Viêm phần phụ là bệnh lý phụ khoa thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng khó lường như vô sinh và mang thai ngoài tử cung. Vậy viêm phần phụ là gì? Làm sao để điều trị và ngăn ngừa hiệu quả?
Viêm phần phụ là gì?
Viêm phần phụ là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở vòi trứng, buồng trứng và hệ thống các dây chằng xung quanh. Các cơ quan này đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng trong chức năng sinh lý, đời sống tình dục và sinh sản ở phụ nữ. Do đó, việc viêm nhiễm, nhất là viêm nhiễm kéo dài, tái đi tái lại nhiều lần có thể ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, khả năng sinh sản và tâm lý của chị em.
Viêm phần phụ thường bắt đầu từ viêm vòi trứng, sau đó lan ra các khu vực lân cận. Viêm phần phụ có hai thể là viêm phần phụ cấp tính và viêm phần phụ mãn tính.
Nguyên nhân gây viêm phần phụ
Tác nhân chính gây viêm phần phụ là các loại vi khuẩn gây bệnh qua đường sinh dục, như Chlamydia trachomatis, Neisseria gonorrhoeae, Mycoplasma hominis, Streptococcus agalactiae…
Quá trình viêm nhiễm phần phụ thường xuất phát từ các nguyên nhân sau:
Quan hệ tình dục không an toàn
Quan hệ tình dục không an toàn, quan hệ tình dục với nhiều bạn tình dễ khiến bạn mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, gây viêm nhiễm phần phụ.
Viêm phụ khoa kéo dài, không điều trị dứt điểm
Tình trạng viêm ở các bộ phận sinh dục nữ khác như âm đạo, cổ tử cung, nội mạc tử cung nếu không điều trị dứt điểm có thể tái phát, thậm chí lan rộng gây viêm phần phụ.
Vệ sinh vùng kín không đúng cách
Việc vệ sinh vùng kín không đúng cách, thường xuyên thụt rửa hoặc sử dụng các sản phẩm không phù hợp có thể dẫn đến kích ứng, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển.
Đặc biệt, âm đạo trở nên nhạy cảm và ẩm ướt hơn khi vào kỳ kinh nguyệt. Vì vậy, chị em cần lưu ý vệ sinh kỹ càng để đảm bảo vùng kín sạch sẽ, tránh viêm nhiễm.
Thực hiện thủ thuật y tế không an toàn
Việc thực hiện các thủ thuật ở vùng sinh dục nữ như nạo phá thai, đặt vòng tránh thai, phẫu thuật vùng tiểu khung hay những can thiệp trong quá trình sinh nở không đảm bảo vô trùng cũng dễ gây viêm phần phụ.
Triệu chứng của viêm phần phụ là gì?
Viêm phần phụ thể cấp tính và mãn tính có những biểu hiện khác nhau. Viêm phần phụ cấp tính thường có các biểu hiện rõ rệt, rầm rộ. Ở thể này, nếu điều trị tích cực, bệnh có thể khỏi hẳn.
Các triệu chứng viêm phần phụ cấp tính gồm:
- Đau hạ vị
- Sốt
- Cảm giác ớn lạnh, rét run
- Nắn bụng thấy đau, đau nhiều hơn ở một bên.
Trường hợp viêm phần phụ cấp tính đã chuyển thành mãn tính thì rất khó điều trị khỏi hoàn toàn và thường tái phát nhiều lần, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh.
Các triệu chứng viêm phần phụ mãn tính gồm:
- Đau hạ vị lúc ít, lúc nhiều. Cơn đau thường tăng khi vận động mạnh
- Sốt nhẹ hoặc không sốt
- Dịch tiết âm đạo bất thường, có mùi khó chịu, đôi khi lẫn mủ
- Rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh dữ dội, rong kinh, rong huyết.
Các triệu chứng viêm phần phụ có thể nhầm lẫn với dấu hiệu của một số bệnh lý ở cơ quan khác. Do đó, khi có biểu hiện bất thường, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị. Bạn tuyệt đối không chủ quan, e ngại, tự mày mò tìm cách xử lý khiến bệnh tình chuyển nặng.
Biến chứng của viêm phần phụ
Mang thai ngoài tử cung
Viêm phần phụ có thể gây tổn thương và tắc nghẽn vòi trứng. Điều này khiến trứng đã thụ tinh không di chuyển được vào tử cung nên làm tổ ở ngoài tử cung, dẫn đến hiện tượng mang thai ngoài tử cung. Tình trạng này cực kỳ nguy hiểm, vì khối thai nếu vỡ có thể gây chảy máu trong ồ ạt, đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Vô sinh, hiếm muộn
Viêm phần phụ có thể gây dính vòi trứng, khiến trứng khó di chuyển xuống tử cung để thụ tinh. Ngoài ra, bệnh cũng ảnh hưởng đến quá trình sản xuất trứng và giảm chất lượng trứng.
Áp xe phần phụ
Viêm phần phụ nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến hình thành áp xe phần phụ. Áp xe phần phụ là tình trạng tích tụ mủ ở buồng trứng, vòi trứng hoặc các cơ quan xung quanh. Áp xe là một nhiễm trùng sâu và có thể gây ra biến chứng cấp tính đe doạ tính mạng như nhiễm trùng huyết.
Nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng
Viêm nhiễm phần phụ có thể lan sang các khu vực lân cận và gây viêm hoặc nhiễm trùng ở các bộ phận khác như viêm phúc mạc, nhiễm trùng máu…
Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống
Các triệu chứng viêm phần phụ như sốt, đau mỏi, rối loạn kéo dài có thể khiến người bệnh suy nhược, kém tập trung, giảm sút sức khỏe thể chất và tinh thần.
Chẩn đoán và điều trị viêm phần phụ
Chẩn đoán viêm phần phụ
Để chẩn đoán viêm phần phụ, đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về các triệu chứng và tiền sử bệnh. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng và có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm như:
- Xét nghiệm máu
- Xét nghiệm nước tiểu
- Kiểm tra dịch âm đạo
- Siêu âm, chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ…
Điều trị viêm phần phụ
Việc điều trị viêm phần phụ phụ thuộc vào mức độ và tình trạng bệnh. Vì là bệnh nhiễm trùng nên bác sĩ sẽ sử dụng kháng sinh, thường là phối hợp. Trong một số trường hợp, viêm phần phụ có thể cần được điều trị bằng phẫu thuật, đặc biệt là khi nó đã gây biến chứng như áp xe, dính buồng trứng/ vòi trứng…
Phòng ngừa viêm phần phụ
Bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa viêm phần phụ và các bệnh phụ khoa khác bằng những phương pháp đơn giản và hiệu quả sau:
- Quan hệ tình dục an toàn: Điều này giúp bạn ngăn chặn các bệnh lây truyền qua đường tình dục và giảm nguy cơ mắc viêm phần phụ.
- Vệ sinh vùng kín đúng cách: Không thụt rửa hoặc dùng các chất tẩy rửa mạnh vì có thể gây kích ứng, mất cân bằng vi khuẩn tự nhiên. Lưu ý vệ sinh kỹ càng trong thời gian hành kinh và sau quan hệ tình dục.
- Điều trị dứt điểm các bệnh phụ khoa: Nếu bạn có các bệnh phụ khoa như viêm âm đạo, viêm lộ tuyến cổ tử cung… hãy đảm bảo bạn đã điều trị triệt để theo phác đồ của bác sĩ. Điều này giúp tránh tình trạng viêm lan sang các khu vực, hạn chế nguy cơ bị viêm phần phụ.
- Khám phụ khoa định kỳ: Đi khám phụ khoa định kỳ 6-12 tháng/lần giúp phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý phụ khoa, bao gồm viêm phần phụ.
- Thực hiện lối sống lành mạnh: Tập thể dục đều đặn, duy trì cân nặng khỏe mạnh, xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý và học cách kiểm soát căng thẳng sẽ giúp bạn nâng cao sức khỏe tổng thể và tăng cường sức đề kháng.
Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu thêm viêm phần phụ là gì và những hậu quả nó có thể gây ra nếu không được điều trị đúng cách. Để duy trì sức khỏe sinh sản tốt, bạn cần thật sự quan tâm và lắng nghe cơ thể, không chủ quan khi gặp các biểu hiện bất thường để phát hiện sớm và xử lý triệt để các vấn đề phụ khoa.
[embed-health-tool-ovulation]