Nghiến răng được mô tả là một chuyển động nhai trong đó mặt nhai của các răng cọ xát vào nhau. Khi nghiến răng, bạn thường ghì hai hàm răng lại và khiến các cơ xung quanh hàm bị siết chặt. Trên thực tế, bạn có thể nghiến răng cả khi đang thức hoặc trong lúc ngủ. Tuy nhiên, nghiến răng khi ngủ được xem là vấn đề tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn vì tình trạng này diễn ra trong vô thức. Điều đó nghĩa là bạn sẽ không biết mình nghiến răng với mức độ mạnh như thế nào trong lúc ngủ? Vậy tại sao ngủ lại nghiến răng? Làm sao để hạn chế điều này hiệu quả?
Trong bài viết sau đây, Hello Bacsi sẽ tổng hợp những thông tin giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân nghiến răng khi ngủ và gợi ý một số giải pháp hữu ích giúp bạn kiểm soát tại nhà.
Tại sao ngủ lại nghiến răng? Hé lộ những nguyên nhân đáng chú ý
Hiện tượng nghiến răng có thể xảy ra ở trẻ nhỏ lẫn người lớn. Nhìn chung, đa phần mọi người đều nhận thấy họ dễ bị nghiến răng hơn khi đang tập trung hoặc căng thẳng. Đối với vấn đề tại sao ngủ lại nghiến răng, thực chất là có khá nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra vấn đề này và được phân loại như sau:
Tại sao ngủ lại nghiến răng? Các nguyên nhân nguyên phát
Chứng nghiến răng nguyên phát nghĩa là tình trạng này diễn ra không do bất kỳ bệnh lý nào khác. Thay vào đó, một số yếu tố góp phần gây ra tật nghiến răng trong trường hợp này bao gồm:
- Mọc răng: Nghiến răng thường xảy ra ở trẻ đang mọc răng. Tuy nhiên, do răng và hàm của trẻ phát triển nhanh chóng nên nghiến răng ở giai đoạn thơ ấu thường tự khỏi và không gây biến chứng lâu dài.
- Lệch khớp cắn: Trong một số trường hợp, chứng nghiến răng xảy ra là do khớp cắn của bạn không thẳng hàng hoặc do mất răng. Bên cạnh đó, tình trạng bị kích ứng trong miệng cũng có thể góp phần gây ra nghiến răng.
- Căng thẳng, lo lắng: “Tại sao ngủ lại nghiến răng?” là vấn được quan tâm nhiều ở nhóm người trưởng thành. Có thể nói, một trong những nguyên nhân chính gây ra chứng nghiến răng ở người lớn khi thức lẫn khi ngủ chính là sự căng thẳng. Một số nghiên cứu cũng đã phát hiện ra mối liên hệ giữa căng thẳng và chứng nghiến răng nhưng vẫn cần được tìm hiểu thêm.
- Rượu, cà phê và thuốc lá: Một đánh giá năm 2016 về nghiên cứu trước đó cho thấy việc hấp thụ các chất kích thích cũng có liên quan đến chứng nghiến răng. Cụ thể, những người hút thuốc và uống rượu có nguy cơ mắc chứng nghiến răng cao hơn khoảng 2 lần. Trong khi đó, với người uống nhiều hơn 8 tách cà phê mỗi ngày nguy cơ này là cao gấp 1.5 lần.
Tại sao ngủ lại nghiến răng? Các nguyên nhân thứ phát
Chứng nghiến răng thứ phát xảy ra thường do một vấn đề sức khỏe hoặc tình trạng y tế khác, bao gồm:
- Vấn đề sức khỏe tâm thần: Rối loạn lo âu, trầm cảm… là những vấn đề về tâm thần có liên quan đến chứng nghiến răng. Mối liên hệ này có thể bắt đầu từ những căng thẳng trước đó vì như đã đề cập, căng thẳng là nguyên nhân chính gây chứng nghiến răng ở người lớn.
- Vấn đề về thần kinh: Một số bệnh lý như bệnh Huntington hoặc bệnh Parkinson có thể gây ra những cử động vô thức trong lúc ngủ và dẫn đến chứng nghiến răng.
- Tác dụng phụ của thuốc: Nghiến răng có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc, chẳng hạn như nhóm thuốc chống trầm cảm, còn được gọi là các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI). Trong đó, fluoxetine (Prozac) và sertraline (Zoloft) là “thủ phạm” phổ biến nhất trong số các loại thuốc được nghiên cứu.
- Hội chứng ngưng thở khi ngủ: Đây là một rối loạn giấc ngủ khiến người bệnh có những cơn ngưng thở nhiều lần trong lúc ngủ. Hội chứng này có thể gây gián đoạn và làm giảm chất lượng giấc ngủ. Vì vậy, đây cũng là một yếu tố nguy cơ thúc đẩy việc bạn nghiến răng trong khi ngủ.
- Các rối loạn khác: Một số rối loạn khác như chứng ngủ ngáy, rối loạn tăng động giảm chú ý, trào ngược dạ dày thực quản… cũng có thể góp phần gây ra chứng nghiến răng trong lúc ngủ.
Nghiến răng kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng như thế nào?
Mặc dù nghiến răng ít khi nào là một vấn đề nguy hiểm nhưng nếu không có sự điều trị hoặc kiểm soát kịp thời, bạn có thể gặp phải một số vấn đề đáng lo ngại như:
- Ê buốt răng do men răng bị bào mòn
- Viêm nướu hoặc chảy máu nướu
- Răng dẹt và ngắn
- Răng lung lay, dễ gãy
- Hội chứng rối loạn khớp thái dương hàm gây đau đầu, đau cơ hàm, khó nhai…
- Ảnh hưởng đến một số điều trị nha khoa như làm hỏng vật liệu trám răng, mão răng, công cụ niềng răng….
Làm sao để giảm nghiến răng trong lúc ngủ?
Nếu bạn đã biết được thông tin về việc tại sao ngủ lại nghiến răng và hậu quả lâu dài của tình trạng này thì điều quan trọng tiếp theo là bạn cần biết cách kiểm soát vấn đề. Trước tiên, bạn có thể thử một số giải pháp tại nhà giúp giảm tình trạng nghiến răng hoặc giảm các triệu chứng sưng đau do nghiến răng. Một số lời khuyên sau đây thường hữu ích:
Những điều bạn nên làm để giảm nghiến răng
- Thử những phương pháp giúp bạn giải tỏa căng thẳng và thư giãn, chẳng hạn như nghe nhạc, tập thể dục, yoga, thiền, các bài tập thở…
- Cố gắng cải thiện chất lượng giấc ngủ như đảm bảo phòng ngủ mát mẻ, đủ tối, duy trì thói quen đi ngủ và dậy cùng một thời điểm và làm những điều giúp bạn thư giãn trước giờ đi ngủ
- Nếu bạn bị sưng đau hàm do nghiến răng thì có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol hoặc ibuprofen. Bên cạnh đó, bạn có thể chườm lạnh bằng túi đá trong 20 đến 30 phút để giảm sưng đau vùng hàm mặt.
Những điều bạn không nên làm để giảm nghiến răng
- Hạn chế hoặc không hút thuốc
- Không lạm dụng rượu bia
- Không nên dùng các chất kích thích như thuốc lắc hoặc cocaine
- Không nên nhai kẹo cao su hoặc thức ăn thô cứng nếu bạn bị sưng đau hàm.
Cuối cùng, điều cần thiết nhất là bạn nên đi khám răng định kỳ mỗi năm hoặc nên sớm đi nha khoa nếu các vấn đề do nghiến răng trở nên nghiêm trọng. Nha sĩ có thể đề xuất bạn sử dụng một loại dụng cụ chống nghiến răng và giúp bảo vệ răng miệng. Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã “bỏ túi” được nhiều thông tin hữu ích về việc tại sao ngủ lại nghiến răng và cách xử lý hiệu quả tại nhà.
[embed-health-tool-bmi]