Lưỡi là một bộ phận quan trọng, có vai trò giúp bạn nếm thức ăn, nuốt và nói. Ở trạng thái khỏe mạnh, lưỡi sẽ có màu hồng nhạt và được bao phủ bởi các nụ vị giác còn gọi là nhú lưỡi hoặc gai lưỡi. Tuy nhiên, nếu lưỡi của bạn đổi sang màu đỏ và sưng lên, tình trạng này được gọi là lưỡi dâu tây.
Thực chất, lưỡi dâu tây không phải là bệnh. Đây là triệu chứng của một tình trạng sức khỏe hoặc bệnh lý khác. Bạn có thể tìm hiểu chi tiết hơn về nguyên nhân, phương pháp chẩn đoán và điều trị vấn đề này trong bài viết sau đây.
Lưỡi dâu tây là gì?
Lưỡi dâu tây là tình trạng lưỡi chuyển từ màu hồng sang màu đỏ và sưng to. Trong nhiều trường hợp, các nụ vị giác trở nên to và đỏ, nằm rải rác trên bề mặt lưỡi khiến lưỡi có hình dạng như một quả dâu tây hoặc quả mâm xôi. Đôi khi, lưỡi của người bệnh cũng có thể có màu trắng, kéo dài trong vài ngày trước khi chuyển sang màu đỏ.
Lưỡi dâu tây không phải là một bệnh lý mà là một triệu chứng của một tình trạng hoặc các rối loạn tiềm ẩn. Khi xác định được nguyên nhân, việc chẩn đoán và điều trị thường hiệu quả để giúp lưỡi của bạn trở lại hình dạng bình thường.
Mách bạn 5 nguyên nhân phổ biến gây ra triệu chứng lưỡi dâu tây
Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân gây ra triệu chứng lưỡi dâu tây. Việc tìm hiểu từng nguyên nhân và các triệu chứng riêng biệt của mỗi tình trạng có thể giúp bạn sớm nhận biết để đi khám và điều trị. Sau đây là một số nguyên nhân phổ biến có thể gây ra lưỡi dâu tây:
1. Sốt tinh hồng nhiệt (sốt Scarlet)
Tình trạng viêm họng (viêm amidan) hoặc nhiễm trùng da không được điều trị đúng cách có thể tiến triển thành một bệnh nhiễm trùng gọi là sốt tinh hồng nhiệt (sốt Scarlet). Đây là bệnh do vi khuẩn liên cầu nhóm A gây ra. Ban đầu, lưỡi của người bệnh có thể màu trắng rồi sau đó mới chuyển sang màu đỏ. Ngoài gây ra tình trạng lưỡi dâu tây, các triệu chứng khác của sốt tinh hồng nhiệt bao gồm:
- Phát ban đỏ trên phần lớn cơ thể
- Sốt cao
- Đau họng
- Đau đầu
- Đau bụng
- Mệt mỏi, buồn nôn, ăn không ngon.
Trên thực tế, sốt tinh hồng nhiệt thường phổ biến ở trẻ từ 5 đến 15 tuổi hơn so với người lớn.
2. Lưỡi dâu tây xảy ra do dị ứng thực phẩm hoặc thuốc
Bạn cũng có thể gặp tình trạng lưỡi dâu tây nếu dị ứng với thực phẩm hoặc loại thuốc nào đó. Dị ứng còn có thể gây ra các triệu chứng khác như:
- Ngứa, chảy nước mắt
- Phát ban
- Ngứa miệng
- Khó thở…
Trong trường hợp nghiêm trọng, dị ứng có thể gây ra một hiện tượng đe dọa tính mạng được gọi là sốc phản vệ.
3. Hội chứng sốc nhiễm độc (Toxic shock syndrome – TSS)
Hội chứng sốc nhiễm độc là tình trạng nhiễm độc máu do độc tố của vi khuẩn gây ra. Mặc dù đây là hội chứng hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng. Sốc nhiễm độc xảy ra thường liên quan đến việc sử dụng băng vệ sinh nhưng đôi khi cũng được phát hiện ở người nhét gạc, khăn giấy vào mũi để cầm máu mũi. Lưỡi dâu tây là một trong những triệu chứng của hội chứng sốc nhiễm độc. Bên cạnh đó, nếu có các triệu chứng khác sau đây thì bệnh nhân cần được nhập viện khẩn cấp:
- Sốt cao đột ngột
- Buồn nôn, nôn mửa
- Tiêu chảy
- Đau đầu
- Đau mỏi cơ, yếu cơ
- Khát nước
- Tim đập nhanh
- Phát ban đỏ
- Khó thở, chóng mặt, tụt huyết áp.
4. Lưỡi dâu tây do bệnh Kawasaki
Bệnh Kawasaki là bệnh viêm mạch máu cấp tính, tổn thương xảy ra chủ yếu trên các mạch máu có kích thước trung bình và nhỏ. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là ở trẻ nhỏ. Kawasaki là một bệnh khó chẩn đoán vì không có xét nghiệm đặc hiệu nên dựa vào các triệu chứng là chính. Một người mắc bệnh Kawasaki sẽ có những biểu hiện sau đây:
- Sốt cao liên tục
- Mắt đỏ, có thể tiết dịch
- Tay chân, đầu ngón tay/ ngón chân bị phù nề, đỏ tím, bong da
- Phát ban toàn thân
- Biến đổi khoang miệng như môi đỏ, lưỡi đỏ nổi gai (lưỡi dâu tây).
5. Lưỡi dâu tây do thiếu hụt vitamin
Hàm lượng vitamin B-12 và folate thấp có thể gây ra tình trạng lưỡi dâu tây. Những triệu chứng phổ biến và rõ ràng hơn khi cơ thể thiếu hụt vitamin bao gồm mệt mỏi, yếu ớt, chóng mặt, vàng da, trí nhớ kém…
Các biến chứng liên quan đến lưỡi dâu tây
Lưỡi là cơ quan rất quan trọng. Vì vậy, tình trạng lưỡi dâu tây có thể khiến người bệnh cảm thấy đau và khó chịu. Bạn cũng dễ cắn vào lưỡi hơn bình thường vì lưỡi đang sưng to. Thêm vào đó, bạn cũng sẽ gặp khó khăn hơn khi nhai và nuốt thức ăn, đồ uống cho đến khi lưỡi hết sưng.
Về cơ bản, lưỡi dâu tây không gây rủi ro trực tiếp nhưng các biến chứng có thể đến từ các tình trạng, bệnh lý gây ra triệu chứng này, chẳng hạn như:
- Bệnh Kawasaki có thể gây tổn thương động mạch vành, dẫn đến viêm động mạch kéo dài.
- Hội chứng nhiễm độc tố (TSS) có thể gây tổn thương nhanh chóng các cơ quan như tim, phổi, gan, thận… và dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
- Sốt tinh hồng nhiệt có thể điều trị được nhưng trong một số trường hợp vẫn có thể dẫn đến các biến chứng như viêm tai, viêm xoang, viêm phổi, sốt thấp khớp…
- Đối với một số trường hợp lưỡi dâu tây liên quan đến dị ứng thực phẩm hoặc thuốc, nếu nghiêm trọng có thể dẫn đến sốc phản vệ rất nguy hiểm.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị lưỡi dâu tây
Lưỡi dâu tây được chẩn đoán như thế nào? Hiện nay, không có phương pháp đặc hiệu dùng để chẩn đoán và điều trị lưỡi dâu tây. Thay vào đó, tình trạng này thường được chẩn đoán, điều trị dựa vào các triệu chứng đi kèm cũng như nguyên nhân gây ra vấn đề.
Phương pháp chẩn đoán
Thông thường, bác sĩ có thể hỏi về tiền sử bệnh, thời điểm xảy ra các thay đổi đối với lưỡi cũng như dựa trên các triệu chứng nào khác mà bạn thông báo để chẩn đoán nguyên nhân gây ra lưỡi dâu tây. Trong một số trường hợp, chẳng hạn như nghi ngờ thiếu vitamin, nhiễm khuẩn, nhiễm virus, bác sĩ có thể đề nghị làm xét nghiệm máu để xác nhận chẩn đoán. Nếu nghi ngờ lưỡi sưng đỏ do dị ứng, bác sĩ có thể đề nghị làm các xét nghiệm riêng biệt để chẩn đoán tác nhân gây dị ứng.
Phương pháp điều trị
Việc điều trị lưỡi dâu tây sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Trong đó bao gồm một số trường hợp như:
- Sốt tinh hồng nhiệt: Điều trị bằng kháng sinh với liều lượng thích hợp
- Dị ứng: Bệnh nhân sử dụng thuốc kháng histamin
- Bệnh Kawasaki: Giai đoạn điều trị đầu tiên tập trung vào mục đích giảm sốt và viêm. Các loại thuốc như aspirin có thể được chỉ định để giảm viêm. Bệnh nhân cũng có thể cần Globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch (Immune globulin IV) để điều trị.
- Hội chứng sốc nhiễm độc: Bệnh nhân gặp hội chứng này cần được nhập viện để cấp cứu và điều trị sớm. Sốc nhiễm độc có thể cần dùng đến kháng sinh để chống lại nhiễm trùng và kèm theo đó là dùng thuốc ổn định huyết áp. Nếu bệnh nhân mất nước do nôn mửa có thể cần thêm bước truyền dịch.
- Lưỡi dâu tây do thiếu hụt vitamin: Bạn sẽ cần thay đổi chế độ ăn uống bằng cách bổ sung thực phẩm giàu vitamin B. Trường hợp thiếu vitamin B12 nghiêm trọng, bạn có thể cần được bổ sung qua đường tiêm.
Nhìn chung, lưỡi dâu tây là vấn đề có thể điều trị được. Tuy nhiên, bạn không nên chủ quan vì đây là triệu chứng của nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau và có thể đó là một tình trạng nguy hiểm. Do đó, việc quan trọng là hãy chú ý đến các triệu chứng để có hướng xử lý, điều trị kịp thời nhé!
[embed-health-tool-bmi]