Miếng bảo vệ răng miệng được sử dụng để giúp bạn tránh nghiến răng khi ngủ hoặc chấn thương khi chơi thể thao. Đồng thời dụng cụ bảo vệ răng miệng này cũng có thể giúp bạn giảm ngáy và chứng ngưng thở khi ngủ.
Tùy thuộc vào nhu cầu của mình, bạn có thể lựa chọn những loại miếng bảo vệ răng miệng khác nhau. Vì thế, bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu dụng cụ bảo vệ răng miệng này có những loại nào và được sử dụng trong trường hợp nào nhé!
Các loại miếng bảo vệ răng miệng
Thông thường, miếng bảo vệ răng miệng được chia làm 3 loại chính tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của bạn.
Miếng bảo vệ răng miệng làm sẵn
Miếng bảo vệ răng miệng làm sẵn là loại dụng cụ được sử dụng rộng rãi và giá cả phải chăng. Bạn có thể tìm thấy dụng cụ bảo vệ răng miệng này ở các cửa hàng bán đồ thể thao và cửa hàng thuốc. Miếng bảo vệ răng này thường có kích cỡ nhỏ, trung bình và lớn, hầu hết các miếng bảo vệ răng chỉ dùng cho hàm răng trên của bạn.
Mặc dù miếng bảo vệ răng miệng làm sẵn dễ tìm và ít tốn kém, nhưng chúng có một số nhược điểm còn hạn chế. Dụng cụ bảo vệ răng miệng này chỉ có 3 kích cỡ cố định, không đáp ứng được kích thước hàm răng của mỗi người, khiến bạn không thoải mái và khó khăn khi sử dụng.
Miếng bảo vệ răng miệng nhiệt tự khít
Tương tự như miếng bảo vệ răng làm sẵn, dụng cụ bảo vệ răng miệng nhiệt tự khít đều được bán ở các nhà thuốc và thường không đắt tiền. Dụng cụ bảo vệ răng miệng nhiệt tự khít thường không đa dạng về kích cỡ, bạn có thể tùy chỉnh dụng cụ này để phù hợp với răng của bạn.
Để sử dụng miếng bảo vệ răng miệng nhiệt tự khít, bạn cần đun sôi dụng cụ bảo vệ miệng cho đến khi mềm ra, sau đó đặt lên răng cửa của bạn và cắn xuống tạo dấu răng trên bề mặt. Để luôn cảm thấy thoải mái, bạn hãy làm theo đúng các hướng dẫn sử dụng.
Miếng bảo vệ răng miệng thiết kế
Bạn có thể mua miếng bảo vệ răng miệng thiết kế do nha sĩ làm bằng cách đến các trung tâm nha khoa. Nha sĩ sẽ lấy dấu hàm răng của bạn để tạo ra một miếng bảo vệ dành riêng cho cấu trúc răng miệng của bạn.
Dụng cụ bảo vệ răng miệng thiết kế cho sự phù hợp tốt hơn nhiều so với một miếng bảo vệ miệng làm sẵn hoặc nhiệt tự khít. Bạn sẽ cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn và khó rơi ra trong khi bạn ngủ do miếng bảo vệ răng ôm sát khít vào răng của bạn.
Mỗi dụng cụ bảo vệ răng miệng đều có những lợi thế khác nhau, tuy nhiên bạn cần hiểu rõ được tùy thuộc các trường hợp mà bạn nên sử dụng loại nào cho hợp lý và hiệu quả.
Bạn nên dùng miếng bảo vệ răng miệng nào?
Các loại dụng cụ bảo vệ răng miệng thường trông giống nhau về hình thức, nhưng chúng có thể có các chức năng rất khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của bạn.
Dùng miếng bảo vệ răng miệng khi chơi thể thao
Một số môn thể thao và hoạt động thể chất có nguy cơ cao khiến bạn dễ té ngã hoặc dẫn đến chấn thương, ảnh hưởng đến khuôn mặt của bạn. Dụng cụ bảo vệ răng miệng có thể giúp bảo vệ răng của bạn và tránh bị tổn thương môi hoặc lưỡi.
Bạn nên sử dụng miếng bảo vệ răng miệng khi chơi các môn thể thao dưới đây:
- Đạp xe
- Đấu vật
- Bóng rổ
- Bóng đá
- Trượt ván
- Quyền Anh
- Trượt patin
- Bóng chuyền
Trong hầu hết các trường hợp, miếng bảo vệ răng miệng làm sẵn hoặc nhiệt tự khít là một sự lựa chọn tốt để bảo vệ hàm của bạn khi chơi thể thao.
Miếng bảo vệ răng miệng làm sẵn ít tốn kém nhất và có thể là một lựa chọn tốt nếu thỉnh thoảng bạn chỉ đeo một lần. Mặc dù đắt hơn một chút, nhưng miếng bảo vệ răng miệng nhiệt tự khít mang lại sự vừa vặn, giúp cố định tốt hơn. Nếu bạn tham gia vào các môn thể thao tác động cao, dụng cụ bảo vệ răng miệng nhiệt tự khít là một lựa chọn tốt hơn cho bạn.
Dùng miếng bảo vệ răng miệng khi bị chứng nghiến răng
Nghiến răng là dạng rối loạn vận động liên quan đến giấc ngủ có thể gây ra một loạt các vấn đề như đau răng, đau hàm, đau nướu và cũng có thể làm hỏng răng của bạn. Giải pháp đeo dụng cụ bảo vệ răng miệng trong khi ngủ có thể giúp ngăn cách răng trên và dưới của bạn tránh gây tổn hại cho nhau khi nghiến.
Trong hầu hết trường hợp nghiến răng, dụng cụ bảo vệ răng miệng thiết kế là sự lựa chọn thích hợp cho bạn. Miếng bảo vệ răng miệng làm sẵn khó giữ đúng vị trí và không thoải mái, có thể gây khó ngủ. Miếng bảo vệ răng nhiệt tự khít mang lại sự vừa vặn hơn, nhưng sẽ trở nên giòn và yếu khi sử dụng thường xuyên.
Khi bạn không chắc chắn liệu bạn có cần dùng dụng cụ bảo vệ răng miệng khi bị nghiến răng hay không, bạn có thể thử dùng miếng bảo vệ răng nhiệt tự khít trong vài đêm. Nếu điều này mang lại hiệu quả, bạn hãy nói chuyện với nha sĩ của bạn về việc làm miếng bảo vệ răng riêng cho bạn.
Dùng miếng bảo vệ răng miệng do chứng ngưng thở khi ngủ
Chứng ngưng thở khi ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ khiến một người tạm thời ngừng thở khi ngủ. Điều này có thể ngăn não bạn nhận đủ oxy, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ, đồng thời cũng có thể gây ra việc ngáy quá mức và khiến bạn cảm thấy lảo đảo, chóng mặt vào ngày hôm sau.
Nếu bạn bị ngưng thở khi ngủ nhẹ, dụng cụ bảo vệ răng miệng thiết kế có thể mang lại hiệu quả bằng cách đẩy hàm dưới và lưỡi, giữ cho đường thở của bạn mở.
Dùng miếng bảo vệ răng miệng khi bạn muốn giảm ngáy
Dụng cụ bảo vệ răng miệng có thể giúp bạn giảm ngáy xảy ra do sự rung động của các mô mềm ở đường hô hấp trên. Miếng bảo vệ này có tác dụng giảm ngáy tương tự như chứng ngưng thở khi ngủ, bằng cách kéo hàm dưới về phía trước để giữ cho đường thở của bạn mở.
Nếu tình trạng ngáy làm cản trở cuộc sống hàng ngày của bạn, bạn hãy trao đổi với nha sĩ về các lựa chọn dụng cụ bảo vệ răng miệng thiết kế. Nha sĩ có thể làm riêng cho bạn miếng bảo vệ răng hoặc giới thiệu loại đã có hiệu quả cho bệnh nhân trước đây.
Cách bảo quản miếng bảo vệ răng miệng
Bạn nên lưu ý những điều sau đây khi bảo quản dụng cụ bảo vệ răng miệng:
- Kiểm tra và thay thế dụng cụ định kỳ
- Sử dụng hộp bảo quản dụng cụ thông thoáng, khô ráo và nhiều lỗ khí
- Rửa sạch dụng cụ trước và sau khi sử dụng bằng kem và bàn chải răng
- Không để dụng cụ ở nơi có nhiệt độ cao hoặc ánh sáng trực tiếp chiếu vào
- Tránh để người khác dùng chung vì mỗi người có kích thước hàm khác nhau
Miếng bảo vệ răng miệng là vật dụng rất hiệu quả trong việc bảo vệ hàm và hỗ trợ bạn trong cả giấc ngủ. Nếu bạn không biết nên chọn dụng cụ bảo vệ răng miệng nào, bạn hãy hỏi ý kiến nha sĩ để được tư vấn nhé.
Hoàng Trí HELLO BACSI
[embed-health-tool-bmi]