Đổ mồ hôi trộm là triệu chứng của nhiều loại bệnh khác nhau như rối loạn lo âu, cường giáp hay HIV. Với một số người, đổ mồ hôi đêm và các triệu chứng khác của HIV thường xuất hiện sau tháng đầu tiên phơi nhiễm với virus HIV.
Mồ hôi trộm là gì? Ra mồ hôi vào ban đêm là hiện tượng bình thường nếu phòng ngủ nóng quá mức. Tuy nhiên, thuật ngữ “mồ hôi trộm” hay “đổ mồ hôi đêm” trong y học được dùng để mô tả tình trạng ra mồ hôi nhiều làm ướt hết quần áo và giường nệm, mặc dù nơi bạn ngủ mát mẻ.
Cùng Hello Bacsi tìm hiểu về tình trạng này ở người bệnh HIV để có cách đối phó tốt hơn nhé.
1. Tại sao người nhiễm HIV hay ra mồ hôi trộm?
Đổ mồ hôi là cách cơ thể phản ứng với các yếu tố nguy cơ khiến nó phải hoạt động năng suất hơn bình thường như:
- Tiếp xúc với nhiệt độ cao
- Cơ thể/tinh thần bị căng thẳng
- Mắc bệnh lý
Ngủ là cách cơ thể chống lại bệnh tật. Trong giấc ngủ, cơ thể để các cơ quan nghỉ ngơi và tự hồi phục sau một ngày dài mệt mỏi. Đó là lí do tại sao bạn thường cảm thấy sảng khoái sau một giấc ngủ ngon. Đó cũng là lí do mồ hôi trộm thường đổ ra khi cơ thể bạn đang cố chống chọi với căn bệnh nghiêm trọng như HIV.
Trong trường hợp bạn chỉ bị đổ mồ hôi trộm thì đó không phải là dấu hiệu HIV. Bạn có dấu hiệu nhiễm HIV nếu ra mồ hôi trộm kèm các triệu chứng sau:
- Sốt
- Ớn lạnh
- Đau khớp
- Tiêu chảy
- Giảm cân đột ngột
- Sưng hạch bạch huyết
Các triệu chứng trên cũng phổ biến ở các căn bệnh khác nên có chúng không có nghĩa là bạn bị mắc HIV. Nhưng nếu bạn có khả năng phơi nhiễm với HIV trong thời điểm gần đây, hãy đến thăm khám tại cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt.
2. Khi nào người bệnh HIV sẽ đổ mồ hôi trộm?
Đổ mồ hôi trộm có thể xảy ra vào các thời điểm khác nhau. Tuy nhiên, chúng thường diễn ra trong giai đoạn đầu của người bệnh HIV – giai đoạn cấp tính. Giai đoạn này bắt đầu sau 2-4 tuần khi người bệnh phơi nhiễm với HIV.
Tình trạng này sẽ tiếp diễn nếu người bệnh không được chữa trị kịp thời và chuyển qua giai đoạn AIDS. Nó sẽ trở nên nặng nề hơn và đi kèm với các triệu chứng như:
- Sụt cân nhanh chóng
- Sốt
- Mệt mỏi
- Sưng hạch bạch huyết
- Tiêu chảy
- Vết loét trên miệng hoặc vùng sinh dục
- Phát ban trên da
- Viêm phổi
- Mất trí nhớ
- Phiền muộn
3. Có thể chữa mồ hôi trộm ở người bệnh HIV không?
Câu trả lời là có, nếu bệnh nhân nhận được thuốc điều trị hiệu quả. Thông thường bác sĩ sẽ sử dụng thuốc kháng retrovirus để làm thuyên giảm lượng virus HIV có trong cơ thể người bệnh. Trong vòng 6 tháng, họ sẽ có khả năng kiểm soát được tình trạng đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm.
Lưu ý là lúc này bệnh HIV sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính. Người bệnh vẫn cần tiếp tục uống thuốc để duy trì ở giai đoạn này vô thời hạn. Bệnh sẽ không có dấu hiệu nào, ngay cả ra mồ hôi trộm.
4. Mẹo đối phó với mồ hôi trộm
Tình trạng ra mồ hôi vào ban đêm có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu. Sau đây là vài cách giúp bạn ngăn chặn bớt tình trạng này và đi vào giấc ngủ dễ hơn:
- Tắm nước lạnh
- Thay đồ ngủ
- Thay ga giường
- Giảm nhiệt độ trong phòng
- Mở cửa sổ
- Uống nước lạnh trong buổi đêm
- Đặt túi đá khô dưới gối
Như vậy, mồ hôi trộm kèm các dấu hiệu lạ thường khác có thể cảnh báo nguy cơ mắc bệnh HIV. Tình trạng đổ mồ hôi ban đêm có thể thuyên giảm khi bạn nhận được thuốc điều trị hiệu quả. Hy vọng bài viết đã cung cấp đủ thông tin về triệu chứng đổ mồ hôi ở người bệnh HIV, giúp bạn kiểm soát kỳ vọng tốt hơn và biết được bước tiếp theo cần làm để đối phó với bệnh.
[embed-health-tool-ovulation]