Giang mai là căn bệnh truyền nhiễm, nếu không được chữa kịp thời sẽ dẫn các biến chứng nặng nề. “Bệnh giang mai có chữa được không?” là một thắc mắc của rất nhiều người. Thực tế, có thể chữa được bệnh, nhưng bạn phải tuân theo một số lưu ý để bệnh nhanh hồi phục hơn.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh tại Hoa Kỳ, trong năm 2016 có tới 88.000 ca mắc bệnh giang mai. Còn ở Việt Nam, giang mai chiếm khoảng 2–3% trong gần 200.000 ca nhiễm khuẩn (năm 2017). Vậy bệnh giang mai có chữa được không? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu bài viết dưới đây nhé.
Bệnh giang mai có nguy hiểm không?
Giang mai là một bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra. Bệnh giang mai chỉ lây khi bạn tiếp xúc trực tiếp với các săng giang mai của người bệnh.
Để biết bệnh giang mai có chữa được không, trước tiên bạn hãy xem xét sự nguy hiểm của bệnh theo từng giai đoạn. Bệnh giang mai sẽ trải qua 4 giai đoạn nếu không được điều trị kịp thời như:
- Giai đoạn nguyên phát
- Giai đoạn thứ phát
- Giai đoạn tiềm ẩn
- Giai đoạn cuối
Ở mỗi giai đoạn, bệnh giang mai sẽ có những triệu chứng khác nhau. Nếu không điều trị, các triệu chứng giang mai ở từng giai đoạn sẽ tiến triển qua giai đoạn mới.
Dấu hiệu đầu tiên của bệnh giang mai là một vết loét nhỏ, không đau. Nó có thể xuất hiện trên các bộ phận như cơ quan sinh dục, trực tràng hoặc trong miệng. Các vết này được gọi là săng giang mai. Đây là giai đoạn đầu tiên của bệnh, thông thường các vết này thường có thể tự lành.
Ở giai đoạn 2, người bệnh có thể bị phát ban và có các triệu chứng giống như cúm, mệt mỏi, đau họng, nhức đầu, thậm chí là đau miệng, đau cơ quan sinh dục và trực tràng.
Tiếp theo là giai đoạn tiềm ẩn, giai đoạn này không có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào, nhưng nếu không kịp thời điều trị, nó sẽ qua giai đoạn cuối.
Giai đoạn cuối của bệnh giang mai, có thể gây ra các khối u, mù lòa và tê liệt. Hơn nữa, nó có thể phá hủy hệ thống thần kinh, não và các cơn quan khác, thậm chí là gây tử vong.
Chẩn đoán bệnh giang mai
Nếu bạn nghĩ mình bị giang mai thông qua các triệu chứng kể trên, hãy đi khám càng sớm càng tốt.
Trước tiên, bác sĩ sẽ kiểm tra các dấu hiệu giang mai trên cơ thể bạn, nhất là những vị trí thường xuất hiện. Sau đó, bác sĩ sẽ chẩn đoán tiếp bằng các xét nghiệm như:
- Xét nghiệm máu. Xét nghiệm này có thể xác định sự hiện diện của các kháng thể chống lại nhiễm trùng. Nếu bị bệnh, trong máu sẽ xuất hiện các kháng thể chống bệnh giang mai. Tuy nhiên, các kháng thể này có thể tồn tại trong cơ thể nhiều năm, vì vậy xét nghiệm này giúp xác định nhiễm trùng ở hiện tại và quá khứ.
- Dịch não tủy. Nếu nghi ngờ bạn có những biến chứng thần kinh của bệnh giang mai, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện xét nghiệm này. Bác sĩ sẽ tiến hành thu thập dịch não tủy tại thắt lưng và xét nghiệm xem có vi khuẩn giang mai không.
Chẩn đoán giang mai cho trẻ sơ sinh
Giang mai bẩm sinh thường là nhiễm trùng từ mẹ sang con trong thai kỳ. Trẻ sơ sinh mắc bệnh giang mai thường không có triệu chứng của bệnh và chỉ có thể phát hiện khi trẻ được 2 tuổi.
Chẩn đoán giang mai ở trẻ sơ sinh rất khó khăn, vì kháng thể của mẹ ở trong máu của trẻ từ 12–18 tháng đầu đời. Trong thời gian này, các bác sĩ không thể phân biệt kháng thể chống bệnh giang mai là của mẹ hay của trẻ.
Bệnh giang mai có chữa được không?
Giang mai trong giai đoạn đầu rất dễ chữa. Trước tiên, bác sĩ sẽ cho bạn điều trị bằng thuốc kháng sinh như penicillin. Penicillin là một loại thuốc kháng sinh được sử dụng rộng rãi và thường có hiệu quả trong điều trị giang mai. Nếu bạn bị dị ứng với penicillin, bác sĩ sẽ đổi kháng sinh khác cho bạn như doxycycline, azithromycin, ceftriaxone.
Nếu bị các biến chứng thần kinh do bệnh giang mai, bạn sẽ được tiêm tĩnh mạch thuốc penicillin mỗi ngày.
Trong khi điều trị, bạn nên tránh quan hệ tình dục cho đến khi tất cả các vết loét trên cơ thể được chữa lành và bác sĩ cho phép bạn quan hệ tình dục.
Bệnh giang mai có thể tái phát lại không?
Sau khi bệnh giang mai được chữa trị, bạn vẫn có thể bị lại bệnh giang mai nếu quan hệ tình dục với người bệnh. Do đó, bạn nên quan hệ tình dục an toàn để bảo vệ chính mình và người khác.
Hello Bacsi hy vọng, qua bài viết này, bạn đã có đáp án cho câu hỏi: “Bệnh giang mai có chữa được không?’. Chúc bạn có kiến thức thật tốt để bảo vệ sức khỏe bản thân và người xung quanh.
Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Hoàng Hải/HELLO BACSI
[embed-health-tool-ovulation]