Tiêm vắc-xin HPV là cách an toàn và hiệu quả để bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh lý do virus HPV gây ra, bao gồm ung thư cổ tử cung. Vậy điều kiện tiêm HPV là gì? Ai cần tiêm vắc-xin HPV?
HPV là từ viết tắt của human papillomavirus, virus gây u nhú ở người. Có hơn 200 chủng virus HPV khác nhau. Việc lây nhiễm HPV là rất phổ biến. Trên thực tế, hầu hết những người có quan hệ tình dục đều bị nhiễm virus HPV vào một thời điểm nào đó trong đời. Việc nhiễm HPV dai dẳng với các loại HPV nguy cơ cao là nguyên nhân gây ra ung thư cổ tử cung và nhiều loại ung thư nguy hiểm khác.
Tiêm vắc-xin HPV phòng ngừa bệnh gì?
Vắc-xin HPV giúp bảo vệ cơ thể chống lại các chủng HPV có thể tiến triển thành mụn cóc sinh dục hoặc ung thư, bao gồm ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo, âm hộ, dương vật hoặc hậu môn. Bên cạnh đó, loại vắc-xin này cũng phòng tránh các bệnh ung thư miệng, họng, đầu và cổ do virus HPV gây ra.
Theo WHO, nhiễm HPV gây ra khoảng 5% tổng số ca ung thư trên toàn thế giới. Ước tính có khoảng 625.600 phụ nữ và 69.400 nam giới mắc bệnh ung thư liên quan đến HPV mỗi năm.
Ung thư cổ tử cung là nguyên nhân gây tử vong do ung thư đứng thứ tư ở phụ nữ vào năm 2020, với ước tính khoảng 604.127 ca mắc mới và 341.831 ca tử vong trên toàn thế giới. Ung thư cổ tử cung chiếm 93% số ca ung thư liên quan đến HPV ở phụ nữ.
Tại sao bạn nên tiêm vắc-xin HPV?
Tiêm vắc-xin HPV là cách đơn giản, hiệu quả và an toàn để bảo vệ bản thân khỏi các vấn đề sức khỏe do HPV gây ra.
Theo Planned Parenthood, vắc-xin HPV có tác dụng cực kỳ tốt trong việc ngăn ngừa virus HPV nguy cơ cao. Nếu bạn tiêm tất cả các mũi vắc-xin HPV được khuyến nghị trước khi quan hệ tình dục, hiệu quả phòng ngừa mụn cóc sinh dục và ung thư do HPV có thể đạt tới 99%.
Bên cạnh đó, vắc-xin HPV có thể được tiêm cho cả nam và nữ. Nam giới cũng có thể bị nhiễm HPV và có thể lây nhiễm HPV cho bạn tình của họ. Vắc-xin HPV có thể giúp bảo vệ cả nam và nữ giới khỏi các bệnh ung thư do HPV gây ra.
Trên hết, vắc-xin HPV an toàn và có hiệu quả bảo vệ lâu dài. Theo CDC, những người được tiêm vắc-xin HPV được theo dõi trong ít nhất khoảng 12 năm, khả năng bảo vệ của họ chống lại HPV vẫn ở mức cao và không có bằng chứng giảm dần theo thời gian.
Điều kiện tiêm HPV là gì?
Tiêm HPV cần điều kiện gì? Dưới đây là những điều kiện tiêm chủng để vắc-xin phát huy hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.
1. Điều kiện tiêm HPV về độ tuổi
Vắc-xin HPV được khuyến cáo tiêm cho cả nam và nữ giới từ 9 – 26 tuổi. Nam và nữ giới trên 26 tuổi vẫn có thể tiêm vắc-xin phòng HPV. Tuy nhiên hiệu quả phòng bệnh sẽ không đạt tối ưu. Vì vậy, khi bước vào độ tuổi phù hợp, bạn nên tiến hành tiêm phòng càng sớm càng tốt.
2. Điều kiện về tình trạng sức khỏe và bệnh lý
Sức khỏe là điều kiện tiêm HPV cần lưu ý cao. Bạn chỉ nên tiêm khi đảm bảo tình trạng sức khỏe bình thường, không có biểu hiện sốt hay dị ứng.
Người đang dùng thuốc điều trị bệnh lý như tăng huyết áp, tiểu đường, suy gan… có thể ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng miễn dịch của cơ thể với vắc-xin. Trong trường hợp này, bạn cần được bác sĩ tư vấn kỹ trước khi tiêm.
Nếu bạn có phản ứng phản vệ sau khi tiêm liều đầu tiên, bạn không nên tiếp tục tiêm các liều tiếp theo. Ngoài ra, người có tiền sử dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vắc-xin HPV cần cân nhắc kỹ trước khi tiêm.
3. Tình trạng quan hệ tình dục
Đã quan hệ rồi có tiêm HPV được không? Vắc-xin HPV có thể được tiêm cho cả người chưa quan hệ tình dục và người đã từng quan hệ tình dục. Dù vậy, hiệu quả của vắc-xin HPV cao hơn ở những người chưa từng quan hệ tình dục. Nguyên nhân là do những người đã từng quan hệ có thể đã bị nhiễm một số chủng HPV. Điều này làm giảm hiệu quả ngăn ngừa của vắc-xin khỏi những chủng HPV này.
4. Điều kiện để tiêm HPV về thai kỳ
Vắc-xin ngừa HPV không được tiêm cho phụ nữ mang thai. Vì vậy, nếu có kế hoạch lập gia đình và mang bầu, phụ nữ cần sớm chủ động tiêm vắc-xin phòng ung thư cổ tử cung.
Nếu bạn có thai khi đang tiêm vắc-xin thì cần hoãn lịch tiêm và sẽ tiêm những mũi kế tiếp sau khi sinh con.
5. Điều kiện về thời gian
Vắc-xin HPV cần được tiêm theo lịch 3 mũi với thời gian hoàn thành đến 6 tháng. Do đó, bạn cần thu xếp thời gian để đi tiêm đúng lịch. Nếu bạn có lịch trình bận rộn, hãy lên kế hoạch tiêm vắc-xin HPV phù hợp với lịch trình của mình.
6. Điều kiện về kinh tế
Khả năng tài chính cũng là một trong những điều kiện tiêm HPV bạn cần lưu tâm. Việc tiêm vắc-xin HPV và các xét nghiệm phục vụ việc tiêm phòng không được bảo hiểm y tế chi trả. Do đó, bạn cần lên kế hoạch để chi trả cho vắc-xin, tránh trường hợp phải trì hoãn thời gian tiêm vì không đủ khả năng tài chính.
Tham khảo Giá tiêm ngừa ung thư cổ tử cung bao nhiêu tiền?
Người đã từng nhiễm virus HPV có nên tiêm vắc-xin HPV không?
Mặc dù vắc-xin HPV thường được khuyến nghị cho những người chưa từng quan hệ tình dục, nhưng nó vẫn có thể mang lại hiệu quả cho những người đã từng quan hệ tình dục, thậm chí đã từng nhiễm virus HPV.
Lý do là virus HPV có thể tái nhiễm. Sau khi cơ thể đào thải virus, người bệnh có nguy cơ bị nhiễm lại chúng. Miễn dịch tự nhiên không đủ để ngăn ngừa tái nhiễm, nhưng việc tiêm phòng có thể làm được điều này.
Ngoài ra, virus HPV có nhiều chủng khác nhau. Nếu bạn từng bị nhiễm một chủng HPV nào đó trước đây, bạn vẫn nên tiêm vắc-xin để được bảo vệ khỏi các chủng HPV khác.
Nên làm gì sau khi tiêm HPV?
Sau khi tiêm HPV, bạn nên nghỉ ngơi tại chỗ khoảng 30 phút để theo dõi phản ứng của cơ thể. Nếu bạn có bất kỳ biểu hiện bất thường nào như mệt mỏi, sốt, nôn ói, chóng mặt, khó thở, khò khè, ngứa họng, ngứa da… hãy thông báo cho bác sĩ hoặc nhân viên y tế ngay lập tức.
Khi về nhà, bạn nên tiếp tục theo dõi sức khỏe trong ít nhất 48 giờ để đảm bảo an toàn.
Ngoài tiêm phòng HPV, chị em cũng nên thực hiện các biện pháp sau để tăng cường sức khỏe và chủ động bảo vệ bản thân:
- Quan hệ tình dục an toàn: Quan hệ chung thủy một vợ và một chồng, sử dụng các biện pháp bảo vệ như bao cao su khi quan hệ có thể giúp giảm nguy cơ lây nhiễm virus HPV.
- Giữ gìn vệ sinh vùng kín: Vệ sinh vùng kín hàng ngày và thay đồ lót thường xuyên để đảm bảo vùng kín sạch sẽ, ngăn ngừa viêm nhiễm.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Một chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, giàu rau củ quả sẽ giúp tăng cường sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ mắc nhiều loại bệnh, bao gồm cả ung thư.
- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày giúp chị em quản lý tốt cân nặng và cải thiện hệ miễn dịch.
- Hạn chế căng thẳng: Giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, không hút thuốc và sử dụng rượu bia, chất kích thích sẽ giúp tăng cường sức đề kháng và hoạt động của hệ miễn dịch.
- Khám phụ khoa và xét nghiệm sàng lọc định kỳ: Phụ nữ nên khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần để được bác sĩ kiểm tra, phát hiện sớm các bất thường ở cổ tử cung và các cơ quan sinh sản khác. Ngoài ra, phụ nữ từ 21 tuổi nên thực hiện xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ để phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư, từ đó có phương án điều trị và ngăn ngừa ung thư phát triển.
Trên đây là điều kiện tiêm HPV để đạt hiệu quả phòng bệnh tốt nhất. Tiêm vắc-xin là lựa chọn hàng đầu giúp bạn giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung và các bệnh lý do HPV gây ra. Do đó, bạn nên sắp xếp kế hoạch để tiêm phòng và đến các cơ sở uy tín để được khám sức khỏe sàng lọc đầy đủ trước tiêm.
[embed-health-tool-ovulation]