Nướu răng bị đỏ, sưng đau và chảy máu không chỉ có thể là dấu hiệu của bệnh viêm nướu răng mà còn do nhiều lý do khác.
Dù nguyên nhân là gì, việc chăm sóc răng miệng đúng cách là rất cần thiết để hạn chế các khó chịu cũng như bảo vệ răng và nướu. Mời bạn cùng tham khảo những thông tin được chia sẻ trong bài viết sau của Hello Bacsi.
Nguyên nhân khiến nướu răng bị đỏ, sưng đau kéo dài hoặc tái đi tái lại
1. Đánh răng sai cách
Không nên cho rằng chỉ cần chăm chỉ đánh răng thì sẽ đảm bảo được sức khỏe răng miệng. Nướu răng rất nhạy cảm, việc đánh răng sai cách có thể làm nướu bị tổn thương.
Bạn nên chọn bàn chải đánh răng lông mềm với đầu lông đã được mài tròn. Lông bàn chải cứng thậm chí có thể phá hỏng men răng và làm cho nướu răng bị đỏ, sưng hoặc chảy máu.
Chải răng một cách nhẹ nhàng theo những đường tròn để làm sạch, massage cho răng và nướu. Thói quen chải răng theo chiều ngang có thể làm tổn thương nướu, khiến nướu sưng đau, dễ dàng chảy máu và gây tụt nướu.
2. Dùng chỉ nha khoa sai cách
Chỉ nha khoa rất cần thiết trong việc làm sạch kẽ răng nơi bàn chải không thể tiếp cận. Tuy nhiên thói quen giật mạnh để sợi chỉ lọt vào kẽ răng có thể gây tổn thương và làm cho nướu răng bị đỏ, chảy máu hoặc sưng đau.
Thay vào đó, hãy nhẹ nhàng lèn chỉ qua kẽ răng để làm sạch răng mà không gây tổn thương nướu.
Tìm hiểu thêm Hướng dẫn sử dụng chỉ nha khoa từ A đến Z cho người mới bắt đầu
3. Bệnh viêm nướu khiến nướu răng bị đỏ
Mảng bám rất dễ hình thành nếu bạn không chú ý vệ sinh răng miệng đúng cách. Những mảng bám chứa đầy vi khuẩn bao quanh chân răng chính là thủ phạm khiến viền chân răng bị đen và là nguyên nhân gây bệnh viêm nướu răng. Biểu hiện đầu tiên của bệnh là bạn sẽ thấy nướu răng bị đỏ, không bám chặt vào chân răng và rất dễ chảy máu khi đánh răng hoặc ăn thức ăn cứng.
Đây là một bệnh răng miệng cần được quan tâm đúng mức vì nếu tiến triển sẽ biến thành viêm nha chu gây mất răng vĩnh viễn.
Bạn cần cảnh giác với những dấu hiệu sau đây:
- Nướu răng bị đỏ, sưng đau và dễ chảy máu
- Nướu bị tụt
- Xuất hiện khe hở bên dưới nướu chân răng
- Hơi thở hôi dù đã vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng
- Răng có dấu hiệu lung lay
4. Chứng lở miệng (loét miệng)
Bạn có thể gặp phải vấn đề này khá thường xuyên. Một hoặc đôi khi là một vài nốt loét nhỏ xuất hiện ở bất kỳ khu vực nào trên niêm mạc miệng. Biểu hiện là viền nướu răng bị đỏ bao quanh chấm màu trắng và gây đau rát, khó chịu.
Nguyên nhân gây ra tình trạng này hiện chưa được giải thích đầy đủ, có thể bao gồm cả vi khuẩn, virus và hệ miễn dịch suy yếu, stress hoặc chế độ ăn không đảm bảo. Tuy vậy những vết loét này không hề lây.
5. Điều trị ung thư
Hóa trị thường gây ra một số tác dụng phụ, bao gồm những vết loét khá khó chịu trên niêm mạc miệng hoặc nướu răng bị đỏ và sưng đau.
6. Hút thuốc làm nướu răng bị đỏ
Việc hút thuốc trực tiếp gây ra bệnh viêm nướu làm cho nướu răng bị đỏ, cũng như là nguyên nhân của các vết loét miệng và nhiều bệnh răng miệng khác.
7. Sự thay đổi hormone ở nữ giới
Tình trạng thay đổi lượng hormone estrogen và progesterone thỉnh thoảng gây ra một số khó chịu như làm cho như nướu răng bị đỏ, sưng đau hoặc có những chấm loét nhỏ. Những dấu hiệu này thường thấy rõ ở tuổi dậy thì, ở nữ giới trưởng thành trước mỗi kỳ hành kinh và đôi khi là ở phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh.
- Ở tuổi dậy thì, lượng hormone giới tính tăng mạnh kéo theo tăng lưu lượng máu đến bề mặt nướu, hệ quả là nướu dễ bị đỏ, sưng và nhạy cảm.
- Tình trạng này cũng thường xảy ra trong một vài ngày và biến mất ngay khi chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu.
- Viêm nướu thai kỳ thường bắt đầu vào tháng thứ 2 hoặc thứ 3 và kéo dài đến tháng thứ 8. Sử dụng thuốc uống tránh thai cũng có thể gây ra vấn đề tương tự.
- Ở một số ít phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh, niêm mạc miệng thường bị khô do thay đổi hormone làm cho nướu nhạy cảm và dễ chảy máu.
Bạn có thể quan tâm Tất tần tật về mất cân bằng nội tiết mà bạn không nên bỏ qua
Những thói quen giúp ngăn ngừa nướu răng sưng đau, chảy máu
Hãy tuân theo những hướng dẫn sau để chăm sóc răng miệng đúng cách:
- Đánh răng tối thiểu 2 lần mỗi ngày. Điều cần thiết là bạn đánh răng đúng cách. Lông bàn chải di chuyển đúng để có thể làm sạch bề mặt, kẽ răng và chân răng mà không gây tổn thương men răng hay nướu.
- Dùng chỉ nha khoa nếu kẽ răng bị đóng thức ăn và mảng bám không thể làm sạch bằng bàn chải.
- Dùng nước súc miệng kháng khuẩn mỗi ngày giúp ngăn ngừa vi khuẩn gây ra bệnh viêm nướu.
- Có một chế độ ăn lành mạnh, đảm bảo đủ vitamin C và canxi sẽ giúp hạn chế các bệnh về nướu.
- Thường xuyên uống nước, nhất là sau khi ăn sẽ quét đi phần nào các mẩu thức ăn thừa nhờ đó hạn chế vi khuẩn tạo ra các mảng bám.
- Bỏ hút thuốc: Nếu bạn có thói quen xấu này.
- Hạn chế các thức ăn, đồ uống quá nóng hoặc quá lạnh nếu nướu răng đang bị đỏ, sưng đau hoặc chảy máu.
- Giải tỏa căng thẳng: Stress làm tăng lượng hormone cortisol và có thể dẫn đến các phản ứng viêm trong khắp cơ thể, bao gồm cả nướu.
Nếu tình trạng nướu răng bị đỏ, sưng đau hoặc chảy máu vẫn kéo dài hoặc lặp đi lặp lại, bạn nên đến nha sĩ để thăm khám nhằm phòng tránh những tổn thương nghiêm trọng cho răng và nướu.
[embed-health-tool-bmi]