backup og meta

Sáp nha khoa là gì? Dùng sáp chỉnh nha đúng cách, giảm cơn đau hiệu quả

Sáp nha khoa là gì? Dùng sáp chỉnh nha đúng cách, giảm cơn đau hiệu quả

Bạn đang niềng răng và cảm thấy đau vì bị vướng mắc cài, dây kẽm vào nướu, môi và các mô mềm bên trong khoang miệng? Trong trường hợp này, sáp nha khoa (sáp chỉnh nha) chính là “vị cứu tinh” mà bạn đang cần. Loại sáp này sẽ giúp bạn hạn chế cơn đau bằng cách tạo ra một rào cản giữa các mô mềm và mắc cài.

Tham khảo ngay những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi để biết rõ hơn về sáp nha khoa và cách sử dụng sáp chỉnh nha bạn nhé! 

Sáp nha khoa là gì?

Sáp nha khoa hay sáp chỉnh nha là sản phẩm thường được sử dụng cho những người đeo khí cụ niềng răng. Sáp có tính chất mềm, dễ uốn, nhưng không trong suốt. Đây là một hợp chất hữu cơ của các axit béo có nguồn gốc từ các thành phần tự nhiên hoặc tổng hợp hoặc là sự pha trộn của cả hai thành phần này. Trong đó:

  • Sáp tự nhiên thường là parafin, sáp ong, carnauba hoặc bơ ca cao.
  • Sáp tổng hợp được chế tạo từ sáp tự nhiên và các nguyên tố hóa học khác.

Hầu hết các loại sáp chỉnh nha hiện nay trên thị trường chứa khoảng 40 – 60% parafin. Ngoài ra, các chất phụ gia như dầu, chất béo… cũng được thêm vào để tạo cho sáp có bề mặt mịn. Nhờ được tạo thành từ các thành phần tự nhiên, nên sáp chỉnh nha được đánh giá là an toàn đối với người sử dụng. Do đó, câu trả lời cho thắc mắc nuốt sáp nha khoa có sao không là kể cả khi vô tình nuốt sáp chỉnh nha, bạn cũng không gặp bất kỳ ảnh hưởng sức khỏe nào.

Sáp nha khoa được chế tạo thành từng thanh sáp dài khoảng 5cm. Loại sáp này được đóng gói trong hộp nhỏ gọn, tiện lợi mang theo bên mình.

Công dụng của sáp nha khoa

công dụng sáp nha khoa

Sáp nha khoa có công dụng gì hay dùng sáp chỉnh nha để làm gì? Những người đeo niềng răng, nhất là niềng răng kim loại, thường bị đau vì dễ bị vướng mắc cài vào môi, má trong… gây ra các vết rách miệng, chảy máu… Chính vì vậy, đây là những đối tượng nên dùng sáp nha khoa. Sáp chỉnh nha đóng vai trò như một rào cản chắn giữa mắc cài và môi, má trong hoặc lưỡi của người sử dụng. Công dụng chính của sáp nha khoa là giúp giảm bớt cơn đau và sự khó chịu khi đeo khí cụ niềng răng. Sáp thường được bôi vào xung quanh mắc cài để hạn chế sự cọ xát gây kích ứng lên má trong, môi và lưỡi.

Bên cạnh đó, nếu bị mẻ, nứt hoặc gãy một chiếc răng, trong khi bạn chờ cuộc hẹn với nha sĩ, sáp nha khoa có thể là một giải pháp tốt để hạn chế việc các góc răng sắc nhọn làm tổn thương lưỡi và các mô mềm bên trong khoang miệng.

Ngoài ra, sáp nha khoa cũng có thể được dùng để làm giảm các cơn đau răng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tình trạng đau răng có thể do nhiều nguyên nhân. Nếu bạn từng trám răng và miếng trám bị hư hỏng, nứt ra… khiến bạn đau răng, thì sáp chỉnh nha có thể giúp bạn kiểm soát tình trạng ê buốt và đau nhức trong thời gian ngắn, lúc ấy sáp nha khoa có tác dụng như miếng trám tạm che lại lỗ sâu. Nếu bạn bị bệnh nướu răng, sâu răng viêm tủy… thì sẽ không thể sử dụng sáp chỉnh nha để giảm cơn đau. Trong trường hợp này, hãy đặt lịch khám với nha sĩ càng sớm càng tốt để được khám chữa kịp thời.

Mách bạn 7 bước trong cách dùng sáp nha khoa đúng chuẩn 

Bạn có từng băn khoăn cách sử dụng sáp nha khoa như thế nào để có hiệu quả? Đối với những người lần đầu dùng sáp chỉnh nha, ắt hẳn rằng sẽ có nhiều thắc mắc về cách sử dụng. Những bước sau đây sẽ hướng dẫn cách sử dụng sáp nha khoa cho bạn: 

Bước 1: Chọn sáp nha khoa

Sau khi lắp mắc cài, nha sĩ sẽ cung cấp cho bạn những vật dụng cần thiết cho quá trình đeo niềng răng của bạn và thông thường sẽ bao gồm cả sáp nha khoa. Nếu không nhận được sáp chỉnh nha, bạn có thể mua ở hiệu thuốc hoặc tham khảo nha sĩ loại sáp phù hợp. Bởi vì bạn sẽ phải ngậm trực tiếp sáp nha khoa trong miệng và đôi khi có thể vô tình nuốt phải sáp, nên hãy chọn sử dụng sản phẩm đáng tin cậy.

Bước 2: Rửa tay

Trước khi bôi sáp lên răng, bạn cần rửa tay bằng xà phòng trong ít nhất 20 giây và lau khô thật kỹ. Điều này sẽ ngăn ngừa vi khuẩn và vi trùng theo tay vào miệng.

Bước 3: Vệ sinh răng miệng

vệ sinh răng miệng trước khi dùng sáp nha khoa

Để giảm vi khuẩn tích tụ trong răng và loại bỏ thức ăn cũng như mảng bám, hãy chải răng và dùng chỉ nha khoa đúng cách trước khi bôi sáp chỉnh nha.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, nha sĩ có thể đã bôi sáp nha khoa sau khi lắp mắc cài cho bạn. Điều này giúp bạn giảm sự khó chịu khi vừa mới niềng răng. Tuy nhiên, sau một thời gian, sáp sẽ bị lỏng. Vì vậy, cần kiểm tra kỹ nếu còn sáp cũ trên mắc cài và dùng tăm nhẹ nhàng loại bỏ lớp sáp ấy trước khi dán sáp mới. 

Bước 4: Lấy sáp nha khoa

Sau khi vệ sinh tay và răng miệng sạch sẽ, bạn mở một gói sáp nha khoa và lấy một lượng vừa đủ khoảng 0,5cm (nhỏ bằng hạt đậu). Bạn cũng có thể sử dụng nhiều hơn nếu cần thiết. Thông thường, ngay sau khi gắn niềng răng, nhiều người chưa quen với việc có những dị vật sắc nhọn bằng kim loại trong miệng. Vì vậy, đây có thể là thời điểm cần sử dụng nhiều sáp chỉnh nha nhất. Sau khi đã quen đeo niềng răng rồi, các mô mềm bên trong khoang miệng cũng trở nên chai sạn hơn. Khi đó, nhu cầu dùng sáp chỉnh nha sẽ giảm xuống. Thậm chí, nhiều người cũng sẽ không cần dùng sáp nữa.

Sáp nha khoa rất dễ lấy ra. Bạn cũng chỉ nên lấy một phần vừa đủ để che đi dây kim loại quấn quanh mắc cài, hoặc khung dây thừa ra ở răng sau hay phần mắc cài. Sau đó, dùng đầu ngón tay vê miếng sáp lại thành hình tròn giống như khi nặn đất sét. Lăn sáp trong ít nhất 5 giây để viên sáp mềm hơn, dễ sử dụng hơn.

Bước 5: Bôi sáp chỉnh nha

Xác định vị trí bị đau, sưng đỏ, chảy máu… do niềng răng bằng cảm nhận của bạn, bằng tay hoặc bằng cách quan sát. Sau khi đã xác định được vùng bị đau, dùng ngón cái hoặc ngón trỏ để ấn viên sáp lên mắc cài hoặc dây cung.

Dùng ngón tay cái hoặc ngón trỏ, hoặc cả 2 ngón để ấn sáp lên mắc cài hoặc dây cung. Nếu vị trí mắc cài nằm sâu bên trong răng hàm thì chỉ nên dùng ngón trỏ. Luồn ngón trỏ vào sâu bên trong, sau đó dùng thêm lưỡi để hỗ trợ ấn sáp chỉnh nha lên mắc cài.

Cố gắng miết sáp vào vị trí gắn để sáp được dàn đều và dính chặt trên niềng.

Bước 6: Kiểm tra lần cuối

cách dùng sáp nha khoa

Hãy kiên nhẫn xoa sáp chỉnh nha thêm vài lần để đảm bảo sáp dính đúng cách và chắn chắn hơn. 

Bước 7: Để sáp phát huy công dụng

Sau khi bôi, sáp sẽ bao phủ các cạnh nhọn của mắc cài. Các nốt đau trong miệng của bạn sẽ bắt đầu tự lành. Sáp sẽ hoạt động như một rào cản và ngăn chặn kích ứng.

Lưu ý khi dùng sáp nha khoa

Mặc dù việc dùng sáp nha khoa đem lại nhiều công dụng hữu ích, bạn vẫn cần chú ý một số điều sau:

  • Nếu sáp chỉnh nha bắt đầu sứt mẻ, rơi ra, hãy tháo bỏ sáp cũ và thay thế ngay bằng sáp mới. 
  • Ngay cả khi sáp vẫn ở nguyên vị trí, bạn vẫn phải thay sau tối đa 2 ngày. Nguyên nhân là vì thức ăn có thể bám vào sáp, dẫn đến tích tụ vi khuẩn trong miệng, gây sâu răng, viêm lợi, hôi miệng
  • Nếu có thể, bạn nên tháo sáp nha khoa trước khi ăn uống. Lý do là vì sáp có xu hướng bong ra khi bạn nhai hoặc uống chất lỏng quá nóng. 
  • Bạn không nhất thiết phải sử dụng sáp nha khoa trong toàn bộ quá trình đeo niềng răng. Chỉ nên dùng sáp như một biện pháp hỗ trợ để giảm bớt sự khó chịu trong một khoảng thời gian ngắn. Khi bạn quen với cảm giác có mắc cài trong miệng, các mô mềm ở khu vực tiếp xúc với mắc cài sẽ cứng lại để tạo ra lực cản chống lại sự cọ xát.
  • Đối với những trường hợp bị mẻ hoặc gãy răng, không thể dùng sáp nha khoa để gắn lại răng. Sáp chỉ làm giảm tổn thương do vết mẻ răng gây ra cho các mô mềm trong miệng. Đây không phải là giải pháp lâu dài hoặc vĩnh viễn. Bạn nên đến khám nha sĩ càng sớm càng tốt.
  • Bạn nên mang theo sáp chỉnh nha bên mình mọi lúc mọi nơi, vì sáp cũ trên răng có thể rơi ra nếu bạn gắn không đúng cách hoặc ăn uống thực phẩm quá nóng.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu hơn về sáp nha khoa hay sáp chỉnh nha.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Dental Wax: What it is, Where to Get it, and How to Apply it https://www.dentaly.org/us/adult-braces/dental-wax/ Ngày truy cập: 10/02/2022

What is orthodontic wax and does my child need it? https://orthodonticsaustralia.org.au/orthodontic-wax/ Ngày truy cập: 10/02/2022

Dental Waxes–A Review https://rjptonline.org/HTMLPaper.aspx?Journal=Research%20Journal%20of%20Pharmacy%20and%20Technology;PID=2019-12-11-80 Ngày truy cập: 10/02/2022

Dental Wax: Your Sidekick in Living with Braces https://www.yourstraightsmile.com/dental-wax-sidekick-living-braces/ Ngày truy cập: 10/02/2022

What is dental Wax For Braces https://vossdental.com/what-is-dental-wax-for-braces/ Ngày truy cập: 10/02/2022

NAVIGATING ORTHODONTIC WAX: DOS AND DON’TS https://www.labbefamilyortho.com/patient-zone/our-blog/2018/12/navigating-orthodontic-wax-dos-and-donts/ Ngày truy cập: 10/02/2022

What Is Tooth Wax? https://www.colgate.com/en-us/oral-health/adult-orthodontics/what-is-tooth-wax Ngày truy cập: 10/02/2022

Phiên bản hiện tại

27/09/2023

Tác giả: Minh Châu Văn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lâm Trần Thảo Vy

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Hello Bacsi | Nắm được khía cạnh khoa học của bệnh sâu răng

Niềng răng hô làm sao cho xứng đáng với giá tiền bạn bỏ ra?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lâm Trần Thảo Vy

Nha khoa · Nha khoa Cẩm Tú


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 27/09/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo