backup og meta

Cười hở lợi và những điều bạn cần biết!

Cười hở lợi và những điều bạn cần biết!

Cười hở lợi là tình trạng phần lợi (nướu) hở nhiều khi bạn cười khiến cho nụ cười trở nên mất thẩm mỹ, mất đi sự tự tin trong tình huống giao tiếp hằng ngày.

Vì thế, có không ít người mắc phải tình trạng này tìm cách cải thiện để có thể sở hữu nụ cười tỏa nắng, từ đó có được sự tự tin trong cuộc sống hằng ngày. Hãy cùng HelloBacsi tìm hiểu về tình trạng hở lợi và những cách điều trị phổ biến hiện nay nhé!

Cười hở lợi là gì? Dấu hiệu nhận biết nụ cười hở lợi

Cười hở lợi có thể được hiểu là tình trạng khi cười sẽ khiến phần nướu hàm trên bị lộ ra ngoài quá nhiều.

Cười hở lợi không phải là một tình trạng gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Thường thì tình trạng này chủ yếu gây ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ và sẽ được nhận biết bởi:

  • Chiều cao và hình dạng của răng
  • Vị trí của môi khi cười
  • Phần lệch giữa hàm trên so với toàn khuôn mặt

Theo bài nghiên cứu của J Dentofacial Anom Orthod (2015), nướu lộ ra từ 2-3mm hoặc hơn khi bạn cười thì được gọi là nụ cười hở lợi. Tình trạng cười bị hở lợi sẽ xảy ra phổ biến hơn ở nữ giới và tỷ lệ mắc phải tình trạng này sẽ là 10% ở độ tuổi 20 đến 30.

Nguyên nhân gây ra tình trạng cười hở lợi

Theo nghiên cứu, có một số nguyên nhân gây ra tình trạng cười hở lợi. Sau đây là 3 nguyên nhân phổ biến nhất:

1. Quá trình mọc răng có sự khác thường

Quá trình mọc răng trưởng thành sau khi nhổ răng sữa là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng cười hở lợi. Nếu phần nướu che phủ bề mặt răng quá nhiều khi răng đang mọc hoặc sự phát triển mạnh mẽ của xương hàm theo chiều dọc cũng là một trong những tình huống có thể xảy ra khi đang mọc răng trưởng thành. Được biết, những nguyên nhân này có tính di truyền.

2. Đường cười quá cao

Có 3 đường cười chính:

  • Đường cười thấp: lộ ra dưới 75% răng
  • Đường cười trung bình: lộ khoảng 75-100% chiều cao thân răng
  • Đường cười cao: lộ 100% thân răng và hơn 2mm phần nướu hàm trên

Nướu lộ ra nhiều thường xảy ra ở người có môi trên mỏng. Ngoài ra, nếu môi di chuyển quá nhiều khi cười sẽ có thể làm lộ nướu nhiều hơn.

3. Ảnh hưởng do tác dụng phụ của thuốc

Có một số loại thuốc có thể gây ra tình trạng tăng sản lợi làm cho lợi phát triển nhanh và nhiều xung quanh răng. Bạn cần chú ý các loại thuốc chống co giật, thuốc ức chế hệ miễn dịch hoặc thuốc điều trị huyết áp cao có thể gây ra sự tăng trưởng quá mức của nướu răng.

Đối với trường hợp này, bạn cần nhờ đến sự điều trị của bác sĩ. Tránh để tình trạng này diễn ra quá lâu vì sự phát triển quá mức của nướu có thể dẫn đến bệnh nha chu.

5 phương pháp điều trị tình trạng cười hở lợi

Điều trị tình trạng cười hở lợi
Tiêm botox là phương pháp điều trị tình trạng cười hở lợi

Hiện nay, có rất nhiều kỹ thuật tiên tiến giúp điều trị tình trạng gây mất tự tin này. Bạn có thể chọn phương pháp điều trị có sự can thiệp của dao kéo hay đơn giản hơn là tiêm botox. Hãy cùng HelloBacsi tìm hiểu về những phương pháp đang có mặt trên thị trường nhé!

1. Cắt lợi thẩm mỹ

Phương pháp cắt lợi thẩm mỹ là phương pháp tạo đường viền nướu và loại bỏ các mô nướu thừa khiến răng trông nhỏ hơn. Phương pháp này sẽ có tác dụng rất lâu và thậm chí là vĩnh viễn. Chi phí cho một ca cắt lợi thẩm mỹ sẽ dao động trong khoảng giá 12-17 triệu đồng.

2. Phẫu thuật định vị môi

Phương pháp phẫu thuật định vị môi sẽ được tiến hành khi bác sĩ xác định được môi là nguyên nhân gây ra tình trạng cười hở lợi. Phương pháp phẫu thuật này được thực hiện nhằm loại bỏ một phần mô liên kết từ mặt dưới của môi trên. Điều này sẽ ngăn cản các cơ nâng ở vùng môi và mũi của bạn nâng môi trên lên quá cao so với răng. Tuy có ưu điểm là tác dụng kéo dài nhưng cũng có một số trường hợp bệnh nhân tái phát trong khoảng 3 tháng sau phẫu thuật.

3. Phẫu thuật chỉnh hình xương hàm

Nếu lý do khiến bạn lộ nướu quá mức khi cười là do cấu trúc xương hàm, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện phương pháp phẫu thuật chỉnh hình xương hàm. Phương pháp này sẽ giúp cân bằng độ dài của hàm trên và hàm dưới. Chi phí dao động trong khoảng mức 80 – 90 triệu đồng cho một ca phẫu thuật.

4. Tiêm botox để điều trị tình trạng cười hở lợi

Đây là một trong những phương pháp điều trị tình trạng cười hở lợi mà không cần đến dao kéo. Phương pháp này được thực hiện nếu môi trên quá mỏng và bị kéo lên quá xa so với đường viền nướu khi cười. Bác sĩ sẽ đề xuất phương pháp này nếu bạn không thích phẫu thuật và tác dụng của phương pháp này chỉ kéo dài trong khoảng 6-8 tháng. Chi phí cho 1 lần tiêm botox sẽ trong khoảng 5-15 triệu.

5. Tiêm filler

Tương tự như phương pháp trên, tiêm filler cũng là một phương pháp giúp làm đầy phần môi trên. Tác dụng của phương pháp này sẽ kéo dài trong tối đa 8 tháng. Chi phí cho phương pháp tiêm filler sẽ dao động khoảng 5 triệu/1cc (1ml). Tuy nhiên, bạn cần lưu ý phương pháp này sẽ đi kèm với rủi ro. Một số biến chứng có thể xảy ra (tuy hiếm):

  • Mạch máu bị tắc nghẽn, dẫn đến tình trạng mất mô, mù lòa hoặc đột quỵ
  • Hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ có thể phản ứng với chất tiêm filler và từ đó hình thành nốt hoặc u hạt

Để có thể tư vấn cho bạn phương pháp điều trị tình trạng cười hở lợi, bác sĩ không chỉ cần thăm khám kỹ càng để có thể xác định chính xác nguyên nhân mà còn phải dựa vào nhu cầu của bạn. Tình trạng cười hở lợi gây mất thẩm mỹ nhưng không gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, vì thế bạn nên cân nhắc kỹ trước khi tiến hành chữa trị. Bên cạnh đó, bạn nên lựa chọn các cơ sở nha khoa uy tín khi muốn thực hiện các phương pháp điều trị cười hở lợi này.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Gummy Smile: A Review of Etiology, Manifestations, and Treatment https://www.researchgate.net/publication/331961722_Gummy_Smile_A_Review_of_Etiology_Manifestations_and_Treatment Ngày tham khảo: 26/04/2021

Gummy smile: orthodontic or surgical treatment? https://www.semanticscholar.org/paper/Gummy-smile%3A-orthodontic-or-surgical-treatment-Izraelewicz-Djebali-Chabre/c5c9ac26fc3bf4bd62f95ecccd0e508c21a2ae8f Ngày tham khảo: 26/04/2021

Orthodontics Gummy Smile https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK470437/ Ngày tham khảo: 26/04/2021

Gummy smile: orthodontic or surgical treatment? https://www.jdao-journal.org/articles/odfen/pdf/2015/01/odfen2015181p102.pdf Ngày tham khảo: 26/04/2021

Got A Gummy Smile? Don’t Bother It Could Be Fixed https://www.rrdch.org/blog/got-gummy-smile-dont-bother-fixed/ Ngày tham khảo: 26/04/2021

Phiên bản hiện tại

18/11/2022

Tác giả: Phối Linh

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Albert Lê Khôi Việt

Cập nhật bởi: Phối Linh


Bài viết liên quan

Trám răng là gì? Quy trình trám răng diễn ra như thế nào?

Nhổ răng khôn kiêng gì để mau lành? Đừng bỏ qua bài viết sau


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ Albert Lê Khôi Việt

Nha khoa · Nha khoa Premier - Premier Dental Vietnam


Tác giả: Phối Linh · Ngày cập nhật: 18/11/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo