng cụ đặt vào tử cung để ngăn chặn quá trình tinh trùng gặp trứng để thụ tinh. Theo đánh giá của các nghiên cứu, hiệu quả ngừa thai của phương pháp này lên đến 99%.
Có 2 loại vòng trái thai:
- Vòng tránh thai nội tiết (Hormonal IUD): Giải phóng lượng hormone progesterone làm đặc chất nhầy cổ tử cung. Điều này khiến cho tinh trùng khó đi vào tử cung, thay đổi cửa sổ làm tổ, ngưng rụng trứng.
- Vòng tránh thai chứa đồng (Copper IUD): Không chứa nội tiết tố. Loại vòng tránh thai này làm thay đổi môi trường bên trong tử cung.
- Paragard
- Mirena
- Kyleena
- Liletta
- Skyla.
Ưu – nhược điểm khi đặt vòng tránh thai
Ưu điểm
Đặt vòng tránh thai là một trong những cách ngừa thai hiệu quả cao và có thể sử dụng trong khoảng 3 – 5 năm. Ưu điểm nổi bật của phương pháp này bao gồm:
- Hiệu quả tránh thai cao, sử dụng được trong thời gian dài
- Tiện lợi trong quá trình sử dụng, không phải dùng thuốc tránh thai
- Không ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt
- Vẫn có thể mang thai sau khi tháo vòng tránh thai
- Không tạo cảm giác khó chịu, vướng víu khi sử dụng.
Nhược điểm
Đặt vòng tránh thai có thể gây ra một số tác dụng phụ như rong kinh, đau bụng kinh, co thắt tử cung. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia Trung tâm Sức khỏe Tình dục – Planned Parenthood, các triệu chứng sẽ tự động thuyên giảm sau khoảng 3 – 6 tháng.
Những nhược điểm khác của phương pháp đặt vòng tránh thai bao gồm:
- Thời gian đầu vừa đặt vòng tránh thai, phụ nữ có thể gặp một số tác dụng phụ như tăng dịch tiết âm đạo, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt hoặc xuất hiện các cơn đau bụng, đau lưng…
- Vòng tránh thai không bảo vệ phụ nữ khỏi các bệnh lây qua đường tình dục (STIs).
Đặt vòng tránh thai có đau không?
Phần lớn các chị em đã đặt vòng tránh thai cho rằng sẽ có cảm giác nhói nhẹ trong lúc đặt vòng. Sau đó cơn đau sẽ giảm dần trong khoảng vài phút. Bên cạnh đó, các bác sĩ có thể dùng thuốc tê để giúp bạn giảm đau khi đặt vòng tránh thai. Quy trình đặt vòng tránh thai thường diễn ra khá nhanh từ 15 – 20 phút, đơn giản, nhẹ nhàng và không quá đau đớn.
Quy trình đặt vòng tránh thai thông thường sẽ diễn ra như sau:
- Đầu tiên, bác sĩ dùng dụng cụ y tế (mỏ vịt) để mở âm đạo, làm sạch và khử trùng để giảm nguy cơ viêm nhiễm. Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định có nên dùng thuốc gây tê hay không.
- Tiếp theo, bác sĩ bắt đầu thực hiện đặt vòng cho bạn sau khi đo chiều dài lòng tử cung bằng một dụng cụ đo chuyên biệt. Bác sĩ sẽ xác định vị trí và kích thước của tử cung để đưa chiếc vòng vào. Khi đến tử cung, vòng tránh thai sẽ mở ra thành hình chữ T.
- Thủ thuật được tiến hành nhanh, nhẹ nhàng nên hầu hết phụ nữ không cảm thấy đau đớn trong và sau khi đặt vòng.
Đặt vòng tránh thai xong quan hệ có đau không?
Cảm giác khi quan hệ tình dục khác nhau ở mỗi người. Vì vậy, đặt vòng tránh thai xong quan hệ có đau không tùy thuộc vào cảm nhận của mỗi người sau khi đặt vòng. Mặt khác, về mặt y khoa các bác sĩ cho biết, bạn có thể quan hệ tình dục bình thường ngay sau khi vừa đặt vòng tránh thai xong.
Trong một số trường hợp, nam giới có thể bị đau khi quan hệ. Điều này có thể do tử cung người nữ bị sa nên vòng tránh thai tụt thấp. Lúc này, nam giới quan hệ bị đau dương vật do chạm vào vòng tránh thai. Hoặc khi bác sĩ cắt dây của vòng tránh thai cắt quá ngắn, dây này nằm trong âm đạo có thẻ chọc vào dương vật gây đau.
Tuy nhiên, để đảm bảo không mang thai ngoài ý muốn, bạn vẫn nên sử dụng bao cao su khi quan hệ. Vì vẫn có những trường hợp rủi ro là sau khi đặt vòng thì vẫn có thai, vì tỷ lệ ngừa thai của đặt vòng không phải là tuyệt đối 100%.
Nên đặt vòng tránh thai khi nào?
Để quá trình đặt vòng tránh thai được diễn ra suôn sẻ, thời điểm đặt vòng tránh thai tốt nhất và an toàn nhất là từ 3 – 7 ngày sau khi bạn vừa hết kinh (sạch kinh).
Đối với phụ nữ sau khi sinh thường, vòng tránh thai thường đặt sau 6 tuần. Đối với phụ nữ sinh mổ, thời gian đặt vòng sẽ muộn hơn, vì phải đợi sau khoảng 3 tháng để vết mổ lành hẳn.
Đối tượng nào không nên đặt vòng tránh thai?
Theo khuyến cáo của Bệnh viện Cleveland Clinic, các đối tượng không nên sử dụng vòng tránh thai bao gồm:
- Đang nghi ngờ mang thai hoặc đang mang thai
- Người đang bị chảy máu âm đạo
- Người đang mắc bệnh ung thư cổ tử cung hoặc ung thư tử cung
- Người dị ứng với chất liệu đồng
- Người mắc bệnh gan hoặc ung thư vú không nên đặt vòng tránh thai nội tiết
- Người đã từng (khoảng 3 tháng gần đây) hoặc đang mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Những lưu ý khi đặt vòng tránh thai
- Bạn cần gặp bác sĩ để được tư vấn thật kỹ trước khi quyết định đặt vòng tránh thai
- Sử dụng túi chườm nóng để làm giảm các cơn đau ở bụng sau khi đặt vòng
- Bạn sẽ phải nằm nghỉ trong vòng 1 – 2 tiếng sau khi đặt vòng tránh thai
- Tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ sau khi đặt vòng tránh thai, để chắc chắn vòng tránh thai không bị lệch và đang hoạt động đúng cách
- Nếu gặp phải những trường hợp sau đây, chị em nên đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời: Vòng tránh thai bị rơi ra khỏi tử cung, vùng kín bị đau rát kéo dài sau khi đặt vòng.
Kết luận
Tóm lại, đặt vòng tránh thai có đau không tùy vào mức độ chịu đau của mỗi người. Tuy nhiên, quá trình đặt vòng thường diễn ra khá nhanh và quy trình thực hiện tương đối đơn giản nên sẽ ít đau.
Qua bài viết này, Hello Bacsi hy vọng đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc là đặt vòng tránh thai có đau không. Bên cạnh đó cũng giúp bạn hiểu hơn về việc đặt vòng tránh thai là như thế nào.
[embed-health-tool-ovulation]